vaccines
Dịch bởi Hoàng Sơn Trường

Lời người dịch

Tôi vẫn nhớ rõ cái khoảnh khắc khi cậu con trai đầu lòng của tôi chào đời. Tôi đã trải qua những giây phút thật căng thẳng và bế tắc, khi mà vợ tôi lúc đó khá yếu do cô ấy đã đau đẻ từ hai ngày trước và đã phải vào viện hai lần để kiểm tra. Trong cơn đau đẻ, vợ tôi nhờ y tá gọi tôi đến bảo rằng cô ấy bị đau và mệt lắm, chắc phải mổ đẻ thôi. Tôi nhìn vợ nói trong run rẩy, không biết quyết định thế nào. Trước đó tôi đã tìm hiểu khá nhiều sách, chủ yếu là của nước ngoài, về việc sinh con một cách tự nhiên. Và tôi đọc được những tác hại của việc mổ đẻ cũng như các biện pháp kích thích đẻ thiếu tự nhiên khác. Nhưng bây giờ vợ tôi đang đau đớn như thế, tôi phải làm sao?

Tôi mếu máo đi ra nói với mẹ tôi, rằng vợ con đang đau lắm, cô ấy muốn đẻ mổ. Mẹ tôi cười thông cảm và bảo tôi rằng: "Ngày xưa đẻ con ra mẹ cũng đau lắm. Đau đến mức mẹ trèo lên cả cửa sổ cơ mà" - "Thật vậy hả mẹ?" Giây phút đó tự nhiên lòng tôi nhẹ bẫng. Tôi lại vào gặp vợ và an ủi nàng, tôi cũng kể lại với nàng điều mẹ vừa nói. Nàng có phần vững dạ hơn. Khoảng nửa tiếng sau cô y tá lại ra báo tôi vào để chuẩn bị đón đứa con đầu lòng. Lúc này nàng đang rặn từng đợt thật mãnh liệt, các cô y tá cũng khẩn trương hỗ trợ, còn tôi chỉ được phép đứng cạnh giường vợ để xem, bởi lúc này tôi không cần phải động viên gì nữa.

Cuối cùng thì thằng cu nhà tôi cũng chịu chui ra. Không gian lúc đó như nở rộng thêm, còn tôi thì cũng lớn thêm một chút. Tôi đã lên chức bố. Cô y tá gọi tôi ra quầy thủ tục và hỏi có tiêm phòng viêm gan B ngay cho đứa bé. Ồ, vậy là tôi đã bắt đầu phải ra quyết định cho cu cậu rồi. Xem nào, hai vợ chồng tôi đã để ý chăm chút từ những ngày đầu mang thai, sao cho nàng chỉ dùng những thực phẩm tự nhiên và lành nhất, tránh dùng thuốc tây. Con tôi vừa mới sinh ra, và, cho đến giờ phút này, là hoàn hảo. Vậy mà bây giờ cần phải tiêm phòng sao? Tôi, với tư cách một người bố mới lên chức, viết dõng dạc vào quyển hồ sơ của cô y tá, rằng tôi chọn không tiêm phòng viêm gan B cho thằng cu nhà tôi.

Vâng, tôi đã đưa ra cái quyết định đó một cách dễ dàng, bởi lúc đó trong lòng tôi vừa có sự nhẹ nhõm lại vừa có sự vững vàng. Nhẹ nhõm vì tôi vừa "làm" xong một "việc lớn". Còn vững vàng ư? Vững vàng vì tôi thấy tôi đã làm việc đó đúng với tâm nguyện: sinh con một cách tự nhiên nhất có thể. Tất nhiên nếu không có sự động viên kịp thời của mẹ tôi thì tôi cũng không chắc sự thể sẽ như thế nào.

Tuy vậy, câu hỏi về tiêm chủng vẫn tiếp tục đến với tôi. Bởi đâu chỉ có một mũi tiêm phòng viêm gan B được khuyến cáo cho trẻ vừa mới lọt lòng, còn có một danh sách dài các vắc - xin dành cho những bệnh khác, các mũi tiêm nhắc lại, tiêm vào từng thời điểm nhất định, theo từng thời kỳ phát triển của bé. Còn có cả những mũi vắc - xin cho người lớn nữa. Tức là tiêm chủng không phải là một vấn đề nhỏ. Tôi lại lao vào nghiên cứu sách vở.

