trump merkel
© Reuters / Jonathan Ernst
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas hôm 3/6 khẳng định, châu Âu cần phải tìm ra "sự cân bằng mới" trong mối quan hệ với Mỹ, trong bối cảnh chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đặt ra những thách thức mới với châu Âu.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh đến việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, đe dọa trừng phạt các đối tác châu Âu hay chủ nghĩa bảo hộ.

Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh rằng, châu Âu cần phải hành động đáp trả tương xứng khi Mỹ vượt qua ranh giới đỏ.

"Bất cứ khi nào chính quyền Mỹ khiêu khích các giá trị và lợi ích của chúng ta, chúng ta phải phản ứng mạnh mẽ hơn" - ông nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Maas nhắc lại kêu gọi sự đoàn kết của khối thành viên châu Âu trong việc duy trì một mối quan hệ "tái cân bằng" với Washington, bác bỏ chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ôn Trump được thể hiện rõ ở hội nghị Thượng đỉnh G7 vừa qua.

"Cách đây một vài ngày, tôi đã kêu gọi phải hành động chống lại những bước đi mới nhất của Mỹ một cách tương xứng. Thật đáng tiếc khi một Ngoại trưởng Đức phải đưa ra các tuyên bố này.

Tuy nhiên, với những chính sách của Tổng thống Donald Trump, Đại Tây Dương trở nên rộng hơn và chính sách theo chủ nghĩa biệt lập của Mỹ đã để lại một khoảng trống toàn cầu. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều cảm nhận thấy điều này, đặc biệt sau Hội nghị G7 mới đây" - Ngoại trưởng Đức tuyên bố.

Trong tuyên bố về chính sách tương lai EU của Đức, Ngoại trưởng Heiko Maas cũng khẳng định, châu Âu cần phải cải cách, đoàn kết để đối mặt với một trật tự thế giới mới.

Ông Maas đề cập tới việc Thủ tướng Đức Angela Merkel phản ứng với tuyên bố của Trump về thâm hụt thương mại lớn với EU thậm chí có thể lên tới 800 tỷ USD.

Ngoại trưởng Maas cho rằng, ông Trum đưa con số dựa trên cách tính thặng dư thương mại kiểu cũ, chỉ dựa trên hàng hóa. Nếu bao gồm cả ngành dịch vụ thì Mỹ có thặng dư lớn với châu Âu.

Lời kêu gọi châu Âu đoàn kết và độc lập cũng đã được Thủ tướng Đức Angela Merkel nhắc đến từ sau khi Tổng thống Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và khi Mỹ áp đặt mức thuế thương mại mới với mặt hàng thép và nhôm của một số nước. Washington còn không ngần ngại để cập khả năng áp thuế đối với hàng ô tô của Đức.

"Đã không còn việc Mỹ chỉ đơn giản bảo vệ chúng ta, song châu Âu phải tự quyết định số phận của mình, đó là nhiệm vụ của tương lai" - bà Merkel tuyên bố, cho rằng EU phải tự nắm lấy vận mệnh của mình.

Dẫu tuyên bố nhằm kêu gọi sự độc lập của châu Âu đối với Mỹ nhưng dường như Đức cũng thấy rằng, kêu gọi sự đoàn kết vào thời điểm tiến trình Brexit đang tạm thời bị hoãn lại, không phải là điều khó khăn.

Châu Âu nói nhưng có làm?

Trong khi Mỹ kiên định sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nước này vì chương trình hạt nhân của mình thì EU và 3 nước đồng minh Mỹ gồm Đức, Anh, Pháp đã gửi tới Washington bản đề nghị được miễn trừ khỏi các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Iran.

Trong bức thư gửi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, các nước EU nêu rõ với tư cách là đồng minh, những nước này mong rằng Mỹ sẽ kiềm chế những hành động gây tổn hại tới lợi ích an ninh và kinh tế của EU.

Không biết lộ trình "độc lập" khỏi Mỹ của EU ra sao khi mà sau những tuyên bố cứng rắn thì chính các nước EU lại có hành động trái ngược như vậy.

Ủy ban châu Âu cũng vậy. Trong hội nghị thượng đỉnh G7 vừa qua đã chứng kiến một sự mâu thuẫn rất lớn giữa những cường quốc công nghiệp châu Âu với Mỹ.

EU đã liên tục gọi chính sách thuế mới của Mỹ áp vào các mặt hàng công nghiệp châu Âu là "hoàn toàn không thể chấp nhận được" và sẽ đưa ra biện pháp đối phó. Tuy nhiên, trong thông báo phát đi sau thượng đỉnh G7, đại diện Ủy ban châu Âu đã đề xuất các kênh hợp tác cởi mở với Mỹ.

"Liên minh châu Âu vẫn mở cánh cửa làm việc với Tổng thống Mỹ Donald Trump để đánh giá mối quan hệ thương mại giữa hai bên với mục đích giải quyết các mâu thuẫn thương mại một cách thân thiện hơn" - người phát ngôn Ủy ban này cho biết.