Croatian MiG-21
© ReutersMáy bay tiêm kích MiG-21 của Croatia
Cơ quan quân sự Croatia đang nghi ngờ Ukraine cung cấp các máy bay MiG-21 sử dụng linh kiện giả, trôi nổi, kém chất lượng.

Croatia nghi ngờ Ukraine bán MiG-21 giả, kém chất lượng

Theo tin của báo "Jutarnji list" của Croatia ngày 22 tháng 3, cảnh sát quân sự Croatia đang nghi ngờ rằng những máy bay tiêm kích MiG-21 mà không quân nước này (CAF - Croatian Air Forces) nhận được từ Ukraine không phải là những chiếc máy bay nguyên bản, sản xuất dưới thời Liên Xô cũ.

Cơ quan thực thi pháp luật nước này nghi ngờ rằng, trên những máy bay tiêm kích đánh chặn mà không quân nước này mới nhận được từ Ukraine, số seri đã bị dập xóa, mã số phụ tùng không tương ứng với tài liệu đính kèm và không có dấu hiệu máy bay mới được tiến hành đại tu.

Công tác điều tra bắt đầu sau một loạt các trục trặc xảy ra trên các máy bay tiêm kích đã qua sử dụng, được nước này mua về từ Ukraine. Các kỹ sư nước này sau khi kiểm tra đã phát hiện ra tình trạng các linh kiện của nó có thể đã được lắp ráp từ các bộ phận mua ở những nước khác nhau.

Được biết, lực lượng không quân Croatia đã nhận những máy bay này trong khuôn khổ Hiệp định về sửa chữa và mua các máy bay MiG-21 BISON tổng trị giá 133 triệu USD, được ký kết hồi tháng 7 năm 2013 với công ty xuất nhập khẩu quốc phòng Ukraine "Ukrspetsexport".

Hồi tháng 6-2013, tờ "Jane's Defense Weekly" cho biết, ngày 10 tháng 6 Bộ Quốc phòng Croatia tuyên bố, họ đã lựa chọn để Ukraine tiến hành nâng cấp máy bay chiến đấu MiG-21BIS của mình. Đây là lần thứ hai Ukraine đảm đương nhiệm vụ nâng cấp máy bay chiến đấu cho nước này.

Được biết, trước đó nửa tháng, các công ty hàng không của nước này cũng đã tranh thầu thành công ở Croatia, trong gói thầu nâng cấp máy bay trực thăng đa năng Mi-8 của quân đội nước này, được công bố vào ngày 31 tháng 5.

Theo dự kiến, MiG-21 của Croatia sẽ nghỉ hưu trong năm 2013, nhưng kế hoạch trang bị một loại máy bay mới để thay thế đang gặp trục trặc trong một thời gian dài. Do đó, Bộ Quốc phòng nước này quyết định tiến hành nâng cấp lớn và mua thêm MiG-21 cũ để tạm thời sử dụng một thời gian nữa.

Mặc dù Bộ Quốc phòng Croatia khi đó không công bố cụ thể công ty nào của Ukraine trúng thầu, nhưng theo suy đoán, có khả năng là Công ty Hàng không Odessa, bởi vì kế hoạch nâng cấp máy bay MiG của chính Ukraine chủ yếu do công ty này phụ trách.

Theo hãng tin "Jutarnji list" nhận định, một phần trong số những máy bay MiG-21 cũ mà Kiev bán cho không quân nước này có thể thuộc sở hữu của Không quân Yemen, điều mà Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Ả Rập này đã thông báo thanh lý trước đây.

Theo thông tin của cảnh sát quân sự Croatia, máy bay có thể được lắp ráp từ các bộ phận mua trôi nổi, kém chất lượng ở những nước khác trên thế giới. Nguồn linh kiện này có thể tháo từ các máy bay cũ do Liên Xô sản xuất hoặc các phiên bản đồng dạng do các nước Xã hội Chủ nghĩa cũ chế tạo.

Cụ thể, có những dấu hiệu nghi ngờ nghiêm trọng rằng, phần thân máy bay là từ Bulgaria, phần cánh có xuất xứ từ Algeria. Nguồn tin của tờ báo này khẳng định rằng, thân máy bay từ Bulgaria có thể thuộc về những chiếc tiêm kích mà Sofia từng báo cáo trước NATO về việc đã hủy bỏ, sau khi gia nhập khối này.