Quyển sách này là quyển sách hay nhất mà tôi đã tìm được về chủ đề tiêm chủng. Hay như thế nào ư?

Thứ nhất, sách đưa ra những số liệu và dẫn chứng để trả lời câu hỏi: liệu tiêm chủng có hiệu quả? Hay diễn đạt rõ hơn là: liệu việc dùng một loại vắc - xin ngừa một bệnh nào đó có giúp chúng ta tránh mắc căn bệnh đó trong tương lai?

Thứ hai, tác giả mở rộng thêm vấn đề: Liệu việc tiêm chủng có gây tổn hại nào cho sức khỏe, cả sức khỏe trước mắt lẫn lâu dài?

Thứ ba, tác giả đi sâu vào phân tích cái lý thuyết mà việc thực hành tiêm chủng dựa trên, cụ thể là lý thuyết nhiễm trùng - coi vi trùng (vi khuẩn, vi rút) là nguyên nhân gây ra bệnh tật.

Thứ tư, tác giả giới thiệu chúng ta với những triết lý chăm sóc sức khỏe khác, những cách nhìn khác về bệnh tật cùng với những liệu pháp chữa bệnh hoàn toàn khác so với y học chính thống (tức Tây Y). Rộng hơn cả, tác giả đưa cái triết lý chăm sóc sức khỏe thành cái triết lý sống, thành sự thao thức về cái câu hỏi mà Albert Einstein cho là câu hỏi quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi người: Vũ trụ này có thân thiện?

Đọc xong quyển sách này tôi lại có cái tâm trạng vừa nhẹ nhõm vừa vững vàng, y như lúc tôi được mẹ ruột an ủi trong lúc bối rối lo lắng cho người vợ bị đau đẻ. Toát lên từ quyển sách là một sự sắc sảo và sáng suốt của một nhà nghiên cứu quyết tâm tìm chân lý, cộng với sự mềm mại và ấm áp của một người mẹ. Tôi đã có câu trả lời của mình cho câu hỏi về tiêm chủng. Hơn thế, tôi còn được truyền thêm nghị lực và sự quyết tâm trong việc xây dựng sức khỏe cho riêng mình và cho những người thân.

Tôi đã dịch quyển sách này ra tiếng Việt để vợ tôi có thể đọc và để hai vợ chồng thống nhất trong việc chăm sóc sức khỏe cho con. Tôi thấy sách này có ích cho những ai đang băn khoăn về vấn đề tiêm chủng nói riêng hay việc sử dụng thuốc Tây nói chung. Thế nên tôi đã dịch nó thành một quyển sách hoàn chỉnh để chia sẻ cho mọi người. Có ba chương (Chương 10, 11 và 14) tôi chỉ tóm tắt sơ lược do những chương này chủ yếu đề cập đến những vấn đề của cá nhân tác giả đối với Tiêm chủng (việc kiện tụng) và những khía cạnh chính trị và xã hội của nó ở nước Mỹ.

Tôi cũng đã liên hệ với con gái của tác giả, cô Ingri Cassel - hiện là giám đốc của tổ chức Giải Phóng Tiêm Chủng (Vaccination Liberation) ở Mỹ, để ngỏ ý muốn xin phép tặng miễn phí bản tiếng Việt của quyển sách cho độc giả Việt Nam. Cô vui vẻ chấp thuận, và cô chúc cho công sức tìm tòi học hỏi của những ông bố bà mẹ Việt Nam sẽ đạt được kết quả như ý: những đứa trẻ khỏe mạnh và vững vàng.

Trân trọng,

Hoàng Sơn Trường.

Download cuốn sách tại đây.

Lời tác giả

Khi tôi lần đầu tiên viết quyển 'Tiêm chủng: Sự thật đằng sau sự huyền bí' tôi đã sớm nhận ra rằng tiêm chủng thực ra là một vấn đề lớn hơn nhiều so với ta tưởng. Cứ như thể một không gian mới đang mở ra trước mắt tôi, và tôi thấy trong cái rất nhỏ có cái rất lớn, bởi vấn đề tiêm chủng chạm vào cốt lõi của câu hỏi chúng ta là ai và chúng ta đang hướng tới những điều gì. Nó cũng cho ta một thoáng nhìn vào một thế giới mà ta dường như đã bẻ cong ngay khi tạo ra nó.

