Nikki Haley
Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley, gương mặt tiêu biểu cho chính sách đối ngoại diều hâu của Mỹ
Mỹ rơi vào thế lợi bất cập hại

Ngày 5/1/2018, theo đề nghị của Mỹ, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp phiên khẩn cấp để bàn về các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Iran.

Tại cuộc họp này, một lần nữa Mỹ lại rơi vào thế thân cô thế cô. Thay vì thảo luận chủ đề Iran vi phạm quyền con người trong các cuộc biểu tình, hầu hết đại diện các nước, kể cả các đồng minh thân cận của Mỹ đã phát biểu phê phán Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, đòi giữ nguyên Thỏa thuận hạt nhân JCPOA đã ký với Iran.

Trái với mong đợi của Mỹ, HĐBA đã không thông qua một quyết định hoặc tuyên bố nào về Iran. Như vậy chỉ trong vòng hai tuần, Mỹ đã ba lần thất bại tại Liên hợp quốc. Hai lần trước thất bại trong cuộc bỏ phiếu tại HĐBA và Đại hội đồng LHQ, liên quan đến quyết định của Tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel.

Những lập luận của đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã vấp phải sự chỉ trích của Nga, Pháp, Trung Quốc và hầu hết các nước thành viên Hội đồng. Các tham luận tại phiên họp này đều cho rằng việc Mỹ đề nghị triệu tập phiên họp khẩn cấp này là can thiệp vào công việc nội bộ của Iran.

Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzia cáo buộc Washington đề nghị HĐBA họp khẩn cấp là âm mưu lợi dụng tình hình rối ren tại Iran và diễn đàn Hội đồng để phá hoại thỏa thuận hạt nhân đã ký giữa các nước P5+1 với Iran.

Đại diện thường trực của Pháp, Trung Quốc, Anh, Bolivia, Ethiopia, Hà Lan, Thụy Điển, Kuwait và nhiều nước khác đều khẳng định rằng các cuộc biểu tình phản đối chính phủ tại Iran không đe dọa hoà bình, an ninh và ổn định quốc tế, đồng thời kêu gọi các nước tôn trọng độc lập, chủ quyền của Iran.

Thất bại trong chính sách chống Iran của Mỹ

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif cho rằng việc Washington đưa vấn đề biểu tình ở Iran ra thảo luận tại HĐBA là một "sai lầm ngu ngốc" của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Washington một lần nữa không thành công khi tìm cách tập hợp lực lượng chống lại Tehran sau thất bại trong việc thuyết phục các nước hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân JCPOA và công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Ông Zarif cho rằng, những gì diễn ra ở HĐBA thể hiện sự thất bại trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Việc thảo luận về các cuộc biểu tình tại Iran hoàn toàn không thuộc thẩm quyền của Hội đồng. Những cuộc biểu tình như thế này thường xuyên xảy ra tại các nước châu Âu và HĐBA chưa bao giờ đưa ra thảo luận.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã tuyên bố thừa nhận người dân Iran có quyền biểu tình và tự do bày tỏ ý kiến của mình một cách hoà bình không bạo động.

Tuy nhiên, những cuộc biểu tình vừa qua tại các thành phố của Iran đã diễn ra không thật sự hoà bình. Nhiều phần tử quá khích đã trà trộn vào dòng người biểu tình đốt phá các cơ quan nhà nước, ngân hàng và các tài sản công cộng.

Dù vậy, chính quyền Iran đã hết sức kiềm chế, không dùng cảnh sát vũ trang hoặc lực lượng vệ binh hồi giáo để đàn áp mà chỉ để các nhân viên an ninh can thiệp trừng trị và bắt giữ các phần tử quá khích. Đến nay chính quyền Iran đã trả tự do cho gần hết số người này, chỉ giữ lại những phần tử kích động cầm đầu.

Để giữ gìn an ninh và trật tự, bất cứ chính quyền nào cũng phải làm như vậy.

Tại nước Mỹ, ngày 17/9/2011 một cuộc biểu tình lớn diễn ra nhằm chiếm phố Wall Street tại New York, cảnh sát Mỹ đã trấn áp và bắt đi hơn 300 người. Tiếp theo đó, các cuộc biểu tình phản đối cũng bùng nổ tại Los Angeles, Dallas, Portland, Oregon....và hàng chục người đã bị bắt.

Theo báo Newsweek, riêng năm 2017 đã có hơn 1.100 người, trong đó 1/4 là người da đen, thiệt mạng trong các vụ đụng độ với cảnh sát Mỹ.

Ngày 6/1/2018, chính quyền Saudi Arabia đã bắt giữ 11 hoàng tử và chuẩn bị đưa ra xét xử, khi họ tụ tập phản đối chính phủ trước cung điện Hoàng gia. Trước đó, ngày 5/11/2017, chính quyền Saudi cũng bắt giam 11 hoàng tử và 38 Bộ trưởng, cựu Bộ trưởng và Thứ trưởng có liên quan đến các cáo buộc tham nhũng.

