Russia World Cup
"Phương Tây đã nói dối"

World Cup 2018 giúp nước chủ nhà Nga trở thành tâm điểm của thế giới trong một tháng qua. Điều khác biệt là những tin tức từ nước Nga thân thiện hơn so với những gì vẫn được phương Tây tuyên truyền.

Giới phân tích cho rằng sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh này có thể sẽ trở thành một "tàu phá băng" hiệu quả trong quan hệ với phương Tây, thậm chí trở thành thứ vũ khí lợi hại đập tan các chiêu thức tuyên truyền xuyên tạc mà truyền thông phương Tây vẫn nhằm vào Moscow.

World Cup 2018 diễn ra tại Nga trong một bầu không khí đặc biệt: Quan hệ Nga-phương Tây ngày càng xấu đi; nước Nga bị phương Tây cô lập liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine; những bất đồng giữa Nga và phương Tây khi tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến tại Syria; những căng thẳng ngoại giao giữa London với Moscow do vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal nghi bị đầu độc trên lãnh thổ Anh.

Ngoài ra, Nga tổ chức World Cup 2018 trong bối cảnh bị mang tiếng là sử dụng thuốc kích thích một cách có hệ thống trong các kỳ tranh giải lớn.

Vì vậy, không có gì lạ khi truyền thông phương Tây liên tiếp tung ra những thông tin tiêu cực về nước Nga trước thềm World Cup. Trong phát biểu mới đây, ngay cả HLV đội tuyển Anh Southgate đã thẳng thừng tuyên bố báo chí phương Tây nói dối về nước Nga

Tờ Le Monde của Pháp dẫn ý kiến ông Jean Radvanyi, Giáo sư về địa lý Nga tại Học viện quốc gia ngôn ngữ và văn minh phương Đông, cho rằng chính hình ảnh tiêu cực về nước Nga là lý do khiến ít người hâm mộ Pháp sang Nga cổ vũ cho đội tuyển của mình.

Theo vị Giáo sư này, đây cũng là một trong những đặc điểm của World Cup tại Nga năm nay. Trong các khu vực của người hâm mộ, trên Quảng trường Đỏ hoặc phố Nikolskaia, một bữa tiệc hoàn toàn dành riêng cho người hâm mộ trên toàn thế giới, nhưng nơi đây cũng giống như hình ảnh địa chính trị thế giới mới, nơi Liên minh châu Âu (EU) dường như bị gạt ra ngoài lề.

Người châu Âu e ngại những hình ảnh tiêu cực về nước Nga đã được nhồi nhét sâu trong tâm trí. Ví dụ việc báo chí Anh đưa ra nhiều cảnh báo cho các cổ động viên "Xứ sở sương mù" đến Nga xem bóng đá, từ nguy cơ bị hooligan tấn công cho đến các dịch vụ mại dâm.

Tuy nhiên, người Nga đã làm tốt mọi việc: thủ tục cực kỳ đơn giản để có thị thực ngay khi có vé cho một trong những trận đấu, các chuyến tàu miễn phí giữa các thành phố diễn ra các trận đấu, tổ chức chu đáo mặc dù có các biện pháp an ninh quyết liệt.

Trái ngược với những tin đồn đáng sợ, các cổ động viên nước ngoài khi đến Nga đều rất ngạc nhiên và vui mừng khám phá một Moscow khác xa với những điều họ đã nghe.

Trong thời gian World Cup, Quảng trường Đỏ được biến thành một không gian rộng lớn dành riêng cho bóng đá, với những sân chơi cho trẻ em, trò chơi cho cả trẻ em và người lớn, những biển quảng cáo cho các nhà tài trợ vòng chung kết, và thậm chí một phòng lạnh lớn nơi người hâm mộ có thể nếm trải một khoảnh khắc mùa Đông thực sự của Nga.
red square football game
Lời nhắn gửi từ nước Nga

Theo Giáo sư Jean Radvanyi, thể thao không bao giờ rời xa chính trị, và vòng chung kết bóng đá thế giới tại Nga cũng không phải là ngoại lệ. Theo vị Giáo sư này, điển hình là việc đội tuyển Đức bị loại đã làm dấy lên ý kiến nhất trí giữa những người Nga: "Đức không thể giành chiến thắng tại đất nước chúng tôi!".

