Irački premijer Haidar al-Abadi
Thủ tướng Iraq Haidar al-Abadi
Tam giác quyền lực do Mỹ tạo dựng tại Iraq đứng trước nguy cơ bị đánh sập

Iraqi News ngày 13/5 bình luận rằng, có dấu hiệu cho thấy chủ nghĩa giáo phái tại Iraq đang sụp đổ và cuộc tổng tuyển cử lần thứ 5 thời hậu Saddam là dấu chấm hết cho cơ cấu quyền lực hình thành trên sự phân chia lợi ích của các sắc tộc và tôn giáo.

"Chủ nghĩa giáo phái dẫn đến sự đối xử tồi tệ của một số nhóm tôn giáo đối với các lực lượng khác, điều đó làm suy yếu bất kỳ tiến bộ nào để phát triển đất nước Iraq tương xứng với tiềm năng của mình", hãng tin của Iraq nhận định.

Nhiều người Iraq cho rằng cơ cấu quyền lực được xây dựng dựa trên nền tảng là chủ nghĩa giáo phái là nhằm phá vỡ đất nước Iraq, góp phần tạo ra sự chia rẽ và xung đột trong cả đời sống chính trị và đời sống xã hội tại quốc gia Trung Đông này.

Theo Iraqi News, người ta lật đổ Saddam Hussein chỉ là để mở đường cho các đảng phái chính trị phân chia lợi ích dựa trên tôn giáo và sắc tộc nhằm phục vụ cho mưu đồ của họ, chứ không phải là nhằm mang lại lợi ích cho người dân và đất nước Iraq.

Xin nhắc lại, khi Toàn quyền Paul Bremer chuyển giao chủ quyền cho người Iraq vào ngày 28/6/2004, người Mỹ đã kịp phác thảo cho Iraq một bản Hiến pháp, trong đó hệ thống quyền lực đảm bảo sự hiện diện của ba sắc tộc chính ở quốc gia này.

Trong tam giác quyền lực ấy, đại diện người Kurd được nắm giữ vị trí Nguyên thủ quốc gia mang tính nghi lễ, đại diện người Hồi giáo dòng Shi'ite nằm giữ vị trí Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội đầy quyền lực.

Quyền lực của người Hồi giáo dòng Sunni bị giảm sút đáng kể dưới thời hậu Saddam Hussein, khi chỉ được nắm giữ các chức vị ít quyền năng và thường là cấp phó trong các nhánh của tam giác quyền lực.

Việc Mỹ tạo dựng tam giác quyền lực cho Iraq thời hậu Saddam được nhận diện là Washington muốn tạo ra một cơ cấu quyền lực xung đột nhằm phục vụ cho chiến lược dùng người Kurd vẽ lại bàn cờ chính trị tại Trung Đông.

Bởi người Kurd dù đã tham gia vào chính quyền trung ương tại Baghdad, song cơ chế tự trị của người Kurd tại bắc Iraq vẫn không thay đổi. Nghị viện và chính phủ Kurdistan vẫn tồn tại song song với Quốc hội và chính phủ trung ương tại Baghdad.

Khi nguyên tắc đồng thuận giữa các phe phái bị phá vỡ, thay vào đó là nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, đã tạo ra lý do cho người Kurd tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập, phá vỡ tính thống nhất của nhà nước Iraq.

Baghdad đã không cho Erbil hiện thực hoá kết quả trưng cầu độc lập và tước bỏ nhiều quyền lợi cũng như quyền lực của người Kurd, tuy nhiên Hiến pháp không được viết lại, nghĩa là tam giác quyền lực được Mỹ tạo dựng vẫn tồn tại.

Như vậy, nguy cơ đất nước Iraq sẽ bị chia tách theo ý đồ của Washington vẫn còn nguyên và đây là lời cảnh báo nguy hại cho bất cứ lực lượng chính trị nào được trao nắm giữ quyền lực tại Baghdad.

Dường như lực lượng chính trị đương quyền tại Iraq, đứng đầu là Thủ tướng Haider al-Abadi đã quyết ngăn chặn nguy cơ ấy bằng việc tìm cách đánh sập tam giác quyền lực mà Mỹ đã tạo dựng và vẫn tác oai tác quái với đời sống chính trị Iraq.

Nhà chính trị Iraq được cho là thân Mỹ này đã chọn đánh sập tam giác quyền lực mà Mỹ xây dựng tại Iraq bằng đoàn kết xã hội, xoá nhoà ranh giới giữa các lực lượng chính trị đại diện cho lợi ích đảng phái.

"Ông Abu al-Tayib, ứng cử viên của người Hồi giáo dòng Sunni tranh cử tại Fallujah, nhưng lại đứng trong liên danh Nasr được lãnh đạo bởi Thủ tướng Haider al-Abadi - ứng cử viên của người Hồi giáo dòng Shi'ite", Iraqi News tường thuật.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chính trị Iraq, một liên minh chính trị Shi'ite tranh cử tại khu vực truyền thống của người Sunni và lần đầu tiên trong đời sống chính trị Iraq một ứng viên Sunni tranh cử với cương lĩnh của liên danh chính trị Shi'ite.

