TrumpIranFlag
© Real Iran
Hai chiến thắng cho Iran ở Lebanon và Iraq

Đầu tháng 5, đảng chính trị của lực lượng vũ trang người Shiite Hezbollah và các đồng minh chính trị đã thắng cuộc bầu cử quốc hội Lebanon, giành được 67 trong tổng số 128 ghế.

Nhà Trắng không hài lòng với chiến thắng gần đây của Hezbollah trong cuộc bầu cử quốc hội Lebanon, cựu Ngoại trưởng Lebanon Adnan Mansur bình luận về các biện pháp trừng phạt mới, được áp đặt bởi Mỹ chống lại phong trào vũ trang người Shiite này.

Ngày 16 tháng 5, Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ (OFAC), hợp tác với Saudi Arabia, Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar và United Arab Emirates (UAE), đã đưa ra lệnh trừng phạt 10 thành viên Hezbollah, bao gồm các quan chức cấp cao, trong đó có cả Tổng thư ký Sayyed Hassan Nasrallah và người phó của ông là Naim Qassem, cùng với các đơn vị liên kết với phong trào.

"Bằng cách nhắm vào Hội đồng Shura của Hezbollah, các quốc gia của chúng tôi đã từ chối sự phân định sai lệch giữa cái gọi là 'Cánh chính trị', 'cánh vũ trang' và âm mưu khủng bố toàn cầu của Hezbollah" - Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven T. Mnuchin cho biết.

Theo Mansur, động thái của Washington, được hỗ trợ bởi các nước vùng Vịnh, sẽ không ảnh hưởng đến các chương trình nghị sự chính trị của Lebanon, bởi tổ chức vũ trang này đã trở thành một thế lực chính trị lớn, được nhân dân nước này yêu mến.

Bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại các thành viên lãnh đạo của phong trào Hezbollah, Washington đã báo hiệu sự không hài lòng của mình với vai trò của tổ chức tại lãnh đạo Lebanon, nhưng tổ chức này không quan tâm đến điều đó.

Vị cựu bộ trưởng ngoại giao lưu ý, trước đó, các lãnh đạo của phong trào đã bị xử phạt (trước đó, vào tháng 2 năm 2018, Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với sáu người và bảy doanh nghiệp liên kết với phong trào này), bây giờ Mỹ và các đồng minh của nó trong khu vực chỉ đơn thuần là 'tăng liều lượng' và đưa cả quân đội và cánh chính trị của Hezbollah vào danh sách các tổ chức khủng bố mà thôi. Phương Tây đang báo hiệu theo cách này rằng, họ sẽ tiếp tục đấu tranh với Hezbollah đến cùng.

Mansur đã chỉ ra rằng, lệnh trừng phạt này rõ ràng là chẳng có nghĩa lý gì, bởi các thành viên của phong trào này không có tài khoản ở nước ngoài, vì vậy trong thực tế các lệnh trừng phạt mới được công bố sẽ không tác động gì đến họ.

Theo ông Mansur, việc Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt mới sẽ không ảnh hưởng đến tình hình nội bộ ở Lebanon và sự hình thành của chính phủ. Nhân dân đã lựa chọn Hezbollah và đất nước sẽ bảo vệ lựa chọn của mình. Phong trào này và các đồng minh của nó sẽ là một phần của chính phủ Lebanon, bất chấp áp lực bên ngoài nào.

Hezbollah từ lâu đã giành được sự ủng hộ của Iran. Bằng cách nhắm vào phong trào, Washington dường như đang tìm cách cắt giảm ảnh hưởng của Tehran trong khu vực, mà trực tiếp là ở Lebanon và Syria.

Trong khi đó, cuộc bầu cử quốc hội vào ngày 12 tháng 5 tại Iraq cũng đã kết thúc với chiến thắng của liên minh Shiite (Shia), mà một số nhà quan sát coi đó là một chiến thắng thứ hai cho Iran ở khu vực Trung Đông.

