Iran canal connecting Caspian sea and the Gulf
Hai phương án xây kênh đào ở phía Đông (màu tím) và ở phía Tây
Iran muốn Nga giúp xây kênh đào ở Caspian


Ngày 30/3, trang Sputnik của Nga dẫn nguồn tin từ truyền thông Iran cho biết, Tehran đang có dự án xây dựng một kênh đào xuyên lãnh thổ, nối khu vực Vùng Vịnh với khu vực Vùng Vịnh ở phía Nam biển Caspian. Đặc biệt, dự án này Iran chỉ có thể trông chờ vào sự giúp đỡ của Nga.

Theo nguồn tin này, thông tin về dự án tham vọng của Tehran đã được các phương tiện truyền thông Iran và Nga đăng tải từ hồi cuối tuần qua.

Truyền thông Nga tiết lộ, các cuộc đàm phán đang được Iran tiến hành với các nhà lãnh đạo Nga. Nếu không có vướng mắc, công việc sẽ được triển khai và hoàn thành trong những năm 2020 sắp tới.

Hiện nay đã có 2 phương án đào kênh được đưa ra bàn thảo gồm kênh đào ở phía Đông (với số lượng đất đá, quãng được đào dài hơn) và kênh đào ở phía Tây có quãng đường ngắn hơn.

Nếu thực hiện thành công dự án này, sẽ mở ra nhiều cơ hội giao thương, vận chuyển, triển khai quân sự quan trọng cho Iran và các đối tác của nước này.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng chắc chắn ý tưởng của Iran sẽ vấp phải chỉ trích của những nhà hoạt động môi trường cũng như những thế lực phương Tây chống Iran.

Trước đó, kế hoạch xây dựng kênh đào xuyên lãnh thổ Iran đã xuất hiện từ thời cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad từ nhiều năm trước.

Bộ trưởng năng lượng Iran khi đó là ông Majid Namjoo đã tính toán rằng để thực hiện thành công dự án Iran có thể sẽ phải bỏ ra 7 tỷ USD.

Khi được hỏi về dự án này, Bahram Amirahmadiyan - chuyên gia phân tích của Khoa Địa Chính Trị thuộc Đại học Tehran đã nhận định rằng để thực hiện được công trình tham vọng này Iran phải có được sự trợ giúp to lớn của Nga và một số nước khác trong khu vực.

Trật tự thế giới mới tại biển Caspial?

Biển Caspial là nơi có một vị trí đặc biệt quan trọng. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, nơi đây chứa lên tới 48 tỷ thùng dầu và 8,2 nghìn tỷ m3 khí đốt tự nhiên. Nó cũng là nơi mà tuyến đường ống khí đốt tự nhiên xuyên Caspian trực tiếp chạy qua, vốn sẽ cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu mà không có sự tham gia của Nga.

Chính vì thế từ lâu, nhiều nước đã có ý định xây dựng trật tự thế giới mới thông qua khu vực biển Caspial, trong đó có Nga, Iran, Azerbaijan, Turkmenistan và Kazakhstan.

Theo số liệu thống kê, hiện tại Tehran đang kiểm soát khoảng 13% vùng nước ở biển Caspian. Tuy nhiên Iran muốn mỗi nước có 20% thị phần - chia một cách đều nhau giữa tất cả các nước có đường biên giới trên Biển Caspian, bất kể việc đường bờ biển của họ dài bao nhiêu.

Ngoài Iran, nhiều nước khác cũng đang có những động thái của riêng mình để gia tăng ảnh hưởng tại khu vực này.

Nga là nước có lực lượng hải quân mạnh nhất trong số các nước có đường biên giới trên biển Caspial. Và để chứng minh sự hiện diện của mình, Moskva tham gia hầu như tất cả các cuộc diễn tập và hoạt động quân sự ở đó, và phần lớn vũ khí trang bị được sử dụng là do nước này chế tạo.

Thời gian gần đây, Azerbaijan và Kazakhstan cũng đang quyết tâm phát triển sức mạnh hải quân của riêng mình, giúp họ hoạt động một cách độc lập hơn từ Nga.

Nhằm cụ thể hóa mục tiêu này, tháng 11 năm ngoái, 2 bên đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương sẽ có hiệu lực vào năm 2016. Thỏa thuận tập trung vào các cuộc tập trận hải quân chung và mời các quan chức ở Azerbaijan dự KADEX, một cuộc triển lãm vũ khí được tổ chức ở Kazakhstan.

Giới phân tích cho rằng, động thái này của Azerbaijan và Kazakhstan chắc chắn sẽ đẩy 2 nước rơi vào một cuộc xung đột với Iran và Nga, vốn muốn hạn chế quyền tiếp cận của các nước láng giềng tới các giếng dầu ngoài khơi và ngăn cản việc xây dựng đường ống khí đốt xuyên Caspian.

Ngoài việc hợp tác với Kazakhstan, Azerbaijan đang tìm cách tranh thủ các nước khác. Chính quyền Baku đang tìm cách tranh thủ các nước khác như Mỹ, Hàn Quốc thông qua việc tổ chức các buổi họp với đại diện những nước này.

Azerbaijan cũng đã mua các tài sản hải quân từ Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Mỹ, và đã tham gia một số chương trình đào tạo với Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ.

Có thể thấy rằng, không chỉ riêng Iran mà các nước khác cũng đang đẩy mạnh việc gia tăng các ảnh hưởng để giành thêm những đặc quyền, đặc lợi trên vùng biển Caspian. Với nhiều thay đổi, Caspial được dự báo có thể xuất hiện những kịch bản xung đột trong tương lai.