Srbija i Kosovo
© CC0 / PublicDomainKosovo: Thực thể trái tự nhiên ra đời thông qua việc xé nát Nam Tư cũ
Ngày 17/2/2018 là tròn 10 năm Kosovo tuyên bố độc lập và nền "đệ nhị cộng hoà" được xác lập tại vùng lãnh thổ này, sau 78 ngày đêm bom đạn của NATO ném xuống Nam Tư, với mục đích là ngăn chặn thảm hoạ thanh lọc sắc tộc được Belgrade thực hiện.

Chính quyền Kosovo tổ chức long trọng lễ kỷ niệm và công bố với thề giới về những kết quả, thành quả mà Cộng hoà Kosovo đã đạt được trong 10 năm qua, khi một thực thể chính trị được "tạo ra" trái nguyên lý tại vùng đất thuộc Nam Tư cũ này.

Trước lễ kỷ niệm, Tổng thống Kosovo Hashim Thaçi, đã hồ hỏi chia sẻ với báo giới rằng : "Có một cảm giác về giá trị và niềm tự hào về những thành tựu mà Kosovo đã đạt được, kể từ khi công bố bản Tuyên ngôn độc lập", theo The Guardian.

Thủ tướng Albania, Edi Rama, thì triết lý: "Nếu một Kosovo tự do và độc lập từng là giấc mơ của Albania, thì hôm nay đã là sự thật. Thập kỷ tiếp theo Kosovo sẽ tích hợp đầy đủ để gia nhập EU. Đó không còn là giấc mơ nữa".

Ông Bernard Kouchner, cựu đại diện của LHQ tại Kosovo, là Ngoại trưởng Pháp tại thời điểm Kosovo tuyên bố độc lập, thì mô tả vấn đề Kosovo là "một trong những thành công nhất của LHQ".

Tuy nhiên, theo The Guardian, những niềm vui, niềm tự hào vế thành quả mà Cộng hoà Kosovo đạt được trong 10 năm qua chỉ là bề nổi rất nhỏ, so với những thách thức mà tiểu quốc này đang oằn mình chịu đựng.

Điều gì khiến tờ báo nổi tiếng của nước Anh lại nhận định như vậy? Theo giới phân tích thì đó là hậu quả của việc phương Tây cho ra đời một chinh thể trái nguyên lý tại vùng lãnh thổ Kosovo và hiện nay không dễ giải quyết được.

Thứ nhất, NATO ném bom Nam Tư cũ nhằm ngăn chặn chính quyền Belgrade thực hiện thanh lọc sắc tộc, nhưng Cộng hoà Kosovo lại ra đời và tồn tại gắn liền với những hành động thanh lọc sắc tộc.

Báo cáo năm 2017 của LHQ về tình hình chính trị, tình hình nội trị tại Kosovo đã cho biết thực trạng của nền dân chủ mà phương Tây tạo dựng cho thực thể chính trị đặc biệt này. Xin phép được trích dẫn.

1. Sau cuộc chiến Kosovo, Quân đội Kosovo đã tấn công các dân tộc thiểu số, đối thủ chính trị, gây ra những tội ác nghiêm trọng. Tháng 1/2016, Kosovo và Hà Lan đã ký thoả thuận tổ chức phiên tòa đặc biệt xét xử những can phạm phạm tội ác này.

2. Hiến pháp Kosovo có quy định bảo vệ chống phân biệt đối xử dựa trên định hướng giới tính, bảo vệ cả xu hướng tình dục lẫn bản sắc giới tính, tuy nhiên trong thực tế lại không thể hiện được giá trị của đạo luật cơ bản.

3. Báo cáo về Nhân quyền của Mỹ tháng 6/2016 về Kosovo quan ngại vấn đề bạo lực, phân biệt đối xử với người thiểu số, người khuyết tật, ngược đãi người bị giam giữ, đe dọa truyền thông và bạo lực với những người di tản trở về sau chiến tranh.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland, trong chuyến công du Balkan vào tháng 7/2016, đã kêu gọi chính quyền Kosovo tăng cường luật pháp, kiểm soát hệ thống tư pháp, chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức.

4. Báo cáo của Uỷ ban Châu Âu tháng 11/2016 về Kosovo cho biết, luật pháp chịu ảnh hưởng quá nhiều từ chính trị, mối đe dọa và tấn công các nhà báo vẫn xảy ra, kêu gọi cơ quan có thẩm quyền điều tra và truy tố các vụ án một cách có hiệu quả.

5. Báo cáo của LHQ cho biết bạo lực gia đình phổ biến ở Kosovo. Theo một cuộc điều tra vào tháng 11/2015 bởi Mạng lưới Phụ nữ của Kosovo, có 68 % phụ nữ Kosovo đã từng bị bạo lực gia đình trong đời.

Một năm sau bản Báo cáo của LHQ về Kosovo thì "tội ác chiến tranh và phân biệt sắc tộc tại Kosovo vẫn chưa thể giải quyết được, khiến cho những thực thể bảo trợ cho Kosovo gồm Anh, EU và Mỹ đành phải bất lực", theo The Guardian.

Như vậy, sau một thập kỷ được xác lập và tồn tại, nền dân chủ tại Kosovo vẫn có máu và nước mắt của người Kosovo, còn nền chính trị tại Kosovo thì vận hành theo những nguyên tắc phản dân chủ và màu bạo lực vẫn thấm đẫm mọi cấu trúc xã hội.

