Members of the Security Council vote during a United Nations Security Council meeting
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 24/2 đã bỏ phiếu thông qua một lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức kéo dài 30 ngày tại Syria. Đây được xem là một sự thỏa hiệp đáng kể giữa Nga và phương Tây, trong bối cảnh rất nhiều dự thảo nghị quyết về Syria trong suốt hơn 7 năm qua đều bị đổ vỡ do sự khác biệt về lập trường giữa các bên.

Văn kiện được thông qua sau nhiều lần trì hoãn yêu cầu tất cả các bên liên quan phải chấm dứt ngay các hoạt động thù địch trên toàn Syria trong ít nhất là 30 ngày liên tiếp để tạo điều kiện cho một lệnh ngừng bắn nhân đạo bền vững. Mục tiêu là cho phép các hoạt động vận chuyển "an toàn và đều đặn" hàng viện trợ, cũng như sơ tán những người ốm và bị thương.

Phát biểu với báo chí sau cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley, dù không đồng tình với những sửa đổi theo yêu cầu của Nga, song cũng khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với nghị quyết vì những người dân vô tội Syria, những người cần được giúp đỡ.

"Mọi con mắt hiện nay đều dõi theo chính quyền Syria, Iran và Nga. Mục tiêu của chúng ta với nghị quyết này là rõ ràng: chính quyền Syria cần phải chấm dứt các hoạt động quân sự xung quanh Đông Ghouta và cho phép các hỗ trợ nhân đạo có thể tiếp cận với tất cả những người có nhu cầu. Dù còn hoài nghi về tính khả thi của văn kiện, song chúng tôi ủng hộ nghị quyết vì những người dân vô tội tại Syria, những người cần được giúp đỡ", bà Haley nói.

Cần phải nhắc lại rằng, để nhận được sự tán thành của Nga, nghị quyết mới được thông qua này có một số điều chỉnh so với dự thảo ban đầu. Đơn cử như chi tiết lệnh ngừng bắn sẽ bắt đầu có hiệu lực 72 giờ sau khi dự thảo được thông qua, được thay bằng cụm từ "không trì hoãn", và từ "ngay lập tức" cũng được đưa vào đoạn nói về hoạt động vận chuyển và sơ tán y tế.

Một thay đổi khác theo yêu cầu của Nga là nghị quyết nêu rõ lệnh ngừng bắn sẽ không được áp dụng đối với các chiến dịch chống lại IS hay al-Qaeda, cùng với các "cá nhân, tổ chức và thực thể" có liên quan với các tổ chức khủng bố.

Điều này sẽ cho phép Chính phủ Syria tiếp tục tấn công những phần tử thánh chiến có quan hệ với al-Qaeda ở Idlib- tỉnh cuối cùng ở Syria còn nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền.

Chính vì thế, bất chấp lập trường của Mỹ, nhiều nước đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với văn kiện coi đây là nền tảng cho những bước tiến xa hơn trong nỗ lực chấm dứt các cuộc xung đột tại Syria.

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia đã bác bỏ mạnh mẽ chỉ trích của Mỹ, cho rằng, những sửa đổi này tuy nhỏ nhưng cần thiết, đồng thời cảm ơn các nhà đàm phán, đặc biệt là Kuwait và Thụy Điển.

"Tôi muốn bày tỏ sự lo ngại sâu sắc trước những tuyên bố công khai của một số quan chức Mỹ, đe dọa tấn công nhằm vào một quốc gia có chủ quyền, đó là nước Cộng hòa Syria. Chúng tôi sẽ không quan tâm tới bất kỳ những diễn giải nào khác đối với nghị quyết vừa được thông qua.

Cần phải chấm dứt những tuyên bố không mang tính xây dựng và thay vào đó là cùng tham gia nỗ lực chung nhằm giải quyết cuộc xung đột tại Syria trên cơ sở nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc", ông Nebenzia nói.

Trong khi đó, Đại sứ Pháp Francois Delattre nhấn mạnh, cần phải sử dụng lệnh ngừng bắn đạt được như "một đòn bẩy" để đi tới một thỏa thuận chính trị. Chia sẻ quan điểm này, Đại sứ Thụy Điển tại Liên Hợp Quốc Olof Skoog, đồng soạn thảo nghị quyết cùng với Kuwait, nước chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tháng 2 nhấn mạnh, nghị quyết không phải là một thỏa thuận hòa bình về Syria, mà thuần túy mang ý nghĩa nhân đạo.

Nhằm trấn an những ý kiến lo ngại về tính khả thi của lệnh ngừng bắn, cũng như nguy cơ các điều khoản trong văn kiện có thể bị hiểu sai, đặc biệt là liên quan tới việc xác định đâu là phe đối lập và đâu là khủng bố tại Syria, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng có kế hoạch nhóm họp trở lại về vấn đề này trong 15 ngày tới để đánh giá kết quả việc thực hiện lệnh ngừng bắn.

Đây được xem là một sự thỏa hiệp đáng kể giữa Nga và phương Tây, trong bối cảnh rất nhiều dự thảo nghị quyết về Syria trong suốt hơn 7 năm qua đều bị đổ vỡ do sự khác biệt về lập trường giữa các bên.

Ngay cả đối với nghị quyết lần này, giới chuyên gia cũng không đặt nhiều kỳ vọng. Thậm chí trong suốt 2 tuần qua và ngay cả trước thời điểm bỏ phiếu, không có thành viên nào của Hội đồng Bảo an cho thấy sự chủ động tìm cách chấm dứt "địa ngục trần gian" này, theo như lời của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres.

Con số thống kê hơn 500 dân thường thiệt mạng chỉ trong vòng 1 tuần qua tại Đông Ghouta là hồi chuông cảnh tỉnh cộng đồng quốc tế cần phải hợp tác để chấm dứt một trong những cuộc khủng hoảng dai dẳng nhất Trung Đông.

Theo Đại sứ Syria tại Liên Hợp Quốc Bachar Jaafari, Đông Ghouta sẽ sớm trở thành một Aleppo mới, một Aleppo của hiện tại, nơi là hàng triệu người đang sống cuộc sống bình yên như rất nhiều người khác trên trái đất. Và không chỉ Đông Ghouta, mà cả Idlib cũng sẽ sớm trở thành một Aleppo mới.