Ukraine đã từng buôn lậu linh kiện MiG-21 từ Nga

Máy bay MiG-21 là một máy bay tiêm kích đánh chặn cổ điển, được thiết kế bởi hai viện thiết kế Mikoyan và Gurevich vào những năm 50 của thế kỷ 20. Ở Nga những máy bay này đã được cho về hưu từ những năm 1990, hiện nay chúng chỉ còn hoạt động trong không quân của một số nước Đông Âu, Trung Đông và châu Á.

Trước đây, không quân Ukraine có tới 240 máy bay MiG-21, nhưng những chiếc máy bay này đã được cho nghỉ hưu ngay từ đầu thập niên 90. Với sự yếu kém trong công tác bảo dưỡng và khả năng quản lý lỏng lẻo, những chiếc máy bay này hiện rất có thể đã trở thành phế liệu.

Nếu một số trong 240 chiếc này còn hoạt động được để bán sang Croatia thì rất có thể Kiev đã sử dụng số còn lại trong hoạt động quân sự chống 2 Nhà nước ly khai ở Donbass là Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR).

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ đầu cuộc nội chiến ở miền đông Ukraine (từ tháng 4-2014) đến nay, loại máy bay này chưa từng được sử dụng để tấn công lực lượng ly khai Dobass, bất chấp việc không quân nước này rất thiếu máy bay chiến đấu đã cho thấy, Ukraine không còn MiG-21 nữa.

Do đó, nước này buộc phải mua mỗi nơi một ít linh kiện, phụ tùng về lắp ráp, mông má lại rồi bán sang Croatia, đồng thời "nâng cấp lớn" những chiếc MiG-21BIS cho không quân nước này.

Việc nghi ngờ là Ukraine nhập lậu linh kiện máy bay chiến đấu MiG-21 trôi nổi, kém chất lượng trên thị trường để bán sang Croatia có cơ sở vững chắc khi hồi năm 2015, Hải quan Nga cũng đã bắt giữ được một lô linh kiện của máy bay chiến đấu MiG-21 trên một đoàn tàu từ Moscow đến Odessa.

Khi đó, Tổng cục hải quan Nga thông báo rằng, họ đã bắt giữ được một lô hàng gồm toàn là linh kiện của máy bay MiG-21 buôn lậu sang Ukraine vào ngày 23-6-2015, nhưng kiện hàng được khai báo hải quan dưới dạng các linh kiện, phụ tùng của máy kéo nông nghiệp.

Theo tin tức, hải quan cảm thấy nghi ngờ khi kiểm tra tờ khai hải quan, ghi là lô hàng gồm toàn linh kiện máy kéo cũ vận chuyển bằng đường sắt. Họ đã yêu cầu nhà vận chuyển hàng hóa (được thuê qua trung gian) phá niêm để kiểm tra hàng.

Kết quả sau khi được giám định cho thấy, lô hàng là gồm có các bộ phận truyền động thuộc hệ thống phanh của bánh xe chính trên máy bay tiêm kích MiG-21. Hải quan Nga đã thu giữ được 10 bộ thiết bị loại này trong lô hàng buôn lậu sang Ukraine.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên Hải quan Nga bắt được một vụ buôn lậu linh kiện máy bay chiến đấu sang Ukraine. Hồi tháng 1 năm 2015, cơ quan này cũng bắt được một lô hàng khác là các loại kính chắn gió của máy bay chiến đấu MiG-21.

Vì vậy, khi đó các chuyên gia quân sự cho rằng, rất có thể Ukraine nhập lậu linh kiện máy bay chiến đấu MiG-21 từ Nga để tái trang bị lại những máy bay MiG-21 đã cũ của mình để sử dụng trong cuộc tấn công lực lượng ly khai Dobass hoặc bán sang một nước thứ ba đang sử dụng loại máy bay này.

Với cao buộc mới nhất của phía Croatia, kết hợp với dữ kiện Công ty Hàng không Odessa có thể là nhà thầu nâng cấp MiG-21 cho không quân nước này, mà Odessa cũng chính là điểm đến của những lô hàng thiết bị máy bay nhập lậu từ Nga. Do đó, việc xác định Ukraine mua sắm các thiết bị trôi nổi, kém chất lượng của mình để lắp ráp và đại tu các máy bay cho không quân Croatia là hoàn toàn có cơ sở.