© Báo Hà TĩnhCá mái chèo lớn tại Hà Tĩnh
Vào sáng sớm 3/6, trong lúc thả lưới bắt cá, anh Đặng Hùng, ngư dân thôn Ngoại Hòa, xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, phát hiện 2 con cá mái chèo (cá hố rồng) lớn dạt vào bờ biển. Cả 2 con đã chết, dài lần lượt 4m và 5m, nặng từ 25 đến 30kg. Những ngư dân cao tuổi thuộc Hội ngư dân xã Hải Trạch đã bày trí mâm cúng trang trọng trước khi thực hiện nghi lễ chôn cất 2 con cá này.
Trong sáng ngày, người dân xã Đức Trạch cũng thực hiện nghi lễ chôn cất một con cá mái chèo dài khoảng 4m, nặng gần 30kg mắc lưới một tàu cá.
Trước đó, vào khoảng 16h ngày 1/6, một con cá mái chèo khủng cũng dạt vào bờ biển xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Con cá này dài hơn 3m, có râu và viền màu. Lúc dạt vào gần bờ, con cá này có biểu hiện ốm, phía sau đuôi có vết thương nghi do bị vướng vào chân vịt tàu cá.
Một số người dân địa phương thấy vậy đã cùng nhau bồng cá lên chụp ảnh. Sau khoảng 1 tiếng rưỡi, con cá lặng lẽ bơi xa bờ và lặn xuống biển.
Cá mái chèo có tên khoa học là
Regalecus glesne,
sống ở độ sâu 1.000m so với mực nước biển. Đây là loài sống lâu đời nhất được biết đến trong các loài cá có xương và cũng là loài cá có xương dài nhất thế giới. Cá mái chèo có chiều dài lên tới 17m và có thể nặng tới 270kg.
Theo niềm tin truyền thống của người Nhật Bản, nếu cá mái chèo xuất hiện nhiều thì rất có thể sẽ có một trận động đất xảy ra.Trước thông tin cá hố rồng có thể dự báo động đất, sóng thần, ông Chu Anh Khánh - Phó trưởng phòng kỹ thuật nuôi sinh vật biển, Bảo tàng Hải dương học trả lời báo Người Đưa Tin đã khẳng định chưa từng nghe, đọc trong các tài liệu khoa học nghiên cứu cũng như thông tin về loài cá này.
Theo ông Khánh, loài cá này thường sống ở sâu dưới biển nên chuyện dân câu câu được là rất hiếm nhưng không phải bất thường hay báo hiệu sắp có động đất, điềm xấu như quan niệm của một số ngư dân.
"Các loài cá sống ở đáy biển sâu thường nhạy cảm hơn với những tác động của chuyển động đứt gãy. Tuy nhiên, trong các tài liệu nghiên cứu khoa học và về loại cá này tôi chưa từng thấy có thông tin nói rằng sự xuất hiện của loài cá có thể báo hiệu một trận động đất xảy ra", ông Khánh nói.
Lý giải việc chú "thủy quái" này xuất hiện gần bờ, ông Khánh cho rằng, nếu chú cá đã chết thì có thể bị trôi dạt theo thủy triều từ biển vào. Trong trường hợp chú cá còn sống thì có thể do khi rượt đuổi với các con cá khác, vô tình lạc vào khu vực gần bờ và chưa tìm được lối ra. Cũng có thể, chú cá này bị thương khi mắc phải lưới đánh cá ngoài khơi nên đuối sức, dạt vào bờ.
Trước đó, trả lời báo Kiến Thức về hiện tượng cá mái chèo liên tục dạt và bờ biển miền Trung, giáo sư Đặng Huy Huỳnh - Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho rằng, thông tin cá mái chèo chết, trôi dạt vào bờ biển là dự báo động đất có thể đúng về mặt lý thuyết.
Theo giáo sư Huỳnh, khi động đất xảy ra, áp lực trong các lớp đá có thể tạo ra điện tích tĩnh, khiến các ion tích điện được giải phóng trong nước.
Tuy nhiên, giáo sư Huỳnh cho rằng, cá trôi dạt bờ biển có thể do các yếu tố không liên quan đến động đất như hạ âm sinh ra từ hoạt động của tàu ngầm, đặc biệt là sự ô nhiễm môi trường nước. Vì môi trường biển đang bị ô nhiễm bởi dầu tràn, kim loại nặng, các hóa chất độc hại khiến cá mái chèo thiếu oxy. Chúng buộc phải lên tầng cao hơn để tồn tại. Do không thích ứng với môi trường mặt biển, nên chúng có thể chết và trôi dạt vào bờ.
Nhận xét Độc giả
Bản tin Email