Cho Myoung-gyon, Ri Son Gwon
© ABCTrưởng đoàn hai nước bắt tay trước cuộc hội đàm
Mặc bộ âu phục với huy hiệu của hai cố lãnh đạo Triều Tiên trên ngực áo, ông Ri Son Gwon, Chủ tịch Ủy ban Thống nhất hòa bình liên Triều, hôm nay 9/1 dẫn đầu phái đoàn gồm 20 quan chức Triều Tiên tới làng đình chiến Panmunjom ở khu phi quân sự liên Triều (DMZ) để tham dự hội đàm cấp cao đầu tiên sau nhiều năm căng thẳng. Đây là nơi chia tách biên giới Triều Tiên và Hàn Quốc và là khu vực được vũ trang nguy hiểm bậc nhất thế giới.

Tới gặp phái đoàn của quốc gia láng giềng trong tiết trời giá lạnh dưới 0 độ C và tuyết rơi dày trên mặt đất, ông Ri Son Gwon đã nhắc lại mối quan hệ căng thẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc liên quan tới chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

"Mùa đông này tuyết rơi nhiều chưa từng thấy, những con sông và những ngọn núi của Triều Tiên đều đã đóng băng hết. Tuy nhiên không hề phóng đại khi nói rằng quan hệ liên Triều thậm chí còn băng giá hơn thế. Mặc dù vậy, niềm mong mỏi được cải thiện mối quan hệ từ người dân hai nước lớn tới mức chúng ta đã tổ chức sự kiện trọng đại này ngày hôm nay", ông Ri nhấn mạnh.

"Chúng tôi có mặt ở đây với mong muốn rằng có thể mang đến cho những người anh em (Hàn Quốc) của chúng tôi những món quà vô giá nhân dịp năm mới vì họ đang kỳ vọng rất nhiều vào cuộc đối thoại này", Reuters dẫn lời ông Ri phát biểu trước khi bắt đầu cuộc hội đàm với đại diện của quốc gia láng giềng.


Mặc dù các đồng minh và đối tác như Mỹ và Nhật Bản tỏ ra hoài nghi về kết quả của cuộc hội đàm, song giới chức Hàn Quốc vẫn hy vọng rằng cuộc hội đàm có thể mang lại ý nghĩa thực sự, bao gồm sự cải thiện thực chất mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Seoul, chứ không chỉ đơn thuần là những bức ảnh ngoại giao hữu nghị.

Ngay trước khi phái đoàn Hàn Quốc tới khu DMZ, khoảng 20 người Hàn Quốc được nhìn thấy cầm biểu ngữ với nội dung "Chúng tôi chờ đợi thành công của hội đàm cấp cao liên Triều". Một trong số những người này thậm chí còn cầm theo một lá cờ mang ý nghĩa hai miền thống nhất.

Kết quả bước đầu

Cuộc hội đàm giữa Triều Tiên và Hàn Quốc diễn ra sau một năm đầy ắp sự kiện liên quan tới chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng, bao gồm các vụ thử tên lửa, vụ thử hạt nhân lần thứ 6 mạnh nhất từ trước đến nay và cả những màn "đấu khẩu" căng thẳng giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhiều người từng lo ngại rằng một cuộc xung đột mới sẽ xảy ra trên bán đảo Triều Tiên sau một loạt động thái trên.

"Có quá nhiều sự chú ý tập trung vào cuộc hội đàm cấp cao hôm nay, và để đáp lại sự kỳ vọng của họ, chúng tôi cho rằng nên công khai cuộc hội đàm với công chúng. Tôi thấy có nhiều phóng viên ở đây, các bạn nghĩ sao nếu chúng tôi công khai cuộc hội đàm", trưởng phái đoàn Triều Tiên lên tiếng.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung Gyon, trưởng phái đoàn Hàn Quốc, cho rằng tốt hơn hết cuộc họp nên diễn ra theo đúng quy tắc và các phóng viên sẽ được cung cấp thông tin trong cuộc họp báo sau đó.

Tại phòng họp, các máy quay và micro được đặt sẵn để cho phép các quan chức chính phủ hai nước có thể giám sát cuộc hội đàm trực tiếp. Theo phát ngôn viên Nhà Xanh, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng được cập nhật mọi diễn biến của cuộc hội đàm. Tuy nhiên, Nhà Xanh không xác nhận liệu Tổng thống Moon có điều hành cuộc hội đàm này từ xa hay không.

Sau hai cuộc họp vào buổi sáng, ông Ri và phái đoàn Triều Tiên quay trở lại khu vực biên giới để ăn trưa ở Tongilgak - ngôi nhà của Triều Tiên ở làng đình chiến Panmunjom.

Các phái đoàn Triều Tiên và Hàn Quốc thường không ăn trưa cùng nhau trong các cuộc hội đàm liên Triều, do giờ nghỉ giải lao được xem là cơ hội để quan chức hai nước có thể trao đổi lại những nội dung đã bàn thảo và xin ý kiến tham vấn từ các lãnh đạo trong nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Chun Hae-sung, sau cuộc hội đàm, Triều Tiên đã cam kết cử một phái đoàn gồm các quan chức cấp cao, các vận động viên và một đội cổ vũ tới tham dự Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang do Hàn Quốc đăng cai vào tháng tới.

Cũng trong cuộc hội đàm, Triều Tiên nhất trí nối lại đường dây nóng quân sự với Hàn Quốc bắt đầu từ 8h sáng ngày 10/1. Trước đó, Bình Nhưỡng đã ngắt đường dây nóng này từ tháng 2/2016 để đáp trả việc Hàn Quốc đóng cửa khu công nghiệp chung Kaesong.

Trong khi đó, Hàn Quốc cũng đề xuất một loạt biện pháp để giảm thiểu căng thẳng giữa hai nước. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Roh Kyu-deok cho biết chính phủ nước này sẽ cân nhắc dỡ bỏ tạm thời các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên nếu cần thiết để tạo điều kiện cho phái đoàn Triều Tiên tham dự Thế vận hội sắp tới.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Chun Hae-sung cho biết cuộc hội đàm hôm nay mới chỉ là bước đầu.

"Bước khởi đầu mới chỉ là một nửa hành trình, nhưng chúng ta không thể trông chờ mọi sự hoàn hảo chỉ sau một cuộc gặp", ông Chun cho biết.