Tribunal de Nuremberg
© InconnuTòa án Quân sự Quốc tế tại Nuremberg
Nếu, như nhiều người ngày nay vẫn nói, những kẻ thái nhân cách đang điều khiển chính phủ của chúng ta, tại sao chúng ta không biết về điều đó? Tại sao nó không phải là kiến thức phổ biến, được thảo luận trong gia đình và lớp học trên khắp đất nước? Tại sao các trường học không có khóa học dành cho chủ đề ấy? Nói một cách ngắn gọn, tại sao một ý tưởng đơn giản, nhưng rất mang tính cách mạng lại có vẻ bí mật như vậy? Câu trả lời thực ra nằm trong câu hỏi: nó mang tính cách mạng, nhưng không phải theo cách bạn nghĩ! Bạn thấy đấy, hầu hết các cuộc cách mạng đều bị gây ra, ảnh hưởng hay điều khiển bởi những kẻ thái nhân cách, và khá thường xuyên, điều này được thực hiện bởi cái gọi là "sự lạm dụng tâm thần học."

Những hành động và phản ứng của người bình thường, những ý tưởng và tiêu chuẩn đạo đức của họ thường được xem là không bình thường trong mắt của những cá nhân không bình thường. Và nếu một kẻ thái nhân cách coi hắn ta là bình thường, điều này dĩ nhiên là dễ dàng hơn nếu hắn ở vị trí nắm quyền, khi đó hắn sẽ coi một người bình thường khác biệt với tiêu chuẩn "bình thường" của hắn là không bình thường.

Điều đó giải thích tại sao, khi những kẻ thái nhân cách trèo lên nắm quyền, như chúng vẫn có xu hướng làm vậy một cách tự nhiên, hệ thống xã hội của chúng - bao gồm cả giáo dục và y học / tâm thần học - luôn có xu hướng coi bất cứ người bất đồng chính kiến - hay có xu hướng bất đồng chính kiến - nào là "tâm thần không bình thường". Như Lobaczewski viết, "Trong mắt kẻ thái nhân cách, người bình thường chỉ là một kẻ ngây thơ đi tin vào những lí thuyết không hiểu nổi; nếu gọi là "điên rồ" cũng không xa mấy."

Do đó, những chính quyền như vậy thường kiểm soát môn tâm lý học và tâm thần học thông qua ngân sách và sự có mặt của các "tay trong" thấm nhuần ý thức hệ tư tưởng trong hệ thống nghiên cứu giáo dục. Đồng thời, những phản ứng tự nhiên vô thức của người bình thường đối với môi trường bệnh hoạn xung quanh họ bắt đầu bị định nghĩa là bệnh tật và các "liệu pháp tâm thần", bao gồm cả nhiều loại thuốc, được quảng bá để buộc những người bình thường sống trong thế giới bệnh hoạn và nghĩ nó là bình thường.

Sự thật về chứng thái nhân cách phải bị gièm pha và che đậy để ngăn nó khỏi gây nguy hiểm cho chính hệ thống chính quyền, và điều này thường xuyên được thực hành bởi những quan chức bệnh hoạn về tâm lý. Bất cứ ai hiểu biết quá nhiều về chứng thái nhân cách đều có thể bị buộc tội với bất cứ thứ tội nào họ có thể bịa ra, bao gồm cả tâm lý không bình thường. Những người ấy trở thành "điên rồ", "hoang tưởng", "tâm thần không ổn định" và "nguy hiểm".

Sự khác biệt về tâm lý là gốc rễ của sự khác biệt giữa những kẻ thái nhân cách cầm quyền và quần chúng, những người bị chúng đàn áp và những người cuối cùng luôn luôn nổi dậy chống lại chúng. Áp lực của cuộc sống trong một thế giới bệnh hoạn chỉ có thể được chịu đựng bấy lâu thôi và cuối cùng, những trò vui chơi giải trí, thuốc men, ma túy đều không còn đủ để làm dịu họ. Cùng lúc đó, những kẻ thái nhân cách khác - chưa trèo được lên đến đỉnh - dựa vào cảm xúc bạo lực của đám quần chúng bị áp bức, thao túng, điều khiển và cưỡi làn sóng bất mãn lên vị trí quyền lực mới, đồng thời đè bẹp các đối thủ của chúng trong quá trình đó. Đối với những kẻ thái nhân cách, sẽ luôn luôn là có ích khi giết hại được một mớ người bình thường, gây chấn thương tinh thần cho những người còn lại, và khiến tất cả mọi người nghĩ rằng giờ họ đã nổi dậy chống lại kẻ áp bức, mọi chuyện về sau sẽ đều tốt đẹp cả!

Vậy, bạn thấy đấy, ý tưởng đó mang tính cách mạng là vì nếu có khi nào nó được biết rộng rãi rằng vấn đề chỉ là ở chỗ những kẻ bệnh hoạn tâm lý chống lại người bình thường chứ không phải những ý thức hệ khác nhau mà các tư tưởng bệnh hoạn tâm lý trốn trong đó, những kẻ thái nhân cách sẽ trở nên bất lực. Không còn khả năng dồn đẩy dân chúng vào các cuộc chiến tranh chống lại kẻ thù được phóng đại (và thường là bịa đặt), mạng lưới hỗ trợ của kẻ thái nhân cách sẽ sụp đổ và hoàng đế sẽ thực sự trần truồng trên đường phố cho tất cả mọi người thấy.

Như tôi đã thảo luận trong những bài trước của loạt bài này, kẻ thái nhân cách có một cách nhìn thế giới đặc biệt. Chúng biết là chúng khác người, và chúng dễ dàng nhận ra những kẻ khác như chúng, ngay cả trong một đám đông. Chúng là nhân vật giác ngộ, chúng ta là đám đông ồn ào; chúng là nhân vật xứng đáng, chúng ta là đám ăn bám vô dụng; chúng là sói, chúng ta là cừu. Và chúng biết rằng, nếu bọn đáng khinh kia - nghĩa là những người bình thường trong chúng ta - có khi nào nhìn ra chúng thực sự là thế nào, chúng sẽ bị nhốt lại, hay tồi tệ hơn thế. Sự "bất công" ấy - sống trong một thế giới hạn chế sự "tự do" được lừa đảo, xâu xé người khác của chúng - là thứ thúc đẩy chúng tạo ra một thế giới địa ngục cho tất cả chúng ta, với tất cả những bất công mà Orwell đã hình dung cùng với những thứ vô nghĩa lý không lối thoát trong các câu chuyện của Kafka. Và một khi chúng đạt được quyền lực, chúng sẽ giữ chặt lấy nó. Do đó, khoa học khách quan là một thứ nguy hiểm đối với kẻ thái nhân cách chính trị và phải bị bịt kín bằng mọi giá.

Ngược lại, kẻ thái nhân cách chính trị được hưởng lợi từ nỗ lực của những cá nhân có ý tốt nhưng không hiểu biết về các yếu tố tâm lý có liên quan, những người mặc dù vậy vẫn bám giữ lấy các học thuyết của họ để giải thích cho những vấn đề họ đang thấy đầy rẫy trên thế giới. Vì vậy, trớ trêu thay, các học thuyết đó thường được quảng bá bởi những kẻ thái nhân cách. Chúng giúp đỡ, tài trợ cho những cá nhân theo đuổi các học thuyết đó và khiến họ nghĩ rằng học thuyết của họ là câu trả lời cho tất cả mọi vấn đề. Với một kiến thức cơ bản về tâm lý bệnh hoạn, có thể nhận ra những học thuyết đó khá dễ dàng. Đó là những học thuyết chỉ tập trung hoàn toàn vào một ý thức hệ cụ thể ( như "đấy là do chủ nghĩa tư bản!", "đấy là do chủ nghĩa xã hội!", "đấy là do Thiên Chúa Giáo cực đoan!", "đấy là do chủ nghĩa Hồi Giáo phát xít!"), hay không kể đến hoặc hạ thấp vai trò của tâm lý bệnh hoạn trong cái ác hiện nay trên thế giới.

Tôi đã từng viết về một số vấn đề trong lĩnh vực tâm lý học, đặc biệt là trong nghiên cứu thái nhân cách. Đặt sang một bên vấn đề trong chẩn đoán do việc sử dụng cái tên gọi vơ đũa cả nắm "rối loạn nhân cách chống xã hội" gây ra, còn có vấn đề gây ra đơn giản bởi sự phân hóa chuyên môn. Các nhà nghiên cứu thái nhân cách hầu như chỉ động tới những vấn đề họ có thể nghiên cứu một cách chi tiết: não bộ, tội phạm, những hành vi đơn giản. Họ không động đến chính trị, vì nó vừa khó nghiên cứu, vừa không thuận lợi cho túi tiền. Chính trị là dành cho các nhà khoa học chính trị và sử học. Về phần các nhà tâm lý học chính trị, hầu hết trong số họ không biết về vấn đề của chứng thái nhân cách do chuyên môn hóa nội trong lĩnh vực tâm lý học (và một loạt những lý thuyết bịa đặt đang tồn tại hiện nay). Có thể nói rằng sự chuyên môn hóa là một trong những món quà lớn nhất cho kẻ thái nhân cách trên thế giới. Hầu như không có hy vọng các nhà khoa học hợp tác tổng hợp tri thức với nhau để đe dọa cho trật tự thế giới khi mà một người ở trong lĩnh vực này không hiểu người kia trong lĩnh vực khác nói gì!

Có một thời điểm mà kẻ thái nhân cách chính trị - hay nói chính xác hơn, chính trị gia tâm lý bệnh hoạn, vì trong một hệ thống bệnh hoạn có nhiều loại cá nhân tâm lý bệnh hoạn tham gia vào mạng lưới quyền lực - có thể được nghiên cứu chi tiết tận nơi, và chúng đã được nghiên cứu. Tuy nhiên, những kẻ thái nhân cách nắm quyền quản lý nhà tù đã nhanh chóng dập tắt mọi khả năng lấy được thêm bất cứ dữ liệu nào nữa trong tương lai từ các tù nhân của chúng. Tôi muốn nói đến thời điểm ngay sau khi quân Đồng minh chiến thắng Thế chiến II và một nhóm đại diện cho các quan chức hàng đầu của Hitler bị giam giữ để xét xử vì tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại tại Tòa án Quân sự Quốc tế ở Nuremburg.

Những kẻ tàn ác nhất trong số các bị cáo nhanh chóng bị xử tử. Trong khi nhiều người coi đây là công lý, các thế hệ tương lai bị tước mất cái có thể là một kho tàng tri thức về bản chất thực sự của Đức Quốc xã và những kẻ cầm đầu. May mắn thay, trong khi các bị cáo còn sống, một số nhà tâm lý học người Mỹ đã thu thập những gì họ có thể, và một trong số họ - nhà tâm lý học của nhà tù Nuremberg, Gustav M. Gilbert - thậm chí còn viết một cuốn sách, Tâm lý của Chế độ Độc tài (The Psychology of Dictatorship). Cuốn sách ấy có thể là nền tảng cho một môn khoa học mới.

Nhưng điều đó đã không xảy ra. Không những những tên tội phạm đáng chú ý nhất bị hành hình, cuốn sách về chúng cũng không bao giờ được tái bản và chỉ có phần dữ liệu ít cơ sở vững chắc nhất trong đó (giao thức Rorschach mà Gilbert thực hiện) là được nhắc tới từ đó tới giờ.

Không phải ngẫu nhiên mà phần lớn các kết luận của ông bị bỏ qua và chỉ có phần yếu nhất là được quảng bá. Đó là nghệ thuật quản lý ấn tượng cổ điển. Công trình của Gilbert đã đưa ra những kết luận đúng đắn mặc dù cách chứng minh là sai lầm (thử nghiệm Rorschach hầu như đã hoàn toàn bị bác bỏ trong lĩnh vực tâm lý học thực nghiệm và tâm thần học ngày nay, đặc biệt khi nói đến chứng thái nhân cách). Tuy nhiên, những ai đọc về công trình đó thông qua các tài liệu khác sẽ kết luận một cách không công bằng là nó không có giá trị. Trớ trêu thay, Gilbert hầu như không đề cập đến thử nghiệm Rorschach trong cuốn sách đó. Vậy mà đó là TẤT CẢ những gì mọi người tập trung vào khi nói hay viết về tâm lý của các tội phạm chiến tranh Nuremberg. Vậy thực ra Gilbert nói cái gì?

Cuốn sách của ông xuất bản vào năm 1950, chín năm sau khi cuốn Mặt nạ của Sự Bình thường (The Mask of Sanity) của Hervey Cleckley lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1941. Vào thời điểm đó, các nhà sử học và học giả khác thường giảm nhẹ vai trò của cá nhân trong việc định hình lịch sử. Như một trong những cuốn sách giáo khoa thời đó viết: "Ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ đáng chú ý, cá nhân có rất ít vai trò trong quá trình xã hội... Sự thành công của một nhà lãnh đạo phụ thuộc chủ yếu vào việc ông ta có tình cờ dẫn đầu xã hội theo hướng mà nó đang đi hay không."1 Cứ như các hoàn cảnh xã hội là một lực lượng mơ hồ nào đó hoàn toàn tách biệt khỏi động cơ của con người! Không may đây vẫn là cách nhìn nhận phổ biến trong giới sử gia. Ngày nay, nó được gọi là "thuyết cấu trúc" - bản thân Hitler không phải là vấn đề, vấn đề là toàn bộ cơ cấu Quốc xã.

Điều đó cũng có phần đúng, nhưng lái đi một chút, nó không còn gây nguy hiểm gì cho những kẻ thái nhân cách nữa (đó có lẽ cũng là lý do tại sao giờ đây nó phổ biến như vậy). Nếu vai trò của cá nhân bị xem nhẹ, tất cả các vấn đề đều là do tập thể, do các lực lượng thuộc về cơ cấu xã hội, kinh tế, bạn thấy không! (Mặc dù những kẻ thái nhân cách và các cá nhân tâm lý bệnh hoạn khác đã thâm nhập vào cấu trúc xã hội, tạo thành một mạng lưới hỗ trợ lẫn nhau và đang bận rộn gây ra chính những vấn đề ấy!) Nhưng với những nhà sử học tin tưởng vào thuyết cấu trúc, bất cứ đặc điểm nào liên quan đến các cá nhân tạo thành cái cấu trúc ấy, mang lại cho nó sức mạnh và định hướng, đều bị gạt bỏ. Do đó, bất cứ hình mẫu nào có thể được nhận thấy tại các vị trí quyền lực mấu chốt đều mờ vào bức nền chung. Bằng cách hạ thấp tính năng của cá nhân riêng lẻ (như là Hitler), lý thuyết này cố tình làm ngơ trước những kết quả gây ra bởi một mạng lưới những cá nhân có đầu óc tương tự nhau (nhưng không bình thường): những kẻ thái nhân cách trong toàn bộ mạng lưới Quốc xã: SS, luật sư, ngân hàng, doanh nhân, tướng lãnh...

Giá mà không có những bất thường khốn kiếp ấy!

Theo lý thuyết này, Hitler là một bất thường của hệ thống: Một kẻ có sở thích ngẫu nhiên trùng hợp với bản chất của lực lượng "cấu trúc" đang diễn ra. Nhưng bất chấp sự phổ biến của nó, lý thuyết này không thể giải thích được bản chất lạ lùng của thời kỳ mà nó cố gắng nghiên cứu và giải thích. Trong tâm trí nhiều người, nước Đức của Hitler là một trong những trường hợp "ngoại lệ". Bản chất tàn bạo và không có tính người của chế độ Quốc xã - "hiện thực mới" mà người dân Đức và các nạn nhân của họ phải chịu đựng - trở nên rõ ràng cho tất cả thế giới thấy trong quá trình cuộc chiến, và nó làm cả nhân loại kinh hoàng. Như nguyên soái Đức và cũng là bị can tại Nuremberg, Wilhelm Keitel, nói với Gilbert, "Ông ta [Hitler] thúc đẩy cho sự đảo ngược hoàn toàn của các giá trị của nước Đức: sự tàn bạo và bất công trở thành đức tính 'cứng rắn'; sự tử tế và danh dự trở thành những yếu điểm đáng khinh."2 Khi Gilbert hỏi Rudolf Höss, tổng chỉ huy tại trại tập trung Auschwitz, có khi nào hắn nghĩ về việc liệu hàng triệu nạn nhân của hắn có đáng chịu số phận như vậy không, "hắn cố gắng kiên nhẫn giải thích rằng có điều gì đó không thực tế về câu hỏi như vậy, bởi vì hắn đã sống trong một thế giới hoàn toàn khác."3 Trong thế giới đó, các nhà lãnh đạo sở hữu những đức tính "cứng rắn và tàn bạo không khoan nhượng, tinh thần dân tộc pha với một chút hoang tưởng, lòng trung thành với người trong nhóm và thù địch với người ngoài nhóm. Lừa đảo, phản bội, hành hạ, giết người đều có thể được dung thứ trong cái khuôn mẫu ấy, và nhà lãnh đạo là người vượt trội trong tất cả các đức tính ấy."4

