Hanoi people queueing for clean drinking water
Người dân Hà Nội xếp hàng để lấy nước sạch
Chẳng lẽ chỉ cần xây dựng một hệ thống lọc nước sông rồi dán nhãn nước sạch để bán lấy tiền, chất lượng như thế nào cũng không quan trọng?

Tôi là một người dân sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Khi câu chuyện về chất lượng không khí sau vụ cháy Rạng Đông chưa kịp tan đi, thì tất cả lại thêm một lần bàng hoàng vì nước máy bị nhiễm dầu thải. Có lẽ phải là những người trực tiếp nằm trong diện bị ảnh hưởng mới hiểu rõ nỗi mệt mỏi, lo âu đang bao trùm lấy chúng tôi khi tai họa liên tục giáng xuống chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.

Khi sống trong hoàn cảnh mà hết khí thở đến nước uống đều bị ô nhiễm, những người dân như tôi dường như chỉ còn biết quẩn quanh với hàng loạt các câu hỏi chưa có lời giải thích:

Bỏ qua việc kẻ xấu đổ trộm dầu thải ra môi trường, việc đó đã có pháp luật xử lý. Vấn đề là tại sao thứ nước bẩn đó vào được nhà máy nước, vượt qua cả khâu xử lý và được gọi là nước sạch (dù vẫn nồng nặc mùi dầu thải), đưa về thành phố tới tận từng hộ gia đình? Vậy có gọi là nước sạch không? Hay tiêu chuẩn về độ sạch của công ty chỉ thấp đến vậy?

Tôi tự hỏi công nghệ xử lý ô nhiễm nước đầu vào của nhà máy hoạt động thế nào mà không thể phát hiện và xử lý nổi những ô nhiễm bề nổi như thế này? Nếu đây không phải là dầu thải, không nhìn, không ngửi thấy được mà là một lọaị chất độc hay nước bị nhiễm kim loại nặng không màu, không mùi, không vị thì hậu quả sẽ còn trầm trọng đến mức nào? Nếu không bị người dân và báo chí vào cuộc thì công ty có lên tiếng nói sự thật hay không?

Theo tôi biết, trong quá trình xử lý nước, chất lượng nước trong và sau quá trình xử lý đều được giám sát theo hai cách: Cách thứ nhất là dựa vào máy móc, độ pH, độ dẫn và một số thông số khác sẽ được gửi đến máy tính của hệ thống DCS và được ghi nhận lại. Thứ hai là công nhân vận hành phải trực tiếp đi lấy mẫu nước và mang về phòng thí nghiệm tại chỗ. Vậy mà nước đã qua xử lý của Công ty nước sạch sông Đà vẫn bị ô nhiễm và vẫn cấp vào hệ thống cung cấp nước cho người dân thì quả là lạ.

Tôi băn khoăn rằng nhà máy có kiểm tra chất lượng nước trước khi cung cấp cho người dân hay không? Hàng ngày nhà máy có lấy mẫu để kiểm tra không? Mấy giờ thì lấy một lần? Tôi thật sự lo ngại với thực trạng hiện nay về hệ thống quản lý của Công ty nước sạch sông Đà. Chẳng lẽ nước được bơm thẳng từ sông vào hệ thống cấp nước sinh hoạt cho người dân không qua kiểm tra chất lượng thường xuyên hay sao, mà chỉ khi dân phản ánh mới đi kiểm tra và biết được chất lượng nước như thế nào?

Nước là tài nguyên vô cùng quan trọng, thậm chí liên quan tới an ninh quốc gia, vậy mà một nhà máy nước sạch không có người giám sát và kiểm tra chất lượng đầu vào và đầu ra thường xuyên để kịp thời phát hiện chất lượng nước. Chẳng lẽ chỉ cần xây dựng một hệ thống lọc nước sông rồi dán nhãn nước sạch để bán lấy tiền là xong, chất lượng như thế nào cũng không quan trọng?

Thứ nữa, tại sao xây dựng nhà máy cung cấp nước sạch cho 1/4 thành phố mà không có hệ thống cảnh báo nước ô nhiễm, phát hiện và phòng chống độc từ đầu nguồn? Với hệ thống nước sạch sông Đà như hiện nay, an ninh nguồn nước đang rơi vào tình trạng rất nguy hiểm. Hôm nay có kẻ đổ dầu vào, một ngày khác có kẻ đổ hóa chất vào thì liệu nhà máy có thể phát hiện và ngăn chặn kịp thời? Thật khó hiểu khi đường dẫn nước vào nhà máy để cung cấp nước cho cả một phần lớn thủ đô lại không có hệ thống quan trắc và quy hoạch đóng kín.

Đến khi phát hiện nguồn nước đầu nguồn bị ô nhiễm nặng như vậy, tại sao công ty không dừng cấp nước và khuyến cáo người dân, đồng thời đưa ra phương án thay thế, xử lý mà vẫn âm thầm bán cho khách hàng dùng?

Khi xử lý nước có dầu loang, công ty cũng cho nâng hàm lượng Clo để làm sạch. Là một người không có chuyên môn về hóa học nhưng tôi cũng có thể hiểu, Clo không thể làm sạch nước bị nhiễm dầu, cùng lắm cũng chỉ có thể át được phần nào mùi hắc của nước. Phải chăng Công ty nước sạch sông Đà muốn lấp liếm, đánh lừa người sử dụng thay vì tìm cách làm sạch nước trước khi bán cho khách hàng?

Về vấn đề trách nhiệm, nước sạch phải có người đứng ra cam kết an toàn, thì mới được cung cấp cho người dân sử dụng. Không thể có kiểu "việc của tôi là cung cấp nước, chất lượng thế nào là hên xui" như thế này được. Nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe con người từ việc ô nhiễm nguồn nước là rất lớn. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho sự việc này? Không thể trả lời chung chung được.

Cuối cùng, sau khi tìm ra nguyên nhân và truy cứu trách nhiệm các bên liên quan rồi, liệu có biện pháp khắc phục hậu quả mà hàng trăm ngàn người dân phải gánh chịu không? Chi phí xúc rửa bể nước của các hộ dân, các tòa nhà chung cư ai chịu trách nhiệm? Chi phí khám sức khỏe, chữa bệnh do người dân sử dụng nước không đảm bảo chất lượng, ai sẽ bồi thường?

Nói gì đi nữa, vụ việc đáng tiếc này cũng đã xảy ra hơn một tuần, người dân cũng đã phải gánh chịu hậu quả. Không có cơ hội để chúng ta quay ngược thời gian lại thời điểm trước khi sự cố xảy ra. Những gì mà Viwasupco và các cơ quan chức năng có thể làm lúc này là nhìn thẳng, nói thật và nỗ lực hết mình để khắc phục hậu quả và thay đổi, để vá lại những kẽ hở của con đường nước sạch ở Hà Nội và cả nước. Tôi mong rằng, lần này sẽ không có những lý do được đưa ra để khỏa lấp sai phạm, xoa dịu dư luận và để câu chuyện lại trôi tuột đi như 21 lần vỡ đường ống nước trước đây.