Bernie Madoff
Bernie Madoff, kẻ thái nhân cách Phố Wall
Một kẻ thái nhân cách Phố Wall?

Năm 1960, Bernie Madoff thành lập công ty Phố Wall của hắn, Công ty Đầu tư Chứng khoán Bernard L. Madoff. Là chủ tịch hội đồng quản trị cho đến khi bị bắt vào tháng 12/2008, Madoff đã chứng kiến công ty (và bản thân hắn ta) đạt tiếng tăm lừng lẫy trên Phố Wall với thành tích phát triển công nghệ mà sau này trở thành NASDAQ, sàn giao dịch chứng khoán điện tử đầu tiên và lớn nhất ở Mỹ. Là một triệu phú với tài sản hơn 800 triệu đô la chung giữa hắn và vợ, Ruth Alpern, Madoff nổi danh là một người cầm đầu trong lĩnh vực tài chính và nhà từ thiện hào phóng. Hắn toát ra hòa quang của sự giàu có, tự tin và quen biết rộng, và nhiều người tin tưởng hắn như một trụ cột của cộng đồng. Nghe có vẻ như một con người tuyệt vời phải không?

Hình ảnh nhà từ thiện của hắn được hỗ trợ bởi việc hắn làm cho nhiều tổ chức phi lợi nhuận như Quốc hội Do thái Mỹ (American Jewish Congress) và Đại học Yeshiva ở New York, những ban chấp hành và hội đồng quản trị mà hắn là thành viên, cùng hàng triệu đô la hắn hiến tặng cho mục đích giáo dục, chính trị, văn hóa và y tế. Như trang web công ty hắn khi đó ghi rõ (bây giờ đã bị xóa bỏ): "Khách hàng biết rằng mong muốn cá nhân của Bernard Madoff là duy trì lịch sử không một tỳ vết của phong cách làm việc ngay thẳng và tiêu chuẩn đạo đức cao, điều luôn luôn gắn liền với công ty." Thật buồn cười khi mọi việc thay đổi với một thay đổi nhỏ trong cách nhìn và nó chỉ trở nên rõ ràng khi nhìn lại. Mãi cho đến tháng 12/2008, công chúng mới biết rằng "mong muốn cá nhân" này hoàn toàn chẳng liên quan gì đến tiêu chuẩn đạo đức cao và cái hình ảnh đó không còn bị nhầm lẫn với thực tế nữa.

Trong cuộc thảo luận với Joanne Lipman, tổng biên tập tạp chí Condé Nast Portfolio, Elie Wiesel, người sống sót từ vụ Holocaust, từng đoạt giải Nobel và là nạn nhân của Madoff, đã nói: "Tôi nhớ hắn tạo ra một huyền thoại xung quanh hắn... rằng mọi thứ đều rất đặc biệt, có một không hai, rằng nó phải được giữ bí mật. Nó như một thứ thần thoại huyền bí mà không ai có thể hiểu được... Hắn tạo ra ấn tượng rằng có lẽ chỉ khoảng 100 người được là khách hàng của hắn. Bây giờ chúng ta biết rằng hàng ngàn người đã bị lừa bởi hắn."1

Trong cái được mô tả là vụ gian lận đầu tư lớn nhất từng được thực hiện bởi một cá nhân, Madoff lừa đảo hàng ngàn nhà đầu tư số tiền gần 65 tỷ đô la trong một kế hoạch Ponzi tinh xảo. Hắn thanh toán lợi nhuận cho các nhà đầu tư từ số tiền trả bởi những nhà đầu tư mới khác chứ không phải từ lợi nhuận thực tế. Bằng cách di chuyển tiền như vậy, Madoff tạo ra một ảo ảnh về lợi nhuận sánh ngang với hình ảnh nhân vật đạo đức tốt của hắn. Ảo ảnh của tỷ lệ lợi nhuận cao và đều đặn đã nhử được hàng ngàn người vào chương trình đầu tư tốt đến mức không tưởng, cung cấp bởi một con người tốt đến mức không tưởng. Theo tường thuật bởi các phương tiện truyền thông, Madoff miêu tả quỹ đầu tư ấy là một "sự dối trá to lớn" với các con trai hắn, và họ nhanh chóng thông báo với nhà chức trách. Madoff bị bắt ngày hôm sau và tài sản của hắn bị niêm phong (cũng như tài sản của vợ và các con hắn sau này). Kết cục là Madoff đã thành công trong việc hủy hoại cuộc sống của hàng ngàn người, đẩy một số nạn nhân đến con đường tự sát. Cuối cùng hắn chấp nhận đã phạm 11 tội trong đó có gian lận, rửa tiền, khai man. Mặc dù Madoff điều hành công ty của hắn với bàn tay sắt và tuyên bố chỉ có mình hắn chịu trách nhiệm về việc lừa đảo khách hàng, các nhà điều tra vẫn chưa hài lòng với lời giải thích làm sao một người duy nhất có thể che giấu sự gian lận trên quy mô lớn đến như vậy và trong thời gian dài như vậy. Quá trình điều tra sau đó đã đặt sáu cộng sự cũ của Madoff vào vòng điều tra hình sự,2 và nhiều vụ kiện khác đang diễn ra chống lại Ruth Madoff và các con trai bà ta.3

