eu flag
© Vladimir Sergeev / Reuters
EU ngày 21/6 đã nhất trí gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với Nga thêm 6 tháng do không có tiến bộ trong việc giải quyết xung đột ở Ukraine.

Theo các nguồn tin châu Âu, các đại sứ của 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua quyết định này về mặt nguyên tắc, bởi quyết định sẽ cần phải được các bộ trưởng chính thức thông qua, có thể vào ngày 24/6 tới.

Như vậy, các biện pháp trừng phạt nhằm vào các ngành năng lượng, tài chính và quốc phòng của Nga nay sẽ được kéo dài đến cuối tháng 1/2017 sau khi hết hạn vào cuối tháng Bảy tới.

Về việc này, trước đó, ngày 20/6, Tổng Thư Ký NATO Jens Stoltenberg cũng tuyên bố EU cần duy trì các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Trả lời phỏng vấn, ông Stoltenberg nêu rõ: "Đánh giá của tôi là không nên dỡ bỏ trừng phạt trước khi Nga thay đổi cách hành xử. Tôi tin rằng có một sự đồng thuận rộng rãi về vấn đề này trong nội bộ EU."

Trong khi đó, đối đáp lại thái độ này, Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz vừa lên tiếng kêu gọi đã đến lúc EU nên cân nhắc hàn gắn những rạn nứt với Nga.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier được dẫn lời nói rằng EU cần dần dần dỡ bỏ trừng phạt nếu có tiến triển trong tiến trình hòa bình và nếu Nga thể hiện rõ họ đang thực thi nghĩa vụ của mình trong thỏa thuận hòa bình Minsk dành cho Ukraine.

Mới đây nhất, Hy Lạp cũng đã "úp mở" việc sẽ phản đối gia hạn trừng phạt Moscow.

Cũng liên quan đến vấn đề EU gia hạn trừng phạt Nga, cách đây ít hôm, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg (SPIEF) sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Ý Matteo Renzi hôm 17/6, Tổng thống Nga Putin tuyên bố Moscow có thể dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang được áp đặt để trả đũa các biện pháp trừng phạt mà EU đang giáng xuống Nga.

Ông khẳng định: "Chúng ta phải chắc chắn rằng các biện pháp đơn phương mà Nga thực hiện sẽ có đi có lại từ phía phương Tây, chứ không phải là "Một bước tiến, hai bước lùi" (ông Putin mượn một câu nói nổi tiếng của Vladimir Ilyich Lenin)".

Giải thích kỹ hơn, ông Putin nói: "Đến một lúc nào đó, nếu chúng tôi thấy rằng hầu như những việc cần làm để giải quyết khủng hoảng Ukraine đều đã được thực hiện thì chúng tôi sẵn sàng đi bước đầu tiên, bao gồm xóa bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế và thương mại".

Bên cạnh đó, ông Putin chỉ ra các đối tác EU không nên cho rằng chỉ mình Nga có trách nhiệm hoàn thành thỏa thuận Minsk về tiến trình hòa bình ở Ukarine, "đặc biệt là những vấn đề vượt quá thẩm quyền giải quyết của Nga".

Theo ông, phương Tây nên làm việc với "đồng minh" Kiev "nếu họ thật sự mong muốn những điều tốt đẹp cho người dân Ukraine".