ukraine gas
Ba Lan nhập LNG của Mỹ về bán lại cho Ukraine để kiếm lời

Ngày 29/8, Công ty Dầu khí Quốc gia Ba Lan (PGNiG) ra thông báo cho biết Ba Lan đã thống nhất về việc bán lại cho Ukraine khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) mà nước này mua của Mỹ.

"Công ty Dầu khí Quốc gia Ba Lan ký đã hợp đồng mua khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, sau đó quyết định bán lại cho Công ty Năng lượng Quốc gia Ukraine (ERU)", Sputnik trích thông báo của PGNiG.

Theo thông tin của PGNiG thì tàu vận chuyển LNG của Mỹ theo hợp đồng được ký kết, sẽ cập cảng tiếp nhận LNG của Ba Lan vào đầu tháng 11/2019, sau sau đó sẽ nhanh chóng được tái khí hoá để có thể sử dụng.

Sau khi tái khí hóa, LNG sẽ được bơm vào hệ thống truyền dẫn của Ba Lan, rồi từ đó được chuyển đến Ukraine qua đường ống dẫn khí ở thành phố Hermanowice. Dự kiến cuối năm 2019, Ukraine sẽ nhận được LNG Mỹ mua lại từ Ba Lan.

Người đứng đầu PGNiG, ông P. Wozniak, cho biết công ty năng lượng này có kế hoạch tăng cường xuất khẩu khí đốt sang Ukraine, bởi vì PGNiG đã tích lũy được nhiều hinh nghiệm và nâng cao năng lực trên thị trường LNG trong 3 năm qua.

Vì vậy, PGNiG có thể mua LNG theo các điều khoản cạnh tranh từ các nhà cung cấp của Mỹ để bán lại kiếm lời, mà Ukraine là khách hàng chiến lược. PGNiG đã nâng công suất cảng tiếp nhận LNG để có thể nhận 39 đợt hàng vào năm 2020.

Hạn chế duy nhất cho việc tăng xuất khẩu sang Ukraine là các đường ống dẫn khí ở Ba Lan theo hướng Silesia-Subcarpathian Voivodeship hiện có năng lực thông lượng thấp. Tuy nhiên, việc tăng thông lượng sẽ được PGNiG thực hiện trước năm 2021.

Xin nhắc lại là để thực hiện chiến lược kinh doanh LNG, Công ty Dầu khí Quốc gia Ba Lan đã ký một số hợp đồng dài hạn để có thể đảm bảo nguồn cung cấp LNG ổn định từ Mỹ.

Đó là hợp đồng 24 năm với Cheniere Marketing International, cung cấp 0,52 triệu tấn LNG/năm - khoảng 0,7 tỷ m3 sau khí tái hóa - trong giai đoạn 2019-2022 và từ 2023-2042, sẽ là 1,45 triệu tấn LNG/năm - khoảng 1,95 tỷ m3 sau tái khí hóa.

Bên cạnh đó là hợp đồng với Venture Global LNG cung cấp cho Ba Lan 2 triệu tấn LNG/năm - khoảng 2,7 tỷ m3 sau tái khí hóa. Thời gian cung cấp là 20 năm, tính từ năm 2019.

Như vậy là việc Ba Lan mua LNG của Mỹ về bán lại cho Ukraine là một kế hoạch kinh doanh lâu dài và mang tầm chiến lược, chứ không phải mang tinh phi vụ, cho dù khối lượng LNG Mỹ mà PGNiG dự định cung cấp cho Ukraine chưa được công bố.

Tuy nhiên, điều dư luận băn khoăn là tại sao Ukraine không mua LNG trực tiếp từ Mỹ mà lại phải mua qua Ba Lan, mà chắc chắn phải trả giá cao hơn, trong khi quan hệ giữa Kiev và Washington thời hậu EuroMaidan rất tốt đẹp.

Phải chăng điều đó là do hạ tầng kỹ thuật của Ukaine chưa thể tiếp nhận trực tiếp LNG từ tàu vận chuyển của Mỹ và chưa đủ điều kiện kỹ thuật để tái khí hoá, nên phải mua qua Ba Lan?