Như Gilbert sau này đã viết, những phiên xử án sau chiến tranh dẫn đến "sự phỏng đoán rộng rãi về tình trạng tâm lý của toàn bộ giới lãnh đạo Quốc xã".5 Sự phỏng đoán trong quần chúng này là dễ hiểu vì một người không thể hy vọng hiểu được hệ thống như Đức Quốc xã mà không có sự hiểu biết tốt về tâm lý cá nhân VÀ tâm lý xã hội. Người Đức đã trải nghiệm bàn tay sắt của hiện thực thái nhân cách ở cấp độ xã hội vĩ mô.

Như có thể đoán trước, các ý kiến học giả nhanh chóng phân cực giữa hai kết luận đều cực đoan và khó tin như nhau. Hoặc là toàn thể nước Đức Quốc xã đã hoàn toàn loạn trí (kiểu như nhân vật Norman Bates trong tiểu thuyết và phim Psycho), hoặc là họ chỉ là những người bình thường "làm theo mệnh lệnh". Lỗi nhận thức này (một mánh lới điển hình trong sổ tay kẻ thái nhân cách) vẫn còn phổ biến ngày nay. Và như thường lệ, sự thật không đơn giản như vậy: các lựa chọn khác nhau không loại trừ lẫn nhau. Như nhà sử gia về các ý tưởng José Brunner lưu ý, "chúng ta có thể nhận thấy một vùng rộng đến đáng ngạc nhiên của sự đồng thuận cơ bản" giữa hai ý kiến đối lập về những kẻ lãnh đạo Quốc xã là "bình thường hoặc thái nhân cách".6 Trong công trình của Gilbert (và sau này của Lobaczewski), một hiểu biết về chứng thái nhân cách, tâm lý bệnh hoạn nói chung và những ảnh hưởng bình thường của xã hội giúp đặt cuộc thảo luận ở một điểm giữa phù hợp với thực tế và dựa vào thực nghiệm nhiều hơn. Những "bất thường" như chế độ Đức Quốc xã liên quan đến một mạng lưới phức tạp những cá nhân thái nhân cách dẫn dắt và truyền cảm hứng cho cả hệ thống, cùng những cá nhân với nhiều loại tâm lý bệnh hoạn khác và những người bình thường bị dính vào ảnh hưởng mê hoặc của chúng. Trong khi các nhà lãnh đạo đóng vai trò quan trọng trong lịch sử, Gilbert viết:
... điều đó hoàn toàn không hàm ý rằng các nhà lãnh đạo tự họ tạo ra lịch sử... các lực lượng chính trị, kinh tế, xã hội, lịch sử... không tồn tại như những khái niệm trừu tượng, mà chỉ biểu hiện ra thông qua hành vi của con người... sự tương tác lẫn nhau giữa các nhân vật trọng yếu và các quá trình xã hội... cùng các tập tục văn hóa giúp xác định bản chất của bộ máy lãnh đạo chính trị, và rồi đến lượt bộ máy đó ảnh hưởng đến sự phát triển của mô hình văn hóa.7
Nuremberg Nazi trial
© USHMM Photo ArchivesCác bị cáo lắng nghe khi bên công tố bắt đầu đưa ra các tài liệu tại Tòa án Quân sự Quốc tế xét xử các tội phạm chiến tranh tại Nuremberg
Là sĩ quan và chuyên gia tâm lý nói tiếng Đức chịu trách nhiệm thẩm vấn tù nhân chiến tranh, Gilbert có khả năng tiếp cận chưa từng có và không giới hạn tới các bị cáo; như ông đã nói, "cơ hội cả đời có một lần để chứng minh sự tồn tại của tâm trí phát xít".8 Đợi xử án là những thành viên Đức Quốc xã hàng đầu như Phó Chủ tịch Đảng Quốc xã, Rudolf Hess; nhà triết học Quốc xã Alfred Rosenberg; bộ trưởng phụ trách vũ khí và đạn dược Albert Speer; đại tá SS và tổng chỉ huy trại Auschwitz, Rudolf Höss; và nguyên soái, tổng chỉ huy không quân, kiêm chủ tịch quốc hội, Hermann Göring. Các tội phạm chiến tranh giam giữ tại Nuremburg cung cấp cơ hội đầu tiên cho các nhà tâm lý học và tâm thần học nghiên cứu những thành viên quan trọng của thể chế chính trị tội phạm thối nát. Thật không may, như chúng ta đã thấy, đó là một cơ hội ngắn ngủi.

Vậy những kết luận của Gilbert là gì, và có điều gì nguy hiểm trong đó đến nỗi chúng phải bị gạt ra ngoài lề, tiêu diệt và bóp méo? Trước khi tôi trích dẫn một số điểm quan trọng nhất, sẽ là có ích nếu chúng ta xem xét những gì người khác nói về Đức Quốc xã vào thời điểm đó.

