Putin Merkel
Theo RT ngày 20/7, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế và Năng lượng thuộc Quốc hội Đức Klaus Ernst thừa nhận những biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga là vô dụng, trái với luật pháp quốc tế.

Nghị sĩ Klaus Ernst cho rằng, việc áp đặt trừng phạt kinh tế đối với Nga gây tổn hại đến quan hệ thương mại giữa Moscow với châu Âu, ảnh hưởng xấu đến sự thịnh vượng và thành công của ngành thương mại Đức. Theo ông Ernst, quyết định tẩy chay kinh tế từ phía Đức chỉ dẫn đến việc tăng cường mối quan hệ tài chính giữa Moscow và Bắc Kinh.

"Những lệnh trừng phạt này không mang lại hiệu quả gì. Tôi không thể tưởng tượng được chính sách như vậy có thể thành công. Nếu bạn kê toa một loại thuốc và nó không có tác dụng, mà trái lại, nó khiến chính bạn tổn thương, thì sự lựa chọn đó nhiều khả năng là sai lầm", ông Ernst nói.

Ngoài ra, ông Ernst cũng chỉ trích tuyên bố của tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen về sự cần thiết phải có cách tiếp cận mạnh mẽ hơn đối với vấn đề trừng phạt nhằm vào Nga. Ông Ernst tin rằng, theo cách này, châu Âu đang làm suy yếu chính mình.

Đây không phải lần đầu Đức đề cập đến tác động tiêu cực của lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga. Cuối tháng 6/2019, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Phòng Thương mại Nga - Đức Matthias Schepp cho biết, các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Nga đã khiến các công ty Đức hoạt động tại Nga thiệt hại hàng tỷ euro.

"Có hơn 4.500 công ty Đức hoạt động tại Nga và nền kinh tế Đức đều chịu ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt Mỹ. Có thể tính toán được các tổn thất do Mỹ mang tới gây ảnh hưởng tới họ lên tới vài tỷ euro", ông Schepp nói trong cuộc họp báo.

Phòng này đã tiến hành một nghiên cứu trên 141 công ty Đức tại Nga và phát hiện ra, các doanh nghiệp này đã mất tổng cộng 1,1 tỷ euro (khoảng 1,2 tỷ USD) kể từ Mỹ áp đặt trừng phạt lên Nga vào năm 2014. Chủ tịch Phòng Thương mại Nga- Đức cho rằng, các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào nhiều công ty Đức hoạt động tại Nga là cách để giành lợi thế trên thị trường.

Ông Schepp kêu gọi Chính phủ Đức sớm có động thái giảm thiểu thiệt hại từ trừng phạt Mỹ và EU đối với Nga. Động thái đơn giản nhất là gỡ bỏ các trừng phạt của châu Âu lên Nga.

"Các biện pháp trừng phạt này là phản tác dụng, không phục vụ mục đích chính trị của Mỹ và của châu Âu, đồng thời gây hại cho EU trong dài hạn", ông Schepp nói.

Phòng Thương mại Nga- Đức cho biết, 87% thành viên của họ muốn Thủ tướng Angela Merkel theo đuổi mối quan hệ tốt hơn với Nga bằng cách tham dự nhiều sự kiện kinh tế ở nước này. Về phần mình, Thủ tướng Đức Merkel từng tuyên bố muốn cải thiện và có quan hệ tốt với Moscow.

Mối quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây suy giảm đáng kể trong vòng 5 năm qua, sau khi các lệnh trừng phạt kinh tế do Washington áp đặt được Brussels ủng hộ.

Nhiều chính trị gia tại các nước châu Âu liên tục kêu gọi hủy bỏ các biện pháp trừng phạt bởi những biện pháp này trở thành rào cản lớn cho hoạt động kinh doanh cũng như tăng trưởng kinh tế.

Số liệu trong năm 2015 cho thấy, tổn thất của các nước phương Tây do các hạn chế thương mại với Nga lên đến 44 tỷ USD và EU chiếm 90% trong số liệu thiệt hại này.

Thủ tướng Nga Dmitry Mevedev đã từng nói về các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga như "gậy ông đập lưng ông" khi châu Âu cũng phải chịu tổn thất kinh tế. Trong khi đó, Mỹ vốn là quốc gia ít có hợp tác với Nga nên dù tung trừng phạt lớn tiếng tới đâu, thiệt hại của Mỹ là không quá lớn.