Vậy hắn đã thực hiện nó như thế nào? Jerry Reisman, một luật sư New York nổi tiếng, mô tả Madoff là "cực kỳ hấp dẫn. Ông ta là bậc thầy trong nghệ thuật gặp gỡ mọi người và tạo ra một vầng hào quang. Mọi người nhìn ông ta như một siêu anh hùng."4 Ngay cả khi hắn đang cố kiếm đủ tiền để duy trì kế hoạch gian lận ngõ cụt của hắn, các cộng sự cũng không nhận thấy dấu hiệu căng thẳng nào. Trong một cuộc nói chuyện bàn tròn vào năm 2007, có thể xem được trên Youtube5, Madoff có một số nhận xét đáng chú ý. Nói về các công ty hối đoái hiện đại, hắn thản nhiên tuyên bố, "Nói chung, trong môi trường pháp lý ngày nay, hầu như không thể vi phạm pháp luật được. Đây là điều mà công chúng thực sự không hiểu... Không thể có chuyện vi phạm pháp luật mà không bị phát hiện. Chắc chắn không thể làm chuyện đó trong một thời gian dài." Đấy là những lời từ một kẻ đã làm việc đó trong nhiều năm trời và có thể là hàng thập kỷ! Không có gì ngạc nhiên, do xu hướng gian lận của hắn, Madoff và công ty hoạt động cực kỳ bí mật, luôn tìm cách giấu kín các hoạt động bất hợp pháp của chúng, ví dụ như từ chối không cho khách hàng xem thông tin tài khoản trên mạng và ra lệnh cho nhân viên xóa email sau khi đã in ra giấy mặc dù điều đó trái với quy định, như Lucinda Franks tường thuật trên bài viết của cô trên trang The Daily Beast.6

Trái với cái mặt nạ lừng lẫy trưng ra cho công chúng ấy, theo một bài viết bởi Mark Seal cho tờ Vanity Fair7, nhiều bạn bè của gia đình và người trong nội bộ đưa ra hình ảnh của Madoff là một kẻ lạnh lùng, thích kiểm soát mọi thứ, không chỉ khai thác những người xa lạ mà cả người thân cận với hắn. Hắn nuôi dưỡng quan hệ có vẻ như tình bạn thân với những người như Norman F. Levy và nhà từ thiện Carl J. Shapiro, và sau đó cướp trắng của họ. Madoff nói về Levy là "người đỡ đầu trong suốt 40 năm" và luôn vị nể ông ta. Đổi lại, Levy coi Madoff "như con, một thành viên trong gia đình". Carmen Dell'Orefice, bạn gái của Levy kni đó, nhớ lại, "Hắn luôn làm rất nhiều để Norman được thoải mái, đến cả những chi tiết nhỏ nhất." Bà mô tả Madoff và vợ hắn ta là những người ít nói, kín đáo, và bị lâm vào tình trạng nhận thức trái ngược mà các nạn nhân của kẻ lừa đảo như Madoff thường trải qua khi sự thật sau cái hình ảnh bên ngoài cuối cùng được hé lộ: "Tôi đang dần chấp nhận rằng cái mà tôi đã thấy chỉ là cái mặt nạ của những thứ không tồn tại bên dưới... Nếu tôi không chụp tất cả những bức ảnh mà tôi chụp trong bao năm ấy, tôi sẽ tự nói 'Carmen, mày điên mất rồi.'" Francis, con của Levy, nói cha ông tin vào Madoff: "Nếu có một người đáng kính, " Levy đã nói, "đó là Bernie." Joseph Kavanu, một bạn học trong trường luật với Madoff cũng chia sẻ sự hoài nghi tương tự với Julie Creswell và Landon Thomas Jr. trong bài viết trên tờ Thời báo New York: "Thật là vô lý... Tôi không thể lấy hình ảnh Bernie tôi biết và biến nó thành Bernie mà chúng ta nghe suốt ngày đêm trên đài báo được. Nó không đúng chút nào." Trên thực tế, có hai Madoff: một hình ảnh được trau dồi kỹ lưỡng của một doanh nhân và nhà từ thiện thành đạt; và thực tế: một tên tội phạm tàn nhẫn, không ăn năn, kẻ hoạt động đằng sau chiếc mặt nạ của sự thành công và nhân đạo.

