Nikki Haley
Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley, gương mặt tiêu biểu cho chính sách đối ngoại diều hâu của Mỹ
Mỹ ráo riết dọn đường tấn công Syria trên cả ba mặt chính trị, quân sự và ngoại giao

1. Ngày 12/3, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley bất ngờ cảnh báo, nếu HĐBA thất bại trong hành động đối với Syria, Mỹ "sẵn sàng hành động một mình" như đã làm hồi năm ngoái, khi Mỹ phóng 59 quả Tomahowk vào Syria trong "sự kiện Idlib".

"Đó không phải là điều chúng tôi mong muốn, song đó là minh chứng chúng tôi luôn sẵn sàng hành động và chúng tôi đã sẵn sàng để hành động như thế một lần nữa", nữ Đại sứ Mỹ công khai tuyên bố tại cuộc họp của HĐBA LHQ.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết: "Tình trạng thù địch vẫn chưa chấm dứt. Bạo lực vẫn tiếp tục ở Đông Ghouta và xa hơn nữa, trong đó có Afrin, các khu vực thuộc Idlib và bên trong thủ đô Damascus cũng như các vùng ngoại ô".

Đáp lời, bà Haley cảnh báo thẳng thừng: "Khi cộng đồng quốc tế liên tục thất bại trong hành động của mình, đã có có những lần các quốc gia buộc phải tự mình hành động và điều đó sẽ có thể lại diễn ra".

Ngày 24/2, khi HĐBA thông qua Nghị quyết về lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày trên khắp đất nước Syria, mà ở đó câu chữ của nghị quyết bị sửa đổi theo ý của Nga đảm bảo cho đồng minh "không cần im tiếng súng", thì Mỹ lại thông qua dễ dàng.

Khi đó giới phân tích nhận định phía sau thái độ nhún nhường ấy dương như là ấp ủ một mưu đồ của Mỹ và những động thái tiếp sau của Washington cho thấy mưu đồ của người Mỹ ngày càng lộ rõ.

2. Ngày 13/3, Tổng thống Trump bất ngờ sai thải Ngoại trường Rex Tillerson, người mà vị tổng thống doanh nhân phải vất vả lắm mới có thể đề xuất và bổ nhiệm được, trong đó có rào cản quan trọng là "thân Nga".

Theo The New York Times, chính quyền Trump không có nhiều chuyên gia về chính sách đối ngoại. Hiện nay, đóng vai trò quan trọng nhất trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của chính quyền Trump là những vị tướng quân đội.

"Quân nhân chuyên nghiệp đạo diễn hoạt động đối ngoại là điều mới mẻ trong lịch sử nước Mỹ, nó khiến chiến lược đối ngoại nặng về các giải pháp quân sự. Chính sách đối ngoại của Mỹ hiện không có tham vọng về ý thức hệ nhưng có tính hiếu chiến".

Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Cố vấn An ninh Quốc gia H. R. McMaster. được cho là đóng vai trò đạo diễn trong hoạt động đối ngoại của Washington và một chính sách ngoại giao "Búa - Đinh" đã được giới quân sự xác lập.

Chỉ cần qua đối xử với Moscow là nhận ra điều đó. Khi Ngoại trưởng Tillerson thăm Nga, một động thái được cho là mang tính hoà giải sau "sự kiện Idlib", thì Cố vấn An ninh Quốc gia McMaster lại cho rằng đã đến lúc phải sự cứng rắn với Moscow.

Vì vậy, việc sa thải ông Tillerson và thay thế bằng Giám đốc CIA Mike Pompeo, một nhân vật cứng rắn, cho thấy dường như Tổng thống Trump đã chuẩn bị sẵn sàng cho những hành động quyết liệt, mà việc tấn công Syria là hoàn toàn có thể diễn ra.

3. Ngày 14/3 phát biểu tại một phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ - Tướng Joseph Votel thừa nhận, quân đội trung thành với Tổng thống Assad đang thắng thế trong cuộc chiến ở Syria.

Tại phiên điều trần, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đặt câu hỏi :"Liệu có phải là một tuyên bố quá mạnh mẽ khi nói rằng với sự giúp đỡ của Nga và Iran, Assad đã giành chiến thắng trong cuộc nội chiến ở Syria?".

Ông Votel đã trả lời thẳng thắn: "Tôi không nghĩ rằng đó là một tuyên bố quá mạnh mẽ. Tôi cho rằng, họ đã cung cấp cho ông Assad phương tiện cần thiết để giúp ông này có được ưu thế vào thời điểm này".

Vị tướng Mỹ cho rằng, chiến dịch không kích liên tiếp của Nga trên chiến trường Syria đã giúp chính quyền Tổng thống Assad mở rộng quyền kiểm soát các khu vực lãnh thổ, đặc biệt là xung quanh thủ đô và các thành phố lớn khác.

Người đứng đầu Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ cảnh báo, chiến thắng của ông Assad "đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ phải tranh giành ảnh hưởng với Iran ở khu vực cụ thể này và cả tranh giành ảnh hưởng với Nga".

Cuối tháng 2, ông Votel từng cáo buộc Nga hành động như "một thế lực vừa châm lửa vừa dập lửa" ở chiến trường Syria. Vì vậy, theo giới phân thích, lời lẽ của ông Votel tại phiên điều trần dường như là một sự dọn đường cho hành động "dập lửa" của Mỹ tại Syria.

Tổng thống Trump sẽ tặng quà mừng ngày Tổng thống Putin tái cử?

Ngày 7/4/2017 Tổng thống Trump đã ra lệnh phóng 59 quả Tomahawk vào Syria ngay khi tiếp đãi Chủ tịch Tập Cận Bình đang ở thăm Mỹ và trở thành món quà đặc biệt của vị tổng thống doanh nhân tặng vị quốc khách quan trọng bậc nhất với Mỹ.

Theo giới phân tích, với những chuyển động dọn đường tấn công Syria, cho thấy dường như Tổng thống Trump lại sử dụng "chính sách ngoại giao tên lửa hành trình" để tặng quà Tổng thống Putin mừng ngày ông tái cử - ngày bầu cử tổng thống Nga.

Cho đến giờ phút này, cái cớ tấn công bằng vũ khí hoá học ở Đông Ghouta đã được Washington nhào nặn kỹ, tuy nhiên nguyên nhân quan trọng hơn là những chuyển động từ nước Nga buộc Mỹ phải ra tay để "giữ vững khí tiết" cho đồng minh.

Thứ nhất, Học thuyết quân sự mới của Nga được hoàn thiện với hàng loạt vũ tối tân mà Tổng thống Putin giới thiệu trong Thông điệp Liên bang 2018 là một sự bẽ bàng với Mỹ và phương Tây.

Washington và đồng minh đã bị Nga bắt bài trong nhận diện chiến lược quân sự của Nga kể từ sau "sự kiện buồn với nước Nga ở Kosovo" năm 1999 dưới thới Yeltsin, vì vậy họ hoàn toàn bị bất ngờ trước những nước đi của Moscow dưới thời Putin.

Và sự bất ngờ dường như đã dâng lên tới mức kịch tính khi Tổng thống Putin trình làng hàng loạt vũ khí tối tân mà kỹ thuật quân sự của phương Tây chưa thể đạt đới hay không thể xứng tầm. Vì vậy không thể không làm Washington cay mũi.

Tuy nhiên, bẽ bàng nhất là nằm ở chỗ nước Nga đạt được thành tựu tuyệt vời ấy chỉ với chi phí quốc phòng bằng 1/11 của Mỹ. Điều này đã chứng minh sự vượt trội về tính hiệu quả của Nga trước các đối thủ "binh hùng tướng mạnh" phương Tây.

