Trump i Putin
© Sputnik/AFP/Mikhail Klimentyev
Tổng thống Hoa Kỳ mong muốn có cơ hội trực tiếp đối thoại với nhà lãnh đạo Nga, và cho rằng việc Nga quay lại với G7 sẽ mang đến nhiều lợi ích cho thế giới và cũng như chính bản thân nước Nga.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Fox News, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã giải thích lý do vì sao trở lại với định dạng G8 với sự tham gia của Moscow sẽ có lợi hơn.

Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ tiết lộ, gần 1/4 cuộc thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Canada đã được dành cho Nga.

"Tôi không vì nước Nga. Tôi phục vụ nước Mỹ. Có thể dẫn một ví dụ cho các vị thấy: Nếu ông Vladimir Putin ngồi chung bàn với tôi, cùng tất cả những người khác trong bữa tối tại Canada, ... nếu ông ấy ở đó, tôi sẽ đề nghị ông ấy làm những việc tốt hơn cho thế giới và cũng tốt hơn cho chính ông ta". Ông Trump nói thêm rằng "đối thoại trực tiếp vẫn cứ hay hơn là nói chuyện qua điện thoại".

Người đứng đầu Nhà Trắng cũng đổ lỗi cho người tiền nhiệm Barack Obama về việc loại Nga ra khỏi G8.

Sáng kiến của ông Trump và phản ứng của Nga

Đây không phải lần đầu tiên ông Trump đề cập đến mong muốn Nga trở lại câu lạc bộ quyền lực hàng đầu này. Tại một cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Canada, ông nói rằng định dạng G8 (tính cả sự tham gia của Nga) có ý nghĩa hơn so với G7. Ông cũng lưu ý rằng một số thành viên nhóm này cũng muốn Nga trở lại.

Ý tưởng của nhà lãnh đạo Mỹ nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Ý Giuseppe Conte. Ông nhấn mạnh rằng đó là "vì lợi ích chung".

Bình luận về sáng kiến của ông Trump, ông chủ điện Kremlin Vladimir Putin nhắc nhở, rằng Nga đã không rút khỏi G8, và mời nhà lãnh đạo các nước thành viên đến Moscow.

Về phần mình, Ngoại trưởng Sergei Lavrov nhấn mạnh, rằng Nga chưa bao giờ yêu cầu được trở lại với G7, và cho rằng G20 là một định dạng đầy hứa hẹn về ngoại giao đa phương.

Bên cạnh đó, thư ký báo chí Tổng thống Nga Dmitry Peskov nói rằng Moscow "đang tập trung vào các định dạng khác".

G8/G7

G7 mở rộng do sự gia nhập của Nga vào năm 1998, nhưng sau khi Bán đảo Crimea sát nhập vào Nga, các thành viên nhóm này từ chối tham dự Hội nghị thượng đỉnh G8 ở Sochi. Các nước có nền công nghiệp phát triển hàng đầu cho biết họ không muốn ngồi cùng với Nga cho đến khi Moscow thay đổi chính sách đối ngoại của mình. Hiện giờ G7 bao gồm Đức, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Pháp, Anh và Ý.

Tuần trước, một trong những nhà lãnh đạo đảng Cánh tả của Đức, nghị sĩ Bundestag Sahra Wagenknecht, đã lên tiếng ủng hộ việc Nga trở lại G8 để đối trọng với Mỹ. Đồng thời Thủ tướng Đức Angela Merkel và Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cho rằng một kịch bản như vậy phần nhiều mang tính chất phi thực tế.

Đáp lại lời kêu gọi của nghị sĩ Wagenknecht, điện Kremlin đã đề cập về tính thích hợp của định dạng này.

"Trong một môi trường thay đổi, cả về chính trị và kinh tế quốc tế, tầm quan trọng và tính thích hợp của các định dạng như G20, nơi Nga đang tích cực tham gia, đang phát triển nhanh chóng", ông Peskov nói.