monsanto
Một ngày đẹp trời, bạn rời Thủ đô để về với bến đỗ bình yên nơi quê nhà. Bạn tưởng rằng mọi thứ ở quê sẽ an toàn và sạch sẽ, chẳng còn thực phẩm bẩn, hàng nhái, hàng kém chất lượng bày nhan nhản như bạn luôn thấy ở mấy khu chợ sinh viên. Bạn an tâm nghĩ như thế, tự tin cho rằng mấy món đồ quê mình là sạch nhất, an toàn nhất. Vâng, bạn sẽ vẫn đinh ninh như vậy, cho đến khi chính mắt nhìn thấy ba mẹ mình đem từ đâu về cả tải ngô ngọt, khen tấm tắc chất lượng của "ngô nhập từ Mỹ về", rồi không ngại ngần dúi cho bạn mấy tấm tờ rơi quảng cáo ngô lai DK6919 của Dekalb, kèm theo cái cười tít mắt có ý reo vui "cơm áo là đây, hạnh phúc đây rồi". Và thế là từ giây phút ấy, bạn nhận ra rằng từ giờ chẳng còn nơi nào an toàn nữa, vì kẻ địch đã vào đến cửa ngôi nhà của bạn rồi!

Kẻ địch là kẻ địch nào?

Như đã đề cập ở trên, "kẻ địch" cụ thể mà chúng ta có thể nhìn thấy ngay trước mắt chính là giống ngô lai DK6919NK4300 Bt/GT. Nhưng ngô lai nhập từ Mỹ về thì có gì nguy hiểm chứ? Cùng lắm cũng chỉ là một loại ngô "ngoại quốc" mà thôi. Hẳn là các bác nông dân đã nghĩ như thế khi nhập hạt giống của mấy loại ngô kia về, kèm theo những lời hứa hẹn trong mơ về một giống ngô "thần thánh": "Giống ngắn ngày", "Cho năng suất cao", "Không sâu đục thân ngô", "Chống chịu thuốc trừ cỏ gốc Glyphosate",... Hay ho như vậy, lại tiện ích như vậy, lại có khả năng đem đến một viễn cảnh hiệu quả kinh tế cao như vậy, còn chần chừ gì mà không nhập về.

Thế là người nông dân rơi vào cái bẫy của Monsanto và dòng thực phẩm biển đổi gen!

Thực chất, những giống ngô đã nêu ở trên đều được tập đoàn Monsanto cung cấp, và đều là ngô đã qua quá trình biến đổi gen. Biến đổi gen là quá trình lai ghép gen của một số giống cây trồng, vật nuôi này với gen của một số loài sinh vật khác để tăng khả năng sinh trưởng và chống chịu sâu bệnh, thuốc trừ cỏ của giống. Monsanto là tập đoàn đi đầu trong lĩnh vực kinh doanh này. Từ những năm 1990, Monsanto bắt đầu biến đổi bộ gen của ngô, bông, đậu tương, cải dầu bằng cách ghép với DNA từ một nguồn bên ngoài (virus và bacteria) để đạt được một trong hai đặc điểm: một loại thuốc trừ sâu tạo ra trong nội bộ (khiến côn trùng ăn phải ngô hoặc đậu nành này bị vỡ bụng), hoặc một kháng thể nội bộ để chống chịu được thuốc diệt cỏ RoundUp (bao gồm chất độc BtGlyphosate) của chính Monsanto (cho phép nông dân có thể phun tưới đồng ruộng của họ với Roundup liều lượng lớn để diệt cỏ dại mạnh hơn). Với trường hợp thứ hai, buộc phải cấy vào hạt giống biến đổi gen đó một lượng Bt hoặc Glyphosate đủ để tạo ra kháng thể. Tức là, trong chính từng hạt giống đã hàm chứa chất độc gây hại cho sức khỏe. Chính vì vậy, khi ăn những thức ăn biến đổi gen này, con người không chỉ phải đối mặt trước nguy cơ bị ảnh hưởng đến cấu trúc gen của bản thân mà còn có khả năng sẽ nhiễm độc thực phẩm do lượng độc chất có trong chính thực phẩm đó gây ra.

Trước làn sóng phản đối sản phẩm biến đổi gen, phe bênh vực lên tiếng bằng việc đưa ra phán xét: Chưa có một bằng chứng khoa học nào xác minh thực phẩm biến đổi gen có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, cũng chính bên bênh vực kia, lại không tìm được bất kỳ một thông tin khoa học nào chứng thực được thực phẩm biến đổi gen an toàn cho con người. Hơn nữa, tất cả những lợi ích Monsanto đưa ra chỉ xoay quanh vấn đề lợi ích kinh tế và việc giải quyết khó khăn trong khâu nuôi trồng chứ không hề khẳng định tính an toàn đối với sức khỏe con người của từng giống cây trồng. Đây rõ ràng là một vấn đề đáng lưu ý. Không chỉ vậy, bằng quyền lực kinh tế và quyền kiểm soát chính trị, Monsanto còn cấm đoán việc nghiên cứu các sản phẩm biến đổi gen mà quý tập đoàn cung cấp ra thị trường. Mọi nghiên cứu khoa học về sản phẩm biến đổi gen đều bị coi là vi phạm pháp luật. Từ đây, chúng ta có thể thấy rõ, việc không có bằng chứng khoa học xác minh thực phẩm biến đổi gen có hại cũng chỉ là kết quả của chiêu bài bưng bít thông tin của Monsanto. Nếu thực phẩm biến đổi gen thực sự an toàn, tại sao lại không để các nhà khoa học vào cuộc và minh oan cho chúng?

