Russiagate
Nỗi ám ảnh đến hoang tưởng

Trong bối cảnh Mỹ tiếp tục cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, tờ Le Monde Diplomatique của Pháp đã cho đăng tải bài viết của tác giả Aaron Mate chỉ thẳng thực tế Washington đã làm điều tương tự trong suốt 70 năm qua.

Trong bài viết "Sự can thiệp của Nga, từ nỗi ám ảnh đến tự hoang tưởng", Aaron Maté đánh giá việc các phương tiện truyền thông uy tín đưa tin Nga giúp ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ là thiếu chính xác.

Bên cạnh đó, việc khai thác lá bài "Russiagate" là nguy hiểm trong khi mà quên đi điều cơ bản: vì sao cử tri Mỹ đã bỏ phiếu cho ông Trump.

Thực tế thì Washington cũng đã can thiệp vào rất nhiều các cuộc bầu cử "ngoài lãnh thổ Mỹ".

Theo Aaron Mate, giả thuyết Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ là nỗi ám ảnh, được báo chí say mê khai thác không khác gì khi nói về một cuộc chiến tranh.

Mọi người đã nhìn thấy cả hình bóng của nước Nga, trong các cuộc trưng cầu dân ý Brexit ở Anh, về quy chế độc lập cho Catalunya khuấy động Tây Ban Nha.

"Mối đe dọa" Nga tung đòn tấn công mạng nhắm vào bầu cử tổng thống Pháp, hay bầu cử Quốc hội ở Đức là chủ đề đã chiếm rất nhiều trang trên các báo lớn của Âu - Mỹ. Tuy nhiên, điều được chờ đợi là "những bằng chứng cụ thể".

Ở Mỹ, nhiều quan chức tình báo nước này cho rằng Nga đã đánh cắp thư điện tử, thao túng mạng xã hội nhằm tạo thuận lợi cho ứng cử viên Donald Trump.

Dù vậy, ngay cả những tờ báo Mỹ nổi tiếng là có lập trường bài Nga, như The Atlantic, trong ấn bản tháng 1/2017 cũng phải nhìn nhận những tiết lộ giật gân này không "mảy may có được bất kỳ một chứng cớ nào".

Tác giả Aaron Maté trích dẫn bản tin của hãng thông tấn Anh Reuters ngày 18/5, theo đó các nhà điều tra Mỹ không tìm thấy "sai phạm" hay "liên hệ cấu kết" giữa ban vận động tranh cử của ông Trump với Nga.

Trong cuốn sách vừa phát hành hồi tháng 9/2017 "What Happened", bà Hillary Clinton, ứng cử viên tổng thống Mỹ đã dành hẳn một chương về khả năng Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.

Theo Aaron Mate, giả thuyết này không chỉ cho phép bà Clinton "phủi tay" về trách nhiệm trong thất bại vừa qua. Đổ lỗi cho Nga cũng là mục đích mà một số nhóm lợi ích ở Washington muốn hướng tới. Số này không muốn trông thấy viễn cảnh Washington - Moscow xích lại gần nhau.

Tác giả người Pháp cho rằng, vấn đề đặt ra là "cỗ máy truyền thông đã lập tức trông thấy một con gà đẻ trứng vàng trong vụ này".

Chủ đề hấp dẫn tựa như chuyện trinh thám và tấn công ông Donald Trump là một đề tài rất ăn khách, khi một phần công luận Mỹ vẫn nuôi hy vọng trông thấy nhà tỷ phú bất động sản này bị truất phế.

Chính vì vậy, những nguyên tắc cơ bản của ngành báo chí đã bị lãng quên như không kiểm chứng thông tin trước khi đưa lên mặt báo, tách rời sự kiện và khai thác thông tin theo hướng công luận đang chờ đợi.

Cũng theo Aaron Mate, tệ hơn nữa, nhiều báo đưa lên trang nhất những tin giật gân, nhưng cuối cùng đấy chỉ là những bài viết rỗng tuếch, với những thông tin mơ hồ, những giả thuyết...