Một nguồn tin mô tả với Seal cách Madoff cai trị hai con trai của hắn thông qua "lòng yêu thương roi vọt và sự sợ hãi. Mọi người đều sợ Madoff. Ông ta rất biết sử dụng ảnh hưởng của mình. Mọi người sợ cả tính khí của ông ta." Hắn cai trị văn phòng của hắn với bàn tay sắt, kiểm soát môi trường làm việc đến từng chi tiết nhỏ nhất. Hắn bị ám ảnh với trật tự và sự kiểm soát. Một người bạn của gia đình kể lại, "Có rất nhiều sự kiêu ngạo trong gia đình đó. Bernie có nói chuyện với những người cũng giàu có như ông ta, nhưng ông ta không muốn tốn hơi với những người bé nhỏ bình thường." Một người trong cuộc khác nói, "Ông ta là vua, ngồi trên tất cả. Nếu ông ta không thích cuộc trò chuyện, ông ta đơn giản đứng dậy và bỏ đi. Thái độ của ông ta là, 'Tôi là Bernie Madoff, còn anh không phải.'" Một người khác nói, "Peter [anh trai của Madoff] thiên về đạo hơn, bình dị hơn. Bernie thì tự mãn, kiêu ngạo và phô trương hơn. Ranh ma như một con cáo."

Từ sự mô tả của những người biết và tương tác với hắn, chúng ta thấy hình ảnh của một Bernie Madoff kiêu ngạo, hấp dẫn bên ngoài, miệng lưỡi trơn tuột, dối trá, lạnh lùng về tình cảm, độc đoán và nhẫn tâm, tóm lại, tất cả những điểm nổi bật của một kẻ thái nhân cách thành công. Không có gì đáng ngạc nhiên khi cả các nhà báo và chuyên gia đều đã gợi ý đúng điều đó. J. Reid Meloy, nhà tâm lý học pháp y và tác giả cuốn sách Tâm trí Kẻ Thái nhân cách (The Psychopathic Mind), nhà tâm lý học pháp y ở Florida Phil Heller và cựu nhân viên FBI Gregg McCrary đều đã nói như vậy trong văn bản.8,9 Nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng bao gồm cả Adrian Raine cũng nói vậy trong cuộc hội thảo của Hội Nghiên cứu Khoa học về Chứng thái nhân cách năm 2009 tại New Orleans. Theo cách mà trong loạt bài này tôi sẽ cho bạn thấy là điển hình cho những kẻ thái nhân cách, Madoff trèo lên đỉnh bằng cách nịnh bợ các nhà quản lý chính quyền, xây dựng khối tài sản khổng lồ của hắn bằng việc lừa gạt những người mà hắn cho là vô giá trị, thậm chí chơi cả những người được gọi là bạn bè hắn. Tuy nhiên, như Meloy nói với Creswell và Thomas, "gót chân Achilles của kẻ thái nhân cách là cảm giác có thể làm mọi điều mà không bị trừng phạt. Đấy là thứ cuối cùng sẽ kéo hắn xuống."

Thái nhân cách là gì?

Cho đến khi cuốn sách kinh điển của Hervey Cleckley, Mặt nạ của Sự Bình thường (The Mask of Sanity), được xuất bản vào năm 1941, không có quan điểm chung về định nghĩa chính xác của chứng thái nhân cách. Thuật ngữ đó được dùng để mô tả những cá nhân mà cuộc sống tình cảm và hành vi xã hội đều bất thường, nhưng năng lực trí tuệ hoàn toàn bình thường. Ngược lại với các bệnh nhân tâm thần nơi mà khả năng nhận thức thực tại rõ ràng là bị xáo trộn, như bệnh tâm thần phân liệt hoang tưởng, kẻ thái nhân cách hoàn toàn bình thường về mặt nhận thức. Chúng có khả năng nhận thức thực tại rõ ràng, có thể nói chuyện một cách thoải mái, và thường là tỏ ra bình thường hơn cả người bình thường. Nhưng trong khi nói chuyện với bạn về thời tiết hay nền kinh tế, chúng có thể đang suy tính cách tốt nhất để lừa lấy khoản tiền bạn tiết kiệm cả đời, hay có thể là đưa bạn đến một nơi hẻo lánh nơi mà chúng có thể hãm hiếp hay giết bạn.

Trong khi kẻ thái nhân cách có thể nhận thức về mặt trí tuệ rằng những hành vi của chúng vi phạm trắng trợn các giới hạn về hành vi bình thường của con người, chúng thiếu sự liên hệ tình cảm với người khác, thứ bình thường có tác dụng kiềm chế những hành vi chống đối xã hội, như gây sự, đe dọa có chủ ý, nói dối một cách bệnh hoạn và thao túng tình cảm người khác. Trong quá trình phát triển của hắn (hoặc ả, vì khoảng một trong mỗi bốn kẻ thái nhân cách là phụ nữ), việc không có khả năng trải nghiệm cảm xúc và do vậy không liên hệ được với cảm xúc của người khác đã ngăn chặn sự phát triển của "ý thức đạo đức", thứ cho phép người bình thường quan tâm đến người khác và đối xử họ như những sinh linh có suy nghĩ và cảm xúc. Những kẻ thái nhân cách đơn giản là không quan tâm. Đối với chúng, mọi người chỉ là những vật thể, những đối tượng. Khi họ không còn hữu ích, họ có thể bị loại bỏ hay phá hủy không một chút đắn đo.