Trước khi Gilbert đến, người lãnh đạo bộ phận tâm thần học cho Khu vực Chiến sự Châu Âu Douglas M. Kelley được tiếp cận với các tù nhân trong thời gian ngắn ngủi là 5 tháng. Ông viết về trải nghiệm và kết luận của mình trong cuốn sách 22 Buồng giam ở Nuremberg (22 Cells in Nuremberg), xuất bản vào năm 1947. Cũng như Hannah Arendt, người sau này viết về vụ xử án Adolph Eichmann ở Israel và đặt ra thuật ngữ "sự tầm thường của cái ác" để mô tả vẻ bề ngoài bình thường, lãnh đạm và thờ ơ của Eichmann, Kelley xem các thành viên Đức Quốc xã về cơ bản là những người bình thường bị cuốn vào bộ máy quân sự và hành chính. Không tìm thấy bất cứ dấu hiệu tâm lý bệnh hoạn rõ ràng nào ở các bị cáo, ông kết luận chúng là "bình thường" và coi Chế độ Quốc xã hoàn toàn là một "căn bệnh văn hóa xã hội".9 Như vậy, những kẻ thái nhân cách, đứng ở cái khoảng giữa mơ hồ giữa sự bình thường và trạng thái điên rồ, đã lọt qua con mắt nghiên cứu của Kelley. Nói một cách ngắn gọn, Kelley đã bị lừa bởi cái mặt nạ của sự bình thường của chúng. Ông không lường được sự xảo trá của cái mặt nạ đó.

Trong khi Kelley đã sai về chẩn đoán thái nhân cách (theo quan điểm của ông, khá phổ biến hiện nay, tất cả mọi người đều là "bình thường" theo những mức độ khác nhau), ông có một số quan sát khá sâu sắc:
Những cá tính mạnh mẽ, thống lĩnh, hung hăng, ích kỷ như Göring, khác với bình thường chủ yếu ở chỗ thiếu vắng sự có mặt của lương tâm, không phải là hiếm. Họ có thể được thấy ở bất cứ đâu trong đất nước này [chỉ Hoa Kỳ] - ở trên những vị trí cao quyết định những vấn đề lớn như doanh nhân, chính trị gia, trùm mafia.10
Đáng chú ý là ông cũng viết rằng những cá tính đó "có thể xuất hiện ở bất cứ nước nào trên thế giới hiện nay" và rằng "chắc chắn có những cá nhân sẵn sàng trèo qua xác một nửa dân số Hoa Kỳ, nếu bằng cách đó, họ có thể thống trị nửa còn lại".11Ngày nay, chúng ta đang thấy câu này đúng đến mức nào.

Gilbert mô tả tường tận hơn:
... việc khắc sâu sự sợ hãi và thù địch đối với các nhóm bị coi là kẻ thù và khuyến khích sự hành hạ những kẻ bị đổ lỗi gây co thắt khả năng đồng cảm của con người và làm "nhờn đi" phản ứng của ngày càng nhiều cá nhân đối với sự hung hăng và bạo lực cực đoan. Sự co thắt của cảm xúc, kết hợp với lối tuyên truyền kiểu mệnh lệnh quân sự và sự hạn chế kiểm nghiệm thực tế bằng ý thức hệ, tạo ra sự thù địch vô lý có tổ chức. Nó không chỉ là vô biên trong khả năng phá hoại tiềm năng mà còn sinh ra một phản ứng tự hủy diệt bên trong nó... xu hướng của một hệ thống như vậy là rõ ràng: làm tê liệt lương tâm con người và sự kiểm nghiệm thực tế, cho phép những ý tưởng vô nghĩa lý mang tính thái nhân cách trở nên bình thường, và biến cá nhân bình thường trở thành thành viên không suy nghĩ của một xã hội chìm ngập trong sự hung hăng và bạo lực vô nghĩa lý.12
Điều đáng chú ý là Kelly thiết lập mối quan hệ thân thiết với Göring, kẻ sáng lập Gestapo và trại tập trung. Ông bị mê hoặc bởi sự thông minh, hấp dẫn và hình ảnh một người đàn ông gia đình của hắn. Nhân tiện, đây cũng là một số trong những phẩm chất mà nhiều nhân viên phụ trách nhân sự trong các doanh nghiệp nhầm lẫn là "phẩm chất lãnh đạo" tốt. Kelly thậm chí tự tử vào năm 1958 bằng cách sử dụng cùng phương pháp mà Göring dùng vào ngày trước khi hắn bị đưa ra hành hình - nuốt một viên thuốc độc cyanide.13 Cleckley đã từng nhận xét rằng các cô thư ký của ông luôn biết được bệnh nhân nào của ông là thái nhân cách - họ là những bệnh nhân duy nhất có thể thuyết phục ông cho mượn tiền. Có vẻ như Kelly cũng bị rơi vào vòng thao túng tình cảm của kẻ thái nhân cách. Ở đây tôi không muốn nói là Cleckley hay Kelley không có đủ hiểu biết sâu sắc, mà chỉ muốn nhấn mạnh khả năng đặc biệt của một kẻ thái nhân cách "thành công"!

Ngược lại, Gilbert chỉ rõ bản chất của chúng. Ông chẩn đoán Göring là một kẻ thái nhân cách "vị kỷ" và "đáng mến".14 Trong nhiều cuộc trò chuyện với Göring, Gilbert đưa ra nhiều quan sát sâu sắc và thường là khá buồn cười - mặc dù cũng gây nhiều suy nghĩ - về hắn. Những quan sát đó được ghi lại trong cuốn sách của ông. Do cuốn sách hiếm và rất khó kiếm, tôi thu thập những đoạn đáng chú ý nhất minh họa cho tính cách thái nhân cách của Göring dưới đây.

