Tôi vừa đọc xong cuốn này và tất cả những gì tôi có thể nói là Wow! Đây là một cuốn sách cường độ cao! Không dài, chỉ 208 trang bao gồm cả phụ lục. Cách viết rất chặt chẽ và kinh tế, không một từ bỏ phí hay lan man nhàn rỗi nào. Mỗi ví dụ và mạch rẽ tạm thời đều cần thiết để xây dựng nên luận điểm chính, đó là - bạn đã ngồi vững chưa - Mike Baillie (vâng, một nhà khoa học thực thụ chứ không phải là một kẻ lập dị vớ vẩn nào đó) nói rằng Cái Chết Đen, một trong những đại dịch làm chết nhiều người nhất trong lịch sử nhân loại, giết hại 2/3 toàn bộ dân số châu Âu, chưa kể hàng triệu người nữa trên khắp hành tinh, có nhiều khả năng không phải do dịch hạch mà được gây ra bởi sao chổi!
Ồ đúng vậy! Chuyện hoang đường phải không?
Chưa chắc. Baillie có bằng chứng khoa học để hỗ trợ cho lý thuyết của mình, và bằng chứng của ông hỗ trợ - và được hỗ trợ bởi - những gì người thời đó thuật lại: động đất, sao chổi, mưa lửa, bầu không khí hư hoại, và chết chóc ở mức độ gần như không thể tưởng tượng nổi. Hầu hết mọi người ngày nay không biết mấy về những gì chỉ mới xảy ra 660 năm trước.
Quay lại chủ đề, Trung Quốc, nơi được cho là nơi khởi nguồn của Cái Chết Đen, mất khoảng một nửa toàn bộ dân số (từ 123 triệu xuống còn 65 triệu người).
Nghiên cứu gần đây về con số tử vong ở châu Âu cũng cho ra con số 45% - 50% tổng dân số châu Âu chết trong thời gian bốn năm, mặc dù tỷ lệ này thay đổi từ địa điểm này đến địa điểm khác (đây là vấn đề chúng ta sẽ xem xét đến).
Ở vùng bờ biển Địa Trung Hải, bao gồm cả Ý, miền nam nước Pháp và Tây Ban Nha, nơi bệnh dịch hoành hành bốn năm liên tiếp, tỷ lệ tử vong là 70% - 75% toàn bộ dân số. (Quy đổi ra Hoa Kỳ hiện nay, nó tương đương với việc giảm số dân từ 300 triệu hiện nay xuống 75 triệu trong vòng 4 năm. Nó cũng đồng nghĩa với việc phải chôn 225 triệu xác chết!)
Tại Đức và Anh, tỷ lệ tử vong là 20%. Miền đông bắc Đức, Bohemia, Ba Lan và Hungary chịu tổn thất ít hơn nữa vì một lý do nào đó (có một số lý thuyết nhưng không cái nào là hoàn toàn thỏa đáng).
Không có ước tính nào cho Nga hay các nước vùng Balkans nên có vẻ như họ chịu tổn thất rất ít. Châu Phi mất khoảng 1/8 dân số (từ khoảng 80 triệu xuống 70 triệu). (Những con số này làm nổi bật một trong những vấn đề mà Baillie chỉ ra: sự thay đổi của tỷ lệ tử vong theo địa điểm.)
Nhưng cho dù tỷ lệ tử vong ở một địa điểm nhất định là bao nhiêu đi chăng nữa, điều không thể chối cãi là Cái Chết Đen gây ra số người chết lớn nhất so với bất cứ đại dịch nào khác trong lịch sử còn được ghi lại, và như Baillie chỉ ra, không ai thực sự biết nó là cái gì! Ồ tất nhiên, trong một thời gian dài, tất cả mọi người "biết rõ" nó là dịch hạch, vậy làm thế nào Baillie đi đặt dấu hỏi về thực tế được mọi người đều chấp nhận này? Hóa ra ông không phải là người duy nhất.
Năm 1984, Graham Twigg xuất bản cuốn Cái Chết Đen: Thẩm định lại về mặt Sinh học (The Black Death: A Biological Reappraisal), trong đó ông lập luận rằng chuột và bọ chét không thể truyền bệnh dịch hạch trong điều kiện khí hậu và sinh thái của châu Âu và đặc biệt là Anh được, và do vậy, vi khuẩn Yersinia pestis không thể là tác nhân gây bệnh, chứ đừng nói việc gây ra đại dịch bùng nổ khắp châu Âu trong thế kỷ 14. Twigg cũng đánh đổ lý thuyết thường được đưa ra về quá trình lây lan hoàn toàn thông qua đường viêm phổi. Ông đề xuất, dựa trên nghiên cứu của ông về triệu chứng căn bệnh và những bằng chứng khác, rằng Cái Chết Đen có thể là đại dịch của bệnh than ở phổi gây ra bởi vi khuẩn Bacillus anthracis.
Một người nghi ngờ lý thuyết hiện hành nữa là Gunnar Karlsson. Vào năm 2000, ông chỉ ra rằng Cái Chết Đen đã giết hại từ một nửa đến 2/3 dân số Iceland mặc dù không có con chuột nào tại Iceland vào thời điểm này (Lịch sử Iceland (The History of Iceland) bởi Gunnar Karlsson).
Baillie tổng kết các vấn đề như sau:
Đại dịch Cái Chết Đen của năm 1347 được cho là đợt bùng phát thứ ba của bệnh dịch hạch, một căn bệnh thông thường được lây lan bởi chuột và bọ chét. Những lần bùng phát trước là Đại dịch Athens năm 430 trước Công nguyên và đại dịch vào triều đại Justinian, xảy ra ở Constantinople vào năm 542 sau Công nguyên. Đại dịch Athens được tường thuật lại bởi Thucydides, trong khi đại dịch Justinian được tường thuật lại bởi Procopius và một số người khác. [...]Benedictow, một người ủng hộ kịch bản về những con chuột và bọ chét ở trên, cho chúng ta biết về những con vật kỳ diệu này:
Căn bệnh này được cho là có nguồn gốc từ Trung Á, hoặc một nơi nào đó ở Châu Phi, nơi nó tồn tại thường xuyên trong một số quần thể động vật gặm nhấm. Người ta cho rằng một số kích thích môi trường khiến những cá thể gặm nhấm nhiễm bệnh rời bỏ môi trường sống bình thường của chúng, và lây nhiễm sang quần thể chuột, và cuối cùng là người ở những vùng không có khả năng miễn dịch tự nhiên. Cơ chế truyền bệnh được cho là do những con bọ chét nhiễm bệnh rời bỏ xác những con chuột chết, chuyển sang cơ thể người và truyền bệnh thông qua hút máu. Người ta tin rằng giao dịch thương mại đã đưa căn bệnh này đến vùng Biển Đen và từ đó đến vùng Địa Trung Hải vào cuối năm 1347. Sau đó nó được đưa vào châu Âu thông qua miền bắc Ý và miền nam Pháp. Nó ngay lập tức bắt đầu giết người với số lượng lớn và lan truyền với tốc độ khoảng 1,5 km/ngày. Trong khoảng thời gian giữa tháng giêng và cuối hè đầu thu năm 1348, nó đã lan đến tận quần đảo Anh và đến năm 1350 lan đến Scandinavia và cuối cùng thậm chí đến tận Iceland. Con đường lây lan dường như đi qua Pháp, qua Bỉ vào Đức và tiếp đó đi vào vùng trung tâm miền nam châu Âu. Đợt lan truyền đầu tiên tự tắt đi vào năm 1351, mặc dù còn có đợt thứ hai vào năm 1361.
Người ta tin rằng căn bệnh tấn công một cộng đồng dân số đã bị suy yếu ở châu Âu. [...]
Vấn đề cơ bản nhất là với những con chuột và bọ chét ấy. Để lý thuyết chính thống có thể thực hiện được thì phải có động vật chủ là những con chuột nhiễm bệnh và chúng phải di chuyển với tốc độ đáng kinh ngạc - bạn phải tưởng tượng những con chuột bị nhiễm bệnh hối hả đi ra mọi hướng (chủ yếu là lên phía bắc), chết đi và cung cấp vô số những con bọ chét nhiễm bệnh. Có vô số trở ngại với kịch bản này. Ví dụ như không có mô tả nào về những con chuột chết nằm rải rác khắp nơi (điều này được giải thích hoặc là những con chuột đó sống trong nhà, hoặc là người ta đã quá quen với chuột chết đến mức họ không nhắc đến chúng nữa; thế nhưng nếu chúng sống trong nhà thì làm thế nào chúng di chuyển nhanh đến vậy?) Một điều nữa là căn bệnh này không loại trừ ai, dù bạn là người chăn cừu ở nông thôn hay giáo sĩ hay người thành thị. Thế nhưng điều kỳ lạ với căn bệnh rất dễ lây nhiễm này là một số thành phố trên khắp châu Âu được bỏ qua. Hơn nữa, những con chuột này hẳn là rất thích di chuyển đến những vùng khí hậu lạnh ở phía bắc, mặc dù dịch hạch là một căn bệnh đòi hỏi nhiệt độ tương đối ấm. Thêm nữa, khi gặp rào cản nước, những con chuột này biết lên tàu để đi tiếp. (Baillie)
Thiên tài chiến lược của Cái Chết Đen thể hiện qua một nước cờ tuyệt diệu nữa làm tăng tốc độ chinh phục bán đảo Iberian của nó. Một thời gian ngắn sau nhiều cuộc tấn công vào những trung tâm đô thị quan trọng dọc bờ biển của Vương quốc Aragon, nó thực hiện bước nhảy kỳ diệu và đổ bộ một cách thắng lợi vào thị trấn Santiago de Compostela nằm ở góc đối diện phía tây bắc của bán đảo Iberian. (Benedictow, O. J. 2004 Lịch sử hoàn chỉnh về Cái Chết Đen 1346-1353 (The Black Death 1346-1353: The Complete History). The Boydell press, Woodbridge.)Năm 2001, hai nhà dịch tễ học Susan Scott và Christopher Duncan từ Đại học Liverpool đề xuất lý thuyết rằng Cái Chết Đen có thể được gây ra bởi một loại virus giống Ebola chứ không phải bởi vi khuẩn. Những nghiên cứu và phát hiện của họ được ghi lại kỹ lưỡng trong cuốn sách Sinh học của Bệnh dịch (Biology of Plagues). Gần đây hơn, họ công bố một mô hình máy tính cho thấy Cái Chết Đen đã khiến khoảng 10% người châu Âu có khả năng đề kháng HIV. (Sự Trở về của Cái Chết Đen: Kẻ Giết người Hàng loạt Ghê gớm nhất Thế giới (Return of the Black Death: The World's Greatest Serial Killer) bởi Susan Scott, Christopher Duncan và Sinh học của Bệnh dịch: Bằng chứng từ Các Cộng đồng Dân số trong Lịch sử (Biology of Plagues: Evidence from Historical Populations) bởi Susan Scott, Christopher J. Duncan)
Tương tự, nhà sử học Norman F. Cantor, trong cuốn sách năm 2001 Theo Dấu chân Bệnh dịch (In the Wake of the Plague) của ông, cho rằng Cái Chết Đen có thể là sự kết hợp của nhiều căn bệnh bao gồm một dạng bệnh than và bệnh dịch gia súc. Ông trích dẫn nhiều bằng chứng bao gồm: các triệu chứng bệnh được thuật lại không giống những triệu chứng được biết đến của cả bệnh dịch hạch lẫn bệnh dịch hạch thể phổi; việc phát hiện bào tử bệnh than trong một số hố chôn người mắc bệnh dịch ở Scotland; và thực tế là thịt gia súc nhiễm bệnh đã được bán tại nhiều vùng nông thôn nước Anh trước khi đại dịch bắt đầu.
Samuel K. Cohn, người được Baillie trích dẫn nhiều, cũng bác bỏ lý thuyết (và sự thật là nó chỉ là một lý thuyết, một lý thuyết yếu kém nữa là khác!) rằng Cái Chết Đen được gây ra bởi bệnh dịch hạch. Trong cuốn Bách khoa Toàn thư Dân số (Encyclopedia of Population), ông chỉ ra năm yếu điểm lớn với lý thuyết này:
- tốc độ lan truyền rất khác nhau: Cái Chết Đen được thuật lại là lan truyền 385 km trong 91 ngày vào năm 664, so với tốc độ 12 - 15 km một năm của bệnh dịch hạch hiện đại với sự trợ giúp của tàu hỏa và ô tô.
