Atlanta
© ABC15 Arizona / YouTube
Biểu tình diễn ra trên khắp nước Mỹ và tại Vương quốc Anh, sau vụ cảnh sát bắn chết hai người đàn ông da đen ở bang Louisiana và Minnesota, cũng như vụ tấn công cảnh sát ở Dallas.

Bang Arkansas

Khoảng 300 người đã tụ tập trước trụ sở chính quyền bang Arkansas ở Little Rock, nhằm cùng nhau tìm kiếm giải pháp cho các cuộc xung đột sắc tộc.

Linh mục Earl Graham Jr. thuộc nhà thờ Mount Pleasant Baptist, đã kêu gọi mọi người cùng nhau nỗ lực chấm dứt giai đoạn bất ổn.

"Câu hỏi rằng khi nào tất cả sẽ chấm dứt vẫn còn để ngỏ cho chúng ta," Linh mục Graham Jr. phát biểu, và các con tin hưởng ứng, lặp lại chính câu hỏi của ông.

Thủ phủ Little Rock vẫn được biết đến là địa phương đầu tiên trên toàn nước Mỹ xảy ra các cuộc chiến chia rẽ sắc tộc vào năm 1957, khi tổng thống Dwight D. Eisenhower phải điều động quân đội để hộ tống 9 trẻ em da đen tới trường học.

Bang Arizona

Một vài đại lộ thuộc trung tâm thành phố Phoenix của tiểu bang này đã bị phong tỏa, khí gas và hơi cay đã được nhà chức trách sử dụng để trấn áp một cuộc biểu tình. Cảnh sát được điều động đến nhằm ngăn chặn đám đông biểu tình tràn vào một xa lộ.

Sở Giao thông Vận tải bang Arizona cho biết họ đã phong tỏa hàng loạt lối vào Quốc lộ liên bang số 10 trên địa phận của mình.

Khoảng 1.000 người biểu tình đã hô vang khẩu hiệu "Black Lives Matter" (sinh mạng của người da đen cũng đáng quý) và "giơ tay lên, không được bắn" khi tuần hành.

Một vài nhóm cảnh sát trước đó mặc thường phục để hộ tống những người biểu tình. Nhưng sau đó, họ buộc phải dùng đến cảnh phục và công cụ chống bạo động.

Một số vụ xô xát nhỏ đã xảy ra khi một người đàn ông mặc áo thun với dòng khẩu hiệu tranh cử của tỉ phú Donald Trump, "Make America Great Again", và treo hình ứng viên Tổng thống Mỹ này, làm gián đoạn cuộc biểu tình. Cảnh sát buộc phải lôi người đàn ông ra ngoài để cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra.

Bang California

Hai ca sĩ nổi tiếng Snoop Dogg và The Game đã dẫn đầu một đoàn diễu hành hòa bình đến trụ sở Cảnh sát Los Angeles để gặp thị trưởng và cảnh sát trưởng, trong nỗ lực cải thiện quan hệ giữa chính quyền địa phương với các cộng đồng dân cư thiểu số.

Tại San Francisco, khoảng 2.000 người biểu tình tập trung diễu hành dọc theo trung tâm thành phố về phía tòa thị chính của thành phố, cũng như toàn bang California. Đoàn người mang theo những băng rôn lớn với khẩu hiệu: "Hãy chấm dứt bạo lực sắc tộc của cảnh sát ở Mỹ".


Một thành viên tổ chức cuộc diễu hành, bà Lawrence Shine phát biểu: "Chúng ta cần phải kiềm chế lửa giận cho những mục tiêu dài hạn khác. Tình yêu thương sẽ vượt lên trên căm hờn". Bà trấn an đám đông và nhắc nhở họ diễu hành trong hòa bình.

Tại Sacramento, các cảnh vệ đã phải đóng cửa trụ sở chính quyền sớm hơn thường ngày do lo sợ biểu tình vào chiều thứ Sáu (8/7) vừa qua.

Hàng chục người biểu tình đã diễu hành quanh tòa nhà, mang theo các áp phích yêu cầu công lý cho những người da màu đã bị thiệt mạng dưới tay cảnh sát trên toàn nước Mỹ từ trước đến nay.

Bang Colorado

Những người ủng hộ chiến dịch "Black Lives Matter" tuyên bố họ sẽ tiếp tục biểu tình ngồi tại Denver trong 135 giờ đồng hồ tới thứ ba tuần sau, nhằm phản ứng các vụ cảnh sát nước này bắn chết hai người đàn ông da đen ở bang Minnesota và Louisiana. Theo họ, mỗi giờ đồng hồ là thời gian tưởng niệm cho một người da đen bị chết do cảnh sát trong năm 2016.

