Trump Israel
4,5 tỷ mỗi năm... Chát quá !
Ông Trump và quyết định dậy sóng Trung Đông

"Tôi quyết định rằng đã đến lúc chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel" - Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói trong bài phát biểu của mình, được giới truyền thông nhanh chóng chuyển tải đi khắp thế giới và những tuyên bố này đã trở thành sự kiện gây chấn động thế giới.

Từ trước đến nay, Israel gọi Jerusalem là thủ đô duy nhất và không được chia sẻ của mình, đặc biệt nhấn mạnh vào các khu vực phía đông và trung tâm lịch sử của thành phố, đã được nước này giành lại từ Jordan cách đây nửa thế kỷ và sau đó được sáp nhập vào lãnh thổi của họ.

Đa số quốc gia trên thế giới, kể cả Mỹ, từ trước đến nay không công nhận sự sáp nhập này và xem xét tình trạng của thành phố như là một trong những vấn đề chính của xung đột ở Trung Đông, phải được giải quyết trên cơ sở thỏa thuận với người Palestine, hiện cũng đang tuyên bố chủ quyền đối với Đông Jerusalem.

Quốc hội Hoa Kỳ từ năm 1995 đã thông qua luật về việc chuyển Đại sứ quán tại Israel từ Tel Aviv tới Jerusalem. Nhưng tất cả các đại sứ quán nước ngoài ở Israel, kể cả đại sứ quán Hoa Kỳ, đều nằm ở Tel Aviv.

Do tình hình tranh chấp của thành phố và sự nhạy cảm của vấn đề này với các mối quan hệ với thế giới Ảrập-Hồi giáo, tất cả các đời tổng thống Mỹ, trong đó có cả ông Trump, cứ sáu tháng một lần phải ký một văn bản để hoãn việc thực hiện quyết định này.

Tháng 6 năm nay ông Trump đã ký văn bản trì hoãn việc này, thế nhưng sự việc đã quay ngoắt 180 độ vào cuối năm. Vị Tổng thống Mỹ thứ 45 dự định sẽ chuyển Đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv đến Jerusalem. Đây cũng sẽ là quyết định gây nhiều tranh cãi nhất của ông.

Sau những tuyên bố của ông Trump, ngay lập tức, hàng loạt tổ chức quốc tế và ngay cả đồng minh của Mỹ, từ các đồng minh NATO ở châu Âu như Đức, Pháp hay các đồng minh vùng Vịnh như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, UAE... đã lên tiếng phản đối quyết định này

Giới chuyên gia cũng đánh giá hậu quả của việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel là "vô cùng tồi tệ" không chỉ đối với Palestine mà cả đối với Mỹ và Israel, trong thời gian tới, chắc chắn tình hình Trung Đông sẽ xấu đi một cách "cực kỳ nghiêm trọng".

Nhiều quan chức Mỹ, bao gồm cả Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo cũng không đồng tình với quyết định của ông Trump. Họ cho rằng, nó sẽ làm đổi hướng chính sách đối ngoại gần 7 thập kỷ qua của Mỹ và có khả năng sẽ biến vùng Trung Đông vào một bất ổn mới cực sâu sắc.

Ngay cả một số quan chức Israel cũng coi điều này là một "sai lầm nghiêm trọng" và một nhóm hàng chục cựu quan chức nước này đã đệ trình văn bản khuyến cáo về vấn đề này.

Israel độc quyền chiếm Jerusalem - thánh địa của 3 tôn giáo

70 năm trước, sau khi chế độ thực dân của Anh ở Palestine chấm dứt, Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu chấp thuận việc chia cắt vùng đất Palestine thành 2 nhà nước Arab và Do Thái. Jerusalem khi đó được coi là một thực thể được chia đôi giữa 2 quốc gia dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc.

Năm 1948, Jerusalem được chia thành 2 khu vực Tây và Đông dưới sự quản lý của Israel và Jordan. 19 năm sau, Israel chiếm được khu vực phía Đông trong "Chiến tranh Sáu ngày" tháng 6/1967.

Chính quyền Tel Avip đã ban hành Luật Jerusalem năm 1980, quyết định sáp nhập Đông Jerusalem vào Israel. Hành động này của Israel đã vấp phải sự chống đối quyết liệt của người Palestine. Họ cho rằng, Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine độc lập trong tương lai.

Điểm quan trọng nhất là Nghị quyết 478 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã vô hiệu hóa Luật Jerusalem của Israel và coi Đông Jerusalem là một phần lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine, mọi quyết định về vấn đề Jerusalem phải được sự đồng thuận của người Palestine.

Không chỉ phức tạp về lịch sử và chính trị, vấn đề Jerusalem được cho là hết sức rắc rối về vấn đề chủng tộc và tôn giáo. Thành cổ Jerusalem là nơi có nhiều địa điểm tôn giáo quan trọng: Núi Đền và Bức tường phía Tây của Do Thái giáo, Nhà thờ Mộ Thánh của Kitô giáo và Đền Mái vòm Đá cũng như Giáo đường Al-Aqsa của Hồi giáo.

Jerusalem là thánh địa quan trọng nhất đối với người Do Thái bởi vì theo Kinh Thánh Hebrew, đây là nơi vua David xây dựng thủ đô của Vương quốc Israel thống nhất và vua Solomon xây Đền Thờ đầu tiên.

Với Hồi giáo dòng Sunni, Jerusalem là thành phố quan trọng thứ ba sau Mecca và Medina bởi theo kinh Koran, đây là điểm dừng chân trong Hành trình Đêm kỳ bí của Nhà tiên tri Mohammed.

Còn theo Kitô giáo, tại Jerusalem, Chúa Jesus đã bị đóng đinh trên thập tự giá.

Do đó, thành cổ Jerusalem được coi là thánh địa chung của cả ba tôn giáo Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo, là điểm hành hương hàng năm của hàng chục triệu tín đồ của các giáo phái trên và được đưa vào danh sách Di sản thế giới UNESCO vào năm 1981.

Hiện dân số Do Thái sinh sống tại Jerusalem đông gần gấp đôi so sới dân Arab (63% so với 37%). Theo ước tính của Viện nghiên cứu Jerusalem, khoảng 850.000 người sống ở Jerusalem, trong đó 37% là người Arab và 61% là người Do Thái. Phần lớn người Palestine sống ở Đông Jerusalem.

Từ sau năm 1967, chính quyền Do Thái đã lập hàng rào vây quanh các khu định cư của người Arab nhằm cô lập và chia rẽ họ. Tuy nhiên, khoảng hơn 20 vạn người Palestine sống ở phần Đông Jerusalem vẫn vững niềm tin là Jerusalem sẽ trở thành Thủ đô tương lai của một Nhà nước Palestine độc lập.

Quy chế của Jerusalem, nơi đặt các điểm tôn giáo linh thiêng đối với cả Hồi giáo, Do Thái giáo và Cơ đốc giáo, là vấn đề hết sức nhạy cảm và là trung tâm của cuộc xung đột Israel-Palestine.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ đã giúp Israel có cơ hội độc chiếm Jerusalem và điều này hoàn toàn không có lợi gì đối với vấn đề hòa bình Trung Đông và chính đường lối đối ngoại của nước Mỹ.

Công nhận Jerusalem: Donald Trump đẩy Mỹ vào tình thế nguy hiểm

Vấn đề Jerusalem chính là trọng tâm của xung đột dai dẳng giữa Israel và Palestine. Nếu như Israel nhận được sự hậu thuẫn của một mình Mỹ thì Palestine lại nhận được sự ủng hộ của toàn bộ phần còn lại của thế giới Arab và Hồi giáo và cộng đồng quốc tế.

Trong cương lĩnh tranh cử của mình, ông Trump thiên về đối nội và nói rất ít về đối ngoại, nhưng trong số các cam kết đó, có 2 vấn đề chính nổi bật là "cải thiện quan hệ với Nga" và "công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel".

Đến nay, ông Trump đã quyết định thực hiện cam kết tranh cử của mình, nhưng cái cần thì ông không làm, cái ông làm thì lại hết sức nguy hại. Trong khi quan hệ với Nga không được cải thiện sau cuộc chiến ở Syria, ông lại đẩy Trung Đông đứng trước nguy cơ chiến tranh mới.

Việc Mỹ tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel sẽ gây nên những nguy cơ sau:

Đối với bản thân Israel, việc Tel Avip được Mỹ cho phép "độc chiếm Jerusalem" sẽ là sự khiêu khích đối với tất cả người Hồi giáo, Ki tô giáo trên khắp thế giới, khoét sâu mâu thuẫn giữa Do thái giáo với các cộng đồng tôn giáo lớn, khiến người Israel có thể bị bài xích ở khắp nơi trên thế giới.

Người Israel cũng sẽ chẳng thể vui vẻ gì nếu Israel lại bị cuốn vào làn sóng bạo lực hoặc nguy cơ chiến tranh mới. Hòa bình và sự ổn định chính trị đang là điều mà Tel Avip cần để phát triển đất nước, sau những cuộc chiến liên miên trong quá khứ với khối Ả rập và thế giới Hồi giáo.

Đối với nội bội nước Mỹ, quyết định này sẽ khoét sâu mâu thuẫn giữa Tổng thống Trump và giới lãnh đạo chính trị, khiến cho uy tín của ông sụt giảm nghiêm trọng; nếu bạo lực ở Trung Đông bùng phát, ông Trump sẽ phải trả giá bằng chính sinh mệnh chính trị của mình và khiến ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới bị suy giảm nghiêm trọng.

Hơn thế nữa, quyết định này cũng sẽ khiến binh lính Mỹ hiện diện ở các quốc gia Hồi giáo lâm vào tình trạng nguy hiểm bởi các vụ tấn công khủng bố trả đũa, sau quyết định có phần bốc đồng của vị Tổng thống của họ.

Đối với Trung Đông, quyết định của ông Trump đã dấy lên cảnh báo về nguy cơ xung đột bùng phát. Các nhóm phiến quân Hồi giáo và Iran, đặc biệt là Hamas và Hezbollah, thậm chí là cả Fatah sẽ nhân cơ hội này tung ra những chiến dịch tuyên truyền kích động chiến tranh với Israel và Mỹ, cuốn Trung Đông vào vòng xoáy bạo lực mới.

Mảnh đất Trung Đông, vốn là rốn dầu của thế giới lại tiếp tục chìm trong bất ổn không biết đến bao giờ chấm dứt, ảnh hưởng lớn đến tình hình chính trị và kinh tế của thế giới.

Đối với Liên Hiệp Quốc, việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của cả Israel là một cú đòn mạnh giáng vào uy tín của Tổ chức thế giới này. Đối với Mỹ, Nghị quyết số 478 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chẳng là cái gì mà Luật Jerusalem của Israel mới là quan trọng nhất.

Cùng với những hành động phớt lờ vai trò của Liên Hiệp Quốc ở Syria, Mỹ đã cho thấy rằng mình đang "đứng trên" tổ chức toàn cầu này và mọi quyết định của Liên Hiệp Quốc, dù đúng đắn đến đâu nữa, cũng sẽ được thực hiện khi và chỉ khi Mỹ chấp thuận.

Giải pháp "không-không" và "Bức tường Berlin" đã không được lựa chọn

Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu (EU) luôn đề nghị xem Jerusalem như một di sản văn hóa của nhân loại và cách tốt nhất để đạt được giải pháp về vấn đề hòa bình cho Palestine và Israel là không cho phép Jerusalem trở thành thủ đô của bất cứ nước nào.

Ngoài giải pháp "không-không" (tức là cả hai bên đều không sở hữu Jerusalem) ra, một giải pháp khác cũng có thể mang lại hòa bình cho Trung Đông là phân chia Jerusalem cho cả Israel (phía Tây) và Palestine (phía Đông).

Ngược dòng quá khứ ở châu Âu, năm 1949, nước Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức) được thành lập trong ba vùng chiếm đóng ở phía tây (do Mỹ, Anh và Pháp quản lý) và sau đó là nước Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức) được thành lập trong vùng chiếm đóng của Liên bang Xô Viết.

Cùng với sự phân chia Đông Đức và Tây Đức, thành phố Berlin cũng bị chia làm 2 nửa Đông-Tây. Cộng hòa Dân chủ Đức chọn thủ đô là Đông Berlin, còn Cộng hòa Liên bang Đức đặt thủ đô tại Bonn. Và 2 chính thể này cùng tồn tại song song cho đến khi "Bức tường Berlin" sụp đổ vào năm 1989.

Do đó, một hướng giải quyết khác là Tổng thống Mỹ hoàn toàn có thể công nhận Jerusalem là thủ đô của cả Israel và Palestine, mỗi bên nắm một nửa phía Đông - phía Tây. Điều này sẽ giúp tái khẳng định cam kết của Mỹ về giải pháp "hai nhà nước" trong khu vực.

Thế nhưng giải pháp "Bức tường Berlin" hoặc giải pháp "không-không" có lợi cho hòa bình Trung Đông đã không được Tổng thống Mỹ lựa chọn, mà lựa chọn của ông Trump là Israel. Nỗi thất vọng cùng cực của người Palestine, mâu thuẫn tôn giáo Trung Đông và tư tưởng bài Mỹ, Israel có thể mang đến những hệ quả tiêu cực khó tiên lượng đối với Mỹ.