- trở ngại với những cố gắng giải thích sự lây lan nhanh chóng của Cái Chết Đen bằng cách cho rằng nó đã được lan truyền qua hình thức viêm phổi của bệnh dịch hạch. Trên thực tế, hình thức này giết hại ít hơn 0,3% số người bị nhiễm bệnh trong lần bùng phát tồi tệ nhất ở Mãn Châu vào năm 1911.
- khác nhau về mùa vụ: Bệnh dịch hạch hiện đại chỉ có thể được duy trì ở nhiệt độ từ 50 đến 78 độ F (10 đến 26 độ C) và đòi hỏi độ ẩm cao, trong khi Cái Chết Đen xảy ra ngay cả ở Na Uy vào giữa mùa đông và ở Địa Trung Hải vào giữa mùa hè khô nóng.
- tỷ lệ tử vong rất khác nhau: Tại nhiều địa điểm (bao gồm cả Florence vào năm 1348), hơn 75% dân số bị thiệt mạng; trong khi đó tỷ lệ tử vong cao nhất của bệnh dịch hạch hiện đại là 3% ở Mumbai vào năm 1903.
- chu kỳ và xu hướng lây nhiễm rất khác nhau giữa hai căn bệnh: Con người không phát triển khả năng đề kháng với bệnh dịch hạch hiện đại, trong khi sức đề kháng với Cái Chết Đen tăng nhanh chóng cho đến khi cuối cùng nó trở thành căn bệnh chủ yếu là ở trẻ em.
Tóm lại, lập luận của Cohn là dù cái gì gây ra Cái Chết Đen đi nữa, nó không phải là bệnh dịch hạch. (Xem thêm: Samuel K. Cohn 2002, Cái Chết Đen: Sự kết thúc của một Thế giới quan (The Black Death: End of the Paradigm) và Cái Chết Đen và sự Biến đổi của Phương Tây (The Black Death and the Transformation of the West (European History Series)) bởi David Herlihy and Samuel K., Jr. Cohn)
Khi bắt đầu đào sâu hơn vào chủ đề này, chúng ta tìm thấy một nghiên cứu tuyên bố rằng mô tủy răng từ một nghĩa trang bệnh dịch từ thế kỷ 14 ở Montpellier xét nghiệm dương tính với những phân tử đặc trưng cho vi khuẩn Y. pestis (bệnh dịch hạch). Kết quả tương tự được báo cáo lại trong một nghiên cứu vào năm 2007. Tuy nhiên, những nghiên cứu khác không hỗ trợ kết quả này. Trên thực tế, vào tháng 9 năm 2003, một nhóm các nhà nghiên cứu từ trường Đại học Oxford xét nghiệm 121 cái răng từ 66 bộ xương tìm thấy trong một ngôi mộ tập thể thế kỷ 14. Kết quả cho thấy không có dấu vết di truyền nào của Y. pestis, và các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng nghiên cứu Montpellier có thể bị sai lầm.
Điều mà những nghiên cứu này không xem xét đến là sự khác nhau trong cách lây truyền: giữa người với người như ở Iceland (hiếm gặp đối với bệnh dịch hạch và vi khuẩn Bacillus anthracis truyền qua da), cho đến việc bị nhiễm bệnh mà xung quanh không có người sống hay mới chết như ở Sicily (điều không thể xảy ra với hầu hết các loại virus).
Cộng thêm vào tất cả những vấn đề với lý thuyết bệnh dịch hạch kể trên, chúng ta phải kể đến những gì người thời đó ghi chép lại. Philip Ziegler thu thập rất nhiều những chi tiết này trong cuốn sách Cái Chết Đen (The Black Death) của ông, mặc dù ông chỉ coi chúng như cách nói ẩn dụ. Lát nữa, chúng ta sẽ xem xét vài đoạn được ghi lại đó.
Mike Baillie không bắt đầu với ý định viết một cuốn sách chứng minh sao chổi là thủ phạm của những đại dịch trong quá khứ. Ông chỉ nhận thấy có một số mẫu vòng tuổi cây kỳ lạ xảy ra trùng hợp với thảm họa này và nghĩ rằng có lẽ có một số suy thoái môi trường nào đó làm suy yếu cộng đồng dân số, khiến con người dễ bị tử vong hàng loạt do vi khuẩn hay virus. Những gì ông tìm thấy là một đầu mối mà khi đào sâu hơn, đã làm sụp đổ lý thuyết vẫn được chấp nhận về Cái Chết Đen và dẫn đến những kết luận đáng kinh ngạc.
Như đã đề cập ở trên, đầu mối đầu tiên là vòng tuổi cây. Điều này là tự nhiên vì Baillie là nhà nghiên cứu vòng tuổi cây. Ông so sánh những vòng tuổi cây này với các mẫu lõi băng đã được phân tích và phát hiện một điều rất kỳ lạ: ammonium. Có bốn lần trong thời gian 1500 năm trở lại đây nơi mà các nhà khoa học có thể liên hệ một cách tự tin những lớp băng có nồng độ ammonium cao trong băng ở Greenland với những vật thể năng lượng cao đi vào khí quyển từ vũ trụ: 539, 626, 1014, và 1908 - sự kiện Tunguska. Tóm lại, có mối liên hệ giữa ammonium trong lõi băng và sự bắn phá bề mặt trái đất từ vũ trụ.
Nhắc lại, có bốn sự kiện trong quá khứ có thể được liên hệ một cách chắc chắn với các tương tác năng lượng cao. Baillie trình bày nghiên cứu trong cuốn sách này cho thấy chính xác cùng một hình mẫu xuất hiện ở cả vòng tuổi cây và lõi băng vào thời điểm Cái Chết Đen cũng như những thời điểm đại dịch khác.
Tiếp đó, có một tín hiệu ammonium trong lõi băng liên hệ trực tiếp với trận động đất xảy ra ngày 25/1/1348 - và Baillie phát hiện có một nhà sử học từ thế kỷ 14 viết lại rằng bệnh dịch là do "sự hư hoại của bầu khí quyển" đến từ trận động đất này!