Sự tương phản như ngày với đêm giữa khuôn mặt hoàn toàn bình thường (nếu không muốn nói là hơn cả bình thường) mà kẻ thái nhân cách trưng ra với thế giới và vực sâu không đáy của sự phi lý và không có tính người của những hành vi của chúng đã khiến khiến người ta gọi chúng với những cụm từ như "sói đội lốt cừu" và "rắn độc mặc complê". Cleckley đặt ra cụm từ "mặt nạ của sự bình thường" để minh họa sự khác nhau giữa hình ảnh bình thường bên ngoài và bản chất bất bình thường của kẻ thái nhân cách. Trong khi từ thái nhân cách gần như chỉ toàn được dùng cho những kẻ giết người, hiếp dâm hàng loạt, và những nhân vật siêu phản diện khác, Cleckley nhanh chóng chỉ ra rằng đại đa số kẻ thái nhân cách là không bạo lực, và "chỉ một phần nhỏ những kẻ thái nhân cách điển hình là bị vào tù hay trại cải tạo, bởi vì kẻ thái nhân cách điển hình... không thường hay phạm các tội ác lớn mà có thể dẫn đến án tù lâu dài."10 Những hành vi chống đối xã hội của chúng thường là theo kiểu chúng vi phạm những "quy tắc" cư xử xã hội mà hầu như tất cả mọi người đều ngầm đồng ý tuân theo. Tất nhiên, điều này thường diễn ra dưới dạng một tội ác, nhưng nhiều kẻ thái nhân cách hoạt động thành công trong giới hạn của luật pháp, gây ra sự tàn hại về tình cảm và tiền bạc.

Sau hàng năm trời thường xuyên gặp phải những kẻ thái nhân cách trong khám chữa bệnh lâm sàng và chứng kiến sự đau khổ lớn lao mà chúng gây ra cho những người rơi vào phạm vi ảnh hưởng của chúng, Cleckley xác định được một số đặc điểm chung của chúng. Một mặt, kẻ thái nhân cách bề ngoài có vẻ hấp dẫn và thông minh. Chúng không có bất kỳ hoang tưởng hay dấu hiệu suy nghĩ bất thường nào khác, và cũng hoàn toàn không bị căng thẳng hay lo âu. Nói một cách khác, chúng thể hiện một hình ảnh "sức khỏe tinh thần tốt" có thể lừa cả những người có kinh nghiệm nhất trong việc đánh giá người khác. Tuy nhiên, phân tích kỹ lưỡng lịch sử và sự tương tác của chúng với người xung quanh tiết lộ một số thiếu hụt nổi bật dưới cái mặt nạ đó. Kẻ thái nhân cách nổi tiếng là không thành thật, thoải mái chèn thêm các lời dối trá và ám chỉ trong câu chuyện chúng tuôn ra mà thường là không bị phát hiện. Chúng thường bốc đồng, hành động theo những ý tưởng bất chợt, và có vẻ như sống hoàn toàn cho hiện tại, không bị ảnh hưởng bởi lo ngại về thất bại trong quá khứ hay hậu quả trong tương lai. Do vậy chúng thường thể hiện khả năng xét đoán rất kém và không có khả năng rút kinh nghiệm từ hình phạt hay nguy cơ bị trừng phạt trong tương lai (những kẻ tội phạm thái nhân cách có tỷ lệ tái phạm cao nhất trong cộng đồng tội phạm). Chúng không đáng tin cậy, thường di chuyển từ công việc này sang công việc khác, từ thành phố này sang thành phố khác, tìm kiếm nạn nhân mới và sống ký sinh trên lòng tốt và sự ngây thơ của người khác. Chúng còn có ý thức quyền lợi đến bệnh hoạn. Là trung tâm vũ trụ trong suy nghĩ của bản thân, chúng không có khả năng yêu thương, không có bất kỳ cảm giác hối hận hay xấu hổ, và thể hiện một cuộc sống tình cảm nói chung là rất nghèo nàn. Đặc điểm cốt lõi của tất cả mọi kẻ thái nhân cách là không có khả năng đồng cảm với người khác.