Giáo sĩ người Shia Muqtada al-Sadr thuộc Khối Sairun đứng đầu về số phiếu bầu. Các liên minh Hadi al-Amiri's Fatah do Iran hậu thuẫn và Liên minh Nasr của Thủ tướng Haidar al-Abadi lần lượt đứng thứ hai và thứ ba.

Sau khi al-Sadr chiến thắng, một số nhà quan sát dự đoán rằng, chính phủ tiếp theo của vị giáo sĩ vốn nổi tiếng là chống Mỹ cực đoan này có thể sẽ không ngả hẳn về Tehran nhưng chắc chắn là sẽ cực lực chống Washington, đồng thời, cũng theo đuổi một chiến lược độc lập và khôi phục mối quan hệ với các quốc gia Ả Rập khu vực.

Tuy nhiên, chỉ bằng đó thôi cũng đã là một thắng lợi rất lớn đối với Iran. Thế nhưng, rất có thể Iran sẽ tiếp tục thắng Mỹ ở ngay tại châu Âu, nơi những đồng minh hàng đầu của Mỹ quyết tâm đi ngược lại ý định của Washington để tiếp tục giữ Thỏa thuận hạt nhân với Tehran.

Iran tiếp tục thắng Mỹ ở châu Âu

Để ngăn chặn cái gọi là "sự mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở Trung Đông của Iran", Nhà Trắng đơn phương rút khỏi Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (Joint Comprehensive Plan of Action - JCPOA), thường được gọi là Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và ra lệnh tiếp tục trừng phạt chống lại Tehran.

Các bên khác tham gia ký kết thỏa thuận này bao gồm Nga, Trung Quốc và các cường quốc châu Âu (gồm Anh, Pháp, Đức), đã báo hiệu rằng họ sẽ vẫn cam kết thỏa thuận bất chấp việc Mỹ rút khỏi JCPOA.

Hiện nay, EU đang cân nhắc phương án bảo vệ các công ty của mình tại Iran cũng như "các biện pháp đáp trả", sau khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Tuy nhiên, có lẽ là EU sẽ chỉ thực hiện theo vế đầu tiên, còn vế thứ 2 có lẽ là "không".

Theo vị nữ nghị sĩ Pháp Delphine O, Liên minh châu Âu đang cân nhắc một số tùy chọn; tuy nhiên, về cơ bản là EU đang tính đến việc "bảo vệ những lợi ích của mình, để các công ty EU tiếp tục kinh doanh và đầu tư vào Iran, bảo vệ các công ty Iran trán khỏi các lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ.

Theo bà, Liên minh châu Âu đang và Quỹ đầu tư châu Âu sẽ xem xét sử dụng các công cụ và biện pháp để bảo vệ các công ty của EU, trong đó, điểm nhấn là việc các giao dịch giữa Iran với EU, đặc biệt là về dầu mỏ sẽ được thực hiện bằng đồng euro.

Việc thành lập một ngân hàng tư nhân mới có trụ sở ở Đức sẽ cho phép người châu Âu tiếp tục buôn bán với Iran, cũng như với Nga - nước cũng đang chịu các lệnh cấm vận của Mỹ.

Như vậy, EU chắc chắn là họ sẽ chống lại quyết định của Mỹ và tiếp tục làm ăn với Iran. Đây sẽ là một thắng lợi cực lớn cho Iran ngay trên lục địa châu Âu, sau 2 chiến thắng chính trị quan trọng ở Lebanon và Iraq ở Trung Đông.

Điều này cũng cho thấy, cùng với những mâu thuẫn về vấn đề công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Avip về đây, những lệch pha về quan điểm giữa Mỹ và EU đang ngày càng sâu sắc và mở rộng sang nhiều lĩnh vực.

Nếu châu Âu thành công trong việc cùng với Nga và Trung Quốc duy trì một phiên bản JCPOA không có Mỹ thì đây sẽ là cú đánh trời giáng vào uy tín và địa vị của Washington. Điều này cũng có thể mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử EU: "Kỷ nguyên chấm dứt phụ thuộc vào Mỹ, thoát Mỹ và bằng vai với Mỹ".