"Những điều có giá trị thì không đến một cách dễ dàng" là một câu nói trong nhà Thiền. Còn trong thời đại hiện nay, "Nó như là một quy luật," như Paul Hawken nói, "nếu bạn thấy một sản phẩm được quảng cáo càng nhiều thì nó càng đáng vứt đi" [1]. Đem hai câu này lại với nhau chúng ta có thể nói rằng những gì mà các phương tiện truyền thông đang cố gắng nhồi nhét cho chúng ta thì ít có giá trị và những thứ có giá trị nhất thì lại thường ẩn nấp hoặc ít nhất là chúng phải được tìm kiếm. Vậy ta sẽ nhìn nhận việc tiêm chủng như thế nào?

Chúng ta được nghe về các tác dụng và tầm quan trọng của vắc - xin nhan nhản trên các phương tiện truyền thông. Những người nổi tiếng ca tụng nó; các biên tập viên, phóng viên, phát thanh viên nhắc đến nó cứ như là giá trị của nó không còn gì phải bàn cãi; cha mẹ của những trẻ chưa được tiêm phòng bị quy kết là cẩu thả, thiếu hiểu biết, hoặc "không có điều kiện". Tiêm chủng đã thực sự trở thành một tập tục của xã hội chúng ta, và việc đặt câu hỏi về giá trị của nó là một việc làm "sai trái về mặt chính trị", nếu không phải là một sự ngớ ngẩn; và đối với một số người nó thậm chí còn là một sự phạm thượng.

Phong tục này đã trở thành không chỉ là một quy định bắt buộc mà còn là một ngành công nghiệp đang mở rộng và thâm nhập vào ngày càng nhiều lĩnh vực của cuộc sống. "Không chỉ trẻ em mới cần được tiêm chủng!" Ở phần dưới là lịch trình tiêm chủng cho người lớn. Một tấm áp phích trên tường của thư viện: "Tiêm chủng không chỉ dành cho trẻ em". Lịch trình tiêm chủng của trẻ em có hai loại vắc - xin mới, phải được tiêm 3 lần trước khi bé được 6 tháng tuổi. Và còn nhiều loại vắc - xin "đang trong quá trình nghiên cứu chế tạo", để sử dụng cho mọi điều kiện mà ta có thể tưởng tượng, từ việc chống béo phì đến tránh thai, thậm chí ngăn ngừa cả căn bệnh ung thư.

Một người bạn của tôi đã không nhận được một công việc rất phù hợp với trình độ của cô ấy bởi cô đã từ chối tiêm chủng. Một học sinh trung học bị buộc phải ở nhà và bỏ lỡ kỳ thi tốt nghiệp vì sở y tế công bố dịch trong khi cậu ta chưa tiêm chủng. Một đứa trẻ đã bị đưa ra khỏi lớp lớp mẫu giáo bởi hồ sơ tiêm chủng của bé không đầy đủ. Và vào ngày 19 tháng 8 năm 1981, nhà nước, với đại diện là một nhân viên xã hội, rung chuông cửa nhà chúng tôi và cho chúng tôi biết rằng một thành viên của gia đình chúng tôi, một người trẻ tuổi có sức khỏe tuyệt vời, phải được tiêm chủng theo như luật pháp quy định, một thủ tục y tế bắt buộc mà không đảm bảo được tính an toàn hay hiệu quả. Cái khía cạnh cưỡng chế của việc tiêm chủng này đã trở thành động lực cho tôi viết cuốn sách này.

Nhìn từ quan điểm chính trị và đạo đức, tiêm chủng là vấn đề quan trọng nhất của sức khỏe cộng đồng mà chúng ta phải đối mặt ngày nay. Nó cũng là một mốc đánh dấu chúng ta đang ở đâu trong cuộc hành trình tâm thức.

