Pakistani Foreign Minister Khawaja Asif
© Roman Pilipey EPA/ShutterstockNgoại trưởng Pakistan Khawaja Asif
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 5/1 (giờ VN) đã thẳng thắn nhấn mạnh Pakistan sẽ chỉ được nhận các khoản viện trợ an ninh mới cho tới khi họ có các hành động chống lại Taliban ở Afghanistan và mạng lưới Haqqani.

Hai quan chức Mỹ khác cho Reuters biết, có 2 khoản viện trợ bị ảnh hưởng gồm chương trình viện trợ quân sự nước ngoài (FMF), trong đó có tài trợ mua vũ khí quân sự Mỹ, đào tạo và các hoạt động khác, cùng với quỹ hỗ trợ liên minh (CSF), hoàn tiền cho Pakistan trong các hoạt động chống khủng bố.

Nhìn sơ qua số liệu ngân sách của Mỹ cho thấy số tiền viện trợ quân sự bị đóng băng có thể vượt hơn 1,1 tỉ USD. Mỹ tài trợ cho Pakistan khoảng 255 triệu USD/năm theo FMF và 900 triệu USD trong trong năm 2017 theo CSF.

Các quan chức Mỹ nhấn mạnh động thái trên không ảnh hưởng đến viện trợ dân sự cho Pakistan. Một người nói rằng: "Chúng tôi hy vọng Pakistan sẽ xem đây là động cơ chứ không phải hình phạt".

Không chỉ cắt viện trợ, Pakistan còn bị đặt vào danh sách giám sát đặc biệt vì "vi phạm tự do tôn giáo".

Tuyên bố mới nhất của Mỹ nhằm vào Pakistan đã được tiết lộ từ trước đó và được Ngoại trưởng Pakistan Khawaja Asif bình luận. Tham gia một chương trình phỏng vấn trên truyền hình nhà nước, ông Asif cho biết, đây không phải lần đầu tiên Mỹ đe dọa cắt giảm viện trợ cho Pakistan.

"Họ đã bỏ lại chúng ta trong những lúc khó khăn. Họ đã làm như vậy trong suốt thời kỳ chiến tranh 1965 với Ấn Độ, và sau đó là sau năm 1971. Họ thậm chí đã chiếm đoạt tiền của chúng tôi hỗ trợ cho máy bay phản lực F-16" - Ngoại trưởng Pakistan nói.

Xuất hiện trong chương trình hôm thứ 5, ông Asif cho rằng, Mỹ không phải là một người bạn của Pakistan và vì các mâu thuẫn gần đây, nước này cần phải xem lại mối quan hệ với Washington.

"Hành vi của Mỹ không phải là của một đồng minh hay của một người bạn" - Ngoại trưởng Asif nói. "Đó là hành vi của một người bạn luôn phản bội".

Ông cũng bác bỏ quan điểm cho rằng Pakistan bị cô lập ngoại giao.

"Thế giới đủ rộng và Mỹ không cho chúng ta viện trợ ư?" - ông Asif bình luận.

Ngoại trưởng Asif còn tham chiếu đến thời kỳ hậu chiến Afghanistan sau khi quân đội Liên Xô rút khỏi Afghanistan.

"Liên Xô không phải kẻ thù của chúng tôi. Chúng tôi đã chiến đấu chống lại họ. Đã đổ quá nhiều tiền và điều đó đã tàn phá chúng tôi. Và chúng tôi vẫn còn phải gánh hậu quả cho đến ngày nay" - Ngoại trưởng Asif nói.

Ông Asif cũng bày tỏ nghi ngờ về động thái của Mỹ tại Afghanistan.

"Mỹ và các đồng minh có lực lượng chất lượng tốt nhất và trang bị cao. Tại Afghanistan, vì sao họ không đạt được điều gì?... Tại sai có tới 9.000 tấn thuốc phiện được sản xuất ở Afghanistan và tại sao khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lại có mặt ở 9 tỉnh thành? " - Ngoại trưởng Pakistan đặt câu hỏi.

Ông cũng lưu ý rằng, Pakistan đã chiến đấu chống khủng bố bằng nguồn tài nguyên riêng của mình và đã thành công với việc chống khủng bố ở Swat, Bajaur, North Waziristan và các khu vực khác.

"Vậy còn Mỹ? Họ nói họ chưa hoàn thành vì đâu? Tôi nghi ngờ động cơ của họ ở Afghanistan" - ông Asif nhấn mạnh.

Trước khi xuất hiện trên truyền hình, Ngoại trưởng Khawaja Asif đã viết trên trang Twitter cá nhân, dọa tung hê hết "sự thật" của Mỹ về cuộc chiến ở Afghanistan để đáp trả phản ứng từ Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi Pakistan là thiên đường cho lũ khủng bố.

Trước đó, tờ Dawn đưa tin Bộ Ngoại giao Pakistan đã triệu tập Đại sứ Mỹ nhưng không hề có thông báo gì về cuộc gặp bất ngờ này.

Pakistan cũng đã sẵn sàng quay sang người hàng xóm Trung Quốc để hạn chế các ảnh hưởng từ việc cắt viện trợ của Mỹ. Trước mắt, Ngân hàng trung ương Pakistan hôm 2/1 đã bật đèn xanh cho việc sử dụng đồng Nhân dân tệ trong thương mại song phương với Trung Quốc.

Ngân hàng Nhà nước Pakistan (SBP) tuyên bố: "Đã có những biện pháp liên quan đến chính sách toàn diện để đảm bảo rằng các giao dịch nhập khẩu, xuất khẩu và tài trợ có thể được niêm yết bằng đồng Nhân dân tệ".

Động thái này có nghĩa là Pakistan và Trung Quốc sẽ có thể thay thế đồng USD của Mỹ trong giao dịch thương mại cho các dự án thuộc Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) trị giá 50 tỉ USD.

Theo trang PTI (Ấn Độ), các nhà phân tích cho rằng Mỹ đang dồn áp lực lên Pakistan bởi nước này đang tăng cường liên minh với Bắc Kinh bằng cách cho phép những gói đầu tư lớn của Trung Quốc chảy vào qua dự án CPEC, mang lại cho Trung Quốc con đường tiếp cận với biển Ả Rập và Ấn Độ Dương.