Putin and Xi
Mối quan hệ Nga - Trung Quốc đã không ngừng được củng cố và phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, vì vậy, chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Trung Quốc ngày 8/6 được kỳ vọng sẽ tạo xung lực mới làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên, vốn được đánh giá đang ở "giai đoạn tốt nhất trong lịch sử", trong đó hai nước chia sẻ nhiều lợi ích địa chiến lược và kinh tế.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh ông Tập Cận Bình vừa được bầu lại giữ chức Chủ tịch Trung Quốc nhiệm kỳ thứ 2, trong khi Tổng thống Putin cũng tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 4, bởi vậy đây là dịp để lãnh đạo hai nước hoạch định đường lối phát triển đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới.

Là hai quốc gia láng giềng, Nga và Trung Quốc có nhiều tiềm năng hợp tác to lớn. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác giữa Moskva và Bắc Kinh chỉ thực sự bứt phá kể từ năm 2014, thời điểm phương Tây bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Nhằm thoát khỏi sự bao vây, cấm vận của phương Tây, Nga đã đẩy mạnh chính sách "xoay trục" sang hướng Đông, trong đó Trung Quốc là một trong những trụ cột. Bước đi này của Moskva được Bắc Kinh đón nhận tích cực vì Trung Quốc cũng rất cần nguồn cung nguyên liệu thô từ Nga để duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Hơn nữa, hợp tác song phương giữa Nga và Trung Quốc về cơ bản mang tính tương hỗ cao nên Moskva và Bắc Kinh nhanh chóng "bắt tay" phối hợp hành động trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là chính trị, kinh tế và quốc phòng. Một nước Nga mạnh mẽ về quân sự-quốc phòng và một Trung Quốc phát triển kinh tế trở thành "cặp bài trùng" mang tính bổ sung cho nhau.

Trên lĩnh vực chính trị, lòng tin giữa Moskva và Bắc Kinh không ngừng được củng cố thông qua các cuộc tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo các cấp, đặc biệt là cấp cao. Trong những năm gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Putin gặp nhau ít nhất 5 lần mỗi năm.

Điều này cho thấy lãnh đạo Nga - Trung Quốc rất chú trọng phát triển quan hệ song phương. Sự gắn bó chặt chẽ và trực tiếp giữa lãnh đạo hai nước đã đưa quan hệ Nga - Trung Quốc lên tầm cao mới. Hàng loạt hợp đồng kinh tế trị giá hàng trăm tỷ USD được ký kết và thực hiện hiệu quả, trong đó đáng chú ý là thỏa thuận Tập đoàn khí đốt quốc gia Nga Gazprom cấp cho Trung Quốc 38 tỷ m3 khí đốt mỗi năm trong vòng 30 năm, với trị giá ước tính 400 tỷ USD.

Bên cạnh đó, nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển kinh tế và thương mại song phương cũng được áp dụng, như mở rộng thanh toán trực tiếp bằng đồng nội tệ của hai nước, ngân hàng Nga phát hành tín dụng bằng nhân dân tệ, thành lập Quỹ Đầu tư Nga - Trung Quốc trị giá 68 tỷ nhân dân tệ (khoảng 10 tỷ USD)...

Nhờ đó, kim ngạch thương mại song phương không ngừng tăng lên, đạt mức 84 tỷ USD năm 2017, tăng 20,8% so với năm trước đó. Hiện Bắc Kinh đang là đối tác thương mại lớn nhất của Moskva. Trong quí I năm nay, kim ngạch buôn bán hai chiều đã tăng 28,2%, đạt 23,6 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì mục tiêu cán mốc 100 tỷ USD vào năm 2020 là hoàn toàn khả thi.

Hợp tác quân sự giữa Nga và Trung Quốc cũng thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế khi hai bên trở thành đối tác quốc phòng chặt chẽ của nhau. Moskva bán cho Trung Quốc nhiều vũ khí hiện đại như hệ thống phòng không S-400 và máy bay tiêm kích Su-35. Theo giới chuyên gia, Trung Quốc hiện là trọng tâm chính trong chính sách ngoại giao quân sự của Nga.

Không có quốc gia nào ngoài khối các nước thuộc Liên Xô cũ lại có cấp độ và cường độ liên hệ quân sự, hợp tác quân sự cao đến như vậy với Nga. Mối hợp tác này bao gồm các cuộc họp định kỳ giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước, tiến hành một số cuộc tập trận quân sự lớn, đào tạo quân sự, hợp tác sản xuất vũ khí...

Không chỉ tăng cường hợp tác song phương, hai nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) này còn thể hiện lập trường thống nhất hoặc tương đồng về nhiều vấn đề quốc tế, trong đó có cuộc khủng hoảng tại Syria, vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Iran, chống biến đổi khí hậu, khủng bố quốc tế...

Hai bên cũng chia sẻ tầm nhìn chung về sự phát triển và trật tự thế giới. Sự phối hợp hành động giữa hai nước, ở mức độ nào đó, cũng tạo ra được thế cân bằng chiến lược trong nhiều vấn đề quốc tế. Bên cạnh đó, sự "sát cánh" của hai cường quốc trong các diễn đàn hay tổ chức đa phương, như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hay Nhóm BRICS, càng khiến quan hệ đồng minh Nga-Trung được thắt chặt.

Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động và diễn biến khó lường như hiện nay, mối quan hệ Nga - Trung Quốc sẽ tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, trước hết xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của mỗi bên. Trung Quốc đang trong "cơn khát" năng lượng và không muốn phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt và dầu mỏ từ Trung Đông đầy bất trắc, nên hợp tác với Nga trong lĩnh vực này là sự ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh.

Còn đối với Moskva, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ dầu khí trong điều kiện đang bị phương Tây chèn ép là một chiến thắng mang tính chiến lược. Hợp tác giữa hai nước sẽ được mở rộng đáng kể khi hiện thực hóa sáng kiến kết nối Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) với các sáng kiến kinh tế của Trung Quốc.

Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, khi Mỹ và Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ một cuộc chiến tranh thương mại, còn "vòng kim cô" trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga vẫn chưa có dấu hiệu sẽ được dỡ bỏ, Moskva và Bắc Kinh sẽ càng xích lại gần nhau hơn.

Như Tổng thống Putin đã nói, việc coi nhau là những đồng minh thân cận vừa tạo ra môi trường quốc tế tốt đẹp cho sự phát triển hòa bình của hai quốc gia, vừa tạo ra những đóng góp cho sự hòa bình, ổn định thế giới. Cả Nga và Trung Quốc đều coi việc thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong giai đoạn mới là mục tiêu đối ngoại chủ chốt nhằm đem lại lợi ích cho cả hai. Chuyến thăm của Tổng thống Nga tới Trung Quốc lần này đang tạo thêm xung lực để hai bên thực hiện mục tiêu chiến lược này.