Khi tôi viết bản đầu tiên của "Tiêm chủng: Sự thật đằng sau sự huyền bí", tôi đã nói rằng mục đích của tôi là mở rộng tâm hồn chứ không phải là nhồi nhét nó; do đó tôi tập trung vào các nguyên lý chung nhất chứ không phải là các chi tiết kỹ thuật vụn vặt. Điều này vẫn còn là mục đích của tôi, hay nói đúng hơn, một phần của nó. Như đã nêu trong lời nói đầu của ấn bản đầu tiên: "Nếu các dữ liệu và ý tưởng không được dựa trên nền tảng của một nguyên tắc lớn hơn, thì chúng vẫn còn là nhỏ bé và trơ trọi, không thể vượt ra ngoài cái lối mòn của chính đề - phản đề .... Các nguyên lý lớn hơn này ... phải được xem xét một cách kỹ lưỡng trước khi các sự kiện liên quan đến nó có thể trở nên sống động và do đó trở thành một phần
của cái văn hóa sống". Tôi hy vọng rằng việc tập trung vào những nguyên tắc thống nhất sẽ tạo điều kiện nâng cao ý thức của chúng ta hơn và những ích lợi nhỏ lẻ sẽ nhường đường cho những thứ lớn lao và bổ ích hơn.

Đây là cách cá nhân tôi đến với quan điểm không tiêm chủng của mình, đó là lý do tại sao một phần đáng kể của cuốn sách này được dành cho việc thảo luận những phương cách khác "đẹp" hơn để duy trì sức khỏe. Khi tôi không cho con mình đi tiêm, không phải bởi vì tôi đã nghiên cứu một cách khắc khoải với từng loại vắc - xin, mà bởi vì tôi đã nghiên cứu những triết lý, những phương thức chăm sóc sức khỏe khác mà trao quyền tự chủ nhiều hơn và có ý nghĩa hơn đối với tôi. Nhưng cũng giống như hầu hết các chuyến du ngoạn một cách không chính thống vào lĩnh vực y tế, tôi được thúc đẩy bởi việc tìm kiếm tuyệt vọng của riêng mình để chữa lành một tình trạng mà những thuốc thông thường chỉ có tác dụng giảm đau. (Kinh nghiệm của tôi được thảo luận một cách ngắn gọn trong Chương 4).

Tuy nhiên có vẻ như hầu hết mọi người vẫn đang bị mắc kẹt vào việc chạy chữa bệnh tật, vào một mô hình chữa bệnh thông thường và cần "thẩm quyền" của các thông tin y tế chính thống. Phiên bản mới này, do đó, cung cấp nhiều hơn nữa các loại sự kiện cũng như hai chương mới - Chương 7 và 14 - cùng với một phần mở rộng và cập nhật về bệnh AIDS (Chương 8). Chương 7 thảo luận về một trong những khám phá gần đây của một số nhà y sinh học, làm sáng tỏ hơn nữa các công trình của những nhà khoa học trước đó (mà đã được thảo luận ở Chương 5). Một trong những nhà khoa học này đã phát triển một mô hình rõ ràng và sáng tạo hơn của hệ miễn dịch so với mô hình phản ứng thuần túy mà hầu hết chúng ta đã quen thuộc. Một nhà khoa học khác đã chỉ ra một số chức năng sinh lý quan trọng của việc ốm bệnh ở trẻ em, cũng như một chức năng sinh lý quan trọng của việc ốm bệnh nói chung. Chương 14 đã được viết để đáp lại những lời đề nghị từ bạn bè rằng tôi cần vạch ra một sách lược để tránh việc tiêm chủng bắt buộc, ngoài cách sử dụng pháp luật, vì nó có thể tốn kém cũng như là có tác dụng ngắn hạn bởi vì luật pháp về tiêm chủng hay thay đổi. Ba mức độ chiến lược được thảo luận, đồng thời những sự thật ít được biết về bệnh tật, tiêm chủng, và chính trị được trình bày.

Giọng điệu của phiên bản mới này mạnh mẽ hơn, trực diện hơn so với bản đầu tiên. Tại sao? Bởi vì không khí chính trị đã trở nên ít thân thiện hơn và ít khoan dung hơn đối với những người nói không với tiêm chủng, và những điều luật áp bức, độc tài đã xuất hiện. Xu hướng này là nguy hiểm. Người đọc cũng sẽ nhận thấy rằng tôi đã thay thế từ tiêm phòng cho từ miễn dịch ở nhiều vị trí bởi những lý do được giải thích trong Chương 3.

