Federica Mogherini, Mohammad Javad Zarif
Ngoại trưởng Iran Mohammad Zarif và đại diện đối ngoại của EU Federica Mogherini
Châu Âu đã có những phản hồi sau khi nhận được "tối hậu thư" 60 ngày của Iran về hành động để bảo vệ thỏa thuận hạt nhân JCPOA.

Ngày 9/5, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini khẳng định, EU sẽ cam kết thực thi các trách nhiệm của mình với thỏa thuận JCPOA trong điều kiện Iran phải khẳng định tuân thủ thỏa thuận này.

Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA) là thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Đức, Nga, Mỹ, Trung Quốc). Hôm 8/5, Tổng thống Iran đã đe dọa giảm bớt một số trách nhiệm trong thỏa thuận này, bao gồm việc tái khởi động nhà máy hạt nhân và tiếp tục làm giàu Uranium.

Đại diện cấp cao EU, bà Mogherini khẳng định: "Cho đến nay, chúng tôi đã chứng kiến Iran hoàn toàn tuân thủ mọi cam kết liên quan tới hạt nhân theo thỏa thuận này. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã giám sát chặt chẽ các hành động của Iran và họ sẽ tiếp tục công việc của mình.

Chỉ cần Iran không vi phạm các thỏa thuận trong JCPOA, EU cam kết sẽ thực thi phần trách nhiệm của mình".

Dựa trên các nội dung được ký vào ngày 2/4/2015, Iran đồng ý chấp nhận hạn chế đáng kể chương trình hạt nhân của mình trong ít nhất một thập niên và một số chương trình sẽ còn bị hạn chế lâu hơn, và đồng ý tăng thêm đáng kể sự giám sát của cộng đồng quốc tế. Đổi lại, Mỹ và EU phải cắt giảm các lệnh trừng phạt áp đặt vào quốc gia Trung Đông này.

Hôm 8/5, Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu trên truyền hình, gửi đi thông điệp: "Trong 60 ngày, nếu EU không bảo vệ Iran trước các lệnh trừng phạt của Mỹ, Tehran sẽ đơn phương rút đi một phần trách nhiệm trong JCPOA và tiếp tục làm giàu Uranium, tái khởi động nhà máy hạt nhân đã bị đóng cửa trước đó ở Arak".

Tổng thống Rouhani nhấn mạnh: "Iran không phải là người phá bỏ thỏa thuận JCPOA. Mỹ là người đã rút khỏi thỏa thuận này trước tiên, và họ tiếp tục gây hấn bằng các biện pháp trừng phạt mới khốc liệt hơn. Iran không cần phải thực hiện trách nhiệm một cách đơn phương như vậy. Ngày hôm nay chưa phải là ngày mà các thỏa thuận bị xóa bỏ, nhưng EU cần phải hành động để sửa chữa những sai lầm của Mỹ".

Như vậy, những thông điệp mà EU gửi đi đã cho thấy, châu Âu muốn Tehran phải tiếp tục tuân thủ các thỏa thuận trong JCPOA và ngừng việc đe dọa gây sức ép lên EU. Đáp lại, châu Âu sẽ tiếp tục thực hiện các trách nhiệm của mình trong đó, bao gồm việc hỗ trợ Iran trong việc giảm các tác động từ biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Tuy nhiên, Iran có lý do để không tin tưởng châu Âu. Thực tế, thời điểm tháng 5/2018, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi JCPOA, ông chủ Nhà Trắng đã phát kèm các thông điệp về việc tái khởi động các biện pháp trừng phạt kinh tế Iran.

Tháng 11/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trừng phạt trực tiếp ngành năng lượng của quốc gia Trung Đông này. Mục tiêu cao nhất, ông Trump muốn đưa mức xuất khẩu dầu của Iran về con số "0".

Khi đó, EU đã có những cam kết với Iran bao gồm: Liên tiếp phản đối Mỹ về cách hành xử đơn phương, kêu gọi Mỹ quay trở lại khung thỏa thuận JCPOA, chấm dứt các biện pháp trừng phạt Iran và đề nghị hai bên Tehran- Washington ngồi lại đàm phán.

Tiếp đến, EU và Iran đàm phán, hình thành một cơ chế mang tên Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX), như một biện pháp giúp Iran "lách" các biện pháp trừng phạt của Mỹ, cũng như bảo vệ các công ty châu Âu làm ăn với Iran.

Tuy nhiên, cho đến khi Mỹ tuyên bố hủy toàn bộ chế độ miễn trừ trừng phạt cho 8 quốc gia và vùng lãnh thổ khi giao dịch với Iran (tròn 6 tháng kể từ ngày chính thức trừng phạt năng lượng), INSTEX vẫn không hoạt động.

Iran đã nhiều lần thúc giục, EU cũng nhiều lần tái cam kết qua các phát biểu ngoại giao, nhưng chưa có một hành động cụ thể nào được thực hiện. Thậm chí, Iran - Thổ Nhĩ Kỳ - Nga đã hình thành xong một cơ chế tương tự INSTEX và đưa vào hoạt động thì các biện pháp của EU vẫn nằm trên giấy.

Đó là lý do Iran lên tiếng với EU vì thiếu tin tưởng. Họ buộc phải đưa ra tối hậu thư của mình với thời hạn 60 ngày. Ngược lại, EU đáp trả bằng việc yêu cầu Iran tiếp tục phải có trách nhiệm, bất chấp việc họ đang là nạn nhân.