Được biết, đám đông biểu tình này đã ngồi chờ suốt dọc các con đường thành phố và quanh tòa nhà chính quyền địa phương, bắt đầu từ thứ Năm (7/7), chỉ vài giờ trước vụ bắn tỉa cảnh sát ở Dallas.

Người dân đã cung cấp thực phẩm và nước uống cho những người biểu tình ở Công viên trung tâm Civic.

Bang Georgia

Hàng ngàn người dân đã tràn ra các đường phố trung tâm thành phố Atlanta để biểu tình chống lại các vụ cảnh sát xả súng vào người Mỹ gốc Phi gần đây.

Đoàn diễu hành đã khiến giao ngưng trệ sau khi tụ tập tại Trung tâm Quốc gia về Quyền Công dân và Con người gần công viên Centennial Olympic. Còi xe inh ỏi vang lên khắp các nẻo đường về phía đám đông biểu tình khi họ hô to khẩu hiệu "Giơ tay lên, không được bắn" trên các đường phố.

Cảnh sát trưởng George Turner và thành viên đảng Dân chủ, thị trưởng Kasim Reed đã phải kêu gọi đám đông hợp tác với cơ quan hành pháp. Cuộc diễu hành đã diễn ra trong suôn sẻ.

Bang Illinois

Thành viên của chiến dịch "Black Lives Matter" tại thành phố Chicago và nhiều nhóm biểu tình khác đã giả chết trước khuôn viên nhà tổng thống Barack Obama trong nỗ lực thúc giục có nhanh chóng có hành động đối phó với các vụ va chạm và bạo lực giữa cảnh sát với người da đen.

Nhà hoạt động Jedidiah Brown nói rằng, tổng thống cần làm nhiều hơn là chỉ đơn giản lên án bạo lực.

Trong một cuộc biểu tình khác, nhà hoạt động, đồng thời là mục sư, Giáo sĩ Michael Pfleger và diễn viên kịch nói Nick Cannon, đã dẫn đầu 100 người dọc theo khu vực Auburn-Gresham, khu vực tâm điểm những vụ bạo lực ở thành phố này.

"Chúng ta rõ ràng đều vô cùng đau đớn và căm phẫn," Cannon cho biết.

Bang Louisiana

Hàng trăm người biểu tình tại New Orleans đã tập trung dưới tượng đài nhà hoạt động Robert E. Lee, yêu cầu cảnh sát bang này chấm dứt sử dụng bạo lực vào tối 8/7. Đám đông với các áp phích trên tay đã hô to khẩu hiệu của mình, và lắng nghe bài diễn văn trên đường phố. Giao thông tại các điểm trọng yếu đều bị tắc nghẽn.


Trước đó, hơn 20 người biểu tình đã nằm dài trước trụ sở Sở Cảnh sát thành phố New Orleans nhằm thể hiện thực hiện hành động biểu tình "giả chết".

Trên đường phố Baton Rouge, cuộc biểu tình phản đối vụ các sĩ quan cảnh sát da trắng bắn chết một người da đen đã thu hút hàng trăm người khắp các con phố, kéo dài từ trụ sở cảnh sát.

Rashad Rusk, 23 tuổi, nói rằng những người biểu tình chỉ muốn thể hiện quan điểm trong hòa bình, nhưng anh cam đoan cuộc biểu tình sẽ không kết thúc tới khi hai cảnh sát bị cáo buộc gây ra cái chết của Alton Sterling bị tuyên án tử hình.

Bang Massachusetts

Các thủ lĩnh tôn giáo đã tập trung tại một nghi lễ tín ngưỡng ở thành phố Boston để cầu nguyện cho các cuộc bạo lực sắc tộc nhanh chóng chấm dứt. Nancy Taylor, linh mục cấp cao nhà thờ Old South, cho biết bà vẫn còn quan ngại về con số thương vong sắp tới.

"Tôi muốn nói rằng tôi đã rất mệt mỏi khi phải luôn cầu nguyện," bà nói. "Cầu nguyện cho những linh hồn đã chết, cho những người trẻ đã bỏ mạng. Tôi mệt mỏi vì cầu nguyện cho những người đã chết dưới họng súng của bạo lực."

Giáo sĩ Laura Everett, thuộc Hội đồng Nhà thờ bang Massachusetts, đã lên tiếng kêu gọi mọi người "hãy tháo dỡ tàn tích của hệ thống phân biệt chủng tộc đang gặm nhấm xã hội Mỹ."