Như đã đề cập trước đó, cuộc đối đầu của chúng tôi với luật tiêm phòng bắt buộc của bangVirginia đã làm nảy sinh cuốn sách này. Câu chuyện về lần đối đầu và hậu quả của nó, bao gồm cả ba lần xét xử, được kể trong Chương 10 và 11. Bởi vì băng ghi âm đã không được phép dùng ở tòa nên ngay sau đó tôi đã viết lại những gì đã xảy ra. Câu chuyện kể trong hai chương này được lấy từ một cuốn nhật ký tôi giữ trong giai đoạn này và từ các ghi chú lưu trong các cuộc gặp gỡ quan trọng trong vài năm sau đó.

Bởi vì vụ kiện đó nhận được nhiều sự chú ý, cả ở địa phương lẫn quốc gia, tôi thấy mình bị bao vây với những yêu cầu thông tin về chủ đề tiêm chủng ở trẻ em. Tôi phát hiện ra mọi người đang đói thông tin: họ đang tìm kiếm một cái gì đó nhiều hơn so với những gì được tuyên truyền và những gì có ở các kênh chính thức của bác sĩ nhi khoa và các sở y tế. Phần I của cuốn sách, các chương 1 đến 4, được viết để đáp ứng nhu cầu này. Nó khám phá một vài điều huyền bí của tiêm chủng, vốn được ca tụng là an toàn, hiệu quả và làm suy giảm các bệnh truyền nhiễm; và gợi ý những cách thức tự nhiên khác để tạo ra khả năng miễn dịch.

Tôi càng nói chuyện với nhiều người thì tôi càng nhận ra sự cần thiết phải định hướng lại, tức là hướng tới một cách nghĩ bổ ích và tự do hơn về cơ thể chúng ta và cuộc sống vi sinh bên ngoài và bên trong nó. Sẽ là không đủ khi đưa cho mọi người các báo cáo về các mức độ tác hại hoặc sự thiếu hiệu quả của một loại vắc - xin cụ thể và để họ đi, với hy vọng rằng những vắc - xin tốt hơn sẽ xuất hiện. Nỗi sợ hãi về cái chưa biết, về căn bệnh "chết người" vẫn còn đó, và việc phân vân so sánh sự nguy hiểm của vắc - xin so với sự nguy hiểm của bệnh tật vẫn còn ám ảnh họ. Do đó xuất hiện phần II của cuốn sách này.

Phần II, Chương 5 đến 9, khám phá chủ đề tiêm phòng ở một mức độ sâu hơn - những cơ sở lý thuyết của nó, cái lý thuyết vi trùng gây bệnh, bệnh tật nhìn dưới các góc độ khác, và những hệ lụy về mặt tinh thần - cảm xúc - thẩm mỹ của một triết lý chăm sóc sức khỏe nhất định. Chương 5, chương quan trọng nhất, mang tính bản lề của cuốn sách, kể về một cuộc tranh cãi ít được biết đến giữa hai nhà khoa học cách đây hơn 100 năm và những nghiên cứu tiếp sau đó hỗ trợ các kết quả của một trong hai người, một người mà chúng ta hầu như không biết đến. Nếu những khám phá của ông và những hệ quả kèm theo của chúng được "xác lập", thì thế giới sẽ trở nên khỏe mạnh hơn nhiều, và chi phí cho việc chăm sóc sức khỏe sẽ chỉ còn là một phần nhỏ so với mức hiện tại của nó. Và sẽ không có tiêm chủng.

Phần III, Chương 10 đến 14, đề cập đến các tác động của một hệ thống chăm sóc sức khỏe nhất nguyên, cưỡng chế đối với một xã hội dân chủ. Chương 10 và 11 kể lại những gì đã xảy ra khi chúng tôi cố gắng để nói "Không, cảm ơn" với hệ thống đó. Những người khác cũng kể những câu chuyện tương tự.