Herman Göring
© USHMM Photo ArchivesHerman Göring
Chân dung một kẻ thái nhân cách chính trị

Göring có đặc điểm bốc đồng, chỉ biết mình, hung hăng, luôn tìm cảm giác mạnh, không chịu được sự thất vọng, hấp dẫn bề ngoài, ăn nói trơn tru, không biết ăn năn, và nhẫn tâm - tất cả những đặc điểm nổi bật của chứng thái nhân cách. Hắn ít chú ý đến nguy hiểm, thừa nhận rằng "hắn không bao giờ tin có điều gì không hay có thể xảy đến với hắn", và hung hăng một cách độc ác, một tính cách mà "sự trừng phạt của cha hắn hoàn toàn không có hiệu quả." Người ta kể lại mẹ hắn từng nói, "Hermann sẽ trở thành một người vĩ đại hoặc một tên trùm tội phạm!" Ký ức đầu tiên của Göring mà hắn kể lại với Gilbert là "đấm mẹ hắn vào mặt bằng cả hai tay khi bà bế hắn lên sau khi đi vắng một thời gian dài, ở lứa tuổi lên ba." Lớn lên một chút, khi chơi đánh trận với chúng bạn, hắn cũng đập đầu bất cứ ai dám đặt câu hỏi về vai trò lãnh đạo của hắn, "để cho chúng nó biết rõ ai là chủ."15

Như Gilbert mô tả, Göring có "tính cách hiếu chiến một cách tàn nhẫn", "vô hồn về tình cảm và một tính hài hước biến thái, dẫn đến sự táo bạo bề ngoài và sự đồi bại đạo đức bên trong".16 Tuy nhiên, hắn "trưng ra một vẻ bề ngoài cực kỳ dễ mến và vui tính"; đó là cái "mặt nạ của sự bình thường" mà hắn sử dụng bất cứ lúc nào cần thiết. Hắn có chỉ số IQ rất cao là 138, và "khi được cho biết rằng hắn có chỉ số IQ cao nhất trong số các tội phạm chiến tranh Đức Quốc xã [tại Nuremberg], hắn ca ngợi sự tuyệt vời của phương pháp cho điểm tâm lý Mỹ. Nhưng về sau, khi nghe nói Schacht và Seyss-Inquart vượt hắn trong bài thi IQ, hắn quay ra khinh miệt sự thiếu tin cậy của bài kiểm tra." Tuy nhiên, Gilbert quan sát rằng trí thông minh của hắn được đặc trưng bởi "nhận thức hời hợt bề ngoài, chứ không phải khả năng sáng tạo xuất sắc".17

Khi còn trẻ, hắn gia nhập quân đội một cách tự nhiên, vì nó cung cấp một lối thoát cho bản tính hung hăng, xu hướng thống trị và khoe mẽ của hắn. Nhận thức được bản chất hệ thống cấp bậc quân sự, hắn cực kỳ phục tùng cấp trên, biết rằng "một ngày nào đó hắn cũng có thể bắt cấp dưới phục tùng như vậy". Giống như một kẻ thái nhân cách doanh nghiệp hiện đại, Göring xác định những người mà hắn cần lấy lòng (ví dụ các giảng viên sĩ quan tại học viện quân sự) và những người hắn có thể đối xử không ra gì mà vẫn không bị sao (ví dụ các giảng viên dân sự). "Göring giải thích một cách đơn giản... rằng các giảng viên sĩ quan có thể trừng phạt bạn, trong khi các nhân viên dân sự chỉ có thể đe dọa bạn, hay ngớ ngẩn hơn nữa, kêu gọi ý thức đạo đức của bạn." Mô hình kiểu mẫu của một chính trị gia tham nhũng, Göring nhận hối lộ và quản lý thành công các "lợi ích kinh doanh" của hắn (ví dụ buôn bán vũ khí). Gilbert ghi lại, "trong Thế Chiến I, Göring phát hiện được ý tưởng nguy hiểm và định mệnh rằng chiến tranh có thể mang lại cả vinh quang và lợi nhuận cho kẻ nào đủ liều lĩnh, vô đạo đức và dễ mến". Như chính Göring đã nói với Gilbert, "Dân chủ là một ý tưởng cực kỳ ghê tởm đối với tôi... Tôi gia nhập đảng chính là vì nó đang làm cách mạng, chứ không phải vì mấy cái hệ tư tưởng. Các đảng khác cũng đã làm cách mạng, vì vậy tôi nghĩ tôi cũng có thể gia nhập một cái!"18

Tóm lại, Göring đã khai thác hệ tư tưởng và cấu trúc của chủ nghĩa Quốc xã cho tham vọng cá nhân, sự tham lam và khát vọng quyền lực của hắn. Tuy vậy, hắn vẫn hỗ trợ Hitler một cách dường như mù quáng. Tại sao? Đây là câu hỏi làm bối rối nhiều nhà nghiên cứu thái nhân cách và thậm chí khiến họ nghi ngờ kết luận về việc kẻ thái nhân cách có thể duy trì vị trí ổn định trong hệ thống chính trị và doanh nghiệp hay không. Suy cho cùng thì kẻ thái nhân cách nổi tiếng là ích kỷ và bốc đồng. Chúng không trung thành với bất cứ ai và nhanh chóng phản bội những người được gọi là "đồng nghiệp" và "bạn bè" của chúng. Nhưng với những kẻ thái nhân cách thông minh như Göring, tuân lệnh cấp trên không phải đơn thuần là lòng trung thành. Đấy chỉ là nói miệng để cho phép chúng thu lợi ích trong môi trường hiện tại của chúng. Cũng giống như Karl Rove và George Bush trong thời hiện đại - Rove đóng vai trò tên thủ hạ xảo quyệt của hắn bởi vì đấy là chỗ mà hắn thu được nhiều lợi ích nhất. Hay cũng giống như việc những kẻ thái nhân cách thường tuân thủ luật lệ nhà tù để được tha bổng hay nhận án nhẹ hơn, thậm chí giả vờ cải đạo, chúng sẽ hoạt động trong một cấu trúc chính trị như chế độ Quốc xã bởi vì chúng thu được lợi ích khi làm vậy. Trong khi ở xã hội bình thường, kẻ thái nhân cách bị đàn áp bởi số đông không thái nhân cách vì những hành vi và thái độ chống đối xã hội của chúng, trong một hệ thống như chế độ độc tài Quốc xã, các quy tắc đã thay đổi. Với một xã hội mà chúng ở vị trí quyền lực cao nhất, chúng sẽ duy trì xã hội đó để thu lợi, ngay cả khi việc đó có nghĩa là phải phục tùng một kẻ cuồng tín ảo tưởng như Hitler.

