Senator Jeff Flake
© Reuters / Joshua RobertsThượng nghị sĩ Jeff Flake, thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ
Thượng nghị sĩ Mỹ thuộc Đảng Cộng hòa Jeff Flake đang ở thăm Cuba ngày 6/1 xác nhận giới chức Mỹ không tìm thấy bằng chứng nào chứng tỏ các nhà ngoại giao Mỹ công tác tại quốc gia này bị tấn công bằng sóng âm hoặc một loại vũ khí bí ẩn nào khác.

Sau các cuộc gặp với các quan chức Cuba, bao gồm Ngoại trưởng Bruno Rodríguez, Thượng Nghị sỹ Flake đã xác nhận thông tin trên.

Phía Cuba trước nay luôn khẳng định không có bất cứ cuộc tấn công sóng âm hay bằng bất kỳ loại vũ khí nào nhằm vào các nhà ngoại giao Mỹ cũng như bất cứ nước nào khác đang đặt cơ quan Đại sứ tại Cuba.

Ông Flake nêu rõ các báo cáo mật của giới chức Mỹ cho tới nay cho thấy không có lý do gì để nghi ngờ khẳng định của phía Cuba trong vấn đề này.

"Bộ Nội vụ Cuba nói rằng FBI đã khẳng định với họ là không có bất cứ một cuộc tấn công bằng âm thanh nào. Mặc dù các thuật ngữ tấn công sóng âm đã được đưa ra nhưng chẳng có bằng chứng nào chứng minh cho điều đó cả" - ông Flake nhấn mạnh.

"Không có bằng chứng nào cho thấy ai đó cố tình gây hại cho ai. Không phủ nhận các nhân viên ngoại giao Mỹ đã gặp một số rắc rối nhưng cũng không có bằng chứng nào cho thấy đó là một cuộc tấn công có chủ đích bởi ai đó có thể là Cuba hoặc bất cứ ai"- Thượng Nghị sỹ Flake nói.

Thượng nghị sĩ Flake là thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ và là một trong những nhà lập pháp Mỹ tích cực nhất trong việc thúc đẩy quan hệ song phương với Cuba.

Việc không công khai các bằng chứng về vụ tấn công sóng âm đã khiến uy tín của Mỹ bị ảnh hưởng khi mới trước đó vài tháng, Chính phủ Mỹ cho rằng 24 nhân viên ngoại giao nước này ở Cuba đã bị ảnh hưởng về sức khỏe, gồm suy giảm thính lực, các vấn đề về nhận thức và mất ngủ, sau khi nghe những âm thanh lạ được cho là vụ "tấn công sóng âm" ở Havana từ tháng 11/2016.

Song song với chỉ trích Cuba không đảm bảo được sự an toàn cho các nhà ngoại giao Mỹ trên lãnh thổ của mình, Mỹ còn tiến hành hàng loạt biện pháp leo thang căng thẳng song phương, bao gồm rút hơn một nửa số nhân viên ngoại giao ở Cuba về nước, trục xuất 15 nhà ngoại giao Cuba và ngừng hoạt động lãnh sự tại Cuba.

Những kịch bản ngoại giao trên đã được chính Mỹ nhanh chóng thiết lập nhằm tìm cách để cô lập Cuba một cách tối đa.

Chủ tịch Cuba Raul Castro ngày 21/12 tái khẳng định nước này không chịu trách nhiệm về cáo buộc liên quan đến các vụ tấn công bằng "sóng âm" nhằm vào nhân viên ngoại giao tại Đại sứ quán Mỹ ở Havana.

Nhà lãnh đạo Cuba nêu rõ Nhà Trắng đã bịa ra những cái cớ để biện minh cho việc áp đặt trở lại những chính sách vốn đã thất bại.

Trước đó hồi tháng 10, báo chí chính thống Cuba dẫn lời nhóm chuyên gia điều tra nước này về các sự cố sức khỏe của các nhân viên ngoại giao Mỹ làm việc tại Havana với kết luận ban đầu rằng các cáo buộc của Washington về các cuộc "tấn công sóng âm" chỉ hoàn toàn là "khoa học giả tưởng".

Các nhà điều tra Cuba cho biết phía Mỹ chỉ cung cấp 14 đoạn băng ghi âm mà theo Washington là các âm thanh mà các "nạn nhân" đã nghe thấy trong các cuộc "tấn công sóng âm" và ghi lại.

Tuy nhiên, các chuyên gia này đã kết luận rằng những âm thanh trên không có khả năng gây hại tới sức khỏe người khi chỉ bao gồm các âm thanh sinh hoạt đô thị như giao thông, tiếng chân qua lại và các giọng nói, với biên độ trong dao động sóng âm chỉ đạt mức đỉnh 7 kHz, trong dải tần số trung bình 3 kHz, chỉ tương tự như tiếng... ve kêu.

Song, phía Cuba đã bác bỏ cáo buộc này, đồng thời tiến hành một cuộc điều tra về vấn đề trên và cho biết Mỹ cần phải có chứng cứ rõ ràng trước khi đưa ra lời cáo buộc như vậy.