maduro rally flag
© Miraflores Palace/Handout via Reuters
Hôm 4 và 5/5, đại diện của tất cả các chi nhánh chính phủ Venezuela đã thảo luận về những sự cần thiết trong thay đổi chiến lược phát triển đất nước và tìm các kế hoạch để tạo ra sự phát triển đặc biệt cho nền kinh tế Venezuela.

Ngày 9/5, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phát đi thông điệp trên Twitter, khẳng định cuộc đối thoại cấp toàn quốc trong 2 ngày vừa qua là "những ngày đối thoại quốc gia tuyệt vời".

"Tôi đã khởi xướng một quá trình đối thoại với công chúng trong nỗ lực tạo ra một kế hoạch hành động, tái thiết và thay đổi quan trong trong đường lối kinh tế của Cách mạng Bolivar. Tôi cần một kế hoạch nhằm thay đổi hoàn toàn đời sống kinh tế và chính trị của đất nước.

Bây giờ, tôi muốn những cuộc họp công khai như vậy được tổ chức vào cuối tuần này, và sẽ liên tục, đều đặn vào các cuối tuần. Chính phủ Venezuela sẽ lắng nghe người dân, tất cả mọi điều từ họ, những lời chỉ trích, những lời đề nghị. Người dân hiểu tất cả mọi thứ và chúng tôi cần được biết tình hình" - Thông điệp của Tổng thống Maduro nêu rõ.

Tổng thống Nicolas Maduro vẫn đang đứng vững trước những đe dọa, chống đối từ Guaido và chính quyền Mỹ. Cùng với bước đi mới nhất được thể hiện qua cuộc "đối thoại toàn quốc" vừa qua, Tổng thống Maduro đã cùng lúc thực hiện được hai mục tiêu quan trọng.

Thứ nhất, chính quyền hợp pháp Venezuela hóa giải được các âm mưu kích động, bạo loạn lật đổ từ phe đối lập Juan Guaido do Mỹ hậu thuẫn. Để hóa giải được cuộc "cách mạng màu" này, Tổng thống Venezuela đã phải sử dụng kết hợp nhiều yếu tố.

Ông nhận được sự ủng hộ của đại đa số người dân và đặc biệt là sự ủng hộ tuyệt đối từ quân đội và cảnh sát Venezuela. Điều này tạo ra tác dụng to lớn: cuộc bạo loạn dựa vào cái cớ "viện trợ nhân đạo" từ Mỹ bị dập tắt hồi cuối tháng 2, cuộc đảo chính quân sự hôm 30/4 thất bại mà không gây bất kỳ thương tổn nào.

Ông Maduro nhận được sự ủng hộ từ các quốc gia có tiềm lực và ảnh hưởng trên thế giới, bao gồm Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran,... Đồng thời, đồng minh châu Âu của Mỹ không muốn can dự vào các vấn đề ở Mỹ Latinh vốn được coi là sân sau của Mỹ.

Điều này giúp ông Maduro tạm vượt qua khó khăn cấp bách về nhu yếu phẩm, lương thực, thuốc men, năng lượng và nguồn tài chính cho đất nước. Đồng thời ngăn chặn được âm mưu can thiệp quân sự trực tiếp từ phía Mỹ.

Thứ hai, và khó khăn hơn, Tổng thống Maduro phải vô hiệu hóa được chiêu bài dân chủ, nhân quyền của Mỹ. Các "đồng minh" của Tổng thống Venezuela có thể hỗ trợ Caracas trong tình cảnh hiểm nghèo, nhưng về bản chất, chính quyền Maduro buộc phải tự thay đổi để cải cách đất nước.

Nền kinh tế bị phá hủy dẫn đến đời sống khổ cực của người dân là vấn đề lớn nhất, căn nguyên gốc rễ nhất mà ông Maduro phải hóa giải, nếu muốn thực sự được lòng dân chúng. Mỹ cũng lợi dụng những mâu thuẫn đó để dựng ra một Juan Guaido với những lời có cánh: chấm dứt khủng hoảng kinh tế, giàu có cho Venezuela khi không có Maduro...

Đồng thời, chính quyền Venezuela cũng phải đối diện với sự thật rằng họ đang chịu những cáo buộc về độc tài, về việc không lắng nghe nguyện vọng của người dân và các tiếng nói đóng góp cho đất nước từ mọi tầng lớp trong xã hội. Đây là mấu chốt cho chiêu trò dân chủ, dân quyền mà Mỹ kích động dân chúng Venezuela.

Và như vậy, ông Maduro tiến hành kích hoạt "vũ khí cuối cùng" và cũng là "vũ khí mạnh nhất": đoàn kết dân tộc. Tổng thống Venezuela chủ động tổ chức đối thoại toàn quốc, lắng nghe góp ý, nguyện vọng từ tất cả các tầng lớp để sửa đổi chính sách cho phù hợp nhất.

Biện pháp này không phải nhằm đối phó với các cáo buộc của Mỹ, mà để giải quyết tận gốc rễ những vấn đề của Venezuela: hòa giải: lắng nghe và tận dụng mọi nguồn lực trong dân chúng để phát triển đất nước.

Tổng thống Maduro cho thấy quyết tâm thay đổi, quyết tâm bảo vệ và phát triển đất nước trên cơ sở: đàm phán thống nhất các lực lượng, lắng nghe tiếng nói của các tầng lớp dân chúng.