Trump Kim
Kết quả cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên ngày hôm qua, 12.6 ở Singapore được bên ngoài đánh giá rất khác nhau.

Báo chí và giới học giả châu Âu không dám coi cuộc gặp thất bại nhưng cũng không nhìn nhận sự kiện này thật sự thành công. Họ thiên về đánh giá là nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã được lợi nhiều hơn tổng thống Mỹ Donald Trump. Họ dùng những điều kiện do Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo đưa ra đòi phía Triều Tiên phải phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên một cách hoàn toàn, có kiểm chứng và không đảo ngược làm tiêu chí đánh giá mức độ thành công của cuộc thượng đỉnh.

Và họ không giấu diếm nổi tâm trạng hậm hực khi thấy ông Trump tỏ ra thân thiện và coi trọng ông Kim Jong-un hơn cả những đồng minh trong khối Phương Tây như Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Đức Angela Merkel hay Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Trong khi đó, ở những nơi khác trên thế giới đều thấy có sự hoan nghênh và đánh giá rất cao sự kiện này và thoả thuận giữa ông Trump và ông Kim Jong-un.

Cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim Jong-un diễn ra thuận buồm xuôi gió và thành công nhanh chóng hơn mọi dự đoán và mong đợi chung trước đấy. Nó tạo cảm nhận là mọi chuyện liên quan về nội dung cũng như hậu cần đều đã được chuẩn bị kỹ càng từ trước đó, tức là ông Trump và ông Kim Jong-un biết chắc chắn sẽ đạt được cái gì và sẽ thoả thuận với nhau như thế nào từ trước khi đến Singapore, thậm chí để cho đúng hơn thì phải nói là vì có được kết quả như thế nên hai người mới đến Singapore.

Nhìn nhận như thế sẽ thấy kết quả cuộc thượng đỉnh này là tối đa chứ không phải tối thiểu trong bối cảnh tình hình hiện tại ở Mỹ và Triều Tiên. Ông Trump và ông Kim Jong-un không thể đạt được nhiều hơn.

Cho tới nay, giữa Mỹ và Triều Tiên đã có một vài thoả thuận được ký kết nhưng không phải ở cấp lãnh đạo cao nhất. Ông Trump và ông Kim Jong-un không chỉ đã làm nên cuộc thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử Mỹ - Triều, mà còn ký kết thoả thuận đầu tiên trong lịch sử giữa lãnh đạo cao cấp nhất của hai nước.

Khi ký kết thoả thuận vừa rồi ở Singapore, chắc chắn giữa ông Trump và ông Kim Jong-un, giữa Mỹ và Triều Tiên đã đạt được sự nhất trí quan điểm về nhiều vấn đề liên quan khác, cụ thể hơn và thực chất hơn, trong đó chắc chắn có cả về Triều Tiên sẽ thực hiện phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên như thế nào và phía Mỹ cụ thể hoá cam kết đảm bảo an ninh cho Triều Tiên ra sao. Không thể có chuyện ông Trump ngẫu hứng tuyên bố chấm dứt tập trận quân sự và đánh giá chuyện tập trận này chẳng khác gì phía Triều Tiên.

Sứ mệnh của hai người ở cuộc cấp cao đầu tiên này không phải là giải quyết ngay và luôn tất cả mọi vấn đề vướng mắc lâu nay giữa Mỹ và Triều Tiên - họ dẫu thực sự có muốn cũng không thể vì giữa hai bên làm gì đã có chút lòng tin lẫn nhau nào - mà chỉ là tạo dựng sự khởi đầu cho một tiến trình dài bao gồm nhiều giai đoạn mà phải qua giai đoạn trước thì mới có đủ sự tin cậy lẫn nhau để cùng thực thi giai đoạn tiếp theo.

Tạo dựng, củng cố và tăng cường lòng tin lẫn nhau này sẽ là việc cần thiết nhất, quan trọng nhất, quyết định nhất và cũng khó khăn nhất đối với hai nước, đối với ông Trump và ông Kim Jong-un trong thời gian tới.

Thoả thuận ở Singapore ràng buộc ông Trump và ông Kim Jong-un, ràng buộc Mỹ và Triều Tiên vào trách nhiệm xây dựng mối quan hệ song phương mới, không để xảy ra chiến tranh và xung đột quân sự, gây dựng hoà bình bền vững cho cả khu vực. Phi hạt nhân hoá bán đảo và đảm bảo an ninh cho Triều Tiên đều phục vụ cho những mục tiêu ấy. Ở thời điểm hiện tại, thế giới đâu có mong mỏi gì hơn.

Cho nên không thể nhìn nhận và đánh giá kết quả cuộc cấp cao này một cách riêng lẻ mà phải gắn nó vào những gì tới đây sẽ xảy ra giữa Mỹ và Triều Tiên theo tinh thần và lời văn của thoả thuận nói trên. Cùng đồng hành thì cả hai sẽ làm nên lịch sử. Bên nào không thực thi nghiêm chỉnh và đầy đủ, thậm chí lật ngược, thì sẽ tự huỷ hoại mọi cơ hội hiện có được cho một thời kỳ mới trong mối quan hệ giữa hai nước có lợi cho cả hai bên, cho hoà bình và hợp tác ở khu vực cũng như trên thế giới.

Có thể dùng hình ảnh sau để miêu tả tình thế của ông Trump và ông Kim Jong-un sau cuộc thượng đỉnh này là cả hai đều "đứng hoặc đổ" cùng với việc thực hiện thành công hay không thành công thoả thuận nói trên.

Tới đây dù có thế nào thì cuộc thượng đỉnh này vẫn là sự kiện với ý nghĩa lịch sử đối với cả hai nước, một dấu mốc phân chia ranh giới giữa tương lai quan hệ hợp tác tốt đẹp hơn và quá khứ thù địch giữa Mỹ và Triều Tiên.