Russian Foreign Ministry Spokesperson Maria Zakharova
© Maksim Blinov / Sputnik Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova
Nga thận trọng trước tin bắt giữ nghi phạm sát hại phi công

Ngày 31/3, hãng tin TASS dẫn lời bà Maria Zakharova, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Moskva đang kiểm tra thông tin nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ nghi phạm sát hại phi công nước này hồi tháng 11 năm ngoái.

"Chúng tôi đang kiểm tra thông tin này. Ngay khi chúng tôi có được dữ liệu cụ thể, chúng tôi sẽ có những bình luận về việc này", bà Zakharova khẳng định.

Khi được yêu cầu giải thích về việc bắt giữ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ giữa Nga-Thổ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga khẳng định điện Kremlin không thay đổi quan điểm với Ankara.

"Quan điểm của Moskva về Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không thay đổi - những người Thổ Nhĩ Kỳ không phải là kẻ thù, nhưng không thể có sự biện minh nào cho hành động Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi Su-24 của Nga, và những tuyên bố sau đó của Ankara", bà Zakharova nhấn mạnh.

Trước đó, cùng ngày, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đồng loạt đưa tin, chính quyền Erdogan đã tiến hành bắt giữ Alparslan Celik, kẻ được cho là tay súng bắn chết phi công Nga nhảy dù khỏi chiến đấu cơ trúng tên lửa gần biên giới Syria hôm 24/11/2015.

Theo nguồn tin, Celik bị bắt tối 30/3 khi đang ăn uống tại một nhà hàng ở thành phố Izmir, phía Tây Thổ Nhĩ Kỳ. Hắn được biết đến là một kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Hồi tháng 11 năm ngoái, ngay sau khi máy bay ném bom Su-24 của Nga rơi, Celik đã tự quay một đoạn video và khẳng định rằng, hắn đã giết được phi công Nga.

Điện Kremlin từng đề nghị Ankara bắt giữ Celik và kết tội tên này vì giết phi công Nga. Tuy nhiên, chính quyền Erdogan đã phớt lờ yêu cầu đó. Cũng từ đó, mối quan hệ giữa 2 nước rơi vào bế tắc và ngày càng leo thang căng thẳng.

Vì sao Nga khó tha thứ cho Thổ Nhĩ Kỳ?

Tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga được đưa ra trong bối cảnh nhiều tin đồn về việc mối quan hệ giữa Moskva và Ankara sẽ sớm được cải thiện sau động thái tích cực từ phía chính quyền Erdogan. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, ngoài vấn đề bắn rơi chiến đấu cơ Su-24, giữa 2 nước này còn tồn tại quá nhiều mâu thuẫn, khó có thể sớm giải quyết trong một thời gian ngắn.

Mới đây, phát biểu bên lề một cuộc họp của Liên minh các nhà công nghiệp và doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ, được tổ chức tại Istanbul, Bộ trưởng Kinh tế nước này Mustafa Elitas đã bày tỏ tin tưởng rằng đây là thời điểm thích hợp để Moskva và Ankara hàn gắn, cải thiện quan hệ thương mại song phương, sau những căng thẳng kéo dài trước đó.

"Chúng tôi đang làm hết sức mình để bình thường hóa quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga trong tương lai gần. Ankara luôn ủng hộ cho sự phát triển quan hệ thương mại với Nga, và mong muốn có mối quan hệ gần gũi hơn giữa nhân dân hai nước. Mối quan hệ của chúng tôi với Nga chắc chắn sẽ được cải thiện, một cái gì đó phải được thực hiện thông qua các nỗ lực chung giữa Ankara và Moskva", ông Mustafa Elitas nhấn mạnh.

Thậm chí ngày 29/3, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng khẳng định sẵn sàng tiếp tục quan hệ bình thường với Nga đồng thời kêu gọi hai nước củng cố "mối quan hệ thuận lợi".

Giới phân tích cho rằng, dù chính quyền Erdogan đã chủ động nhún nhường làm hòa và bản thân điện Kremlin cũng để ngỏ khả năng nối lại quan hệ với Ankara, tuy nhiên vấn đề người Kurd vẫn sẽ là cản trở lớn nhất giữa 2 nước vài thời điểm này.

Trong khi Moskva luôn đề cao vai trò của lực lượng này trong cuộc chiến chống IS thì chính quyền Erdogan lại luôn tìm mọi cách để tiêu diệt, từ nã pháo đến tố cáo, gây sức ép.

Tối 29/3, phát biểu tại một bữa tiệc với các học giả và chuyên gia Mỹ tại khách sạn St. Regis, nhà lãnh đạo Erdogan đã lên án mạnh mẽ chính quyền Obama ủng hộ người Kurd trong cuộc chiến chống lại lực lượng khủng bố IS.

"Khủng bố là khủng bố - không có người nào tốt cả. Ông ấy chỉ trích chính quyền Obama rất nhiều", một trong những người tham dự giấu tên nói.

Trước đó 1 ngày, hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu đưa tin, Tổng thống Erdogan tuyên bố quân đội nước này đã tiêu diệt 5.000 người Kurd từ tháng 7/2015.

Thậm chí trước đó, Nga cũng đã nhiều lần lên tiếng cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ dính dáng đến IS thông qua các hoạt động buôn bán dầu lậu thông qua biên giới nước này. Nhờ sự hậu thuẫn của chính quyền Erdogan mà phiến quân khủng bố vẫn ngoan cường chống trả quân chính phủ và không quân Nga.

Rõ ràng, điện Kremlin sẽ không chấp nhận bình thường hóa quan hệ hoặc nới lỏng các biện pháp trừng phạt với Ankara khi nước này vẫn không ngừng toan tính trong vấn đề người Kurd.

Điểm thứ hai, Moskva nhiều lần tuyên bố cần một lời xin lỗi công khai từ phía chính quyền Erdogan sau vụ chiến đấu cơ Su-24 bị bắn rơi. Đây là điều kiện tiên quyết đầu tiên để điện Kremlin thay đổi thái độ với Ankara. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc là lảng tránh, hoặc là kiên quyết không chịu đáp ứng yêu cầu này.

"Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận những nới lỏng căng thẳng và giải quyết mọi vấn đề trong mối quan hệ song phương và luật pháp quốc tế. Điều này đòi hỏi các tín hiệu tích cực từ phía Nga", Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu từng tuyên bố.

Thực tế từ trước đến nay, dù thể hiện sự nhún nhường nhưng chưa lần nào chính quyền Erdogan tỏ rõ thiện chí xin lỗi công khai sau vụ đơn phương bắn hạ máy bay. Có thời điểm, Ankara còn dọa tung bằng chứng Nga buôn bán dầu lậu với IS.

Một khi không tự mình cởi những nút thắt đó, chắc chắn Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối của điện Kremlin mà thôi.

Ngoài 2 lý do trên, giới phân tích còn cho rằng, Nga đã nhìn thấu bản chất 2 mặt của chính quyền Erdogan nên vào thời điểm này sẽ không dễ dàng thay đổi thái độ. Việc Ankara nhún nhường rồi đột ngột tìm cách gây hấn đã không còn xa lạ gì trong thời gian qua. Ngay cả nước đồng minh thân cận nhất là Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không ngại ngùng buông lời chỉ trích. Cho nên việc chính quyền Tổng thống Putin tỏ thái độ thận trọng, e dè hoàn toàn có thể hiểu được.