Thứ hai, Tổng thống Putin đã làm thất bại hoàn toàn mưu đồ của Mỹ và các thế lực thù địch trong việc can thiệp tình hình chính trị nước Nga, không thể cứu được thất bại của phe đối lập trong cuộc chuyển giao quyền lực sắp tới tại xứ sở bạch dương.

Có thể thấy rằng, cuộc bầu cử Tổng thống Nga và cuộc chuyển giao quyền lực quan trọng bậc nhất tại Nga trong hai thập niên đầu thế kỷ 21 là cơ hội cho Washington và các thế lực thù địch với nước Nga trả đũa Kremlin bị cho là can thiệp bầu cử Mỹ.

Tại xứ sở cờ hoa, tất cả các nhánh quyền lực của nước Mỹ đều xem đây là cơ hội ra tay trả đũa và buộc Putin phải trả giá. Với chính quyền Tổng thống Trump thì đây là cơ hội chứng minh mình trong sạch với "yếu tố Nga", để phá lồng nhốt quyền lực.

Với giới chính trị truyền thống Mỹ thì đây là cơ hội làm lung lay nền tảng quyền lực của Tổng thống Putin và quyết không để mệnh đề quyền lực "Nước Nga luôn có Putin" được xác lập tại xứ sở bạch dương.

Ngoài siết cấm vận và thực hiện "ngoại giao bếp núc", thì hỗ trợ phe đối lập Nga là một nước cờ quan trọng bậc nhất với Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, cho đến lúc này có thể khẳng định phe đối lập Nga đã thất bại khiến Washington chưa thể nuốt hận.

Thứ ba, những hiệu ứng tiêu cực đối với Mỹ trong việc thất thế tại ván cờ Syria đang ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích Mỹ, khi nhiều đối tác, đồng minh của Mỹ ngày càng hướng về Moscow hoặc có những lệch pha với Washington.

Thượng nghị sĩ John McCain từng nhận định việc Mỹ không đóng góp nhiều vào tiến trình hoà bình cho Syria là một thất bại chiến lược và điều đó đã biến Tổng thống Putin trở thành nhân vật quan trọng nhất với bàn cờ chính trị tại Trung Đông.

Tổng thống Trump được cho là đã lắng nghe lời cảnh báo của vị Thượng nghị sĩ nổi tiếng nên quyết khôi phục ảnh hưởng của Mỹ tại vùng đất nóng. Song những nước đi của vị tổng thống doanh nhân dường như vẫn chưa thể làm giảm công lực những nước đi của cựu điệp viên KGB.

Chưa bao giờ "hiệu ứng nhìn về nước Nga" lại trở thành xu thế tại Trung Đông như hiện nay. Từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Israel, từ Iran đến Ả-rập Saudi, từ Iraq đến Qatar đều đến bàn bạc với Moscow để tìm tiếng nói chung hay sự ủng hộ cho nhiều vấn để lớn nhỏ.

Rõ ràng, từ nước Nga và những nước đi của Tổng thống Putin đã gây ra nhiều hiệu ứng bất lợi với Washington, do vậy phải "tặng quà" cho nhà lãnh đạo Nga để qua đó giúp đồng mình, đối tác "sáng mắt ra" mà quay về với lợi ích Mỹ và quy phục dưới sức mạnh Mỹ.

Chỉ có điều, nếu chọn tấn công Syria thì đây là nước đi lành ít dữ nhiều với Mỹ, bởi với Học thuyết quân sự mới và vị thế mới của Nga, có lẽ Moscow sẽ không tiếp tục im lặng để đồng minh phải "ôm đầu máu", do vậy đối đầu quân sự Nga - Mỹ sẽ khó tránh khỏi.

Theo giới phân tích, món quà mà Tổng thống Trump tặng Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn ngày đêm phát huy giá trị, song trong bối cảnh hiện nay nếu Tổng thống Putin nhận được quà tặng của Tổng thống Trump thì món quà còn giá trị với Moscow hơn nhiều.