Russian grain harvest
Trái với mong đợi của phương Tây về lệnh trừng phạt Nga, Moscow có thể biến điều này thành cơ hội để trở thành một trong những nhà sản xuất thực phẩm hữu cơ lớn nhất thế giới.

Tờ Spunik của Nga dẫn lời nhà báo điều tra, nhà khoa học chính trị - Seth Ferris nhận định, trái với mục đích của phương Tây khi áp dụng lệnh trừng phạt với Nga, Moscow có thể nhân cơ hội này để trở thành một trong những nhà sản xuất thực phẩm hữu cơ lớn nhất thế giới, biến những bất lợi trong lệnh trừng phạt thành lợi thế của mình.

Trong khi phương Tây đang tự ru ngủ mình rằng, chính sách cấm vận của Mỹ sẽ làm nền kinh tế của Nga chẳng mấy chốc đổ vỡ thì Nga lại sử dụng điều này để mở ra một cơ hội cho riêng mình. "Tin hay không, thì Nga đã nắm trong tay cơ hội có "một không hai" để đánh bại phương Tây trong cuộc chơi của chính họ. Không phải là khai thác dầu hay cung cấp khí đốt, mà là sản xuất lương thực", tờ Spunik viết.

Diện tích đất canh tác của Nga lên tới 2.168.400 km2. Bên cạnh đó, phần lớn nông dân Nga không trồng những loại cây biến đổi gen và sử dụng thuốc diệt cỏ trong nông nghiệp. Vì thế, đất canh tác của Nga hoàn toàn phù hợp với sản xuất thực phẩm tự nhiên.

Trong Thông điệp Liên bang ngày 4/12 năm ngoái, Tổng thống Putin đã dành nhiều thời gian để nói về việc cải cách nông nghiệp. Ông cũng từng đề cập tới việc Nga không nên chỉ trồng trọt những loại thực phẩm của riêng mình, mà nên đầu tư để nó đạt giá trị cao hơn - theo cách gọi của phương Tây, đó là "thực phẩm hữu cơ", không biến đổi gen.

"Nói chung, cải cách nông nghiệp dường như là điều rất có lý. Đó là lý do vì sao nhiều nhà bình luận cố công tìm hiểu ý nghĩa sâu xa của ông Putin. Nga không bao giờ áp dụng những phương pháp sản xuất hàng loạt của nông nghiệp phương Tây. Do đó, với quỹ đất canh tác có nhiều lợi thế, Nga sẽ chi ngân sách và sử dụng quỹ đất này để thu được lợi nhuận một cách có hiệu quả nhất từ đó ", ông Ferris nhận định.

Ông Ferris nhấn mạnh vào thực tế rằng, các nhà lãnh đạo Nga không chỉ chú trọng tới việc chỉ trồng thực phẩm hữu cơ cho nhu cầu trong nước, mà còn có thể sản xuất thực phẩm không biến đổi gen, có giá trị cao và đặc biệt là phải trung thực trong việc sản xuất nông nghiệp mở rộng ra thế giới.

Bên cạnh đó, trong một bài báo gần đây, Ferris cùng một nhà nghiên cứu thị trường tiêu thụ của Mỹ, F. William Engdahl đã ca ngợi việc Nga cấm sản xuất thực phẩm biến đổi gen (GMO) trên lãnh thổ của mình, đồng thời cấm nhập khẩu GMO từ Mỹ.

Quyết định của Nga về việc cấm trồng cây biến đổi gen có hiệu lực vào mùa thu năm ngoái. Rồi tới quyết định mới nhất về việc cấm các sản phẩm GMO từ Monsanto, tập đoàn ngũ cốc biến đổi gen Mỹ, của điện Kremlin có hiệu lực từ 15/2/2016 đã giáng một đòn mạnh vào tập đoàn này.

Theo ông Ferris, có một số yếu tố chính trị ẩn phía sau đề xuất cải cách nông nghiệp của ông Putin. Nếu những cải cách này thành công, Nga thực sự sẽ trở thành nhà sản xuất thực phẩm hữu cơ lớn, gây ra những tác động chính trị lớn theo cách mà phương Tây không hề muốn.

Theo quan điểm của ông Ferris, các lệnh trừng phạt phương Tây hạn chế hoạt động buôn bán, trao đổi thương mại của Nga. Nhưng Nga có thể giữ được giá thực phẩm và tạo ra nguồn cung ổn định, tạo niềm tin trong nước, ngay cả trong những thời điểm hạn hán, hay trì trệ.

"Nga rõ ràng là sẽ hưởng lợi về chính trị từ việc tự sản xuất thực phẩm cho mình hơn là dùng nó để sản xuất nhiên liệu cho phương Tây", ông nói.