Steel industry
© Getty imagesMỹ áp dụng thuế bảo hộ thép, nhôm có thể thổi bùng chiến tranh thương mại
Sau Trung Quốc, Đức thì EU, Canada đã lên tiếng phản đối kế hoạch tăng thuế nhập khẩu với nhôm, thép nước ngoài của ông Trump.

Báo Independent dẫn tuyên bố của EU cho biết khối này sẽ sớm áp các "biện pháp đáp trả" thương mại với hàng hóa Mỹ để cân bằng với động thái tăng thuế của họ.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu - ông Jean Claude Juncker cho biết các chính sách đáp trả sẽ được công bố "trong vài ngày tới" để "tái cân bằng" tình hình thương mại giữa châu Âu và Mỹ sau động thái của ông Trump.

"Chúng tôi rất lấy làm tiếc về động thái này, đó rõ ràng là sự can thiệp thô bạo nhằm bảo vệ nền công nghiệp nội địa Mỹ và không được cân nhắc trên bất cứ lý do thỏa đáng nào về an ninh quốc gia. Chủ nghĩa bảo hộ không thể là câu trả lời cho vấn đề chung của chúng ta trong lĩnh vực thép.

Thay vì việc cung cấp một giải pháp, động thái này chỉ có thể làm vấn đề trầm trọng hơn. EU đã luôn là một đồng minh an ninh thân cận của Mỹ trong nhiều thập kỷ.

Chúng tôi sẽ không ngồi yên trong khi ngành công nghiệp của chúng tôi bị áp đặt những biện pháp bất công, đẩy hàng ngàn người lao động châu Âu vào thế rủi ro. Châu Âu sẽ hành động tương xứng và đó là điều chúng tôi sẽ làm", ông Juncker tuyên bố.

Trong khi đó, bà Cecilia Malmstrom - Ủy viên thương mại châu Âu cho rằng các chính sách thuế mới của Mỹ sẽ "gây ảnh hưởng tiêu cực tới các quan hệ xuyên Đại Tây Dương" và "sẽ đẩy giá tăng cao, giảm bớt lựa chọn cho người tiêu dùng Mỹ với hai mặt hàng thép và nhôm, trong đó có các ngành công nghiệp đang nhập khẩu những mặt hàng này".

Cùng với EU, Canada, nhà nhập khẩu thép vào Mỹ lớn nhất, cũng đã phát đi thông cáo phản hồi lại sau quyết định của ông Trump cho biết sẽ áp thuế cao hơn với mặt hàng nhôm, thép nhập khẩu từ tuần tới.

Ngoại trưởng Canada - bà Chrystia Freeland, cam kết sẽ có "những biện pháp đáp trả" nếu chính quyền tổng thống Trump áp mức thuế 25% với thép và 10% với nhôm của Cananda.

Bà Chrystia Freeland tuyên bố: "Sẽ là hoàn toàn không hợp lý khi nhìn nhận bất cứ quan hệ thương mại nào với Canada là một nguy cơ an ninh quốc gia với Mỹ".

Chính quyền Canada bày tỏ hy vọng sẽ nhận được thông báo từ Mỹ về việc chính sách thuế nhập khẩu mới không áp dụng với họ. Trong những tháng qua, căng thẳng leo thang trong quan hệ thương mại giữa Washington và Ottawa.

Trước đó, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng đã lên tiếng cáo buộc quan điểm của Mỹ là "vô căn cứ", đồng thời cho biết Bắc Kinh sẽ có những biện pháp cần thiết để bảo vệ nền kinh tế Trung Quốc nếu Mỹ quyết định thông qua những biện pháp bảo hộ.

Nhiều đối tác thương mại lớn của Washington cũng đã có phản ứng với động thái trên.

Bộ Công nghiệp Brazil cũng cho biết đang xem xét đơn phương, hoặc phối hợp với các quốc gia khác, thực hiện những biện pháp chống lại mức thuế nhôm, thép Mỹ sắp áp đặt.

Cùng ngày, Hiệp hội thép Đức đã lên tiếng cáo buộc hành động áp thuế của Washington vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Liên minh châu Âu (EU) cũng tuyên bố sẽ đưa ra biện pháp đáp trả trong vài ngày tới.

Trước đó, ngày 1/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố quyết định đặt mức thuế cao đối với thép và nhôm nhập khẩu để bảo vệ nhà sản xuất trong nước. Động thái này nhận phải không ít sự phản đối từ nhiều đối tác thương mại quan trọng của Mỹ.

Cụ thể, mức thuế 25% áp dụng với thép và 10% với nhôm sẽ được chính thức thông báo vào tuần tới, Tổng thống Mỹ cho biết. Theo ông Trump: "Chúng ta sẽ xây dựng lại hai ngành công nghiệp nhôm và thép của Mỹ".

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định việc sử dụng vấn đề an ninh quốc gia để áp đặt các loại thuế đối với các sản phẩm nhôm, thép có thể châm ngòi một cuộc chiến thương mại với các đối tác thương mại của Mỹ, làm suy yếu hệ thống thương mại thế giới dựa trên các luật lệ quốc tế, cũng như gây tổn hại đến triển vọng tăng trưởng toàn cầu.

Đặc biệt, trong bối cảnh này, nếu Mỹ tự coi mình là số 1 thì thị trường EU cũng sẽ chuyển hướng hợp tác với Nga và Trung Quốc.

Mới đây, trong chuyến công du 5 ngày của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới châu Âu, ông đã bày tỏ hy vọng sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định của kinh tế Trung Quốc và các nền kinh tế ở châu Âu, với sự hỗ trợ của các ý tưởng và giải pháp tiếp cận mới để đôi bên cùng có lợi và phát triển thịnh vượng.

Năm 2014, lần đầu tiên vốn đầu tư của Trung Quốc vào EU đã vượt con số đầu tư của khối này vào Trung Quốc.

Theo các nhà phân tích, quan hệ hợp tác giữa hai bên hiện đang mở ra nhiều cơ hội hơn khi Trung Quốc đang khuyến khích hợp tác tăng năng lực sản xuất, trong lúc EU hy vọng thực hiện kế hoạch đầu tư quy mô lớn để chấn hưng nền kinh tế châu lục.

Trong một diễn biến liên quan, chiến lược an ninh mới của Liên minh châu Âu (EU) cũng đã tính đến việc mời Nga tham gia vào những cuộc thảo luận về các vấn đề hiện nay từ quốc phòng an ninh đến kinh tế.