Petro Vietnam headquarter
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 09/NQ-CP thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Cụ thể, Chính phủ quyết nghị thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, con dấu hình quốc huy và tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước.

Trước đó, để chuẩn bị cho sự ra đời của "siêu" ủy ban này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định lập Tổ công tác của Thủ tướng thực thi việc thành lập Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo đó, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Tổ trưởng Tổ công tác nói trên; Tổ phó là ông Nguyễn Hoàng Anh - nguyên Bí thư tỉnh ủy Cao Bằng. Ông Nguyễn Hoàng Anh cũng được chỉ định làm Chủ tịch của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Ngay sau khi được thành lập, hôm 16/1, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Tổ trưởng Tổ công tác đã chủ trì buổi họp đầu tiên. Tại cuộc họp, Phó thủ tướng đã đề nghị Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc thành lập Ủy ban để Chính phủ thảo luận, cho ý kiến tại phiên họp Chính phủ trong tháng 2/2018.

"Ngay trong quý I/2018 bảo đảm thành lập được Ủy ban để khẳng định địa vị pháp lý của cơ quan này", Phó thủ tướng nêu rõ, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục đốc thúc tiến độ cổ phần hoá, bán vốn tại doanh nghiệp nhà nước trong năm 2018 theo đúng kế hoạch, tiến độ đề ra.

Theo đề án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp sẽ là cơ quan giúp Chính phủ quản lý, giám sát có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp; thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu, thoái vốn, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước,...

Khối doanh nghiệp này hiện có tổng giá trị vốn và tài sản đạt khoảng 5,4 triệu tỷ đồng.

Dự kiến sẽ có 30 doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế sẽ chuyển giao cho Ủy ban này quản lý, trong đó có 9/10 tập đoàn kinh tế (ngoại trừ Viettel là doanh nghiệp quốc phòng) và 21 tổng công ty đang thuộc sự quản lý của các bộ.

Danh sách 30 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước dự kiến chuyển giao cho Uỷ ban Quản lý vốn và tài sản Nhà nước:

1. Tập đoàn Dệt May Việt Nam

2. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

3. Tập đoàn Điện lực Việt Nam

4. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam

5. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản

6. Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam

7. Tập đoàn Công Nghiệp Cao su Việt Nam

8. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam

9. Tập đoàn Bảo Việt

10. Tổng công ty Cà phê

11. Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước

12. Tổng công ty Đường sắt

13. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam

14. Tổng công ty Hàng không Việt Nam

15. Tổng công ty Lương thực miền Bắc

16. Tổng công ty Lương thực miền Nam

17. Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam

18. Tổng công ty Giấy Việt Nam

19. Tổng công ty Thép Việt Nam

20. Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy

21. Tổng công ty Sông Đà

22. Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD)

23. Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện

24. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam

25. Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp

26. Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp

27. Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam

28. Tổng công ty Dược Việt Nam

29. Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)

30. Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội (Habeco)