Tuy nhiên, trong khi liên minh có thể được tạo ra và duy trì trong một hệ thống như vậy, còn có một động lực khác. Tự quảng bá và hại người khác từ sau lưng cũng là một phần của cuộc chơi. Và Göring là bậc thầy. Tại Nuremburg, hắn liên tục thể hiện biệt tài lươn lẹo, trốn tránh trách nhiệm và đổ lỗi cho người khác, bộc lộ bản chất thực của cái gọi là "lòng trung thành" của hắn. Hắn bị bắt quả tang với nhiều mâu thuẫn hiển nhiên và sự dối trá trong lời khai của hắn. Hắn cũng rất nhanh nhẹn trong việc tố cáo các thành viên Quốc xã khác, la hét những lời lăng mạ thường xuyên ví dụ như sau:
"Roehm! Đừng có nói với tôi về con lợn đồng tính bẩn thỉu ấy nữa! Đấy thực sự là một lũ cách mạng biến thái khốn kiếp! Chúng là những kẻ khiến Đảng trông như một đám lưu manh, với những bữa tiệc tùng đồi bại, đánh đập người Do Thái trên đường phố và đập phá cửa hàng của chúng! ... Bọn SA ấy đúng là một băng đảng cướp đồi bại! May mà tôi đã quét sạch bọn chúng, không thì bọn nó đã quét sạch chúng tôi!"
Tuy nhiên, như Gilbert đã chỉ ra, "Tất nhiên, đấy là cùng một đám lưu manh mà Göring đã huấn luyện võ nghệ."19 Nghe có vẻ hơi giống các chuyên gia Mỹ vẫn chửi bới đám "khủng bố Hồi giáo" mà họ tài trợ và huấn luyện trong những năm 70 và 80 phải không? Đồng minh chỉ là đồng minh khi nào nó còn có lợi. Ngay khi nó không còn như vậy nữa, không thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra. Gilbert cũng quan sát được chiến thuật thao túng "chia để trị" của Göring:
Thật là thú vị khi so sánh ghi chép với một số sĩ quan khác cũng làm việc với hắn trong thời gian này, để thấy hắn nói xấu các nhà tâm lý học với bác sĩ tâm thần và ngược lại, trong khi xu nịnh với từng bên. Ở phòng chung của tù nhân, nơi duy nhất bây giờ hắn có thể gặp người khác, hắn cũng lặp lại chiến thuật này với tù nhân quân sự chống lại dân thường, người xứ Phổ chống lại người xứ Bavaria, người Tin lành chống lại người Công giáo và luôn luôn ngược lại nữa, trong khi mỉm cười với từng bên một, nhưng lại tìm kiếm sự đồng cảm bằng cách tỏ ra khinh miệt họ sau lưng với các thành viên của nhóm đối lập... Cuối cùng, khi Speer thực hiện màn tố cáo ngoạn mục chống lại Hitler và Göring, Göring phản ứng theo kiểu xã hội đen điển hình, đe dọa sẽ thuê người giết Speer nếu hắn còn sống ra khỏi tù.20
Sau khi xem bằng chứng trên phim về sự tàn bạo của chế độ Quốc xã, nhiều bị cáo gục xuống khóc vì xấu hổ, nhưng Göring có một phản ứng khác:
"Đấy cũng là một buổi chiều thật tuyệt, cho đến khi họ chiếu cuốn phim ấy. Họ đang đọc các cuộc nói chuyện điện thoại của tôi về vụ Áo, và mọi người đều cười với tôi. Ấy thế mà họ chiếu cuốn phim chán chết ấy, và nó làm hỏng hết cả bầu không khí."21
Vào ngày 18/4/1946, Göring cho Gilbert một cái nhìn thoáng qua đằng sau chiếc mặt nạ thái nhân cách phát xít của hắn, trong câu nói nổi tiếng được trích ở bài viết trước trong loạt bài này. ("Tất cả những gì bạn phải làm là bảo rằng họ đang bị tấn công, và kết tội những người mong muốn hòa bình là không yêu nước, là gây nguy hại cho đất nước. Cách làm ấy giống nhau ở mọi quốc gia.") Và vào một dịp khác, hắn nói:
"Anh muốn nói gì, đạo đức... lời hứa danh dự?" Göring khịt mũi. "Chắn chắn là anh có thể nói về lời hứa danh dự khi anh hứa sẽ giao hàng trong kinh doanh. Nhưng khi nó là vấn đề lợi ích quốc gia!? Phù! Khi đó đạo đức dừng lại. Đấy là điều mà nước Anh đã làm hàng thế kỷ nay; Mỹ cũng đã làm vậy; và Nga vẫn đang làm việc đó!... Khi một quốc gia có cơ hội cải thiện vị trí của nó vì sự yếu kém của nước láng giềng, anh có nghĩ rằng nó sẽ dừng lại vì muốn giữ một lời hứa không? Nghĩa vụ của một chính khách là lợi dụng những tình huống như vậy cho lợi ích của đất nước mình!"22
Göring hoàn toàn tin vào thế giới quan "luật rừng" của những kẻ thái nhân cách. Đối với hắn, cũng như đối với những kẻ thái nhân cách đang đưa ra mệnh lệnh trong chính sách đối ngoại dựa trên "cuộc chiến tranh chống khủng bố" ngày nay, "chiến tranh phòng ngừa, chiến tranh xâm lược, chính trị và hòa bình, tất cả đều chỉ là các khía cạnh khác nhau của cùng một cuộc đấu tranh dành quyền lực tối cao. Đó cũng là bản chất của sự vật, và phần thưởng sẽ dành cho quốc gia mạnh nhất với nhà lãnh đạo thông minh nhất."23 Đây là thực tế đích thực đằng sau màn tuyên truyền chính trị về "lợi ích quốc gia" được đưa ra cho công chúng trên thế giới. Kết luận nguy hiểm nhất của Gilbert cũng thẳng thừng như vậy:
"Không còn nghi ngờ gì nữa, các cá nhân thái nhân cách đóng một vai trò quan trọng trong những biểu hiện chính của bệnh hoạn xã hội, đặc biệt khi chúng đạt được vị trí lãnh đạo trong các nhóm và phong trào xã hội. Điều quá rõ ràng là chúng đã đóng vai trò quyết định trong hạt nhân cách mạng của phong trào Quốc xã, và do đó quyết định hành vi của chính phủ Đức Quốc xã."24
Đó là những gì ông kết luận và ông viết nó trong cuốn sách. Đấy là lý do tại sao không ai nghe nói đến ông, tại sao không một nghiên cứu hay kết luận nào của ông được áp dụng trong thực tế chính trị trên toàn thế giới, và tại sao các bị cáo Nuremberg phải chết. Đấy là lý do tại sao các nhà tâm lý học chính trị vẫn tập trung vào kiểm nghiệm "thành kiến chính trị giữa các cử tri" và những thứ vụn vặt khác không liên quan gì đến vấn đề thực sự quan trọng. Và đấy là lý do tại sao cái duy nhất mà người ta nhớ về những kẻ Đức Quốc xã ở Nuremberg là giao thức Rorschach!

Mọi thứ vẫn nguyên xi

Có thể nói tất cả các lý thuyết phổ biến hiện nay nhằm mục đích giải thích nguồn gốc của cái ác đều sai lầm. Không có một "tâm trí Quốc xã" nào, cũng như không có "tâm trí Hồi giáo", hay thậm chí "tâm trí phương Tây hay tâm trí Hoa Kỳ" nào là nguồn gốc của mọi cái ác. Chiến đấu chống lại "Hồi giáo" hay thậm chí "chủ nghĩa đế quốc Mỹ" sẽ không đưa chúng ta đi đến đâu cả. Thực tế là những kẻ thái nhân cách tồn tại trong tất cả các nhóm người và chúng đóng vai trò hạt nhân trong sự thoái hóa của chính trị, trong việc đạt được sự ủng hộ của công chúng. Nói tóm lại, chính những cá tính mà chúng ta cho rằng là điển hình của một chính trị gia là cá tính của kẻ thái nhân cách. Chúng có mặt trong tất cả mọi chính phủ, và, khi có điều kiện thích hợp, chúng tạo ra và duy trì các hệ thống áp bức mà chúng ta biết đến dưới nhiều nhãn hiệu khác nhau: chủ nghĩa phát xít, chế độ độc tài, chế độ cai trị độc đoán, chế độ cộng sản, chủ nghĩa thần quyền, và thậm chí chế độ dân chủ. Chừng nào chúng ta còn tập trung vào cái nhãn hiệu, chúng ta còn bỏ qua nguyên nhân thực sự, và chúng ta lại tiếp tay cho bọn chúng.
Psychopaths rule our worlds
Những kẻ thái nhân cách cai trị thế giới chúng ta: 6% dân số thế giới là những kẻ thái nhân cách di truyền bẩm sinh. Bạn có biết điều đó nghĩa là gì không?
Dịch từ bản tiếng Anh: Ponerology 101: Psychopathy at Nuremburg

Chú thích
  1. Trích dẫn trong Gustav Gilbert's The Psychology of Dictatorship (New York: Ronald, 1950), 298.
  2. Ibid., 220.
  3. Ibid., 255.
  4. Ibid., 294.
  5. Trích dẫn trong Miale & Selzer's The Nuremburg Mind: The Psychology of the Nazi Leaders (New York: New York Times Book Co., 1975), xi.
  6. Jose Brunner, "Oh Those Crazy Cards Again": A History of the Debate on the Nazi Rorschachs,1946 - 2001," Political Psychology 22(2), 2001, 237.
  7. Gilbert, op cit., 303, 4, 5, 7.
  8. Ibid., xii.
  9. D. Kelley, 22 Cells in Nuremberg: A Psychiatrist Examines the Nazi War Criminals (New York: Greenberg, 1947), 12.
  10. Ibid., 171.
  11. Trích dẫn trong Brunner, op cit., 240.
  12. Gilbert, op cit., 309.
  13. Brunner, op cit., 242.
  14. McCord và McCord, The Psychopath (New York: D. Van Nostrand., 1964), 34-35.
  15. Gilbert, op cit., 84 - 88.
  16. Ibid., 109, 88.
  17. Ibid., 107-8.
  18. Ibid., 89-93.
  19. Ibid., 96.
  20. Ibid., 115.
  21. Ibid., 110.
  22. Ibid., 116.
  23. Ibid., 116.
  24. Ibid., 286