Trong khi Cleckley đã làm rất nhiều để rọi sáng vào vấn đề này, trong lời nói đầu cho ấn bản thứ năm và cũng là cuối cùng của cuốn sách của ông, ông mô tả "gần như một âm mưu thông đồng lảng tránh" chủ đề thái nhân cách ở các nhà nghiên cứu và bác sĩ tại Bắc Mỹ. Trong khi có nhiều tổ chức tồn tại để đối phó với bệnh tật và tội phạm, khi nói đến chứng thái nhân cách, "không một biện pháp nào được thực hiện... không một chương trình nào được thiết kế đặc biệt để đối phó với những trường hợp bệnh hoạn tâm lý rõ ràng."11 Có thể nói những thiệt hại cho xã hội do chứng thái nhân cách gây ra là rất lớn so với tỷ lệ thái nhân cách trong dân số. Cleckley tin chắc rằng bước đầu tiên để đối phó với vấn đề to lớn này là "thu hút sự chú ý của cộng đồng" và "tăng cường nhận thức về tầm quan trọng to lớn của nó."12 Rất may đã có nhiều đóng góp đáng kể cho mục đích đó trong những năm gần đây bởi các tác giả như Robert Hare, Paul Babiak, Martha Stout và Sandra Brown và sự trình chiếu trên truyền thông đại chúng những bộ phim tài liệu như Doanh nghiệp (The Corporation)Tôi, Thái nhân cách (I, Psychopath). Điều không may là ngay cả với những nỗ lực như vậy kiến thức cộng đồng về chủ đề thái nhân cách vẫn còn rất xa mới đến được mức cần thiết, "âm mưu thông đồng lảng tránh" vẫn còn đó và những vấn đề tồn tại vẫn rất nghiêm trọng. Với một chứng rối loạn nhân cách ảnh hưởng nhiều người hơn bệnh tâm thần phân liệt,13 và gây thiệt hại cực kỳ to lớn cho xã hội, việc nó không được đa số công chúng hiểu rõ là một điều đáng báo động.

Without Conscience book
Robert D. Hare, giáo sư danh dự về tâm lý học tại trường đại học British Columbia, viết một cuốn sách vào năm 1970 tóm tắt kết quả nghiên cứu ở thời điểm đó. Kể từ đó, ông đã đi đầu trong việc nghiên cứu về chứng thái nhân cách, phát triển phương pháp hợp thức đầu tiên để đánh giá thái nhân cách hình sự, Danh sách Kiểm tra Thái nhân cách (PCL-R), và viết hai cuốn sách bán chạy về chủ đề này: Không có Lương tâm (Without Conscience) vào năm 1993 và Rắn độc mặc Complê (Snakes in Suits) (đồng tác giả với Paul Babiak) vào năm 2006. Nghiên cứu trong cộng đồng tội pham, Hare điều chỉnh danh sách những đặc điểm của chứng thái nhân cách do Cleckley đưa ra để áp dụng cho PCL-R, cuối cùng tổng hợp được 20 đặc điểm của kẻ thái nhân cách điển hình.

Trong khi Cleckley mô tả các bệnh nhân thái nhân cách của mình là "mang thảm họa nhẹ nhàng trong bàn tay" và "không có ác tâm một cách sâu sắc",14 cuốn Không có Lương tâm của Hare trình bày một cái nhìn tiêu cực hơn nhiều vào tâm trí của kẻ thái nhân cách tội phạm. Như ông viết: "Kẻ thái nhân cách được trang bị đầy đủ để lừa gạt người khác: Chúng nói nhiều, hấp dẫn, tự tin, thoải mái trong các tình huống xã hội, bình tĩnh dưới áp lực, không hề bối rối bởi khả năng bị phát hiện, và cực kỳ tàn nhẫn... Những kẻ thái nhân cách thường hài lòng với bản thân và thế giới nội tâm của chúng, mặc dù thế giới ấy có vẻ rất ảm đạm với người ngoài."15 Chúng coi sự đồng cảm, hối hận và ý thức trách nhiệm - tất cả những phẩm chất thường được coi là đại diện cho sự tốt lành và tính người - là sự yếu đuối để khai thác; luật pháp và quy tắc xã hội là những hạn chế bất tiện lên sự tự do của chúng; và những hành vi phản xã hội là cách để cố ý không tuân theo các chuẩn mực giả tạo của xã hội. Chúng xem tình yêu, lòng nhân ái, cảm giác tội lỗi và lòng vị tha như sự ngây thơ trẻ con và nực cười của những "trái tim rớm máu". Kẻ giết người hàng loạt thái nhân cách Ted Bundy thậm chí còn gọi cảm giác tội lỗi là "ảo ảnh... một loại cơ chế kiểm soát xã hội."16 Trong khi chúng có thể bày tỏ tình yêu một cách đầy thuyết phục theo những cách lãng mạn và rườm rà nhất cho người bạn đời của chúng, các màn kịch đó nhanh chóng bị thay thế bởi sự thống trị và bóc lột như Sandra Brown cho thấy trong cuốn sách năm 2009 của bà, Những người Phụ nữ Yêu Kẻ Thái nhân cách (Women Who Love Psychopaths).