Thứ hai, việc tách Kosovo ra khỏi Serbia không dựa trên lợi ích dân tộc và nguyện vọng của người dân, khiến cho vần đề lãnh thổ - sắc tộc tại Kosovo trở thành bài toán không thể có lời giải.

Xin ngược đôi dòng lịch sử, xung đột sắc tộc kéo dài giữa người Albania và người Serbia khiến cho vùng lãnh thổ tỉnh tự trị Kosovo của Liên bang Nam Tư bị phân chia theo sắc tộc.

Thực tế ấy dẫn đến xung đột bạo lực giữa người Albania với người Serbia và đỉnh điểm là Chiến tranh Kosovo 1998 - 1999, trong đó có việc NATO ném bom Nam Tư.

Sau khi chiến tranh kết thúc, ngày 10/6/1999, HĐBA LHQ đã thông qua Nghị quyết 1244, đặt Kosovo dưới sự quản lý của Phái bộ Quản lý Lâm thời LHQ (UNMIK) và ủy quyền cho KFOR, một lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO.

Theo Nghị quyết 1244, Kosovo có quyền tự trị trong Liên bang Nam Tư và sự toàn vẹn lãnh thổ của Nam Tư, mà thực thể kế thừa hợp pháp là Cộng hòa Serbia, được bảo đảm. Tuy nhiên, ngày 17/2/2008, Nghị viện Kosovo lại ra tuyên bố độc lập.

Serbia phản đối và khiếu nại lên LHQ. Ngày 8/10/2008, Đại hội đồng LHQ yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đưa ra quan điểm pháp lý về tính hợp pháp trong tuyên bố độc lập của Kosovo.

Ngày 22/7/2010, ICJ ra phán quyết rằng tuyên bố độc lập của Kosovo không vi phạm các nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế và cũng không vi phạm Nghị quyết 1244, vốn không xác định tình trạng cuối cùng của Kosovo.

Như vậy, nhờ bom đạn NATO, Nghị quyết 1244 của LHQ và phán quyết của ICJ, nền độc lập của Kosovo được công nhận. Cộng hoà Kosovo ra đời chỉ bởi các công cụ chính trị và luật pháp, chứ không dựa trên nguyện vọng người dân.

Đây là điều trái nguyên lý tiếp theo của phương Tây trong việc cho ra đời một thực thể chính trị tại Kosovo, khiến người dân Kosovo phải trả giá bằng lợi ích dân tộc của mình, mà cụ thể là Kosovo vẫn chưa thể là thành viên của LHQ.

Thậm chí, theo The Guardian, nhằm tháo gỡ bế tắc, các đồng minh phương Tây đã để xuất "đổi đất lấy địa vị chính trị cho Kosovo" qua việc cắt vùng lãnh thổ miền bắc Kosovo - vốn là nơi có dân cư đa số là người Serbia - cho Cộng hoà Serbia.

Tuy nhiên, điều này sẽ khiến cho vùng Balkan chìm trong khói lửa của xung đột sắc tộc và cả Châu Âu sẽ hỗn loạn. Rõ ràng, việc cho ra đời một thực thể chính trị trái nguyên lý tại Kosovo đã gây ra hậu quả cho chính những tác giả kịch bản.

Thứ ba, việc cho ra đời một thực thể chính trị tại Cộng hoà Kosovo chỉ là một nước cờ chính trị của phương Tây, chứ không phải xuất phát từ yêu cầu thực tế tại vùng lãnh thổ này, song nước cờ này không hoàn hảo.

The Guardian cho biết, nhiều người Kosovo ngày càng lo lắng, khi mức lương trung bình hàng tháng chỉ là 360 USD và 80% nguồn lực tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào nguồn tiền gửi từ cộng đồng người Kosovo ở nước ngoài.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Kosovo hiện khoảng 30%, còn tỷ lệ thất nghiệp ở thanh thiếu niên thì lên tới 50%. Kosovo có độ tuổi trung bình thấp nhất ở châu Âu, nhưng nền kinh tế tạo ra chỉ một nửa số lượng việc làm hàng năm cần thiết cho những người trẻ tuổi.

Người dân Kosovo đã đổ lỗi cho lực lượng chính trị cầm quyền, bởi theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, thì Kosovo là một trong những nước tồi tệ nhất ở Châu Âu về tham nhũng, kém rất nhiều nước đang phát triển.

Ông Ismet Gegaj, một giáo viên đã nghỉ hưu cho rằng "tham nhũng là ung thư của xã hội Kosovo hiện tại và những con người dẫn dắt đất nước chúng tôi là những người không xứng đáng".

Tuy nhiên, theo The Guardian, ngày càng nhiều người dân Kosovo nhận ra rằng sự chậm trễ trong xử lý tội phạm chiến tranh, sự trì trệ trong phát triển kinh tế-xã hội tại Kosovo là hậu quả từ nước cờ chính trị không hoàn hảo của Mỹ và đồng minh.

Hiện phương Tây không quá quan tâm đối với Kosovo, mà "họ chỉ tập trung vào những nước đi phụ như cố gắng tạo sự ổn định chính trị trong ngắn hạn và chỉ giúp khi tình hình có khủng hoảng", ông Albin Kurti, Nghị sĩ Quốc hội Kosovo cho biết.

Dường như các tác giả tạo ra "tiền lệ pháp mang tên Kosovo" ngày càng tránh xa sản phẩm mà họ tạo ra, để rồi sau 10 năm tuyên bố độc lập, Kosovo vẫn mịt mờ sau những làn khói trắng - biểu trưng của nền dân chủ được phương Tây xác lập tại vùng lãnh thổ này.