Giới phân tích cho rằng đây không hẳn là rào cản, bởi Ukraine hoàn toàn có đủ khả năng để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, bên cạnh đó Mỹ cũng có thể giúp để việc LNG được bơm trực tiếp vào các bể chứa ở Ukraine. Rõ ràng, vấn đề nằm ở chỗ khác.

Ý đồ của những đạo diễn EuroMaidan?

Sau khi chính quyền Kiev-Maidan thực hiện chính sách bài Nga thì Ukraine cũng mất dần nguồn khí đốt từ Nga. Kiev từng tự tin tuyên bố sẽ mua được khí đốt giá rẻ từ "những người anh em xa" để bù vào lượng khí đốt của Nga.

Tuy nhiên, cho đến nay thì Kiev-Maidan chỉ được ăn "bánh vẽ", bởi giá khí đốt mà Ukraine mua được từ "những người bạn mới" đều cao hơn giá khí đốt họ từng mua của Nga. Kết quả là người dân Ukraine phải mua khí đốt với giá cắt cổ.

Theo tính toán của IMF, giá khí đốt của Ukraine cao hơn của Nga khoảng 17,5%, song thực tế thì cao hơn tới 20%. Và nếu so với giá khí đốt mà Armenia hay Belarus được mua của Nga thì giá khí đốt của Ukraine cao hơn tới 30%.

Điều này khiến cho Kiev-Maidan cực kỳ thất vọng. Vậy nhưng nỗi đau chưa dừng lại ở đó, mà "những điều trông thấy" còn đau đớn hơn rất nhiều, khi những đạo diễn của EuroMaidan dường như tìm cách lấy lại tất cả những gì "đã cho" Kiev.

Ở đây chỉ xem xét vấn đề khí đốt của Ukraine liên quan đến EU và Mỹ - 2 đạo diễn chính của EuroMaidan năm nào, và từ đó có thể nhận diện việc Ba Lan mua LNG của Mỹ rồi bán cho Ukraine dường như có bàn tay của các đạo diễn EuroMaidan.

Thứ nhất, với EU

Brussels luôn cam kết với Kiev là sẽ đảm bảo việc Moscow tiếp tục trung chuyển khí đốt Nga cung cấp cho EU qua Ukraine, nhằm trấn an Kiev về mối lo khi Dòng chảy phương Bắc-2 thông dòng khiến Ukraine mất cơ hội "mở van và lấy tiền" của Nga.

Thậm chí, EC còn điều chỉnh quy định về những dự án cung cấp khí đốt cho EU, mà thực chất là những "dòng khí đốt" Nga. Theo đó, bên cung cấp khí đốt qua những đường ống tới EU, phải dành 10% công suất cung cấp cho bên thứ 3, theo Reuters.

Quy định sửa đổi được cho là nhằm buộc Nga phải dành 10% công suất các đường ống dẫn khi để cung cấp cho các nước ngoài EU, trong đó có Ukraine. Nghe như có vẻ EC luôn nghĩ tới quyền lợi cho Kiev.

Tuy nhiên, phân tích kỹ thì sẽ thấy đây là một cách "hồi quy lợi ích" đầy khôn khéo và cực kỳ tinh của EU đối với những lợi ích mà chính họ đã trao cho Ukraine thời hậu EuroMaidan.

Bởi quy định của EC sửa đổi chỉ có tác dụng điều chỉnh với đường ống dẫn của Dự án Dòng chảy phương Bắc-2 và đường ống dẫn hiện hữu đang trung chuyển khí đốt Nga cung cấp cho EU ngang qua Ukraine.

Trong khi đó, công suất thiết kế của Nord Stream-2 là 55 tỷ m3/năm, còn công suất đường ống dẫn hiện hữu ngang qua Ukraine thì Moscow dự tính giảm xuống chỉ còn 10 tỷ m3/năm, và cao nhất cũng không quá 20 tỷ m3/năm.

Như vậy, với 10% công suất của cả 2 đường ống thì lượng khí đốt cung cấp cho bên thứ 3 chỉ là khoảng 7,5 tỷ m3/năm, chưa bằng 1/3 nhu cầu của Ukraine, trong khi đó bên thứ 3 đâu chỉ có mỗi Ukraine.