Kẻ thái nhân cách coi cuộc sống bình thường là buồn tẻ và nhàm chán; một thế giới cạnh tranh tàn nhẫn trong đó các đối thủ tiềm năng (bạn và tôi) phải bị thao túng, và bạo lực được dùng như một công cụ để thiết lập ưu thế và giành lấy những gì phải là của chúng - để thỏa mãn ý thức quyền lợi bệnh hoạn của chúng. Hare nhận xét: "Nghĩa vụ và cam kết không có ý nghĩa gì với kẻ thái nhân cách... Chúng không tôn trọng cam kết, dù là chính thức hay hiểu ngầm, với người khác, tổ chức hay lý tưởng."17 Chúng có thể hỏi: "Ăn nói lưu loát, tự tin, sống một cuộc sống nhịp độ nhanh đầy phiêu lưu trong hiện tại và vươn lên vị trí đứng đầu thì có gì là xấu?" Và trong xã hội đang mục rữa của chúng ta, nhiều người không phải là không đồng ý. Nhưng cái mà kẻ thái nhân cách coi là cuộc sống vô tư đầy hứng thú và hưởng thụ thường không phải là gì khác ngoài việc theo đuổi những khoảnh khắc nhục dục và cảm giác quyền lực, dù là thoáng qua hay kéo dài hơn.

Nghiên cứu của Hare cho thấy cái "mặt nạ" của sự bình thường của kẻ thái nhân cách ẩn giấu sự nham hiểm và xảo quyệt bên trong. Đó là vì kẻ thái nhân cách ý thức được sự khác biệt của chúng. Chúng coi những người bình thường là thấp kém hơn - là "chúng nó" - để dùng và loại bỏ khi không còn cần thiết nữa. Nhưng như một con thú săn mồi giữa các con mồi, kẻ thái nhân cách phải ngụy trang để tránh bị phát hiện. Nếu chúng để lộ động cơ của chúng, những người khác sẽ kinh hoàng với những gì họ thấy. Vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, chúng đã học cách hòa lẫn với mọi người bằng cách bắt chước các phản ứng và hành vi bình thường của con người. Chúng học khi nào thì thích hợp để khóc, để biểu lộ đau buồn, cảm giác tội lỗi, sự lo lắng và tình yêu. Chúng học tất cả các nét mặt, những cụm từ phổ biến, và dấu hiệu của những cảm xúc mà chúng không cảm nhận được. Và nhờ vậy, chúng đánh lừa người khác bằng những biểu hiện giả tạo của nỗi buồn, sự đau khổ, cảm giác tội lỗi, lo lắng, tình yêu, và chúng thao túng các phản ứng của chúng ta để có được những gì chúng muốn. Đấy là cách làm thế nào một kẻ thái nhân cách có thể lừa lấy tiền bằng cách sử dụng cảm giác thương hại và lòng từ bi của bạn. Những người bình thường, do không biết đến sự khác biệt giữa kẻ thái nhân cách và bản thân họ, coi những màn kịch cảm xúc này là bằng chứng của tình cảm thực sự, và thế là kẻ thái nhân cách hòa nhập thành công vào cộng đồng mà không bị phát hiện, như con sói mang lốt cừu. "Những kẻ tài năng thực sự đã nâng khả năng hấp dẫn người khác của chúng lên thành một nghệ thuật, tự hào về khả năng trưng ra một cái mặt nạ hư cấu rất mang tính thuyết phục và khó để nhìn thấu qua được."18

Việc "tập luyện" để tỏ ra có tính người này được miêu tả một cách điêu luyện trong cuốn tiểu thuyết Charlie Carewe Lạ Lùng (The Incredible Charlie Carewe) của Mary Astor mà Cleckley khuyến nghị "cần được đọc không chỉ bởi tất cả các bác sĩ tâm thần mà bởi tất cả các bác sĩ nói chung" bởi vì sự lột tả đặc biệt chính xác chân dung của kẻ thái nhân cách trong đó.19 Khả năng "diễn" này là vấn đề sống còn đối với kẻ thái nhân cách, không thì bản chất "không có tính người" của chúng sẽ bị phát hiện. Suy cho cùng thì hầu hết mọi người không có thái độ tích cực cho lắm với một đứa trẻ hay người lớn có thể, như Hare viết, "tra tấn và cắt xẻo người khác với cùng một mức độ tình cảm như khi chúng ta cắt một con gà tây."20

Kẻ thái nhân cách còn dựng nên lịch sử hoang đường về bản thân với những câu chuyện rất hấp dẫn của chúng. Chúng kể một cách điêu luyện những mẩu chuyện "ít có khả năng xảy ra nhưng lại rất thuyết phục" về bản thân, pha trộn sự thật với dối trá một cách dễ dàng. Chúng không chỉ nói dối dễ dàng như hơi thở mà còn hoàn toàn không bối rối khi bị bắt quả tang. Chúng chỉ đơn giản là thay đổi câu chuyện và tiếp tục thao thao bất tuyệt trong khi những người biết sự thật thì đờ ra vì kinh ngạc. Chúng có thể giả vờ hối hận, nhưng cũng rất điêu luyện trong việc biện hộ cho hành vi của chúng, thường là mô tả bản thân như là nạn nhân (và đổ lỗi cho những nạn nhân thực sự). Một kẻ thái nhân cách nữ phàn nàn rằng không ai quan tâm đến việc ả cảm thấy thế nào khi mất hai đứa con. Trên thực tế, ả chính là người đã giết hại hai đứa con mình. Trong những trường hợp kiểu như vậy, chiếc mặt nạ hơi tụt xuống một chút xíu, khi kẻ thái nhân cách kém thông minh cố gắng sử dụng các khái niệm tình cảm chúng không hiểu. Một tù nhân nói với Hare, "Vâng, chắc chắn là tôi cảm thấy hối hận [về tội ác hắn đã gây ra]." Tuy vậy, hắn lại không "cảm thấy khó chịu bên trong về điều đó."21

Ngay cả những cơn "thịnh nộ" biểu lộ một cách bạo lực của chúng cũng là những màn diễn được kiểm soát cẩn thận. Một kẻ thái nhân cách có khả năng tự nhận thức tương đối tốt tiết lộ, "Có những cảm xúc - cả một dải những tình cảm như vậy - mà tôi chỉ biết thông qua từ ngữ, thông qua việc đọc sách báo và trong trí tưởng tượng non nớt của tôi. Tôi có thể tưởng tượng tôi cảm thấy những tình cảm này (và do đó biết chúng là thế nào), nhưng tôi không thực sự cảm thấy chúng."22 Một kẻ khác, bối rối khi được hỏi hắn cảm thấy thế nào, những phản ứng cụ thể của cơ thể, trả lời, "Dĩ nhiên! Tôi không phải là người máy. Tôi dùng sức thực sự khi làm chuyện ấy hay khi đánh nhau."23 Chỉ có khả năng cảm nhận những cảm giác sơ đẳng, gắn liền với cơ thể nhất, kẻ thái nhân cách hoàn toàn không biết đến các cảm xúc mãnh liệt, bất cứ biểu lộ nào của những cảm xúc như vậy chỉ là màn diễn nhằm mục đích thao túng người khác.

Về nguyên nhân của chứng rối loạn đáng sợ này, các nhà nghiên cứu hiện nay tin chắc rằng nó có phần đóng góp đáng kể từ di truyền và các yếu tố sinh học, trái với điều khi trước mọi người vẫn nghĩ rằng chứng thái nhân cách là do những chấn động từ thời thơ ấu. Trong lần cập nhật vào năm 2007 về kết quả nghiên cứu chứng thái nhân cách của 20 năm trước đó, Hare nhận xét, "Tôi lưu ý rằng những kết quả ban đầu từ nghiên cứu di truyền học hành vi là đồng nhất với quan điểm từ tâm lý học tiến hóa rằng chứng thái nhân cách không phải là một khiếm khuyết về thần kinh mà là một chiến lược tiến hóa di truyền."24 Hay như ông viết trong cuốn Không có Lương tâm:
Tôi nghĩ rằng [các trải nghiệm thời thơ ấu] đóng vai trò quan trọng trong việc định hình những gì thiên nhiên đã cung cấp [tức là việc hoàn toàn không có khả năng cảm nhận sự đồng cảm và một dải rộng các trạng thái tình cảm]. Các yếu tố xã hội và cách thực hành nuôi dạy con cái ảnh hưởng đến cách chứng rối loạn này phát triển và bộc lộ thông qua hành vi. Do vậy, cá nhân với những đặc điểm tính cách thái nhân cách lớn lên trong một gia đình ổn định và được giáo dục một cách tích cực có thể trở thành một kẻ lừa đảo, hay một doanh nhân, chính trị gia mờ ám. Một cá nhân khác, với những đặc điểm tính cách tương tự nhưng lớn lên trong môi trường thiếu thốn và bị phó mặc, có thể trở thành một kẻ tội phạm bạo lực, hay lính đánh thuê... Một điều có thể rút ra từ quan điểm này có ý nghĩa với hệ thống tư pháp hình sự là chất lượng cuộc sống gia đình có ít ảnh hưởng đối với hành vi chống đối xã hội của kẻ thái nhân cách hơn nhiều so với hành vi của người bình thường.25
Phù hợp với kết quả trên, chứng thái nhân cách có thể được phát hiện từ sớm. Cho đến lứa tuổi 10 hay 12, hầu hết những kẻ thái nhân cách đã bộc lộ những vấn đề nghiêm trọng về hành vi như nói dối thường xuyên, lừa đảo, trộm cắp, đốt phá, trốn học, gây rối loạn trong lớp học, nghiện ngập, phá phách, bạo lực, bắt nạt người khác, bỏ nhà đi bụi, tình dục từ sớm, độc ác với thú vật. Một kẻ thái nhân cách mỉm cười khi kể lại với Hare việc hắn buộc chặt những con chó con vào một chỗ và dùng đầu của chúng để tập luyện bóng chày.26 Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác (và các bước để ngăn ngừa nó trong giai đoạn phôi thai và thời thơ ấu) vẫn còn chưa được rõ. Trẻ em có nhiều dấu hiệu thái nhân cách nhưng lớn lên không bộc lộ dấu hiệu rõ ràng có thể chỉ là do đã thành công trong việc tránh bị phát hiện nhờ gia tăng trí thông minh và khả năng lập kể hoạch và điều khiển hành vi của chúng tốt hơn. Trong khi tuyệt đại đa số nghiên cứu được thực hiện trên cộng đồng tội phạm trong tù do cơ hội tiếp cận dễ dàng, khái niệm về một kẻ thái nhân cách thành công (dù điều đó có nghĩa hắn không phải là tội phạm hay đơn giản là chưa bị bắt) là một chủ đề tương đối mới đang nhận được sự chú ý của các chuyên gia, và vẫn chưa được xác định rõ ràng cho công chúng, cũng giống như thuật ngữ "thái nhân cách" trong giai đoạn đầu thế kỷ 20.