Đặc biệt, ngày 26/4 - chỉ 2 tuần trước khi diễn ra tổng tuyển cừ - Thủ tướng Abadi đã đến vùng Kurdistan, chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu chính phủ Iraq tới khu vực người Kurd kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng giữa Baghdad và Erbil.

Thủ tướng Abadi đã được người đứng đầu chính phủ tự trị Kurdistan Nechirvan Barzani ra tận sân bay chào đón - một tín hiệu cho thấy sự đoàn kết trong xã hội Iraq đã phôi thai sau hàng thế kỷ xung đột và chia rẽ.

Người Iraq ngày càng mệt mỏi với nền chính trị dựa trên lợi ích tôn giáo và sắc tộc. Những gì người Iraq mong muốn là sự đổi thay để họ có toàn quyền quyết định tương lai đất nước mình, theo Iraqi News.

Như vậy là sau 15 năm, tam giác quyền lực mà Mỹ tạo dựng tại Iraq, để nhằm biến quốc gia này thành tâm chiến lược mới của Mỹ, có nguy cơ bị đánh sập và "yếu tố Mỹ" ngày càng nhạt nhoà tại quốc gia Trung Đông này.

Washington phải cay đắng chấp nhận cảnh "cốc Mỹ mò" cho "cò Iran xơi"

Điều đáng nói là ván cờ chính trị được Mỹ đạo diễn tại Iraq thời hậu Saddam nhưng luôn mang lại lợi ích cho Iran - kẻ thù không đội trời chung của Mỹ tại Trung Đông mà đã bao lần Washington Mỹ bẻ nanh không gãy.

Với việc tạo cơ cấu quyền lực xung đột, trong đó lực lượng chính trị Hồi giáo dòng Shi'ite là nòng cốt, được xem là Washington đã sắp đắt bàn cờ chính trị tuyệt với nhất cho Tehran tại Iraq.

Có thể thấy rằng quan hệ Iran - Iraq đã cải thiện nhanh chóng kể từ khi Mỵ̃ lật đổ cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein vào năm 2003 và tạo điều kiện chính phủ do người Hồi giáo theo dòng Shi'ite đứng đầu lên nắm quyền ở quốc gia này.

Bởi Iran là quốc gia có đa số là người Hồi giáo dòng Shi'ite nên khi lực lượng chính trị Hồi giáo dòng Shi'ite chi phối đời sống chính trị tại Iraq đã nhanh chóng tạo ra sự đồng điệu giữa Baghdad và Tehran.

Ngày 23/7/2017 đã diễn ra sự kiện lịch sử trong quan hệ Iran - Iraq, khi tại Tehran hai bên đã ký thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự và nhiều lĩnh vực khác. Thoả thuận được xem như hiệp ước hữu nghị và họp tác giữa các đồng minh chiến lược.

"Iran và Iraq mở rộng hợp tác và trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, an ninh biên giới, giáo dục, cũng như hỗ trợ kỹ thuật và quân sự", bản thoả thuận ghi rõ.

Đây được cho là lời cảnh báo nghiêm khắc với Washington, bởi chính Tổng thống Trump từng lên tiếng quan ngại về việc Tehran tăng cường can thiệp và ủng hộ cộng đồng người Shi'ite không chỉ tại Iraq, mà còn ở cả Syria và Yemen.

Tuy nhiên, khi tam giác quyền lực bị đánh sấp thì mối nguy Tehran với Washington trong bàn cờ chính trị Iraq còn tăng lên gấp nhiều lần, bởi Thủ tướng Abadi thực hiện đoàn kết xã hội là một cách phủ tấm ảnh hưởng của Hồi giáo Shi'ite trên toàn Iraq.

Điều đó không những ngăn chặn việc Washington dùng quân cờ người Kurd khuấy động Trung Đông, mà còn có thể biến Iraq trở thành đồng minh chiến lược của Iran quan đó thanh tẩy "yếu tố Mỹ" khỏi đời sống chính trị và đời sống xã hội Iraq.

Thực tế nguy hại đó buộc Mỹ phải có một ván cờ mới tại Iraq và người Mỹ cho thấy đã chuẩn bị có nước cờ mới, khi Washington bỗng nhiên tuyên bố đứng ngoài mọi chuyển động chính trị tại Baghdad.

Tuy nhiên mọi việc không đơn giản như Washington sử dụng "gói bột giặt" 15 năm trước với Saddam Hussein, khi đối thủ của Saddam đang chi phối đời sống chính trị Iraq, chỉ có điều ngày càng xa rời Mỹ để chịu ảnh hưởng của Iran.

Rõ ràng, Washington đang phải cay đắng chấp nhận cảnh "cốc Mỹ mò" cho "cò Iran xơi" trong bàn cờ chính trị Iraq thời hậu Saddam mà Mỹ đã cố gắng tạo dựng và tìm cách chi phối suốt 15 năm qua.