Mummified buddha statue from China
© Bảo tàng DrentsBức tượng Phật có chứa xác ướp 1.000 năm tuổi của nhà sư Trung Quốc
Người dân một ngôi làng tại Trung Quốc đã đến Hà Lan để đòi lại bức tượng Phật có chứa xác ướp 1.000 năm tuổi, vốn bị đánh cắp từ năm 1996.

Những người đại diện cho ngôi làng Dương Xuân, phía đông Trung Quốc, mới đây đã đến Hà Lan tham gia phiên tòa nhằm đòi lại bức tượng Phật có chứa xác ướp (còn gọi là nhục thân) 1.000 năm tuổi.

"Chúng tôi lớn lên với bức tượng này. Ông ấy đã luôn hiện hữu ở đó và là lãnh đạo tinh thần của chúng tôi. Vì vậy mang được bức tượng trở về là việc tối quan trọng", đại diện dân làng Dương Xuân Lâm Văn Thanh nói với Guardian. Ông là một trong 6 người từ ngôi làng nhỏ đến Hà Lan để tham dự phiên điều trần.

Sau 2 thập niên mất tích, bức tượng được gọi là "tộc trưởng Chương Công" xuất hiện trở lại tại buổi triển lãm Thế giới Xác ướp của bảo tàng lịch sử tự nhiên Budapest (Hungari) năm 2015.

Khi dùng máy quét bức tượng, các chuyên gia tìm thấy một bộ xương nằm bên trong, được cho là của một nhà sư Trung Quốc sống vào triều Tống cách đây gần 1.000 năm. Bức tượng sau đó đã được rút khỏi triển lãm.

"Có một mối liên hệ rất đặc biệt giữa dân làng và bức tượng này", luật sư Jan Holthuis nói với các thẩm phán. Tại phiên tòa, ngôi làng nhỏ Dương Xuân cáo buộc nhà sưu tầm Hà Lan Oscar van Overeem mua lại bức tượng Phật vốn bị đánh cắp tại Hong Kong vào năm 1996.

Ông Van Overeem nhắc lại trước tòa rằng ông đã trao đổi với một nhà sưu tầm Trung Quốc để có bức tượng vào năm 2015. "Tôi đã mua lại bức tượng và rất vui nếu nó có thể quay trở về quê nhà", ông nói và cho biết thêm rằng ông không biết danh tính của nhà sưu tầm mà ông đã trao đổi.

Ông Van Overeem cũng bác bỏ tuyên bố của luật sư Holthuis cho rằng ông là người buôn bán các tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc và đã mua bức tượng từ năm 1996 tại Hong Kong, nơi tập trung nhiều cổ vật bị đánh cắp.

"Tôi là một kiến trúc sư và một nhà sưu tầm, nhưng tôi không phải một con buôn", ông van Overeem nói.

Nếu bức tượng được quay lại quê nhà thì đây sẽ là thành công đầu tiên trong việc trao trả di tích lịch sử Trung Quốc bằng biện pháp pháp lý. Trước đó, cổ vật và các tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc bị thất lạc đều được trao trả lại bằng con đường ngoại giao.

Vụ việc đang được dư luận theo dõi sát sao và thẩm phán sẽ ra phán quyết vào ngày 12/12 tới.