Giải thích về bầu không khí lễ hội tràn ngập ở Saransk, thành phố chủ nhà nhỏ nhất World Cup này, giới chuyên gia Pháp nhận định lý do nằm ở chỗ nước Cộng hòa Mordovia đã luôn ủng hộ Tổng thống Putin (gần 60% số phiếu vào năm 2000 và hơn 85% trong tất cả các cuộc bầu cử sau đó).

Sự lựa chọn này cho phép phản ánh sự đa dạng sắc tộc của Nga, trong khi tránh vùng Caucasus không chắc chắn về vấn đề an ninh.

Đây cũng là lần đầu tiên Nga tổ chức một sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh kể từ sau Thế Vận hội Mùa Hè năm 1980. Do đó, giới phân tích cho rằng Nga muốn tận dụng cơ hội lớn này để chăm chút lại hình ảnh trên trường quốc tế, vốn ít nhiều đã bị "sứt mẻ" vì những hồ sơ quốc tế lớn.

Do vậy, World Cup lần này không đơn giản chỉ là sắp xếp tổ chức các trận cầu, mà có lẽ còn là một công cụ ngoại giao để Nga thể hiện một hình ảnh tích cực.

Pascale Boniface - Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược, đồng thời là Giáo sư Viện Nghiên cứu châu Âu thuộc trường Đại học Paris VIII - cho rằng không chỉ Nga mà bất kỳ quốc gia nào cũng đều sử dụng sự kiện thể thao như một công cụ để đánh bóng hình ảnh đất nước bởi sẽ có đến hàng tỷ người theo dõi sự kiện này.

Nhà báo Regis Gente phân tích: "Nga là một đất nước luôn trong quá trình tìm kiếm một sự thừa nhận của các nước phương Tây về vai trò của mình. Người Nga luôn có một cái nhìn ám ảnh đối với phương Tây và tự hỏi 'phương Tây nghĩ gì về nước Nga?'.

Vì thế, theo nhà báo này, một sự kiện thể thao như World Cup cũng là cách để Nga khẳng định mình, để được thừa nhận là một quốc gia đáng nể trọng có khả năng tổ chức các sự kiện mang tầm cỡ quốc tế, và để thể hiện hình ảnh của một đất nước hiện đại.

Nhân dịp này, báo chí thế giới cũng nhắc lại sự kiện Thế Vận hội Mùa Hè năm 1980. Năm đó, để phản đối Nga đưa quân sang Afghanistan, nhiều nước phương Tây đã tẩy chay không tham dự Thế Vận hội.

Nhưng kỳ World Cup lần này đã không có sự "tẩy chay" nào đáng kể. Nước Nga đã dồn hết mọi nỗ lực nhằm tổ chức thành công sự kiện toàn cầu này.

Tổng cộng khoảng 21 tỷ USD đã được Nga chi ra để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và xây mới nhiều sân vận động. 32 đội bóng tham gia với 64 trận đấu được dàn trải tại 11 thành phố của Nga, đôi khi cách xa thủ đô đến hàng nghìn cây số.

Theo quan điểm của nhà báo Regis Gente, những điều trên cho thấy Nga muốn tận dụng World Cup để thay đổi cái nhìn của thế giới, đó là nước Nga hiện đại hơn, giàu di sản văn hóa, đa dạng sắc tộc, nhưng không kém phần hấp dẫn về mặt vị thế địa chính trị...

Nhà báo Regis Gente nói: "Chắc chắn là có ý đồ chính trị đằng sau những động thái này, nhất là nước Nga đang trong quá trình tìm kiếm sự thừa nhận về vai trò, vị trí của mình trên vũ đài chính trị quốc tế".

Theo nhà báo này, đó là những dấu ấn địa lý của sự kiện thể thao và qua đó, giới thiệu về đất nước Nga. Có rất nhiều thành phố được người Nga giới thiệu, ví dụ như Saransk hay Kazan, Tatarstan, Saratov, Ekaterinburg - biểu tượng cho lịch sử của Liên Xô, lịch sử ngành công nghiệp. Đó là một trong những cách cho thấy Nga là một quốc gia đa sắc tộc, và rất đa dạng.

Nhà báo này thậm chí còn bình luận rằng khi giới thiệu thành phố Kalinigrad, Tổng thống Putin muốn nhấn mạnh yếu tố đậm nét địa chính trị. Đó là một cách để nói rằng nước Nga gắn liền với châu Âu bởi ở đây, Nga triển khai vũ khí nguyên tử.