Như vậy, Ukraine luôn trong tình trạng thiếu hụt khí đốt và đương nhiên họ sẽ phải mua lại chính khí đốt Nga từ "những người anh em xa" với giá cả không hề dễ chịu chút nào.

Từ đây, những khoản phí trung chuyển khí đốt Nga cung cấp cho EU mà Kiev đã thu sẽ được hồi quy. Bởi dù Nga chi trả khoản tiền này, nhưng thực tế chính người tiêu dùng EU mới là người chịu phí trung chuyển. Và Ba Lan là thành viên EU.

Cần biết là trong 25 năm qua, EU chỉ viện trợ có 50 triệu euro cho Armenia nhằm tìm cách đẩy Yerevan xa ra Moscow, vì vậy Kiev không thể mong đợi nhiều vào sự hào phóng của Brussels. Kế hoạch Marshall cho Ukraine chỉ là bánh vẽ mà thôi.

Thứ hai, với Mỹ

Nếu như Brussels tìm cách cho Nord Stream-2 thông dòng thì ngược lại Washington cam kết với Kiev sẽ tìm cách ngăn Nord Stream-2 khơi dòng, song cũng không nằm ngoài mục đích "hồi quy lợi ích" đã trao cho Ukraine thời hậu Yanukovych.

Thực tế cho thấy, tìm cách ngăn Nord Stream-2 khơi dòng là Washington muốn gia tăng thì phần tại thị trường khí đốt EU, chứ không phải vì lợi ích của Kiev, trong đó có việc buộc Nga trung chuyển khí đốt qua Ukraine để Kiev "mở van và lấy tiền".

Bởi lượng khí đốt - cụ thể là khí hoá lỏng - mà Mỹ cung cấp cho EU đã tăng gấp 3 lần trong 6 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018, trong khi đó có rất ít khả năng Kiev được Moscow nương nhẹ trong đàm phán hợp đồng trung chuyển mới.

Điều đó cho thấy khả năng Ukraine mất hàng vài tỷ USD mỗi năm phí trung chuyển khí đốt của Nga, vậy nhưng Mỹ không cung cấp trực tiếp khí đốt cho Ukraine mà lại để Ba Lan mua đi bán lại kiếm lời trên đầu trên cổ Kiev.

Có thể Mỹ viện dẫn nhiều lý do không thể cung cấp trực tiếp khí đốt cho Ukraine, tuy nhiên theo giới phân thích thì có thể nhận diện Washington không muốn hy sinh lợi ích cho ván cờ Ukraine.

Còn nhớ cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng khẳng định người dân Mỹ đóng thuế không phải để cứu giúp Ukraine - một quốc gia chưa phải và chưa thể là đồng minh của Mỹ.

Nhưng bán LNG cho Ban Lan có khác gì bán trực tiếp cho Ukraine? Chắc chắn có khác nên Warsaw mới có thể xác lập cơ chế trung gian này. Và theo giới phân tích thì đây có thể là điều kiện của EU để cho Mỹ mở rộng thị trường khi đốt.

Song dù với bất cứ lý do gì thì rõ ràng từ khi thực hiện chính sách bài Nga cực đoan, chính quyền Kiev đã rất bế tắc trong việc tìm nguồn cung khí đốt theo giá cả phù hợp với mức sống của người dân Ukraine.

Đáng buồn là sau khi các nước cờ của Tổng thống Putin đã làm tối hiểu hoá giá trị và ý nghĩa địa chính trị-địa chiến lược của Ukraine thì "những người anh em xa" cũng tìm cách lấy lại những gì đã trao cho Kiev, khi Ukraine chỉ còn là ván cờ tàn.

Từ việc Ukraine phải mua LNG Mỹ từ Ba Lan cho thấy EuroMaidan đã trở thành vết nhơ trong lịch sử Ukraine, còn những đạo diễn EuroMaidan thì chỉ hành động vì lợi ích của họ, chứ không hào phóng như giới chính trị Maidan mộng tưởng.

Đặc biệt là Mỹ còn mua LNG của Nga để bán lại thì có thể thấy giá LNG mà người dân Ukraine phải mua sẽ "chát" như thế nào. Thật là người dân Ukraine đã quá cay đắng với EuroMaidan!