Làm thế nào bệnh dịch có thể đến từ một trận động đất, bạn hỏi?
Baillie chỉ ra rằng không phải lúc nào chúng ta cũng biết chắc rằng động đất được gây ra bởi chuyển động kiến tạo; chúng có thể được gây ra bởi vụ nổ khi sao chổi đi vào bầu khí quyển hoặc rơi xuống bề mặt trái đất.
Trong cuốn sách Mưa Sắt và Băng (Rain of Iron and Ice), John Lewis, giáo sư khoa học hành tinh tại Phòng Thí nghiệm Mặt trăng và Hành tinh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật Vũ trụ của NASA / Đại học Arizona, ủy viên Ủy ban Vũ trụ bang Arizona, cho chúng ta biết rằng trái đất thường xuyên bị bắn phá bởi những vật thể từ vũ trụ và nhiều trong số những vật thể này nổ tung trong bầu khí quyển như đã xảy ra ở Tunguska, không để lại hố thiên thạch hay bất cứ bằng chứng lâu dài nào trên bề mặt trái đất.
Nhưng không có bằng chứng lâu dài không có nghĩa là không có ảnh hưởng đáng kể nào lên hành tinh và những cư dân của nó! Những vụ va chạm hay vụ nổ trong bầu khí quyển này có thể sinh ra động đất hay sóng thần mà không một nhân chứng nào nhận thức được nguyên nhân thực sự. Suy cho cùng thì 75% bề mặt trái đất là nước, và bất kỳ nhân chứng nào đứng đủ gần để chứng kiến tận mắt một sự kiện như vậy rất có khả năng sẽ bị nướng chín và không bao giờ còn kể lại được nữa. Vì vậy, chúng ta thực sự không có cách nào biết được có phải tất cả các trận động đất trên hành tinh này đều là từ hoạt động kiến tạo hay không.
Lewis viết:
Trong một năm trung bình có một vụ nổ khí quyển với sức nổ 100 kiloton hoặc nhiều hơn. Phần lớn chúng xảy ra ở những vùng quá hoang vu hoặc quá cao trong bầu khí quyển nên không được quan sát thấy. Ngay cả khi được quan sát, các nhân chứng có thể chỉ thấy một ánh chớp lóe lên ở ngoài xa hoặc nghe thấy tiếng "ì ầm của sấm sét ở xa" từ ngoài đại dương. Vì vậy, ngay cả những vụ nổ được quan sát cũng thường là không được nhận biết. (Lewis, Mưa Sắt và Băng (Rain of Iron and Ice))Như Baillie chỉ ra, ở trên Lewis nói về một năm "điển hình" và điều rõ ràng, từ những nghiên cứu khác, là không phải mọi năm đều giống nhau - một số năm ít điển hình hơn những năm khác! Baillie viết:
Như Lewis đã chỉ ra, chúng ta biết từ nhiều nghiên cứu khác nhau tỷ lệ trung bình của những vụ va chạm trong thời gian dài. Việc những vụ va chạm ấy không có trong lịch sử (hay không được thừa nhận và thảo luận bởi các nhà sử học và khảo cổ học) không có nghĩa là chúng không xảy ra. Sự thực là có những hố thiên thạch được xác nhận rõ ràng là hình thành trong vài thiên niên kỷ trở lại đây ở Estonia, Ba Lan, Đức, Ý, mà những vụ va chạm thiên thạch tương ứng không được ghi lại trong lịch sử. Sự tồn tại của chúng được suy ra từ những cái hố trên mặt đất. Vì vậy chúng ta biết rằng ghi chép lịch sử có thiếu sót! Cái chúng ta cần thêm vào... là yếu tố quan trọng của tư duy trực quan. Dưới đây là một trích dẫn từ Kịch bản D của Lewis:Điều cần rút ra ở đây là hầu như không có cách nào xác định chắc chắn một thiên tai / thảm họa được gây ra bởi va chạm thiên thạch hay một trận động đất mạnh. Kết quả là hàng thế kỷ trôi qua với rất nhiều va chạm với sao chổi xảy ra thường xuyên, thế nhưng không ai có mảy may nghi ngờ gì về mối hiểm họa từ vũ trụ ấy! Như Baillie chỉ ra: có nhiều trận động đất được ghi lại trong lịch sử, nhưng KHÔNG có va chạm thiên thạch nào! Tuy nhiên có bằng chứng cho thấy có những va chạm ĐÃ xảy ra - bằng chứng trên mặt đất, trong lõi băng. Và rồi có vụ Tunguska.
(Trong kịch bản này) Vào năm 1946, một thiên thạch đá nặng 25.000 tấn phát nổ thành một quả cầu lửa vào lúc 4 giờ sáng giờ địa phương ở độ cao 11 km trên bầu trời Fergana, Uzbekistan. Vụ nổ 1 megaton gây thiệt hại cho các tòa nhà trên một diện tích đường kính nhiều km, thiêu đốt khu vực này với nhiệt độ cao và gây ra hàng ngàn vụ cháy. Những vụ cháy này vượt ra ngoài tầm kiểm soát, giết hại 4146 người. Hơn 20.000 cư dân bị đánh thức bởi tia chớp chói lòa cùng sức nóng và thấy cả thành phố của họ trong biển lửa. Một "trận động đất" được thuật lại bởi những người sống sót. Hàng tấn mảnh thiên thạch bị trộn lẫn với mảnh vụn của 2000 tòa nhà cháy trụi và sụp đổ, khiến không thể phân biệt được chúng với những mảnh gạch đá cháy xém khác. (Lewis trích dẫn bởi Baillie)
Những báo cáo về sự kiện Tunguska cho chúng ta biết mặt đất rung chuyển xung quanh khu vực vụ nổ với bán kính khoảng 900 km. Tại thời điểm những vụ va chạm lớn hơn, trận động đất gây ra sẽ lớn hơn theo tỷ lệ. Những ai sống sót qua những sự kiện như vậy do đứng đủ xa, sẽ chỉ nhìn thấy một ánh chớp, cảm thấy mặt đất rung chuyển và nghe thấy những tiếng ì ầm lớn vọng lại. Nếu họ đứng quá xa và không nhìn thấy tia chớp, hay ở trong nhà, họ sẽ chỉ tường thuật lại một vụ động đất.