Netanyahu and Cheney
© AP Photo/Dan BaliltyBenjamin Netanyahu và Dick Cheney
Chính những kẻ thái nhân cách này - những kẻ thành công trong việc tránh bị phát hiện - đã trở thành những chính trị gia thành công và tàn nhẫn như trong trường hợp với Hermann Göring và Lavrentiy Beria (sẽ được thảo luận trong các phần tiếp theo). Đó cũng có thể là trường hợp với những chính trị gia đương thời như thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, phó tổng thống Mỹ Dick Cheney và thủ tướng Ý Silvio Berlusconi. Những kẻ này đã đạt đến đỉnh cao của quyền lực, và chúng rất nguy hiểm.

Chú thích
  1. Có thể xem lời cuộc nói chuyện ở đây.
  2. "Ex-Madoff Operations Director Arrested by FBI", Reuters, February 25, 2010
  3. "Participants in the Madoff investment scandal," Wikipedia, accessed March 17, 2010
  4. Tim Shipman, "Bernard Madoff: how did he get away with it for so long?", telegraph.co.uk, December 20, 2008
  5. YouTube video
  6. Lucinda Franks, "Madoff Employee Breaks Silence", The Daily Beast, March 19, 2009
  7. Mark Seal, "Madoff's World", Vanity Fair, April 2009
  8. Julie Creswell and Landon Thomas Jr., "The Talented Mr. Madoff", New York Times, January 24, 2009
  9. Katy Brace, "Psychologist calls Madoff a psychopath", wptv.com, January 29, 2009
  10. Cleckley, H. 1988 [1941], The Mask of Sanity (Augusta, Georgia: Emily S. Cleckley), 19, bản pdf ở đây.
  11. Ibid, viii
  12. Ibid, ix
  13. Goldner và cộng sự (2002) cho rằng tỷ lệ của chứng tâm thần phân liệt là khoảng 0.55% dân số nói chung, và trong khi nghiên cứu chính xác về chứng thái nhân cách trong dân số nói chung chưa được thực hiện, một số nghiên cứu trong diện hẹp gần đây cho thấy giới hạn dưới của chứng thái nhân cách là 0.6% (Coid và cộng sự, 2009). Một số ước tính khác tính đến cả những kẻ thái nhân cách thành công cho ra con số cao gấp nhiều lần con số trên.
  14. Cleckley, 33
  15. Hare, R. D. 1999 [1995], Without Conscience: The Disturbing World of Psychopaths Among Us (New York: Guilford Press), 121, 195
  16. Ibid, 41
  17. Ibid, 63
  18. Babiak, P. & Hare, R. D. 2006, Snakes In Suits: When Psychopaths Go To Work (New York: ReganBooks), 50
  19. Cleckley, 326
  20. Hare, 45
  21. Ibid, 41
  22. Ibid, 52-3
  23. Ibid, 54
  24. Hare, R. D. 2007, 'Forty Years Aren't Enough: Recollections, Prognostications, and Random Musings,' In Herve, H., and Yuille, J. C. (eds) The Psychopath: Theory, Research, and Practice, pp. 3 - 28 (Lawrence Erlbaum Associates), 14. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy một số sự khác biệt rõ ràng trong hoạt động não bộ của kẻ thái nhân cách so với người bình thường. Xem Oakley, B. 2007, Evil Genes: Why Rome Fell, Hitler Rose, Enron Failed, and My Sister Stole My Mother's Boyfriend (Amherst, NY: Prometheus Books).
  25. Hare (1999), 173 - 4
  26. Ibid, 66 - 7