Putin netanyahu- victory day
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngồi cùng Putin tại lễ diễu binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng Phát xít Đức
Tehran thất vọng với phản ứng của Moscow với cuộc xung đột Iran - Israel?

Reuters ngày 11/5 đưa tin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi cho biết Tehran lên án vụ tấn công của Israel vào Syria ngày 10/5, mà theo Tel Aviv thì đó là việc quân đội Israel không kích vào các mục tiêu của Iran tại Syria.

Ông Qasemi tuyên bố nhà nước Syria có quyền chống lại bất kỳ sự gây hấn nào của Israel, song Tehran cũng chỉ trích các quốc gia đã "im lặng" trước hành động quân sự của Israel.

"Iran kịch liệt lên án việc Israel tấn công Syria. Sự im lặng của cộng đồng quốc tế đã như một sự khuyến khích cho hành động xâm lược của Israel. Syria có quyền tự vệ với mọi tình huống" - vị quan chức ngoại giao nhấn mạnh.

Bộ Ngoại giao Syria cũng đã ra tuyên bố, các vụ không kích của Israel trên lãnh thổ Syria đánh dấu một "giai đoạn mới" trong cuộc xung đột kéo dài 7 năm qua ở quốc gia Trung Đông này- mở ra một thời kỳ căng thẳng mới cho cuộc nội chiến Syria.

Điều đáng lưu ý là đến nay, Nga lại gần như "lặng tiếng" trước những chuyển động quân sự mới nhất tại Trung Đông, làm gia tăng xung đột Iran - Israel và có nguy cơ bùng phát thành một cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia này.

Moscow chỉ bày tỏ sự quan ngại về việc Israel không kích Syria, đồng thời kêu gọi các bên tránh leo thang căng thẳng - một cách phản ứng tương tự như phản ứng của các nước EU với những chuyển động quân sự này.

Không những vậy, Moscow còn phát tín hiệu cho thấy không có việc cung cấp tên lửa đất đối không S-300 tiên tiến cho Syria, mà dược nhìn nhận là sẽ giúp Damascus hiệu quả hơn trong việc đáp trả hành động quân sự của tel Aviv.

Ông Vladimir Kozhin, một cố vấn của Tổng thống Vladimir Putin, người giám sát quá trình viện trợ quân sự của Nga, đã khẳng định Nga đang không đàm phán với chính quyền Syria về việc cung cấp S-300 và Moscow không nghĩ điều đó là cần thiết.

"Hiện tại, chúng tôi không đàm phán về bất kỳ động thái nào trong việc cung cấp các hệ thống phòng không hiện đại mới. Quân đội Syria đã có mọi thứ cần thiết", Izvestia dẫn lời ông Kozhin.

Trong khi trước đó, hồi tháng 4/2018, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã cho rằng các cuộc không kích của Mỹ-Anh-Pháp nhắm vào Syria đã dỡ bỏ mọi nghĩa vụ đạo đức mà Nga đang thực hiện về việc không đưa tên lửa cho Syria.

Nhật báo Kommersant của Nga còn trích dẫn các nguồn tin quân sự cho biết quá trình chuyển giao S-300 có thể được bắt đầu. Vậy mà sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có chuyến thăm Nga thì mọi việc đã trở nên đóng băng.

Tel Aviv đã nỗ lực nhiều lần để thuyết phục Moscow không cung cấp S-300 cho Syria, vì lo ngại điều này sẽ cản trở sức mạnh không lực của họ nhắm vào các chuyến hàng vũ khí cho nhóm Hezbollah được Iran hậu thuẫn tại Syria.

Những bình luận của ông Kozhin cho thấy dường như những nỗ lực lobby của phía Israel đã có kết quả. Và đây là điều không thể không khiến Tehran thất vọng, bởi nó cho thấy Nga không đứng về phía Iran trong cuộc xung đột với Israel.

Do vậy, theo giới phân tích, Tehran chỉ trích sự im lặng của cộng đồng quốc tế trước hành động Tel Aviv có thể được xem như một lời nhắn giửi tới Moscow về phản ứng nước đôi với cuộc xung đột Iran - Israel.

Nếu bùng phát chiến tranh Iran - Israel, Nga sẽ đứng ngoài cuộc?

Có thể thấy hiện Nga chưa có đồng minh chiến lược tại Trung Đông, dù Nga bảo trợ Syria hay hợp tác cùng Iran trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria, do đó phản ứng của Moscow với những chuyển động tại Trung Đông đều dựa trên vị thế này.

Mặt khác, Moscow chủ yếu dựa trên thế của mình được tạo ra sau những nước đi của Tổng thống Putin để tạo dựng ảnh hưởng tại vùng đất nóng, chứ chưa thể dựa vào lực của mình, bởi lực của Mỹ vẫn tỏ ra vượt trội Nga tại vùng đất khỏi lửa này.

Vì vậy, Nga luôn tìm cách "thêm bạn, hạn chế thù", trong quá trình mở rộng tầm ảnh hưởng tại Trung Đông và điều đó cũng lý giải tại sao Nga đều xem Israel và Iran là đối tác chiến lược, hay Nga không tham gia vào việc bảo vể chủ quyền cho Syria.

Với lợi ích và việc tạo dựng vị thế như vậy, Moscow đã thể hiện ra là không hoàn toàn ủng hộ cả Tehran lẫn Damascus cũng như Hezbollah trong những hành động quân sự nằm ngoải phạm vi cuộc chiến chống khủng bố tại Syria.

Thậm chí việc Iran và Hezbollah tham gia vào cuộc chiến Syria dù đã giúp cho Nga đạt được hiệu quả cao hơn trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria, song lại làm ảnh hưởng rất lớn tới việc Nga thể hiện vai trò đạo diễn trong bàn cờ chính trị Syria.

Điều đó, một phần vì Hezbollah vốn bị LHQ ra nghị quyết buộc phải giải giáp từ năm 2004, nên hàng chục năm qua nhóm du kích này tồn tại như một tổ chức khủng bố quốc tế, dù Hezbollah có mặt trong thành phần chính phủ Li-băng.

Còn Iran cũng hoàn toàn không phải là "khách mời hợp pháp" tại Syria - Damascus không có lời mời chính thức như với Moscow - nên Mỹ, Thổ, các đồng minh Ả-Rập và cả Israel đều xem đó là sự mở lối cho họ xuất hiện tại Syria không cần được mời.

Iran không phải là khách mời hợp pháp tại Syria, Tehran lại bảo trợ cho "khủng bố" Hezbollah khiến Moscow sẽ trở nên cực kỳ mạo hiểm nếu đứng về phía Tehran trong những hành động vượt ra ngoài cuộc chiến chống khủng bố tại Syria.

Trong khi đó, Israel là đồng minh chiến lược của Mỹ, nên nếu Nga đứng về phía Iran trong cuộc xung đột với Israel thì đương nhiên một cuộc xung đột quân sự Nga - Mỹ tại Trung Đông sẽ diễn ra, mà đây là điều nằm ngoài mọi tính toán của Moscow.

Khi Tổng thống Trump xé bỏ Thoả thuận hạt nhân Iran đã mở lối cho những hành động cứng rắn đối với Iran, trong đó có gia tăng trừng phạt Tehran và những thực thể kết nối mật thiết với Iran.

Do đó, nếu Moscow đứng về phía Tehran thì có khiến Nga phải thể đối mặt "cấm vận chồng cấm vận" của Mỹ. Trong thời điểm hiện nay, điều đó là cực kỳ nguy hại với nước Nga và quá trình thực thi quyền lực của Tổng thống Putin.

Không những vậy, Israel vẫn xem Nga là đối tác đặc biệt và dù là đồng minh chiến lược của Mỹ, song Tel Aviv lại không ủng hộ và không tham gia vào lệnh trừng phạt mà Washington và phương Tây áp đặt với Nga.

Nga vẫn đang lừng lững tiền vào Trung Đông, vì vậy Moscow sẽ không tự tạo ra rào cản cho mình bằng ứng xử "nhất bên trong nhất bên khinh" với các đối tác chiến lược và không thể đánh đổi lợi ích Nga cho những nước cờ Moscow không thể kiểm soát.