Duterte
© AFPTổng thống Philippines Rodrigo Duterte
Truyền thông quốc tế ngày 14-3 đồng loạt đưa tin Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ rút nước này khỏi Quy chế Rome về thành lập Tòa án Hình sự quốc tế (ICC), nhấn mạnh nó "có hiệu lực ngay lập tức".

Trong tuyên bố, nhà lãnh đạo Philippines khẳng định lý do rút khỏi ICC là bởi các cuộc công kích "vô căn cứ, chưa từng có tiền lệ và thái quá" của các quan chức Liên Hiệp Quốc. Tổng thống Duterte nhấn mạnh việc các công tố viên ICC tìm bằng chứng chỉ để kết tội ông đã vi phạm nghiêm trọng giả định vô tội.

Theo hãng tin Reuters, quyết định trên xuất hiện trong một tuyên bố đề ngày 13-3 nhưng chưa có chữ ký của ông Duterte.

Nó xuất hiện trong bối cảnh nhà lãnh đạo Philippines đang bị ICC điều tra vì các cáo buộc chống lại loài người trong cuộc chiến chống ma túy do ông phát động.

Tổng thống Philippines hiện chưa chính thức lên tiếng nhưng tuyên bố 15 trang mà Reuters có được nhận được sự xác nhận của người phát ngôn và luật sư của ông Duterte. Cả hai nhấn mạnh các động thái của ICC là một phần trong kế hoạch của những kẻ thù chống lại ông Duterte.

Theo các báo cáo được truyền thông phương tây dẫn lại, kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền giữa năm 2016, cảnh sát Philippines nói đã tiêu diệt hơn 4.100 nghi phạm buôn bán ma túy có hành vi chống lại việc bắt giữ.

Tuy nhiên, theo các nhóm hoạt động nhân quyền và các chính phủ phương tây, con số thực tế lên tới hơn 12.000 người bị giết hại, phần lớn là thường dân vô tội.


Nhận xét: Lịch sử và hành vi của các "nhóm hoạt động nhân quyền" và các chính phủ phương Tây cho chúng ta rất nhiều lý do để nghi ngờ các tuyên bố và con số của họ về một chính phủ mà họ không ưa như Philippines.


Cuộc chiến chống ma túy do ông Duterte phát động đã vấp phải sự chỉ trích từ nhiều nước và tổ chức nhân quyền. Trong một chỉ trích chưa từng có tiền lệ, Cao ủy Liên Hiệp Quốc phụ trách vấn đề nhân quyền Zeid Ra'ad al-Hussein nói nhà lãnh đạo Philippines nên đi giám định tâm thần vì cuộc chiến chống ma túy.

Theo quy định của ICC, quyết định rút khỏi cơ quan này sẽ có hiệu lực 1 năm kể từ khi họ nhận được tuyên bố của quốc gia thành viên. Nếu Manila thông báo rút lên ICC vào ngày 14-3-2018, Philippines sẽ mất quy chế thành viên sau ngày 14-3-2019.

Philippines ký Quy chế Rome về ICC năm 2000 và phê chuẩn 11 năm sau đó.