Tóm lại, công trình của Lewis đem lại cho chúng ta ý tưởng rằng một số trận động đất nổi tiếng trong lịch sử rất có thể là những vụ va chạm với vật thể từ vũ trụ. Baillie nhắc đến sự kiện đáng ngờ hàng đầu là vụ động đất lớn Antioch vào năm 526 sau Công nguyên. Nó được mô tả bởi John Malalas như sau:
... những người bị mắc kẹt trong hầm dưới các tòa nhà bị thiêu trụi. Tia lửa xuất hiện trong không khí như tia sét thiêu đốt tất cả mọi người. Mặt đất sôi lên sùng sục. Những tia sét sinh ra từ trận động đất đánh trúng nền móng các tòa nhà và thiêu đốt chúng thành tro bụi... Đó là một sự kiện kỳ diệu và kinh hoàng với lửa sinh ra mưa, mưa rơi từ những lò lửa khổng lồ, mưa hòa lẫn với lửa... Kết quả là Antioch trở thành hoang tàn... Trong sự kiện kinh hoàng này, 250.000 người đã thiệt mạng. (Jeffreys, E., Jeffreys, M. và Scott, R. 1986, Biên niên sử của John Malalas (The Chronicle of John Malalas), Byzantina Australiensia, Australian Assoc. Byzantine Studies 4, Melbourne.)Baillie cũng chỉ ra rằng một loạt những vụ va chạm / vụ nổ trong bầu khí quyển sẽ giải thích một cách xác đáng hơn vấn đề khó hiểu lâu nay về sự kết thúc của thời đại đồ đồng tại vùng đông Địa Trung Hải vào thế kỷ 12 trước Công nguyên. Vào thời điểm đó, rất nhiều - nhiều không kể xiết - những khu dân cư lớn đã bị phá hủy và thiêu trụi hoàn toàn, và tất cả chúng đều được đổ cho những người "Dân Biển" siêu nhiên. Nếu quả thực như vậy, nếu nó là kết quả của một cuộc xâm lược và chinh phục, ít nhất phải có một số bằng chứng, như xác các chiến binh hay dấu hiệu của trận chiến... nhưng trong hầu hết các trường hợp, không có những bằng chứng như vậy. Gần như không có xác chết nào được tìm thấy, và không có vật quý báu nào ngoại trừ những thứ đã được cất giấu kỹ lưỡng như là ai đó dự định sẽ quay lại sau này để lấy chúng. Những người chạy trốn (các sự kiện đến từ vũ trụ thường có dấu hiệu báo trước do sao chổi có thể được quan sát thấy một thời gian trong khi nó bay lại gần) có lẽ cũng bị thiệt mạng trong khi chạy trốn và kết quả là sự bỏ hoang và phá hủy hoàn toàn của những thành phố nói trên.
Vậy là, khả năng rằng nhiều cuộc tàn phá trong quá khứ có thể có liên quan đến những sự kiện va chạm với vật thể từ vũ trụ chưa hề được xem xét hay kiểm nghiệm một cách nghiêm túc, và đây có thể là một sai lầm rất nguy hại.
Câu hỏi mà Baillie hỏi nhưng không hề thực sự trả lời là: Cái gì đã ngăn cản mọi người đặt câu hỏi rằng tại sao có nỗi sợ lâu đời in sâu trong tâm khảm của nhân loại đối với sao chổi? Ông chỉ ra rằng có, có những người ở bên ngoài hệ thống khoa học chính thống đã hỏi câu hỏi này. Nhưng tại sao, trái với mọi lẽ thường, chủ đề này lại bị hạn chế, bỏ ngoài lề và giễu cợt một cách rộng rãi và có hệ thống đến như vậy?
Điều kỳ lạ là, mặc dù Baillie đã chỉ ra có nhiều nhà khoa học cấp cao và các cơ quan chính phủ đang xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc (như là Lewis chẳng hạn), nó vẫn bị hạn chế, bỏ ngoài lề và giễu cợt bởi các phương tiện truyền thông đại chúng khi truyền bá thông tin cho công chúng! Baillie viết:
Phòng trường hợp độc giả nghĩ rằng đây chỉ là nói chơi, lúc này là thời điểm tốt để đề cập đến một sự kiện sắp tới. Vào ngày 13/4/2029, một thiên thạch mang tên Apophis sẽ bay sượt qua trái đất ở khoảng cách nhỏ hơn 50.000 km. Nếu bạn còn sống vào thời điểm đó, và nếu trời quang đãng, bạn có thể nhìn thấy nó bay qua bằng mắt thường. Đường kính của Apophis lớn hơn 300 m. Nếu trong khi bay qua sát trái đất, nó đồng thời bay qua một khu vực hẹp trong không gian thì vào năm 2036, nó sẽ quay lại và va chạm với trái đất (khu vực hẹp này là điểm mà lực hấp dẫn của trái đất sẽ làm chệch hướng quỹ đạo của Apophis đủ để khiến nó va chạm vào năm 2036). Nếu Apophis va chạm với trái đất, đó sẽ là một vụ nổ cỡ 3000 megaton. Không có gì là phóng đại khi nói rằng một vụ nổ như vậy, xảy ra ở bất cứ đâu trên trái đất, sẽ làm sụp đổ nền văn minh hiện tại của chúng ta và đưa những người còn sống sót vào một Thời đại Đen tối khác (người ta tin rằng với một sự kiện như vậy, những tổ chức toàn cầu hóa như thị trường tài chính và bảo hiểm sẽ sụp đổ, kéo theo toàn bộ hệ thống tiền tệ, thương mại và giao thông). Va chạm với vật thể từ không gian không phải là chuyện viễn tưởng, và có nhiều khả năng khá nhiều vụ va chạm như vậy đã xảy ra trong vài thiên niên kỷ trở lại đây (ngoài ví dụ về các hố thiên thạch nhỏ được đề cập ở trên). Chỉ là, vì một lý do nào đó, hầu hết những người nghiên cứu về quá khứ đã chọn cách lảng tránh hay bỏ qua vấn đề này. (Baillie)Cùng với bằng chứng khoa học, Baillie trích dẫn bằng chứng từ những tường thuật của người thời đó - một số những bằng chứng này đã bị chuyển thành "huyền thoại" - từ khắp nơi trên thế giới để chứng minh rằng quả thực trái đất đã bị bắn phá từ vũ trụ trong thế kỷ 14 và rằng đó không những có thể là nguyên nhân của trận động đất ngày 25/1/1348 mà còn có thể là nguyên nhân của Cái Chết Đen. Baillie trích dẫn một loạt những đoạn tường thuật của người thời đó, bao gồm cả công trình của Ziegler trích dẫn ở trên:
Hạn hán, lũ lụt, động đất, dịch châu chấu, sấm dưới lòng đất, bão tố với cường độ chưa từng nghe nói đến, sấm sét, mưa đá với kích thước khổng lồ, mưa lửa, không khí bị hư hoại, quầng khói lớn. ( Ziegler)Ziegler hoàn toàn bỏ qua những báo cáo về một ngôi sao chổi màu đen được quan sát thấy trước khi dịch bệnh xảy ra, nhưng ghi lại: sương mù và mây dày, sao băng, gió nóng rất mạnh, cột lửa, quả cầu lửa, động đất dữ dội, ở Ý một loạt thiên tai liên quan đến động đất, tiếp đó dịch bệnh xảy ra. (Baillie)
Trên thực tế, trong thập kỷ 1340 có một chuỗi những trận động đất. Trong cuốn sách Cái Chết Đen (The Black Death) của Rosemary Horrox mà Baillie trích dẫn, chúng ta thấy một người đương đại ở Padua thuật lại về trận động đất lớn ngày 25/1/1348:
Vào năm thứ 31 của vua Lewis, ngày lễ Cải đạo của Thánh Paul (ngày 25/1), có một trận động đất trên khắp vùng Carinthia và Carniola. Nó mạnh đến mức mọi người đều lo sợ cho mạng sống của mình. Có nhiều cú sốc lặp lại liên tục; trong một đêm mặt đất rung chuyển 20 lần. Mười sáu thành phố bị phá hủy và cư dân bị thiệt mạng... Ba mươi sáu pháo đài trên núi bị tiêu hủy cùng những người bên trong. Người ta tính rằng hơn 40.000 người đã bị mặt đất nuốt chửng hoặc chôn vùi dưới đống đổ nát.(Tác giả viết tiếp rằng ông nhận được thông tin từ "một bức thư của nhà Friesach"):
Bức thư này cũng nói rằng trong năm nay [1348], lửa từ thượng giới rơi xuống tiêu hủy đất của người Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt 16 ngày; rằng trong mấy ngày liền có mưa cóc và rắn, giết hại nhiều người; rằng có một bệnh dịch đang lớn mạnh ở nhiều nơi trên thế giới. (Horrox)Từ cuốn sách của Samuel Cohn:
... Một con rồng ở Jerusalem như là con của thánh George nuốt chửng tất cả những gì trên đường đi của nó... Một thành phố 40.000 người hoàn toàn bị hủy diệt bởi trận mưa từ thượng giới với một lượng lớn những con sâu to như nắm tay có 8 chân. Chúng giết hại tất cả với mùi hôi thối và hơi độc của chúng. (Cohn)Một câu chuyện bởi các tu sĩ Đa Minh Bartolomeo:
... Mưa lớn toàn sâu và rắn xảy ra ở nhiều nơi tại Trung Quốc, chúng nuốt chửng nhiều người. Cũng ở những vùng này, lửa từ thượng giới mưa xuống dưới dạng tuyết (tro). Nó thiêu trụi núi non, đất đai và người. Cũng từ ngọn lửa này bay ra một thứ khói độc giết hại tất cả những ai ngửi nó trong vòng 12 giờ, và cả những ai chỉ nhìn thấy thứ khói độc hại ấy. (Cohn)Cohn viết:
... Những câu chuyện ấy cũng không phải là chuyện dạo đầu đưa đẩy của những người buôn lúa mạch ngây thơ hay những tu sĩ điên rồ. Ngay cả bạn thân của Petrarch, Louis Sanctus, trước khi bắt đầu báo cáo cẩn thận của mình về bệnh dịch, tuyên bố rằng trong tháng 9, những đợt lũ cóc và rắn tràn ngập khắp Ấn Độ trước khi ba con tàu Genoese mang bệnh dịch đi sang châu Âu vào tháng giêng. Cả nhà biên niên sử người Anh, Henry Knighton, cũng tường thuật tại Naples, cả thành phố đã bị phá hủy bở động đất và bão. Nhiều nhà biên niên sử thuật lại động đất xảy ra trên khắp thế giới trước trận đại dịch chưa từng có. Hầu hết chúng cùng xảy ra ngày 25/1/1348. [...]Một văn bản ghi ngày Chủ nhật, 27/4/1348, viết như sau:
Trong số những trận động đất "phá hủy nhiều thành phố, thị trấn, nhà thờ, tu viện, tháp chuông, cùng với người và gia súc", nơi bị nặng nhất là Villach ở miền nam nước Áo. Các nhà biên niên sử ở Ý, Đức, Áo, Slavonia và Ba Lan viết rằng nó hoàn toàn bị chôn vùi bởi trận động đất và chỉ có 1/10 số người ở đó sống sót. (Cohn)
Họ nói rằng trong 3 tháng kể từ 25/1/1348 đến nay, tổng cộng 62.000 thi thể đã được chôn cất tại Avignon. (Horrox)Một bản luận văn tiếng Đức được tìm ra bởi Horrox viết:
Nói về tỷ lệ tử vong xuất phát từ những nguyên nhân tự nhiên, nguyên nhân trực tiếp của nó là khí độc và hư hoại thoát ra từ lòng đất gây nhiễm độc bầu không khí ở nhiều nơi trên thế giới... Tôi phải nói rằng chính hơi độc thoát ra trong trận động đất xảy ra vào ngày thánh Paul [1348] cùng với hơi độc thoát ra trong những trận động đất và phun trào khác đã gây nhiễm độc bầu không khí trên trái đất và giết hại thường dân ở nhiều nơi. (Horrox)Như Baillie đã lưu ý chúng ta, nếu trận động đất thường được nhắc đến này trên thực tế là kết quả của một vụ va chạm sao chổi thì bầu không khí hư hoại có thể xảy đến từ một trong hai nguyên nhân: phản ứng hóa học năng lượng cao trong không khí hoặc khí thoát ra từ trong lòng đất.
