Chelyabinsk meteor
© Neuromainker via YouTube/Screenshot by Irene Klotz for Discovery NewsĐây là thiên thạch nổ tung trên bầu trời Chelyabinsk, Nga năm 2013 với sức nổ bằng 30 lần quả bom nguyên tử Hiroshima.
Các nhà khoa học phát hiện một thiên thạch lớn chỉ 24 giờ trước khi nó sượt qua Trái Đất.

Thiên thạch mang tên 2017 AG13 cao 25-35 m, bằng một tòa nhà 10 tầng, được phát hiện lần đầu tiên vào tối 8/1 qua chương trình Khảo sát Bầu trời Catalina của Đại học Arizona, Mỹ, theo News.com.au. Ở vị trí gần nhất, 2017 AG13 chỉ cách Trái Đất 193.000 km, bằng một nửa khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng. Thiên thạch này di chuyển với tốc độ 16 km/giây.

"2017 AG13 di chuyển rất nhanh, rất gần chúng ta. Nó có quỹ đạo hình elip và đi ngang qua quỹ đạo của hai hành tinh, sao Kim và Trái Đất", Eric Feldman, nhà thiên văn học ở trang web thiên văn Slooh, cho biết.

Theo Feldman, 2017 AG13 có kích thước tương đương thiên thạch phát nổ trên bầu trời Chelyabinsk, Nga, năm 2013. Vụ nổ làm vỡ cửa kính và gây thiệt hại nhỏ cho các tòa nhà trong khu vực rộng lớn. Hơn 1.000 người bị thương do những mảnh vỡ văng ra.

Lần đến gần Trái Đất tiếp theo của thiên thạch 2017 AG13 là ngày 28/12. Nếu đi qua khí quyển Trái Đất, thiên thạch này sẽ phát nổ với sức nổ 700 kiloton.

Các thiên thạch khác nhau về kích thước, độ sáng và quỹ đạo nên nhiều vật thể rất khó phát hiện và theo dõi. Chúng có thể đạt đường kính từ vài mét đến vài kilomet, tạo thành từ băng, bụi đất hoặc kim loại.

Hiệp hội Hành tinh học cho biết mới chỉ có 60% vật thể gần Trái Đất lớn hơn 1,5 km được nhận biết. Số lượng vật thể nhỏ hơn lớn gấp nhiều lần. Trung bình 5 thiên thạch mới được phát hiện mỗi ngày.