Bang Michigan

Một cuộc biểu tình hòa bình phản đối bạo lực của cảnh sát đã thu hút hơn 1.000 người đến với công viên Campus Martius thuộc thành phố Detroit.

Nickell Young, 25 tuổi, một sinh viên da đen tại đại học Trung tâm Michigan, cho biết cô không hề ngạc nhiên trước trước những vụ tấn công nhằm vào cảnh sát ở Dallas.

"Họ khoác lên mình cảnh phục và đại diện sự tàn nhẫn đáng sợ," cô nói. "Kể cả những viên cảnh sát luôn nói mình là cư dân tốt cũng đã không hề lên tiếng chống lại những đồng đội đã vi phạm quyền lợi của người da màu."

Bang Nebraska

Thành viên tổ chức Rene Harper cho biết vụ xả súng Dallas đã khiến nhiều người sợ hãi và không dám tham gia. Harper cho hay tổ chức của cô đã thảo luận biện pháp biểu tình trong hòa bình trước khi diễu hành cùng các khẩu hiệu của mình về khắp các trục đường chính ở Omaha.

Cảnh sát cũng có mặt. Một vài xe tuần tra được điều động vào khu vực, các viên cảnh sát đóng quân trên sân thượng các tòa nhà trong thành phố.

Thành phố New York

Khoảng 300 người đã tràn ra đường phố New York góp mặt biểu tình. Họ tập trung tại quảng trường Manhattan vào tối 8/7 để lắng nghe các bài diễn văn, trước khi chia thành các nhóm nhỏ tuần hành được cảnh sát hộ tống.

Một nhóm tuần hành dọc theo cầu Williamsburg vào khu vực Brooklyn, trong khi một nhóm khác đến các khu dân cư sầm uất. Họ đi xuyên qua nhà ga thành phố Grand Central, hô to khẩu hiệu "black lives matter".

Bang Pennsylvania

Cảnh sát trưởng thành phố Pittsburgh Cameron McLay đi theo đoàn người tuần hành và cho cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình. Ông cũng trò chuyện và bắt tay người biểu tình.

Ban tổ chức cho biết họ phát động biểu tình nhằm chống lại "việc bất bình đẳng leo thang và không khí thù địch độc hại đang ngày một nghiêm trọng hơn".

Tại Philadelphia, khoảng 150 người đã tuần hành liên tục từ 6/7 để thể hiện sự chống đối của mình trước vụ thiệt mạng của hai người đàn ông da đen vừa qua. Cuộc biểu tình đã thu hút cả từ trẻ em đến các bậc cao niên, khiến mọi người nhớ về những cuộc biểu tình do Martin Luther King dẫn đầu.

Bang Utah

Hai lãnh đạo cao cấp cơ quan hành pháp bang nói rằng họ sẽ không thay đổi cách thức tuần tra hoặc đối phó với các vụ biểu tình sau vụ bắn tỉa cảnh sát Dallas, nhưng mong muốn cộng đồng hợp tác với nhà chức trách để "phá rào cản nghi ngờ lẫn nhau.

Cảnh sát trưởng thành phố Salt Lake, ông Mike Brown cho biết các cư dân cần nhớ rằng các sĩ quan cảnh sát cũng là những bà mẹ, ông bố, anh chị của ai đó, chứ không chỉ là những bộ đồng phục.

Thủ đô Washington, D.C.

Hàng chục người đã phát động biểu tình hòa bình bên ngoài trụ sở Bộ Tư pháp Mỹ. Với những ngọn nến trong tay, họ thầm hát lên bài ca "We shall not be moved" (tạm dịch: Chúng ta sẽ không lung lạc) trước sự có mặt của người dân thành phố cũng như cảnh sát liên bang.

Sinh viên George Wyche thuộc trường đại học Howard, đến từ Houston, nghẹn ngào khi nhắc đến vụ bạo lực phân biệt chủng tộc hồi tuần qua, và cho rằng sẽ không dễ dàng hóa giải được căng thẳng đang lan rộng trên toàn nước Mỹ.

"Đã đến lúc chúng ta tin tưởng vào tình nhân ái," Wyche nói.

Vương Quốc Anh

Tại Anh, hàng trăm người cũng đã tràn phố đường phố London vào thứ sáu vừa qua nhằm ủng hộ chiến dịch "Black Lives Matter." Đám đông đã tuần hành dọc theo các đường phố sầm uất trong khu vực trung tâm London, khiến giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng.