iskander missile system
© Sergei Karpukhin / ReutersTừ chỗ không có lý do gì để sợ Nga, Ba Lan và Romania hiện đã trở thành mục tiêu số một của những hệ thống tên lửa Iskander như thế này.
Mới đây Romania, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ đều nhất trí rằng việc NATO bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu là cần thiết để đề phòng cái gọi là "thái độ hung hăng của Nga".

Vào tháng 5 vừa qua, NATO đã mở rộng lá chắn phòng thủ tên lửa của mình bằng việc thiết lập căn cứ quân sự mới tại Romania. Nga đã gọi động thái này là một sự gây hấn không cần thiết và cảnh báo rằng Moscow sẽ có biện pháp đáp trả.

"Chúng tôi từ lâu đã tuyên bố rằng việc NATO triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của mình là một hiểm họa lớn đối với Liên bang Nga", thư ký báo chí Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết. "Chính phủ đã thực hiện những biện pháp cần thiết để bảo đảm an ninh quốc phòng của Nga. Tổng thống Nga cũng đã nhiều lần đặt câu hỏi rằng hệ thống này là nhằm vào nước nào".

Nhưng theo Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu trả lời hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ), lá chắn phòng vệ là cần thiết cho đất nước này cũng như cho Romania và Ba Lan, do những "hành vi gây hấn của Nga".

"Cả ba nước chúng tôi đều nhất trí rằng hệ thống phòng thủ tên lửa cần phải được mở rộng để bảo vệ lãnh thổ và các công dân của mỗi quốc gia", ông Cavusoglu nói.

Bằng chứng duy nhất cho thấy sự "gây hấn" của Nga là một bài phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras vào tháng trước. Ông Putin nói: "Nếu Romania không hiểu được cảm giác luôn luôn bị nằm trong tầm ngắm thì chúng tôi buộc phải thực hiện những phương án cần thiết để đảm bảo sự an toàn của Nga".

Theo ông Cavusoglu, phát biểu này là lời đe dọa rõ ràng "đối với các nước thành viên trong NATO".

Đã có một số chuyên gia chỉ trích việc NATO mở rộng lá chắn phòng không ở Đông Âu. Phóng viên Jochen Bittner của báo Die Zeit (Đức) viết rằng "NATO có thể đang mắc sai lầm lớn nhất trong lịch sử của mình".

Nhà phân tích chính trị Lawrence Davidson của Mỹ cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa này không phải để chống lại Nga mà là để kiềm tỏa tầm ảnh hưởng của nước này.

"Rõ ràng việc NATO triển khai các hệ thống tên lửa ở Đông Âu là một thông điệp gửi tới Nga, rằng anh không được phép gây dựng tầm ảnh hưởng trong khu vực", ông Davidson trả lời hãng thông tấn RT.

"Quốc gia duy nhất được phép gây dựng ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế là Mỹ và các nước đồng minh của họ ở Châu Âu. Đây là chủ trương đã có từ thời Chiến tranh Lạnh và được Mỹ áp dụng vào thế kỷ 21", ông nói thêm.