Cai Lậy BOT Vietnam
© Quốc VũNgười dân hồ hởi sau quyết định tạm dừng thu phí trạm BOT Cai Lậy
'Không hợp lòng dân thì phải sửa'

Tối 4-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan cùng lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang để tìm giải pháp cho trạm thu phí BOT Cai Lậy.

Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, tuyến tránh Cai Lậy là một trong 88 tuyến giao thông được xây dựng theo hình thức BOT. Thanh tra Bộ KH&ĐT, Kiểm toán Nhà nước đã vào kiểm tra dự án này và hiện Thanh tra Bộ GTVT đang kiểm tra theo chỉ đạo của Thủ tướng. "Nếu phát hiện ai có sai phạm, kể cả bộ trưởng, đều sẽ kỷ luật nghiêm khắc" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT đã báo cáo ba phương án đối với tuyến tránh Cai Lậy. Sau khi lắng nghe các ý kiến đối với các phương án này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định tạm dừng thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy 1-2 tháng để Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan tiếp tục làm rõ mọi vấn đề, đồng thời đề xuất phương án trên cơ sở khoa học và phù hợp thực tiễn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Có những vấn đề đúng pháp luật, đúng quy trình nhưng không phù hợp thực tiễn, không hợp lòng dân thì chúng ta vẫn phải nghiêm túc lắng nghe, cầu thị tiếp thu để sửa chữa". Thủ tướng cũng khẳng định chủ trương xây dựng hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là đúng đắn và cần tiếp tục hình thức này để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại.

Trên tinh thần đó, trong khi Bộ GTVT hoàn thiện phương án cuối cùng trình Thường trực Chính phủ quyết định, các cơ quan liên quan cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm như khai tăng khối lượng, cũng như xem lại mức phí và vị trí đặt trạm thu phí để vừa bảo đảm quyền lợi của người dân vừa góp phần thúc đẩy các dự án BOT giao thông. Kiên quyết không được để vấn đề kinh tế phát sinh thành các bất ổn xã hội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ GTVT đánh giá tổng thể cơ chế, chính sách đầu tư đối với các dự án BOT, đẩy mạnh triển khai việc thu phí không dừng ở những tuyến có điều kiện.

Sau khi Thường trực Chính phủ quyết định phương án cuối cùng đối với dự án tuyến tránh Cai Lậy, Bộ GTVT cùng Bộ TT&TT sẽ tổ chức họp báo để công bố công khai, minh bạch phương án này.

BOT Cai Lậy: Nhất định phải dời!

"Tạm dừng thu phí trong một tháng để Bộ GTVT đánh giá toàn diện và kết hợp với tỉnh Tiền Giang xử lý cụ thể trên tinh thần hợp lý, hợp tình, hợp lòng dân". Sau nhiều giờ sốt ruột chờ thông tin, nhiều người dân đã reo hò tiếp nhận một quyết định được cho là kịp thời và sáng suốt này từ người đứng đầu Chính phủ tại cuộc họp chiều qua liên quan đến số phận của BOT Cai Lậy.

Cũng theo lời Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, có một thông tin đáng lưu ý là cho đến hôm qua, bộ trưởng Bộ GTVT vẫn chưa báo cáo với Thủ tướng báo cáo đánh giá về BOT Cai Lậy như đã được chỉ đạo. Vì sao vậy?

Trong nhiều ngày qua, điểm nóng BOT Cai Lậy không chỉ khiến nhiều tài xế, người dân trong khu vực trạm hoặc có nhu cầu lưu thông qua trạm cùng các cơ quan chức năng của Tiền Giang lẫn cấp trung ương căng thẳng mà còn khiến mọi người trên cả nước bức xúc dõi theo và nóng lòng chờ cái kết đúng.

Thế nhưng khi đối diện với những xấu xí, thi gan, đối đầu, hỗn loạn... và cả sự đổ máu thì phía Bộ GTVT vẫn cứ khư khư dự án đầu tư không sai, vị trí đặt trạm không sai, cả bộ này, chính quyền địa phương và nhà đầu tư đều đúng.

Điệp khúc "đúng quy trình" được lặp đi lặp lại nhiều lần từ bộ này bất kể sự phản ứng của dư luận. Đó là nếu chỉ những cá nhân quá khích như cách nói của một thứ trưởng của Bộ là sai thì tại sao với cái sai thiểu số này lực lượng chấp pháp không xử lý dứt điểm được và đông đảo người dân với sự tỉnh táo, công bằng của mình đã không đứng về phía đúng như điều thường thấy trước giờ?

Xin được nói ngay: BOT Cai Lậy nằm hoàn toàn sai chỗ khi trạm được đặt tại QL1 là tuyến đường độc đạo hiện hữu khiến người dân bị tước bỏ quyền lựa chọn!

Căn cứ pháp lý để cho là sai chính là Nghị quyết 437 ngày 21-10-2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chính những thiếu sót của pháp luật trước đây mà những BOT không phù hợp đã được phê duyệt, triển khai để rồi thực tiễn vận hành càng ngày càng bộc lộ các bất cập, gây ra những mâu thuẫn rất không đáng có giữa người dân và chính quyền. Vì lẽ này mà Nghị quyết 437 ra đời để vừa phán xét các sai trái của BOT cũ, đồng thời đưa ra các yêu cầu hợp lý cho các BOT mới. Theo đó, các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu.

Về nguyên tắc thì pháp luật không có sự hồi tố, nhất là khi hồi tố đó gây bất lợi cho những bên có liên quan không làm sai các quy định của pháp luật trước đó. Tuy nhiên, đối với điểm nóng BOT Cai Lậy, nếu hồi tố để được lợi cho số đông, để đặng lòng dân và các bất lợi của nhà đầu tư sẽ được chính quyền tìm phương cách xử lý ổn thỏa thì cần phải nhanh chóng thực hiện.

Cách thức xử lý này cũng phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết 437 mà theo đó, Bộ GTVT phải có trách nhiệm triển khai các phương án xử lý kịp thời những tồn tại. Bộ này cũng phải đồng thời hoàn thiện việc rà soát tổng thể về vị trí đặt trạm, chính sách miễn giảm giá và quản lý doanh thu chặt chẽ để có những giải pháp đồng bộ, kịp thời, thống nhất, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.

Vậy nên BOT Cai Lậy phải được dời sang đường tránh. Dời càng sớm càng tốt chứ không thể khác hơn!