Putin rouhani
Quan hệ giữa Iran và Nga, hai nhà đảm bảo lệnh ngừng bắn chính ở Syria đang có dấu hiệu rạn nứt khi Iran từ chối lời kêu gọi của Nga rút quân khỏi Syria. Phía Iran cũng nhấn mạnh rằng, lực lượng Iran có mặt tại Syria là hoàn toàn hợp lý và chính đáng, thể theo lời đề nghị của Tổng thống Bashar Al Assad.

Phát ngôn đầy mâu thuẫn

Phát biểu trong cuộc gặp Tổng thống Syria tại Sochi hôm 17/5 vừa qua, Tổng thống Putin khẳng định: "Với sự khởi đầu của tiến trình chính trị đang trong giai đoạn tích cực nhất, các lực lượng nước ngoài cần phải rút quân ra khỏi Syria". Giải thích về tuyên bố này, Đặc phái viên của Tổng thống Putin, ông Alexander Lavrentiev cho rằng, ý muốn của nhà lãnh đạo Nga là không chỉ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ mà cả Iran và lực lượng Hezbollah cần phải rút quân ra khỏi Syria.

Ngay lập tức, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Iran Bahram Ghassemi nêu rõ: "Không ai có thể buộc Iran làm bất cứ điều gì đi ngược lại với mong muốn của nước này". Ông nhấn mạnh: "Chừng nào mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố còn hiện diện tại Syria và chính phủ Syria muốn được Iran hỗ trợ, các lực lượng Iran sẽ vẫn ở lại đây". Nhà ngoại giao này nêu rõ: "Phải rời Syria là những lực lượng đã xâm nhập quốc gia này bất hợp pháp, vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ Syria", ám chỉ Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.

Lựa chọn khôn ngoan của ông Putin

Hãng tin Global Post dẫn lời Henry Rome, chuyên gia nghiên cứu Iran thuộc tổ chức Á-Âu ở Washington cho biết: "Tuyên bố của Putin không phải là hàm ý muốn chấm dứt liên minh với Iran tại Syria dưới bất cứ hoàn cảnh nào, mà đây chỉ là một phần của chiến thuật "ném đá dò đường".

Tổng thống Putin có lẽ đã rất cẩn trọng trong từng lời nói của mình. Ông muốn gửi đi thông điệp rằng cuộc chiến tại Syria không thể bao gồm một cuộc đụng độ khốc liệt giữa Iran và Israel. Lo ngại bởi sự hiện diện ngày càng gia tăng của các lực lượng Iran tại khu vực phía bắc, Israel đã tiến hành một loạt các cuộc không kích nhằm vào các cứ điểm của Iran tại Syria thời gian gần đây.

Trước tình thế hiện tại, Nga là quốc gia duy nhất có thể kiềm chế "cơn nóng giận" của Iran và Israel bởi có mối quan hệ đặc biệt với cả hai bên.

Ông Julien Barnes-Dacey, nhà phân tích thuộc Hội đồng Đối ngoại Châu Âu ở London (Anh) nhấn mạnh: "Nga đang đóng vai trò trung gian hòa giải, giúp cân bằng lợi ích của các bên liên quan trong vấn đề Syria, để đạt được một giải pháp chính trị bền vững và hài lòng tất cả các bên".

Đánh giá về tuyên bố của Tổng thống Putin kêu gọi các lực lượng nước ngoài rút quân ra khỏi Syria, hãng tin Sputnik dẫn lời ông Anton Mardasov, chuyên gia thuộc Hội đồng Đối ngoại Nga, cho rằng, phía Nga dường như đang muốn thực hiện một số mục đích chính trị, trong đó hứa hẹn giành được một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng Syria, khi các cuộc đàm phán giữa Nga, Syria với một số đối tác nước ngoài đang diễn ra. Ra tuyên bố trên, Nga hàm ý Iran cần phải hạn chế sự hiện diện quân sự của nước này tại Syria.

Tuy nhiên, việc đề nghị Iran rút toàn bộ lực lượng ra khỏi Syria nhiều khả năng khó thành hiện thực. "Dù Iran rút quân ra khỏi Syria thì nước này vẫn duy trì ảnh hưởng tại Syria thông qua nhiều lực lượng địa phương do Iran hỗ trợ". Thêm vào đó, Iran đã đầu tư rất nhiều công sức xây dựng và trang bị các căn cứ quân sự tại Syria. Rút khỏi Syria đồng nghĩa với việc Iran sẽ ra về trắng tay. Đây là điều mà Iran không hề mong muốn. Ông Mardasov cho rằng, trước thực tế đó Nga có "con bài chiến lược" để gây sức ép đối với Iran, đó là Israel.

Tờ Al-Hayat dẫn các nguồn tin thân cận với Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, phía Nga đã nhận được thông tin về các vụ không kích của Israel nhằm vào cứ điểm của Iran tại miền Trung Syria, nhưng "không hề có phản ứng gì". Nguồn tin trên cũng bác bỏ ý kiến cho rằng Nga sẽ sử dụng tên lửa chống máy bay tại Syria để ngăn người máy bay của Israel tấn công các mục tiêu Iran. Đây có thể là nguồn cơn khiến Iran "bất bình" với Nga.

Ông Anton Mardasov cho rằng, giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran thường có những bất hòa nhỏ, tuy nhiên do các bên cùng theo đuổi mục đích chính tại Syria nên mối bất hòa này phần nào được dẹp bỏ. Hiện nay, chính phủ Syria đang trên đà thắng lợi với việc giành quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ và mục tiêu chính của Tổng thống Assad là đạt được sự thỏa hiệp với các lực lượng nước ngoài để kiểm soát những khu vực còn lại. Nga dường như đang muốn tìm mọi cách để Tổng thống Assad giành được thắng lợi hoàn toàn.

"Không loại trừ khả năng các đại diện của Nga đã đàm phán với giới chức Mỹ về việc Mỹ rút quân khỏi Syria, song song với giải quyết vấn đề người Kurd. Điều này có thể thành hiện thực nhưng đổi lại Mỹ chắc cũng muốn Nga gây sức ép với Iran để nước này giảm sự hiện diện quân sự tại Syria", ông Anton Mardasov nói.

Nga và Iran không thể thiếu nhau

Bất chấp những rạn nứt nêu trên, Nga và Iran vẫn hợp tác chặt chẽ với nhau. Để tiến hành các chiến dịch quân sự tại Syria, Iran cần có sự yểm trợ trên không của Nga, đổi lại các lực lượng của Iran cùng đồng minh sẽ giúp đỡ Nga trong chiến dịch trên bộ. "Hai bên sẽ gắn bó với nhau chặt chẽ và lâu dài trong khả năng có thể", Rome nói.

Hãng tin AFP dẫn lời chuyên gia người Nga Vladimir Sotnikov cho rằng, Tổng thống Putin không bao giờ muốn làm tổn hại "quan hệ đối tác chiến lược với Iran". "Mặc dù Iran không phải là một đối tác dễ dàng với Nga, song hai nước sẽ không bao giờ phá vỡ quan hệ đồng minh gắn bó bấy lâu nay". Điều này có thể thấy được ở việc Tổng thống Putin chỉ đề cập việc rút những lực lượng nước ngoài hiện diện bất hợp pháp tại Syria, trong khi Iran được sự chấp thuận của Tổng thống Syria.

Còn các nhà phân tích Iran thì cho rằng: "Iran bất đắc dĩ phải duy trì sự hiện diện quân sự tại Syria. Nếu Mỹ cùng đồng minh không biến Syria thành một "chiến trường hỗn độn" thì Iran đã không có mặt ở đây".