Muqtada al-Sadr
Giáo sĩ Muqtada al-Sadr
Lực lượng chính trị chống Mỹ của Giáo sĩ Shiq Muqtada al-Sadr thắng cử

Iraqi News ngày 15/5 đưa tin, Thủ tướng Haider al-Abadi đã chức mừng giáo sĩ Shiq Muqtada al-Sadr khi Khối Sairoon - lực lượng chính trị của vị giáo sĩ nổi tiếng đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Iraq lần thứ 5 thời hậu Saddam.

Theo kết quả ban đầu được công bố bởi Ủy ban bầu cử độc lập Iraq, khối chính trị Sairoon của giáo sĩ Sadr đã dẫn đầu, sau khi việc kiểm phiếu được hoàn tất ở 16 trong số 18 tỉnh của Iraq.

Cuộc tổng tuyển cử bầu ra 329 thành viên của Hội đồng đại diện, định chế có chức năng bầu chọn Tổng thống và Thủ tướng Iraq. Vì vậy, lực chính trị nào chiến thắng sẽ đóng vai trò quan trọng với đời sống chính trị của Iraq, ít nhất là trong 5 năm tới.

Khi lực lượng chính trị của giáo sĩ Sadr giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ngày 12/5 vừa qua, đồng nghĩa vai trò của vị giáo sĩ trẻ tuổi này sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới cả đời sống chính trị và xã hội Iraq.

Giáo sĩ Shiq Muqtada al-Sadr còn rất trẻ, năm nay mới 45 tuổi, nhưng đã có tầm ảnh hưởng rất lớn tại đất nước Iraq, song điều đáng lưu ý là tầm ảnh hưởng của ông lại gắn liền với thành tích chống Mỹ của ông.

Giáo sĩ Sadr chống Mỹ "từ ngày đầu đền ngày cuối" - từ khi quân đội Mỹ tấn công Iraq lật đổ chế độ Saddam Hussein năm 2003 đến khi quân đội Mỹ triệt thoái khỏi Iraq năm 2011.

Chính toàn quyền Paul Bremer đã từng tuyên bố rằng Shiq Muqtada al-Sadr là một kẻ đứng ngoài vòng pháp luật và phong trào nổi dậy của những người ủng hộ vị giáo sĩ trẻ tuổi này sẽ không được Mỹ dung thứ.

Năm 2003, ngay sau khi chế độ của Tổng thống Saddam Hussein bị Mỹ lật đổ, giáo sĩ Sadr đã lên tiếng phản đối Chính quyền lâm thời của Mỹ quản lý đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp chính trị.

Vị giáo sĩ trẻ này đã có một câu nói được xếp vào "hàng kinh điển" về lột tả bản chất hành động của Washington: "Saddam là con rắn nhỏ, còn Mỹ là con rắn lớn", theo tường thuật của TV Episode.

Trong các bài giảng và các cuộc phỏng vấn công khai, giáo sĩ Sadr liên tục yêu cầu rút ngay lập tức tất cả các lực lượng Mỹ, tất cả các lực lượng quân đội nước ngoài khỏi Iraq và thành lập chính quyền mới tại Iraq.

Giáo sĩ Sadr đã kêu gọi thánh chiến chống lại các lực lượng liên minh do Mỹ cầm đầu, từ đó kích hoạt hàng trăm cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng trăm ngàn người trên khắp đất nước Iraq ủng hộ vị giáo sĩ và lý tưởng của ông, theo Al Jazeera.

Giáo sĩ Muqtada al-Sadr từng kêu gọi quân đội và cảnh sát Iraq ngừng hợp tác với Mỹ, mà hãy cùng đoàn kết với người dân Iraq, đẩy các lực lượng quân đội Mỹ ra khỏi đất nước.

"Các bạn, các binh sĩ của quân đội Iraq và lực lượng cảnh sát Iraq, không nên đi theo những kẻ xâm lược chiếm đóng đất nước Iraq, vì những kẻ đó chính là kẻ thù của các bạn".

Trước cuộc tổng tuyển cử năm 2010, giáo sĩ Sadr đã kêu gọi người dân Iraq hãy tham gia, để ủng hộ những người có quyêt tâm đuổi người Mỹ ra khỏi bờ cõi và cảnh báo ràng bất kỳ sự can thiệp nào của Mỹ vào Iraq đều không thể chấp nhận được.

Cuối năm 2011, quân đội Mỹ đã rút khỏi Iraq và điều đó giúp cho giáo sĩ Sadr nâng tầm ảnh hưởng mạnh mẽ hơn với đời sống chính trị và đời sống xã hội Iraq, khi lực lượng chính trị của ông chiếm số ghế nhiều nhất trong Quốc hội Iraq.

Như vậy, giáo sĩ Muqtada al-Sadr là người "chống Mỹ điên cuồng" và chính điều đó đã nâng cao vị thế cho vị giáo sĩ trẻ tuổi trong hệ thống quyền lực nhà nước Iraq thời hậu Saddam, trong đó có chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ngày 12/5 vừa qua

Tam giác quyền lực mà Mỹ dày công Mỹ tạo dựng tại Iraq đã bị đánh sập?

Toàn quyền Paul Bremer từng tự hào rằng Mỹ đã làm được rất nhiều điều cho đất nước Iraq. Trong số những điểu mà Mỹ làm cho Iraq có việc phác thảo bản Hiến pháp tạo điều kiện cho sự hiện diện của ba sắc tộc chính trong hệ thống quyền lực.

Trong tam giác quyền lực ấy, đại diện người Kurd được nắm giữ vị trí Nguyên thủ quốc gia mang tính nghi lễ, đại diện người Hồi giáo dòng Shi'ite nằm giữ vị trí Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội đầy quyền lực.

Quyền lực của người Hồi giáo dòng Sunni bị giảm sút đáng kể dưới thời hậu Saddam Hussein, khi chỉ được nắm giữ các chức vị ít quyền năng và thường là cấp phó trong các "góc" của tam giác quyền lực.

Có thể nhận diện qua việc tạo dựng tam giác quyền lực, Mỹ muồn xoá bỏ ảnh hưởng của lực lượng chính trị trung thành với Saddam Hussein và nâng tầm ảnh hưởng cho người Kurd - lực lượng chính trị phục vụ cho nước cờ chính trị mới tại Trung Đông.

Để làm được điều đó Mỹ phải nâng tầm cho lực lượng chính trị Hồi giáo dòng Shi'ite và đây là một canh bạc đầy mạo hiểm với Washington, một phần vì tạo điều kiện cho Iran chi phối Iraq, một phần vì giúp cho lực lượng chống Mỹ có thêm quyền lực.

Và chính giáo sĩ Muqtada al-Sadr - người "chống Mỹ điên cuồng" và bị Mỹ đặt ra ngoài vòng pháp luật lại là người hưởng lợi nhất từ tam giác quyền lực vì ông thuộc lực lượng Hồi giáo dòng Shi'ite.

Chỉ có điều, trong tam giác quyền lực mà Mỹ tạo dựng ban đầu, dù "góc quyền lực" của người Hồi giáo dòng Shi'ite là lớn nhất, song vẫn đảm bảo số đo nhất định cho "góc quyền lực" của người Kurd và người Hồi giáo dòng Sunni.

Tuy nhiên, khi vận hành thì các "góc quyền lực" đã có sự thay đổi độ lớn theo tỷ lệ nghịch, mà qua đó "góc quyền lực" của lực lượng Hồi giáo dòng Shi'ite đã lớn lại ngày càng lớn hơn khiến cho lực lượng người Kurd không thể chịu đựng nổi.

Đứng trước nguy cơ có thể bị tối thiểu hoá "góc quyền lực" của minh khi nguyên tắc đồng thuận được thay thế bằng nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số trong thể hiện quyền lực, người Kurd đã thực hiện trưng cầu độc lập.

Song Baghdad đã không cho Erbil hiện thực hoá giá trị ý nguyện và tước bỏ nhiều quyền lực cũng như quyền lợi của người Kurd. Vậy là không những không tránh được nguy cơ, mà người Kurd còn tự thu hẹp "góc quyền lực" của mình nhanh hơn.

Thực ra, lực lượng Hồi giáo dòng Shi'ite được nhận diện từ đầu đã tìm cách mở rộng tối đa "góc quyền lực" nhẳm đánh sập tam giác quyền lực Mỹ, với công cụ là đoàn kết xã hội, xoá nhoà ranh giới lợi ích đảng phái, xoá bỏ cơ cấu quyền lực xung đột.

Sự kiện siáo sĩ Muqtada al-Sadr gặp Thủ tướng Haider al-Abadi ngày 26/12/2016, để bàn bạc về những chính sách và chương trình hành động vì đất nước, được xem là khởi đẩu cho tiến trình đoàn kết của người Iraq.

Sự kiện ông Abu al-Tayib, ứng cử viên của người Hồi giáo dòng Sunni tranh cử tại Fallujah, nhưng lại đứng trong liên danh Nasr được lãnh đạo bởi Thủ tướng Abadi - ứng cử viên của người Hồi giáo dòng Shi'ite, cho thấy sự đoàn kết đã hiện thực hoá

Bởi đây là lần đầu tiên trong lịch sử chính trị Iraq, một liên minh chính trị Shi'ite tranh cử tại khu vực truyền thống của người Sunni và lần đầu tiên trong đời sống chính trị Iraq một ứng viên Sunni tranh cử với cương lĩnh của liên danh chính trị Shi'ite.

Sự kiện ngày 26/4 khi Thủ tướng Abadi được người đứng đầu chính phủ Kurdistan Barzani ra tận sân bay chào đón trong chuyến thăm đầu tiên tới khu vực người Kurd sau khủng hoảng, cho thấy hàng thế kỷ xung đột tại Iraq đã phôi thai sự hoà hợp.

Và ngày 15/5 Thủ tướng Abadi điện thoại chúc mừng giáo sĩ Sadr khi khối Sairoon - lực lượng của vị giáo sĩ nổi tiếng giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 5 thời hậu Saddam, cho thấy dường như tiến trình đoàn kết đã không thể đảo ngược.

Iraqi News từng bình luận, người Iraq đã mệt mỏi với nền chính trị dựa trên lợi ích tôn giáo và sắc tộc. Những gì người Iraq mong muốn là sự đổi thay để họ có quyền quyết định tương lai đất nước mình. Dường như điều đó đã dần thành hiện thực.

Như vậy, sau 15 năm tam giác quyền lực mà Mỹ tạo dựng tại Iraq đã bị đánh sập gần như hoàn toàn, song đau đớn nhất việc đánh sập lại được thực hiện bởi chính những lực lượng hưởng lợi nhờ tam giác quyền lực ấy.