Nhà sử học người Đức, Hecker, cho chúng ta biết:
Trên đảo Síp, bệnh dịch từ phía đông đã xảy ra khi một trận động đất làm rung chuyển tận nền móng hòn đảo đi kèm với cơn bão ghê sợ đến nỗi người dân mất tinh thần bỏ chạy... Sóng biển trào lên... Trước trận động đất, một trận gió độc lan tỏa một cái mùi khiến nhiều người gục ngã đột ngột và qua đời trong nỗi đau kinh khiếp... Vào thời điểm đó, người ta tường thuật lại rằng một quả cầu lửa rơi xuống mặt đất ở phía đông phá hủy tất cả mọi thứ trong phạm vi hơn 100 league (556 km) và làm hư hoại bầu không khí trên một vùng rộng lớn. (Cohn)Jon Arrizabalaga tổng hợp một tập hợp bài viết để xem những người có học thời đó nói gì về Cái Chết Đen. Ông viết như sau về thuật ngữ mà các bác sĩ và nhân viên y tế vào năm 1348 dùng để mô tả bệnh dịch:
Một người tên là Jacme d'Agramaont thảo luận về nó như một thứ "gây chết người" đe dọa vùng Lerida từ những vùng lân cận... Agramont không nói gì đến từ epidemia, nhưng ông viết rất nhiều về ý nghĩa của từ pestilencia (cả hai đều là tiếng Latin). Ông phân tách từ thứ hai này theo cách đã được xác lập bởi Isidore vùng Seville (570 - 636) trong cuốn Etymologiae, cách phân tích được chấp nhận rộng rãi ở châu Âu thời Trung Cổ. Ông chia từ pestilencia thành ba âm tiết, mỗi âm tiết có một ý nghĩa riêng: pes = tempesta: bão tố; te = 'temps: thời gian; lencia = clardat: ánh sáng chói. Qua đó, ông kết luận pestilencia mang ý nghĩa là "thời của những cơn bão gây ra bởi ánh sáng đến từ các ngôi sao".Nói về Isidore vùng Seville, trên thực tế, ông này cũng sống trong một thời kỳ không lâu sau một đợt bắn phá của sau chổi trên khắp châu Âu, như được chứng tỏ bởi các nghiên cứu về vòng tuổi cây và lõi băng. Ngày 17/8/1999, chi nhánh Washington của Knight Ridder xuất bản bài viết bởi Robert S. Boyd mang tựa đề: "Có thể sao chổi đã gây ra sự sụp đổ của các đế chế vĩ đại trên Trái Đất", trong đó có đoạn:
Phân tích các vòng tuổi cây cho thấy rằng vào năm 540 sau Công nguyên, khí hậu tại nhiều nơi trên thế giới thay đổi. Nhiệt độ sụt giảm làm cản trở sự phát triển của cây tại nhiều vùng cách xa nhau như miền bắc châu Âu, Siberia, miền tây Bắc Mỹ và miền nam Nam Mỹ.Về những mô tả "bầu không khí bị hư hoại", "hít thở không khí và bạn sẽ chết", và việc chúng liên quan đến đại dương cùng với động đất, sao chổi và cầu lửa trên bầu trời theo một cách nào đó, một báo cáo của Hội Y học Paris vào tháng 10/1348 viết:
Tài liệu lịch sử và các câu chuyện trong truyền thuyết chỉ ra một cuộc thăm viếng đầy thảm họa từ vũ trụ trong cùng thời gian ấy. Có một đoạn mô tả về "ngôi sao chổi ở Gaul lớn đến mức cả bầu trời dường như bốc cháy" vào năm 540 - 541.
Theo truyền thuyết, vua Arthur chết vào khoảng thời gian này, và những huyền thoại người Celt liên quan đến vua Arthur ám chỉ đến những vị thần sáng rực trên trời với những vũ khí mang tia lửa.
Vào những năm 530, một đợt mưa sao băng bất thường được ghi lại bởi những người quan sát ở cả Địa Trung Hải và Trung Quốc. Sao băng được tạo ra bởi những đám bụi nhỏ từ sao chổi bốc cháy trong khí quyển. Thêm vào đó, một nhóm các nhà thiên văn học từ Đài quan sát Armagh ở Bắc Ailen xuất bản một nghiên cứu vào năm 1990 trong đó nói Trái Đất có nguy cơ cao bị bắn phá từ sao chổi trong khoảng thời gian 400 - 600 sau Công nguyên. [...]
Mùa màng thất bát tiếp theo bởi nạn đói, và ngay sau đó là một đại dịch càn quét khắp châu Âu vào giữa thế kỷ 6. [...]
Tại thời điểm này, hoàng đế La Mã Justinian đang cố tái tạo đế quốc La Mã mục ruỗng. Nhưng kế hoạch này thất bại vào năm 540 và tiếp theo đó là Thời đại Đen tối cùng với sự trỗi dậy của đạo Hồi.
Một nguyên nhân khả dĩ của sự hư hoại (của bầu khí quyển) mà chúng ta cần lưu ý là sự thối rữa từ trong lòng đất thoát ra ngoài do động đất, điều thực sự đã xảy ra trong thời gian gần đây. (Baillie)Người Pháp nhận thức rằng một loạt trận động đất vào thời kỳ đó có thể được gây ra bởi va chạm từ sao chổi. Một báo cáo từ thời kỳ đó nói rằng có một trận động đất kéo dài 6 ngày và một báo cáo khác nói thời gian ấy là 10 ngày. Những sự kiện này cũng có thể làm thoát ra từ lòng đất khí độc chứa đủ loại hóa chất không dễ chịu lắm và có thể gây chết người. Xem xét sự kiện sau:
Vụ nổ khí ở hồ Nyos, Cameroon, 1986:
[...]Hừm... chúng ta tự hỏi liệu những sự kiện tương tự có thể được gây ra bởi va chạm sao chổi không và sự thoát khí từ đại dương có nguy hiểm và gây chết người đến vậy không? Chúng ta cũng tự hỏi, từ thực tế là cây cối bị "gãy rạp" xuống, liệu vụ thoát khí này có phải được gây ra bởi một thiên thạch không?