Chống lại thực phẩm biến đổi gen như thế nào?

Thực phẩm biến đổi gen đã du nhập vào nước ta được hơn 10 năm nay một cách âm thầm. Chính vì vậy, cuộc chiến chống lại thực phẩm biến đổi gen không hề đơn giản, nếu không muốn nói là khó khăn. Chúng ta có thể kêu gọi tẩy chay, nhưng sẽ có những người đứng lên cho rằng đây là phương pháp quá vô tâm khi không quan tâm đến sự sống còn của những người làm nông. Thế nhưng, trong tình trạng thực phẩm biến đổi gen ồ ạt tràn vào nước ta như hiện nay, tẩy chay chúng chính là biện pháp khả thi nhất.

Nếu còn đang là sinh viên, bạn sẽ hiểu được bạn đang đứng trước những mối nguy cơ nào. Những thứ đồ ăn vặt để cứu đói qua ngày như ngô ngọt, sữa ngô, sữa đậu nành, dầu đậu nành... lại chính là thứ thuốc độc đang hủy hoại chính cơ thể bạn, là tác nhân có thể gây thoái hóa giống về sau. Chưa hết, nếu ăn phải thứ cám ngô làm từ các cây ngô biến đổi gen, bộ gen của gia súc, gia cầm cũng bị ảnh hưởng. Giờ thì hãy tưởng tượng, bạn - mắt xích cuối cùng của chuỗi thức ăn - sẽ ra sao khi sở hữu cấu trúc gen ngày càng giật lùi, để rồi một ngày nào đó. thế hệ con cháu bạn lại có bộ gen ngang hàng với những sinh vật trong mắt xích đầu tiên?

Bên cạnh việc tẩy chay, chúng ta cần đến một biện pháp dài hơi hơn. Con người thường quen với những cuộc chiến đấu ở tầm cao trong tư tưởng, hay chí ít cũng là ở những cuộc chiến với bom đạn ngoài chiến trường. Người ta chưa quen với việc phải đấu tranh trong cuộc sinh tồn với lợi nhuận kinh tế từ các tập đoàn lớn. Con người thường đấu tranh vì lí tưởng tự do, bình đẳng, bác ái mà chưa quen với việc phải đấu tranh vì đồ ăn với tư cách là nguồn gốc cho sự sống. Và rõ ràng chúng ta có quyền được biết các thông tin đầy đủ nhất về những gì bản thân sẽ tiêu thụ, có quyền yêu cầu các sản phẩm biến đổi gen trước khi tung ra thị trường phải được dán nhãn. Dán nhãn không chỉ như một hình thức phân loại sản phẩm, mà còn là hình thức cung cấp những thông số cơ bản nhất liên quan đến sức khỏe con người. Từ đó, mỗi người có quyền lựa chọn nên mua hay không, tức là có quyền và tự có trách nhiệm trước mỗi quyết định của mình.

Năm 2007, "Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm" do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký, ghi rõ trong điều 11: "Tổ chức, cá nhân lưu thông thực phẩm có chứa sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen trên thị trường với tỷ lệ lớn hơn 5% mỗi thành phần thì ngoài việc phải tuân thủ các quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa còn phải thể hiện các thông tin liên quan đến sinh vật biến đổi gen trên nhãn hàng hóa".

Thế nhưng cho đến nay, vẫn chưa có sản phẩm nào được dán nhãn. Không những vậy, lượng người dân biết và hiểu về sản phẩm biến đổi gen còn chiếm số lượng vô cùng ít ỏi. Do vậy, thực tế là đã đến lúc chúng ta phải đứng lên đấu tranh cho quyền được biết của chính mình. Với tất cả mọi vấn đề liên quan đến đồ ăn, cũng là sự sống còn, người dân cần được biết.

Chính phủ cần có biện pháp để bảo vệ người dân, không phải bằng cách quẳng vào mặt dân chúng đống giấy vụn viết thông tin sai lệch khuyến khích phát triển kinh tế qua việc mua hạt giống biến đổi gen "chất lượng cao" về, càng không phải bằng việc vẽ ra một viễn cảnh tươi đẹp giàu có cho nông dân, mà bằng việc cung cấp sự thật. Và sự thật là chẳng có cái gì tốt đẹp hoàn hảo, sản phẩm biến đổi gen nhân tạo lại càng không, bất chấp việc người ta có khoác lên nó mỹ từ nào đi nữa!

Rồi một ngày đẹp trời, khi sản phẩm biến đổi gen tràn ngập thị trường, khi mọi lí luận về biến đổi gen đều không có bằng chứng xác thực, khi lượng người dân mắc bệnh do ăn phải thực phẩm biến đổi gen ngày càng tăng, bạn sẽ nhận ra bạn bắt buộc phải lựa chọn, chiến đấu hoặc chết.