Russian sanctions  Brussels EU
Báo Oberösterreichische Nachrichten của Áo thông tin, doanh nghiệp Áo đang không hài lòng với biện pháp trừng phạt kinh tế áp đặt chống Nga.

Các doanh nghiệp của Áo cho biết, biện pháp hạn chế chỉ gây thiệt hại cho nền công nghiệp địa phương. Cụ thể, nhiều công ty Áo đang đau đầu tìm lối thoát và hứng chịu tổn thất tài chính lớn từ các lệnh trừng phạt chung của EU đối với Nga.

Tờ báo dẫn điển hình là công ty Greisinger chuyên doanh các sản phẩm thịt và đã làm việc với Nga từ những năm 1990. Do lệnh trừng phạt mà chỉ trong một ngày, khối lượng bán hàng của công ty này sụt giảm từ 13,5 triệu euro xuống gần như bằng 0 và thua lỗ hơn 12,5% lưu thông vốn.

"Khi đó chúng tôi đã có thể tìm những hướng xuất khẩu khác, nhưng để làm được như vậy chúng tôi buộc phải tăng số lượng bán hàng lên ba lần. Tất cả những thứ này sau đó phản ánh trong hiệu suất của công ty" - ông Franz Greisinger - Giám đốc doanh nghiệp cho biết.

Ông tin rằng sau khi dỡ bỏ lệnh trừng phạt, công ty sẽ nhanh chóng khôi phục vị thế của mình ở Nga.

Lãnh đạo Viện Kinh tế Cao cấp của Áo ông Gottfried Kneifel nhận xét: "Thực tế là các biện pháp trừng phạt đã thành cú đánh gãy đầu gối các doanh nghiệp trong nước".

Thời gian gần đây ở phương Tây ngày càng thường xuyên phổ biến quan điểm cho rằng cần hủy bỏ biện pháp hạn chế trong quan hệ với Nga. Đặc biệt là Đức sau khi các doanh nghiệp nước này tuyên bố chịu tổn thất do các lệnh trừng phạt Nga. Sự ảnh hưởng của các doanh nghiệp tác động đến nền kinh tế nói chung.

Nghị sĩ Quốc hội từ đảng "Thay thế của nước Đức" - ông Markus Fronmeier nhận định rằng, hàng tháng Đức mất tới 618 triệu euro vì các biện pháp trừng phạt chống Nga. Theo đó, Berlin chịu tới 40% thiệt hại trong số các nước EU do biện pháp hạn chế chống Moscow.

Nghị sĩ này nhấn mạnh rằng biện pháp trừng phạt và sự suy thoái quan hệ thương mại với Nga là trái với lợi ích quốc gia của Đức.

"So với các thành viên khác trong Liên minh châu Âu, đất nước chúng tôi chịu nhiều tổn thất hơn vì những biện pháp hạn chế này. Hàng tháng chúng tôi mất tới 618 triệu euro do các biện pháp hạn chế. Mà thiệt hại đó nhằm ích lợi gì? Để thay đổi quy chế của bán đảo Crimea, điều sẽ không bao giờ xảy ra!" - Nghị sĩ Fronmeier bình luận.

Quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu xấu đi trong thời gian phát sinh khủng hoảng chính trị ở Ukraine vào năm 2014. Sau khi Crimea trở về Nga, phương Tây cáo buộc Moscow vi phạm chuẩn mực luật pháp quốc tế và áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga.

Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt Moscow đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần nhận định là sẽ thiệt hại cho tất cả các bên. Nga sẽ vượt qua mọi khó khăn do các lệnh trừng phạt phương Tây nhưng tiếp tục duy trì trừng phạt sẽ càng làm các bên bất lợi và bất lợi với cả các quốc gia khác trên thế giới.

Trong chuyến thăm Áo vừa qua, Tổng thống Nga đã nhắc đến các lệnh trừng phạt Nga mà châu Âu đang áp dụng gây thiệt hại thế nào, đồng thời gợi ý tới việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.

Tuy nhiên, đáp lại quan điểm này, Tổng thống Áo - cũng là Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu đã khẳng định nước Áo sẽ vẫn song hành cùng Liên minh châu Âu trong việc giải quyết các vấn đề với Nga.

Trong tháng 6 vừa qua, Hội đồng EU quyết định kéo dài biện pháp hạn chế cho đến ngày 23/6/2019. Điều này khiến việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga trong tương lai gần trở nên mong manh hơn.