Armenian genocide
Thường dân Armenia bị những người lính Ottoman ép buộc rời Harput (Kharpert), đến một nhà tù ở Mezireh (ngày nay là Elazig), vào tháng 4-1915
Đức chuẩn bị công nhận Đế chế Ottoman phạm tội diệt chủng người Armenia

Theo truyền thông Đức, Quốc hội nước này đang tích cực thúc đẩy một sáng kiến ngoại giao quan trọng, mà nếu nó được thông qua, có khả năng làm cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nổi cơn thịnh nộ - tờ Financial Times của Anh nhận định.

Theo dữ liệu của tờ báo Anh, Bundestag (Quốc hội Đức) sẽ công nhận thuật ngữ "diệt chủng" khi nói về vụ giết hại hàng loạt người Armenia trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, trên lãnh thổ do Đế chế Ottoman kiểm soát (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay).

"Vụ diệt chủng Armenia" (tiếng Armenia: Հայոց Ցեղասպանութիւն ("Hayoc' c'ejaspanut'iwn"), tiếng Thổ Nhĩ Kỳ: Ermeni Soykırımı) còn được biết đến với các tên gọi là "Cuộc tàn sát Armenia", "Đại họa" (Մեծ Եղեռն "Mec Ejer'n") hay "Thảm sát Armenia".

Đây là các tên gọi của một sự kiện bi thảm trong lịch sử thế giới về vụ trục xuất và thảm sát đến hơn 1,2 triệu người Armenia trong thời kỳ chính phủ của Liên hiệp Thanh niên Cách mạng Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1915 đến 1917 ở Đế chế Ottoman (Thế chiến thứ nhất).

Cuộc thảm sát này được mọi người công nhận rộng rãi là một trong những vụ diệt chủng có hệ thống đầu tiên trong thời kỳ hiện đại, khi nhiều nguồn tin phương Tây chỉ rõ số lượng người chết cực lớn, đó là là bằng chứng về một kế hoạch có tổ chức trên quy mô lớn để hủy diệt người Armenia.

Đây cũng là vụ diệt chủng được nghiên cứu nhiều thứ hai trên thế giới, sau vụ thảm sát Holocaust của Đức Quốc xã trong Chiến tranh thế giới thứ 2.

Tuy nhiên, cho đến nay, các đời chính phủ Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ luôn bác bỏ việc các sách sử và tài liệu ghi chép, mô tả đặc điểm của các sự kiện này như là một tội ác diệt chủng quy mô lớn.

Được biết, quốc hội Đức sẽ bỏ phiếu công nhận Đế chế Ottoman phạm tội diệt chủng vào ngày 02 tháng 6 tới đây. Nếu được thông qua, quốc hội nước này sẽ soạn thảo một nghị quyết chính thức lên án những hành động này.

Theo bình luận của truyền thông Đức, việc quốc hội nước này công nhận tội ác "diệt chủng Armenia" của Đế chế Ottoman có thể là trở ngại cho chức trách của Thủ tướng Đức Angela Merkel, trong vấn đề thực hiện thỏa thuận di cư với chính quyền Ankara.

Thời gian qua, truyền thông Đức đã nhiều lần cáo buộc Tổng thống Recep Tayip Erdogan đang ôm mộng khôi phục Đế chế Ottoman, nên điều này có thể khiến nhà lãnh đạo nổi tiếng cực đoan này nổi giận vì sự "thiếu tôn trọng của Liên minh châu Âu đối với Thổ Nhĩ Kỳ" và có thể xé bỏ các thỏa thuận với EU về vấn đề khủng hoảng di cư.

Thêm vào đó, ngay ở Đức hiện nay cũng có khoảng 4 triệu người gốc Thổ Nhĩ Kỳ đang sinh sống. Việc công nhận Đế chế Ottoman phạm tội ác diệt chủng cũng có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ và thay đổi góc nhìn của xã hội nước này đối với người gốc Thổ.

Nhìn lại tội ác thảm sát người Armenia của Thổ Nhĩ Kỳ

Vào năm 1914, ước tính có khoảng hơn 2 triệu người Armenia sống ở Đế quốc Ottoman, là một trong những cộng đồng người thiểu số lớn nhất. Đa số họ sống tập trung ở phía Đông Anatolia và phía tây của Đế chế Ottoman, đặc biệt ở trong và xung quanh Constantinopolis.

Ngoài những khác biệt về sắc tộc và tôn giáo (người Armenia theo đạo Cơ đốc), cuộc diệt chủng người Armenia còn xuất phát từ sự thất vọng và nhu cầu đổ lỗi của người Thổ Nhĩ Kỳ sau thất bại quân sự, trong cuộc chiến tranh với người Nga trên dãy núi Kavkaz (Caucasus).

Trong cuộc chiến tranh kết thúc tháng 1-1915, Moscow đã đập tan cuộc tấn công trên quy mô lớn của Đế chế Ottoman. Thiệt hại của Thổ Nhĩ Kỳ lớn đến nỗi, 95.000 quân Thổ ra trận thì chỉ còn 18.000 người sống sót trở về, trong đó có tới khoảng 50.000 người bị chết cóng.
Ottoman empire map
Bản đồ Đế chế Ottoman
Sau đó lan truyền tin đồn rằng, các binh sĩ người Armenia trong quân đội đã bỏ chạy sang chiến đấu cho người Nga, cũng giống như trước đó họ cũng đã nhiều lần nổi lên chống lại ách cai trị của người Thổ và tộc người này đã bị đem ra làm "vật tế thần" trong thất bại của Đế chế Ottoman.

Cuối tháng 2 năm 1915, Thổ Nhĩ Kỳ bãi nhiệm các quan chức chính quyền và chính phủ người Armenia, bỏ tù các sĩ quan quân đội, chuyển các binh sĩ người Armenia khỏi các đơn vị chiến đấu, đưa họ vào các binh đoàn lao công, đồng thời ra sắc lệnh cấm người Armenia mang vũ khí.

Người Thổ bắt đầu truy tìm các vũ khí cất giấu bí mật trong cộng đồng Armenia. Cư dân người Armenia ở Constantinople (Istanbul) buộc phải bỏ chạy khỏi thành phố, sau khi chính quyển bắt giữ và giết chết những nhân sĩ người Armenia như các nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, luật sư...

Tận dụng khoảng thời gian ngưng chiến tại bán đảo Gallipoli, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chương trình xua đuổi người Armenia ra khỏi quê hương họ. Trong quá trình bị cưỡng bức di chuyển lên khu vực hoang vắng phía bắc, nhiều người Armenia đã phản kháng nên đã bị giết chết.

Nhiều người đã bỏ chạy nhưng không thoát, một số trốn được vào sa mạc khô cằn nhưng họ lại bị tấn công bởi người Kurd Hồi giáo cũng ghét người Armenia. Ngoài ra, nhiều người Armenia khác kết thúc cuộc đời trong các trại tập trung ở sa mạc, nơi họ bị bỏ đói đến chết.

Kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất, theo con số thống kê không đầy đủ, đã có khoảng trên dưới 1,2 triệu người Armenia đã bị giết hoặc bị chết vì những hành động đầy ải, bỏ đói hoặc tử vong do bệnh tật, xuất phát từ chính sách ngược đãi của người Thổ Nhĩ Kỳ.

Từ năm 1965, 22 nước đã công nhận những hành động đày ải, trục xuất và thảm sát tập thể của nhà nước Ottoman từ năm 1915 tới 1917 chính thức là tội ác diệt chủng, chiếu theo các điều khoản được quy định trong "Công ước Liên Hiệp Quốc 1948 về Diệt chủng".

Do Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh của Mỹ và là thành viên NATO nên nhiều quốc gia phương Tây né tránh nói về vấn đề này, nhưng cũng đã có không ít nước châu Âu đã thừa nhận tội ác diệt chủng đó, ví dụ như Bỉ, Pháp, Hy Lạp, Italia, Hà Lan, Nga, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Slovakia và Cộng hòa Síp, cùng với một số quốc gia khác như Argentina, Canada, Lebanon, Uruguay...

Ngay cả Mỹ cũng đã nhiều lần né tránh vấn đề này nhưng đến năm 2010, một Ủy ban của Quốc hội Mỹ cũng đã buộc phải thừa nhận những hành động của nhà nước Ottoman trong Thế chiến thứ nhất đối với người Armenia là một tội ác diệt chủng.