RT logo - Question more
© RTKhẩu hiệu "Hãy hỏi nhiều hơn nữa" của hãng truyền hình Nga RT
Cơ quan truyền thông Anh mở 7 cuộc điều tra kênh tin tức RT của Nga

Reuters ngày 18/4 đưa tin, Cơ quan truyền thông Anh (Ofcom) đã mở 7 cuộc điều tra về kênh tin tức RT của Nga, vì đã gia tăng thời lượng đưa tin về vụ cựu điệp viên Nga nghi bị đầu độc tại Anh hồi tháng 3/2018.

Sau khi Thủ tướng Anh Theresa May cáo buộc Nga đứng đằng sau việc cựu điệp viên nhị trùng Skripal bị dầu độc, Ofcom đã ngay lập tức cảnh báo nhà sản xuất RT Novosti sẽ mất quyền phát sóng ở Anh nếu đưa tin quá nhiều về vụ việc này.

Ofcom cho biết: "Kể từ sự kiện ở Salisbury xảy ra, chúng tôi đã chứng kiến ​​một sự gia tăng đáng kể về thời lượng chương trình phát sóng của RT về sự kiện này, làm ảnh hưởng đến việc điều tra, vi phạm Bộ Quy tắc Phát sóng của Ofcom".

Ofcom đang thực hiện điều tra 7 chương trình RT bị cho là đã vi phạm các quy tắc vô tư và công bằng, không chỉ đối với vụ việc xảy ra ở Salisbury, mà đối với cả các sự kiện diễn ra ở Syria.

Trên danh nghĩa Ofcom độc lập với chính phủ Anh, song theo thực ra Ofcom luôn thể hiện quan điểm và hành động theo chỉ đạo từ Số 10 phố Downing, bởi cơ quan này có quyền đặt ra ngưỡng phát sóng để được cấp giấy phép.

Ofcom cho hay, theo bản ghi chép chung về chương trình phát sóng của RT trong thời gian gần đây, thời lượng RT đưa tin về vụ việc ờ Salisbury và những sự kiện diễn ra tại Syria không ngang bằng với các kênh tin tức khác.

Phản ứng lại động thái của Ofcom, phát ngôn viên của RT cho biết: "Cách tiếp cận biên tập của chúng tôi không hề thay đổi kể từ khi kiện ở Salisbury xảy ra. Chúng tôi sẽ trực tiếp giải quyết vấn đề này với nhà quản lý".

Đại sứ quán Nga tại London cũng đã đưa ra một tuyên bố: "Sự kiểm soát hướng tới một kênh tin tức đặc biệt và liên quan đến một vấn đề đặc biệt, chắc chắn ảnh hưởng đến tự do báo chí ở Anh, điều này gây ra mối quan tâm lớn".

Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với hãng thông tấn Interfax sau khi Ofcom điều tra RT, rằng các đơn vị truyền thông Anh, chẳng hạn như BBC, sẽ phải ngừng hoạt động ở Nga, nếu RT phải ngừng hoạt động ở Anh.

Các nhà phê bình phương Tây cho rằng RT, phát thanh tin tức bằng tiếng Anh, tiếng Ả Rập và Tây Ban Nha, là cánh tay tuyên truyền của nhà nước Nga nhằm mục đích làm giảm lòng tin của người dân vào chính quyền các nước phương Tây.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga phản bác việc một kênh tin tức được phát sóng từ năm 2005 bị ngừng hoạt động và chỉ trích những cáo buộc nhà nước Nga tài trợ RT để khai thác các sự kiện toàn cầu nhằm phục vụ lợi ích chính trị của Moscow.

Theo Bloomberg, Nga chỉ có hai hãng tin Sputnik và RT đấu chọi với hàng trăm hãng truyền thông của Mỹ, Anh, Đức, Pháp và các quốc gia tây Âu khác, do vậy Ofcom áp dụng luật công bằng với RT là khiên cưỡng, nên phía sau đó là một vấn đề khác.

London thực sự lo sợ kịch bản bị lộ tẩy?

Cho đến giờ phút này, vấn đề quan trọng nhất trong vụ cựu điệp viên nhị trùng là London đưa ra bằng chứng để chứng minh cáo buộc Moscow đứng sau vụ việc thì vẫn chưa thấy đâu và theo giới quan sát thì điều đó là không thể.