Cho đây là công việc nội bộ của Riyadh, nên Mỹ và các nước đã không có phản ứng gì.

Bước đi nguy hiểm

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết chính quyền Donald Trump đang chuẩn bị một dự luật nhằm sửa đổi Thỏa thuận hạt nhân JCPOA ký với Iran tháng 7/2015.

Nếu được Quốc hội Mỹ thông qua trong tuần này, đạo luật có thể sẽ làm tăng thêm khoảng cách bất đồng giữa Mỹ với Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức - những nước đã cùng Mỹ đặt bút ký thỏa thuận.

Hủy bỏ JCPOA có nghĩa là Mỹ tự xé bỏ cam kết quốc tế của mình và đặt mình đối đầu với cộng đồng quốc tế. Việc này cũng sẽ đẩy Iran tới chỗ từ bỏ cam kết, tái khởi động chương trình làm giàu uranium. Đây sẽ là một bước lùi hết sức nguy hiểm vì không ai có thể kiểm soát được chương trình hạt nhân của Iran nữa.

Chính phủ Iran nhiều lần khẳng định không chấp nhận đưa bất cứ sửa đổi nào vào thỏa thuận hạt nhân vì họ đã ký sau khi nhượng bộ rất nhiều, trong đó có việc ngừng làm giàu Uranium trong vòng 10 năm để được dỡ bỏ cấm vận kinh tế, cải thiện đời sống của nhân dân.

Kế hoạch chống Iran nằm trong chiến lược của Mỹ

Gây sức ép nhằm lật đổ chế độ Iran nằm trong kế hoạch chiến lược của Mỹ, đặc biệt dưới thời của Tổng thống Donald Trump.

Tháng 5/2017, ông Trump đã chọn Saudi Arabia - đối thủ của Iran - là nước đầu tiên cho chuyến công du nước ngoài của mình sau khi nhậm chức Tổng thống. Tại Riyadh, một liên minh 50 nước được thành lập với mục đích chống khủng bố, nhưng thực chất là chĩa mũi dùi vào Iran.

Ngay sau đó, 10 nước Ả Rập, đứng đầu là Saudi, đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar do quốc gia này có quan hệ tốt với Iran.

Đầu tháng 12/2017, Tổng thống Donald Trump quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Một trong những mục đích của quyết định này là tranh thủ lôi kéo Israel vào mặt trận chống Iran. Nguồn tin từ Israel mới đây tiết lộ một thỏa thuận bí mật giữa Mỹ và Israel - nhằm chấm dứt "nguy cơ Iran" - đã được soạn thảo trong một cuộc họp giữa các quan chức tình báo Mossad của Israel và CIA của Mỹ ngày 12/12/2017 tại Nhà Trắng.

Hiện nay, chính quyền Trump đang tìm cách hủy bỏ hoặc sửa đổi nội dung Thỏa thuận hạt nhân để lấy cớ áp đặt các biện pháp cấm vận bổ sung đối với Iran.

Trong khi đó, tại khu vực Trung Đông có nhiều vấn đề cấp bách cần phải giải quyết. Nếu chính quyền Mỹ thực sự quan tâm đến hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực thì cần sớm đưa ra HĐBA thảo luận để tìm ra giải pháp.

Cuộc xung đột Israel-Palestine, cuộc khủng hoảng Syria, Libya, cuộc chiến tại Yemen...đang cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người.

Việc chĩa mũi nhọn vào Iran trong khi chính quyền của Tổng thống Hassan Rouhani đang cố gắng tiến hành cải cách trong nước và hội nhập vào cộng đồng quốc tế là thể hiện chính sách thù địch cố hữu đối với nước Cộng hoà Hồi giáo này.

Khó khăn nội bộ của ông Trump

Tổng thống Trump đang phải đối phó với nhiều khó khăn nội bộ và đứng trước khả năng bị mất chức sau một loạt bê bối của bản thân và đội ngũ trợ lý, nhất là sau khi Michael Wolff cho xuất bản cuốn sách "Lửa và thịnh nộ: Bên trong Nhà Trắng của Trump", tiết lộ những câu chuyện thâm cung bí sử bên trong chính quyền và gia đình ông Trump sau một năm cầm quyền.

Wolff đưa ra công chúng cuốn sách này là để củng cố ý kiến của mình. Tác giả cho rằng ông Donald Trump không xứng đáng giữ chức Tông thống Mỹ.

Những thông tin trong cuốn sách có nhiều phần do Steve Bannon - cựu Chiến lược gia trưởng của Tổng thống Donald Trump - cung cấp. Đây có thể là một trong những lý do ông Trump hô hào chống Iran để đánh lạc hướng dư luận khỏi những bê bối trong nước.