Chiêu bài quá cũ!

Nỗi ám ảnh của báo chí phương Tây về vai trò của Nga không dừng lại ở các kênh chính thức. Nga còn bị cáo buộc sử dụng các mạng xã hội như Facebook hay Twitter để "thao túng công luận".

Facebook cho biết đã phát hiện hàng trăm "tài khoản giả" dường như đã được mở tại Nga và họ đã chi 100.000 USD để tung ra một chiến dịch quảng cáo trong khoảng thời gian từ tháng 6/2015 đến tháng 5/2017.

Câu hỏi được đặt ra là với 100.000 USD trong gần 2 năm trời, liệu có là một chiến dịch thao túng công luận quá "lớn" để có đủ ảnh hưởng như mong đợi hay không?

Để so sánh, trong cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ vừa qua, chi phí tốn kém lên tới 6,8 tỷ USD.

Nga không chỉ bị nghi ngờ "nhúng tay" vào bầu cử Mỹ. Cả Pháp và Đức, trước khi diễn ra cuộc bầu cử quan trọng tương ứng vào tháng 5/2017 và tháng 9/2017, luôn trong thế đề cao cảnh giác.

Còn tại Anh, hơn một năm sau trưng cầu dân ý về Brexit, nhật báo iNews báo động:

"Brexit, London cần mở điều tra về vai trò của Nga" và thế là các chính trị gia Anh, mà đứng đầu là thủ tướng Theresa May đã vội vã lên tiếng, cảnh cáo Moscow "đừng tưởng là Anh không biết" Nga đã làm những gì.

Tại Tây Ban Nha, vào lúc Madrid đau đầu vì vấn đề Catalunya, Washington Post ấn bản ngày 2/10 quả quyết: "Trưng cầu dân ý Catalunya: Nga ghi bàn thắng".

Nhật báo uy tín nhất tại Tây Ban Nha El Pais ra 4 số liền, với trang nhất dành để nói về những "nghi ngờ" Nga "nhúng tay" vào hồ sơ Catalunya.

Tại Mỹ, bên cạnh cáo buộc Nga can thiệp bầu cử, "nỗi ám ảnh" còn thể hiện ở những lời buộc tội khác. Điển hình là vụ bạo động tại Charlottesville hồi tháng 8/2017 cũng bị coi là có "bàn tay" của Nga.

Theo tác giả Aaron Mate, việc Mỹ đổ lỗi cho Nga để khơi dậy đoàn kết dân tộc là một thủ đoạn không hề mới mẻ.

Trong ấn bản năm 1919 New York Times ám chỉ việc Nga kích động người da đen nổi dậy. Nước Mỹ trong những năm 1960 cũng đã dùng Liên Xô như một cái cớ để nghe lén điện thoại và theo dõi linh mục Martin Luther King.

Hiện nay, việc mang Nga ra để đe dọa giúp tránh những câu hỏi thực sự liên quan trực tiếp đến đời sống kinh tế, chính trị của nước Mỹ. Càng tập trung vào nghi ngờ Moscow "lũng đoạn" đời sống chính trị ở Mỹ, những vấn đề chính của bản thân Mỹ lại càng bị đẩy vào hàng thứ yếu.

Trong số những vấn đề đó, theo tác giả Aaron Mate, phải kể tới phẫn nộ của công luận trước những bất công xã hội.

Tác giả Aaron Mate cũng căn cứ vào lịch sử để chỉ thẳng ra rằng trong 70 năm qua, Mỹ đã can thiệp vào "không dưới 80 cuộc bầu cử trên thế giới" chưa kể trong bóng tối Mỹ đã ít nhiều nhúng tay vào các cuộc đảo chính.

Một số chế độ bị lật đổ do có bàn tay của Mỹ như các trường hợp ở Iran, Chile hay Guatamala, thậm chí cả Ukraina.