Mặc dù một vụ thoát khí CO2 đột ngột từng xảy ra ở hồ Monoun vào 1984, giết hại 37 người dân địa phương, mối đe dọa tương tự từ hồ Nyos không được tính đến. Tuy nhiên, vào ngày 21/8/1986, một vụ phun trào than bùn xảy ra ở hồ Nyos kích hoạt sự giải phóng đột ngột khoảng 1,6 triệu tấn khí CO2. Lượng khí này tràn xuống hai thung lũng gần đó, đẩy bạt tất cả không khí và làm chết ngạt 1800 người trong phạm vi 20 km từ hồ, chủ yếu là người dân nông thôn, cùng 3500 gia súc. Khoảng 4000 cư dân bỏ chạy khỏi khu vực này. Nhiều người trong số đó mắc phải vấn đề về đường hô hấp, bỏng và bại liệt do kết quả của thứ khí đó.
Người ta không biết cái gì gây ra vụ thoát khí thảm khốc ấy. Hầu hết các nhà địa chất nghi ngờ một vụ sạt lở đất, nhưng một số người tin rằng có thể một vụ phun trào núi lửa nhỏ đã xảy ra ở lòng hồ. [...]
Người ta tin rằng có đến một km khối khí đã được giải phóng. Vì CO2 nặng hơn không khí, nó chảy theo sườn ngọn núi mà hồ Nyos nằm trên và đổ xuống hai thung lũng cạnh đó, tạo thành một lớp khí dày đến 10 m, đẩy bạt không khí và làm chết ngạt tất cả người cùng gia súc trước khi nó tiêu tan. Nước hồ bình thường màu xanh đã biến thành màu đỏ sẫm sau vụ thoát khí do nước giàu chất sắt từ đáy sâu nổi lên bề mặt và bị ôxy hóa bởi không khí. Mực nước hồ giảm khoảng 1 m, đại diện cho lượng khí thoát ra. Vụ thoát khí có lẽ cũng khiến nước hồ tràn bờ. Cây cối gần hồ bị gãy rạp.
Baillie đưa chúng ta xem qua bằng chứng khoa học với những con số và biểu đồ cụ thể và chỉ cho chúng ta thấy các sự kiện ấy được nhắc tới một cách rõ ràng bởi những người trải qua Cái Chết Đen. Nhưng vì một lý do nào đó, các nhà sử học hiện đại đều nghĩ rằng những lời tường thuật về các cơn mưa lửa cùng sự chết chóc, và không khí hư hoại gây chết người chỉ là những lời ẩn dụ về một căn bệnh khủng khiếp. Cuối cùng thì khoa học cũng đã giành chiến thắng bởi vì những người hoàn toàn độc lập nghiên cứu về sao chổi, sóng thần , CO2, lõi băng, và vòng tuổi cây đều quan sát thấy có điều gì đó rất lạ lùng xảy ra trên toàn cầu vào thời điểm mà Cái Chết Đen đang tàn sát dân số của Trái Đất.
Đoạn kết trong cuốn sách của Baillie đáng được nhắc lại ở đây:
Ngày càng rõ ràng rằng thế giới trí thức chia làm hai nửa. Có những người nghiên cứu quá khứ, trong lĩnh vực lịch sử và khảo cổ học, và không thấy có bằng chứng nào rằng con người từng bị ảnh hưởng bởi những vụ va chạm của vật thể từ vũ trụ. Hoàn toàn đối lập với lập trường này là những người nghiên cứu những vật thể đến gần, và đôi khi va chạm với hành tinh này. Một số thành viên nghiêm túc của nhóm thứ hai này không nghi ngờ chút nào rằng đã có nhiều vụ va chạm tàn phá trong vòng năm thiên niên kỷ trở lại đây, giai đoạn của nền văn minh con người.Mặc dù vậy, không ai nói gì về nó.
Thực sự là có khá đủ tư liệu trình bày trong cuốn sách của Baillie để hỗ trợ lý thuyết rằng Cái Chết Đen được gây ra bởi các mảnh sao chổi rơi xuống trái đất - tương tự như vụ va chạm của sao Mộc với những mảnh vỡ của sao chổi Shoemaker-Levy hồi năm 1994. Còn về chuyện xác định chính xác những cái chết ấy xảy ra như thế nào, có một số khả năng: động đất, lũ lụt (sóng thần), mưa lửa, hóa chất giải phóng từ các vụ nổ năng lượng cao trong khí quyển bao gồm cả ammonium và hydrogen cyanide, và thậm chí có thể cả những mầm bệnh mang đến bởi sao chổi.
Nếu nó xảy ra thường xuyên như Baillie nói, nó có thể xảy ra nữa. Và nếu, như chúng ta nghi ngờ, Trái Đất dự kiến sẽ bị bắn phá từ vũ trụ trong tương lai không xa, có vẻ như có nhiều cách để chết trong một sự kiện như vậy hơn là bị trúng phải một mảnh sao chổi.
Jason Engle |
Cái Chết Đen: Huyền thoại về rồng phun lửa có thể bắt nguồn từ những thảm họa do sao chổi |
Tiết lộ mới về Cái Chết Đen: Mối liên quan vũ trụ (New Light on the Black Death: The Cosmic Connection), viết bởi nhà nghiên cứu vòng tuổi cây Mike Baillie thuộc trường Đại học Nữ Hoàng, Belfast, Bắc Ailen, xuất bản bởi Tempus, 2006.
Tiến sĩ Mike Baillie là giáo sư danh dự môn Cổ Sinh thái, khoa Khảo cổ và Cổ sinh thái học, trường Đại học Nữ Hoàng, Belfast, Bắc Ailen.Dịch từ bản tiếng Anh: New Light on the Black Death: The Cosmic Connection
Baillie là chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu vòng tuổi cây. Trong thập kỷ 1980, ông đóng vai trò quan trọng trong công trình xây dựng hệ thống vòng tuổi cây từng năm một từ 7400 năm trước trở lại đây.
Nhận xét: Xem thêm: