Igor Dodon
© ReutersTổng thống Moldova Igor Dodon
Trong một bài viết hồi tháng 9/2017 với tiêu đề "Thân Nga chống NATO, Tổng thống Moldova nguy cơ bị phế truất?", báo Đất việt đã có bình luận không lấy gì làm vui vẻ là Tổng thống Moldova Igor Dodon đang đứng trước nguy cơ bị phế truất vì có quan điểm thân Nga, chống lại xu hướng xích gần Liên minh châu Âu và gia nhập NATO của các quan chức nước này.

Được biết, Tổng thống Igor Dodon là người có quan điểm trung dung muốn Moldova vừa quan hệ tốt với Nga, vừa bắt tay hợp tác với Liên minh châu Âu. Ngược lại, Thủ tướng Pavel Filip là người có xu hướng thân Mỹ, muốn cắt đứt quan hệ với Nga và gia nhập EU/NATO.

Theo Tổng thống Igor Dodon, số lượng người gốc Nga và người nói tiếng Nga chiếm tỷ lệ lớn ở Moldova và nên dân chúng nước này luôn muốn chính quyền tiếp tục duy trì quan hệ chặt chẽ với Nga, không muốn bài xích và đoạn tuyệt quan hệ với Moscow.

Theo ông, tiếp tục đi theo con đường trung lập, ủng hộ sự phát triển quan hệ hợp tác với cả Nga và EU; chống việc trực tiếp gia nhập NATO và các hình thức gia nhập gián tiếp như sáp nhập vào quốc gia NATO....là con đường tốt nhất, vừa phù hợp với lòng dân, vừa giúp mang lại sự giàu mạnh cho đất nước.

Do đó, ông đã nhiều lần lên tiếng chống lại quan điểm cắt đứt quan hệ với Nga và gia nhập NATO của Thủ tướng nước này là ông Pavel Filip. Ông Dodon cũng không tán thành sự tham gia của các quân nhân Moldova trong các cuộc diễn tập quân sự của NATO.

Nhà lãnh đạo này cũng là người chủ trương giải quyết vấn đề li khai của nhà nước ly khai Cộng hòa Pridnestrovie Moldova tự xưng (PMR) bằng con đường hòa bình, không muốn sử dụng con bài NATO để đối đầu với Nga ở khu vực này, bởi ông cho rằng, điều này có thể gây ra xung đột giữa Nga với Moldova và NATO.

Đồng thời, hồi tháng 9 vừa qua, ông Igor Dodon còn từ chối ký một số đạo luật chống Nga mà Quốc hội nước này đã thông qua bởi theo ông, nó không phù hợp với yêu cầu của lợi ích quốc gia, không hợp với ý nguyện của toàn thể nhân dân (không phải là Quốc hội).

Hơn nữa, ông còn hai lần từ chối bổ nhiệm ứng cử viên Yevgeny Sturza - Phó Chủ tịch "Đảng Nhân dân châu Âu" của Moldova - một quan chức thân tín của Thủ tướng Pavel Filip và có xu hướng thân Mỹ, vào cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, theo đề cử của Thủ tướng Pavel Filip, bất chấp việc Quốc hội nước này đã bỏ phiếu thông qua.

Do đó, Quốc hội nước này đã quyết định bổ nhiệm ông Sturza trong khuôn khổ thủ tục đặc biệt mà không cần sự chấp thuận của người lãnh đạo tối cao đất nước, còn Tổng thống Igor Dodon gọi việc bổ nhiệm này là "bất hợp pháp".

Nguyên nhân việc bổ nhiệm này có thể được tiến hành là do ở Moldova theo chế độ dân chủ nghị viện với một tổng thống là lãnh đạo quốc gia và một thủ tướng là lãnh đạo chính phủ. Về danh nghĩa, Nguyên thủ quốc gia là tổng thống, nhưng quyền hạn của ông Igor Dodon rất hạn chế, thực quyền nằm trong tay Thủ tướng.

Với quan điểm bị phương Tây cho là "thân Nga" và những hành động liên tiếp ngăn chặn các đạo luật chống Nga và cự tuyệt sự hiện diện của Mỹ-NATO ở Moldova; tương lai chính trị của người đứng đầu đất nước Moldova đang bấp bênh hơn bao giờ hết.

Theo luật pháp Moldova, trường hợp phế truất Tổng thống là điều có thể xảy ra, bởi nếu bị quy là "chống lại quyết định của Quốc hội" thì Quốc hội nước này có quyền tiến hành các thủ tục để bãi nhiệm người đứng đầu nước cộng hòa khỏi chức vụ, thông qua một cuộc trưng cầu dân ý.

Tuy nhiên, ông Igor Dodon khẳng định mình sẽ kiên định với những quan điểm mà ông cho là "có lợi cho dân cho nước" và không hề e sợ, sẵn sàng đối mặt với những âm mưu phế truất mình, bởi ông tin là nhân dân sẽ đứng về phía ông.

Khi đó, báo Đất Việt đã nhận định rằng, chắc chắn là Mỹ và phương Tây sẽ tìm mọi cách để hạ bệ nhà lãnh đạo được cho là "cứng đầu" này, để dọn đường cho NATO tiến vào thu hồi Pridnestrovie - nước Cộng hòa ly khai hiện đang được lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga che chở.

Hiện nay, mặc dù nhận định này vẫn chưa hoàn toàn chính xác nhưng những bước đi đầu tiên của nó đã được khởi động.

Sau khi ông Igor Dodon phủ quyết quyết định của Thủ tướng Pavel Filip cho phép Mỹ mở 8 công trình và căn cứ quân sự ở nước này, giáp với vùng Pridnestrovie hồi tháng 10/2017, cùng với việc không chấp thuận bổ nhiệm một số bộ trưởng, phe thân phương Tây đã ra đòn.

Ngày 03/01, phó Chủ tịch Nghị viện Moldova Sergei Syrbu công bố trước báo giới rằng, quyền hạn của Tổng thống Igor Dodon sẽ bị tạm thời bị đình chỉ trong việc bổ nhiệm các bộ trưởng, trong các vấn đề còn lại ông sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình như trước đây.

Trước đó, sau vài lần tổng thống bác bỏ ứng cử viên cho các chức vụ bộ trưởng (trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng thân Mỹ), một số nghị sỹ đã kháng cáo lên Tòa án Hiến pháp Moldova, nơi đã đưa ra phán quyết quyền hạn này sẽ được Chủ tịch quốc hội hoặc Thủ tướng nước này thực thi.

Toà án Hiến pháp tính đến điều này và ủy quyền cho Chủ tịch Quốc hội hoặc Thủ tướng quyền hạn thực thi quyền tổng thống với mục đích bổ nhiệm các thành viên nội các. Chỉ với mục đích này, Chủ tịch Quốc hội mới có thể làm nhiệm vụ của tổng thống, nghị sỹ lưu ý.

Ông Sirbu nhấn mạnh rằng, Tổng thống Dodon chỉ bị hạn chế quyền lực "trên một lĩnh vực cụ thể" và vẫn là Tổng thống đất nước, nhưng trong trường hợp đặc biệt này ông không thể bổ nhiệm các thành viên mới của chính phủ, mà Quốc hội sẽ trực tiếp xem xét đề xuất của Thủ tướng.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội Andrian Candu đã có đủ thẩm quyền tuyên bố bổ nhiệm các bộ trưởng mới trên cương vị "Quyền tổng thống Moldova".

Giới phân tích nhận định rằng, với những hành động mới nhất này, giới chính khách và quan chức thân phương Tây ở Moldova đang từng bước cô lập và dần dần hất cẳng vị Tổng thống thân Nga này khỏi chiếc ghế Tổng thống; hoặc chí ít là "vô hiệu hóa quyền lực Tổng thống".

Nguyên nhân là do uy tín của ông vẫn còn khá lớn trong các tầng lớp nhân dân Moldova nên nếu đưa vấn đề loại bỏ Tổng thống ra trước một cuộc trưng cầu dân ý thì phe thân phương Tây chưa chắc đã đạt được mục đích và có khi lại khiến cho uy tín của ông Dodon tăng cao.

Do đó, trong thời điểm hiện nay, phe thân phương Tây đã tìm cách hạn chế quyền lực của ông bằng con bài Quốc hội, bởi cơ quan dân bầu này trong thời điểm hiện nay không còn là cơ cấu thực hiện đúng chức năng bảo vệ quyền lợi cho nhân dân nước này.