Thực tế đó khiến cho hoài nghi của công luận và dư luận về việc London tạo dựng kịch bản ở Salisbury rồi đổ vấy trách nhiệm cho Nga ngày càng trở nên sáng tỏ hơn, khi những bất lợi cho London liên tục được Nga và cộng đồng quốc tế trưng ra.

Thậm chí Phái đoàn Nga tại OPCW nghi ngờ các nhân viên y tế Anh dường như đã cố ý đưa hai cha con cựu điệp viên vào tình trạng hôn mê tạm thời và từ đó thu thập các dữ liệu sinh học rồi đưa ra các thông tin không chính xác về sức khỏe của họ.

Báo cáo của Anh tại phiên họp khẩn của OPCW về vụ Salisbury cũng khiến cho dư luận hoài nghi hành động của London, khi không dám khẳng định chắc chắn một điều gì, mà chỉ là"rất có thể", "có thể là như vậy", "không có cách giải thích nào khác".

Mặc dù vậy, London đã vẫn quyết tâm với cáo buộc này, khi kêu gọi G-7 ra tuyên bố chung yêu cầu Nga giải trình về những hoài nghi liên quan đến trách nhiệm của Nga trong vụ cựu điệp viên Skripal bị đầu độc.

London còn cho rằng Moscow chỉ cần thú nhận một trong hai trường hợp, hoặc sự ngộ độc của Skripals là kết quả từ một hành động có chủ đích của Nga, hoặc Nga mất quyền kiểm soát các kho chứa chất độc hại, trong đó có Novichok hay A-234.

Moscow không phản hồi London, mà chỉ yêu cầu trưng ra bằng chứng mà dựa vào đó London cáo buộc Moscow là thủ phạm của "vụ Skripal". Điều đó khiến cho chính phủ Theresa May thực sự rối bời.

Về mặt xung đột chính trị, việc London bày mưu kế "hại" Moscow có thể đưa hai bên vào thế cò cưa và dư luận vẫn phải rơi vào trạng thái "bán tín bán nghi" cả Nga và Anh, khi London cố tạo ra rào cản cho việc điều tra và ra kết luận cuối cùng.

Tuy nhiên, khi truyền thông chứng minh được những gì mà London thông tin là sai sự thật thì lúc đó bản chất của vấn đề đã tự sáng tỏ mà không cần chờ đợi chính quyền Theresa May cung cấp bằng chứng nữa. Đó chính là lý do London lo ngại RT.

Theo Bloomberg, sự hùng hậu của truyền thông phương Tây là thể hiện sức mạnh, song cũng lại chính là yếu điểm của họ. Bởi khai thác thông tin nhiều chiều, nhào nặn theo nhiều cách khiến một thông tin tự nó đã chứa đựng mâu thuẫn.

Và đó chính là yết hầu cho truyền thông Nga mổ xẻ. Chỉ cần tìm ra sự mâu thuẫn, phi lý của thông tin mà các chính quyền thông báo và truyền thông phương Tây loan tải là thông tin của truyền thông Nga nghiễm nhiên có giá trị hơn của đối thủ.

Trong vụ Skripal thì yết hầu của chính quyền Anh-Mỹ và truyền thông phương Tây quá lớn, giúp cho RT có thể thoải mái mổ xẻ qua các bản tin chính trị của mình và thời lượng phát sóng càng nhiều thì nguy cơ kịch bản ở Salisbury bị bại lộ càng sớm.

Theo giới phân tích, đó mới là nguyên nhân Ofcom cùng một lúc có 7 cuộc điều tra với RT, khiến cho hãng tin tức của Nga có nguy cơ phải ngừng phát sóng trên lãnh thổ nước Anh và sự thật vụ đầu độc cựu điệp viên nhị trùng sẽ còn dược che giấu.

London không những non tay trong dàn dựng kịch bản mà còn quyết đẩy vụ việc đi quá xa để "hại người lợi mình", nay nguy cơ bại lộ ngày càng rõ hơn nên phải che chắn cả truyên thông, song đây là hành động luôn khiến London mất nhiều hơn được.