Mahathir Mohamad
© AFPCựu thủ tướng Mahathir tuyên bố thắng cử sau cuộc bầu cử ngày 9/5
South China Morning Post cho biết liên minh Pakatan Harapan đã giành 121 ghế trong quốc hội 222 ghế, đủ sức thành lập chính phủ và lần đầu tiên từ thế đối lập trở thành liên minh cầm quyền ở Malaysia.

Một quốc hội do Pakatan Harapan nắm quyền là điều lần đầu diễn ra trong lịch sử Malaysia, nhưng người lãnh đạo do liên minh lựa chọn để trở thành thủ tướng lại là gương mặt rất cũ: cựu thủ tướng Mahathir Mohamad.

Mahathir, 92 tuổi, đã quyết định kết thúc cuộc đời hưu trí của mình, trở lại chính trường để chống lại chính người từng là học trò của mình, đương kim thủ tướng Najib Razak. Báo chí miêu tả ông trong chiến dịch tranh cử vẫn là một người đàn ông trông trẻ trung và khỏe mạnh hơn so với độ tuổi 92. Ông có thể diễn thuyết không ngừng nghỉ trong 1 giờ đồng hồ, chỉ trích đối thủ bằng ngôn từ đanh thép lẫn mỉa mai.

Điểm khác biệt là lần này ông tranh cử cùng đảng đối lập, vốn chưa từng được nắm quyền trong hơn nửa thế kỷ qua, từ lúc Malaysia độc lập vào năm 1957.

Cuộc bầu cử ngày 9/5 đã kết thúc 61 năm cầm quyền của liên minh Mặt trận Quốc gia (Barisan Nasional - BN). Mahathir chính là người lãnh đạo của BN trong 22 năm, từ 1981 đến lúc ông rút lui vào năm 2003.

Giai đoạn Mahathir nắm quyền là thời kỳ Malaysia hiện đại hóa và phát triển nền kinh tế. Tòa tháp đôi Petronas, khánh thành năm 1993, là biểu tượng cho giai đoạn thịnh vượng kinh tế của Malaysia dưới thời Mahathir. Nhà báo Tom Plate, người nổi tiếng qua loạt sách đối thoại với các lãnh đạo châu Á, xếp Mahathir vào nhóm "Những người khổng lồ châu Á" cùng cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu hay cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra.

Nhưng Mahathir cũng được biết đến với việc đàn áp thẳng tay các tiếng nói đối lập và đối thủ chính trị. Các nhà chỉ trích nói rằng Đạo luật An ninh Nội bộ dưới thời ông đã cho phép đàn áp truyền thông, các nhà hoạt động, các lãnh đạo tôn giáo và đối thủ chính trị.

Anwar Ibrahim, một phó thủ tướng từng dưới quyền Mahathir, đã bị sa thải, cáo buộc tham nhũng và kê gian rồi bị bỏ tù sau khi kêu gọi cải cách kinh tế, chính trị vào năm 1998.

"Mahathir đã biến nhà nước thành một cỗ máy cầm quyền cá nhân", TIME dẫn lời Chin Huat Wong, một nhà khoa học chính trị tại Viện Penang, một viện chính sách của chính phủ Malaysia.

Trong khi đó, Eric Paulsen, một nhà hoạt động và là giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ Luật sư cho Tự do tại Malaysia, nói rằng Mahathir có chính sách cứng rắn nhưng đã có công lớn với Malaysia. "Vào thời đó, chúng ta được so sánh với Hàn Quốc", Paulsen nói.

"Chúng tôi chưa từng trải qua việc này"

Tối ngày 9/5, ông Mahathir tuyên bố chiến thắng và kêu gọi cảnh sát cùng các lực lượng vũ trang không cản trở một cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Đây là lần chuyển giao quyền lực đầu tiên từ khi Malaysia độc lập khỏi Anh 61 năm trước.

Khi được hỏi về việc có định truy cứu tiếp trách nhiệm của Thủ tướng Najib trong vụ bê bối quỹ nhà nước 1MDB hay không, Mahathir trả lời: "Chúng tôi không muốn trả thù, chúng tôi chỉ muốn khôi phục pháp quyền".

Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với Al Jazeera vào năm 2016, Mahathir nói rằng ông quyết định quay lưng với người học trò cũ vì Najib đã "đi trật đường". "Ông ấy đã làm rất nhiều chuyện thật sự sai. Ông ấy đặt đất nước vào một vị thế tệ hại, cả về chính trị lẫn kinh tế. Ông ấy mang tiếng khắp thế giới. Ông ấy phải ra đi".

Nhưng chính những chính sách mạnh tay và củng cố quyền lực chính phủ dưới thời Mahathir đã trở thành công cụ về sau này của Thủ tướng Najib. Mahathir cũng thừa nhận việc ông từng cố gắng hết sức để ông Najib thăng tiến trong nội bộ đảng và trở thành thủ tướng.

Cựu thủ tướng, mà giờ sắp trở thành tân thủ tướng, đã tranh cử dưới khẩu hiệu chống tham nhũng, cáo buộc mà chính quyền ông Najib thường phải đối mặt suốt nhiệm kỳ trước.

Dù sự trở lại của Mahathir đã khiến cuộc bầu cử lần này của Malaysia kịch tính hơn rất nhiều, không nhiều người dự đoán được thất bại của BN, đảng vốn nhiều năm dựa vào những người gốc Mã Lai vốn chiếm đa số tại Malaysia. Cuộc bầu cử vừa qua ở Malaysia được đánh giá là "cuộc bầu cử tai tiếng" nhất trong lịch sử. Nhiều người chỉ trích chính quyền đã chọn ngày bỏ phiếu là ngày đi làm để ngăn chặn người dân đi bầu, điểm bỏ phiếu đóng cửa trong khi cử tri vẫn xếp hàng chờ vào bỏ phiếu.

Dù thừa nhận thất bại, Thủ tướng Najib nói rằng vì không có đảng đơn lẻ nào giành được đa số phiếu, nhà vua sẽ quyết định ai là thủ tướng. Trong khi đó, ông Mahathir được kỳ vọng sẽ tuyên thệ nhậm chức vào chiều 10/5.

Cuộc bầu cử năm 2018 của Malaysia còn đánh dấu cho việc 2 ông Mahathir và Anwar, người vừa là cựu thù vừa là đồng sự cũ của ông, "làm lành" với nhau dưới ngọn cờ của Pakatan Harapan. Mahathir không định trở lại chính trường lâu dài, ông sẽ chỉ giữ chức thủ tướng trong 2 năm trước khi chuyển giao nó lại cho Anwar.

Anwar vẫn đang ở tù và cần được vua Malaysia ân xá trước khi có thể nắm quyền.

Vì chuyển giao quyền lực là chuyện lần đầu diễn ra, người ta vẫn chưa tưởng tượng được Malaysia sẽ như thế nào dưới một đảng cầm quyền mới, dù có rất nhiều kỳ vọng ông sẽ giúp đưa Malaysia trở về thời họ còn là "con rồng châu Á".

Khi phóng viên của Sydney Morning Herald hỏi về việc thay đổi chính quyền có ý nghĩa gì đối với Malaysia, bản thân Mahathir đã nói đùa: "Tôi không biết, chúng tôi chưa từng làm chuyện này trước đây".