Vì chúng ta đang đắm mình trong một biển thông tin liên lạc - và đang sống trong một nền kỹ trị "tôn thờ đồng tiền" - nên việc tuyên truyền và đưa những thông tin sai lạc đã trở thành cơm bữa. Không có lĩnh vực nào minh họa điều này tốt hơn là tiêm chủng. Vì vậy tôi đã viết một chương về tuyên truyền và việc sử dụng câu chữ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Nếu chúng ta muốn trưởng thành với tư cách là một cách cá nhân hay là một quốc gia, chúng ta cần phát triển khả năng nhận biết và phân biệt. Nhận ra được sự tuyên truyền và thông tin sai lạc là một phần của quá trình này. Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nó có thể là cái quyết định giữa sức khỏe và bệnh tật, thậm chí là giữa sự sống và cái chết. "Nếu nhân loại vượt qua được các cuộc khủng hoảng hiện thời một cách an toàn", Buckminster Fuller nhắc nhở chúng ta, "nó sẽ là do một phần lớn các cá nhân hiện đang tự mình suy nghĩ" [2]. Chương này - và thực ra cả cuốn sách này - là một bước đi theo hướng đó.

Chương 13 hướng chúng ta vào một hệ thống chăm sóc sức khỏe mở, có nhiều sự lựa chọn, tập hợp phần lớn những gì đã được ngụ ý trong suốt cuốn sách. Nếu chúng ta muốn thay đổi, chúng ta phải có tầm nhìn. Chúng ta phải có khả năng nhìn thấy và dành năng lượng cho "cái cách mà chúng ta muốn". Chương 14 phác thảo những gì chúng ta cần phải làm để hiện thực hóa tầm nhìn và đòi lại di sản tự do của chúng ta.

Chủ đề tiêm chủng được coi là gây tranh cãi. Tuy nhiên, tranh cãi (controversy) là gì? Nó xuất phát từ tiếng Latin với nghĩa là "quay ngược lại". Một điều gây ra tranh cãi là do nó quay ngược lại một cấu trúc thống trị, trong trường hợp này, là Y học chính thống. Trong một xã hội tự do và cởi mở sẽ không có những từ như "gây tranh cãi", sẽ chỉ là những bất đồng trong một diễn đàn mở của các ý tưởng và lựa chọn. Sẽ không có một luồng chính mà thay vào đó là nhiều luồng, mỗi cái đáp ứng một nhu cầu khác nhau.

Tương tự như vậy với từ thay thế như trong Y học thay thế (Alternative Medicine). Liệu ta có thể gọi tiếng Tây Ban Nha là "tiếng Anh thay thế"? Rõ ràng đây là một loại chủ nghĩa độc tôn hợm hĩnh.

Đôi lời về bản thân: Tôi là một cựu giáo viên Tiếng Anh tại một trường trung học ở thành phố Los Angeles, không phải là một chuyên gia Y tế. Điều này tôi coi như là một lợi thế, bởi tôi không có nhiều năm bị nhồi nhét theo một quan điểm cụ thể nào đó để rồi lại phải mất công gạt bỏ, cũng không có chuyện việc làm hay giấy phép hành nghề của tôi có thể bị đe dọa khi tôi phát biểu quan điểm của mình. Ngài John Holt quá cố, một nhà giáo dục nhân văn hàng đầu, đã tự hào khi nói rằng ông không bao giờ tham gia một khóa học nào. Ông cảm thấy mình có lợi thế là nhận thức của ông không không bị che khuất bởi nhiều định kiến và quan niệm sai lầm.

Về một số thách thức khi viết cuốn sách này: Thứ nhất, thách thức lớn nhất, tất nhiên, là làm cho những thuật ngữ về kỹ thuật trở nên đơn giản và thú vị. Do đó tôi đã định nghĩa một vài thuật ngữ khi cần thiết để sử dụng chúng; tuy nhiên, tôi đã hạn chế việc sử dụng thuật ngữ Y học ở mức ít nhất có thể, chỉ giữ lại đủ để cung cấp cho người đọc một cảm giác của sự xác thực và hương vị của "ngành Y". Thứ hai, mặc dù tôi chỉ ra một số sai lầm trong việc lập luận dựa vào số liệu thống kê, tôi vẫn sử dụng chúng. Tại sao? Bởi vì chúng là công cụ, và các con số vẫn gây ấn tượng với mọi người. Tuy vậy tôi vẫn cố gắng để sử dụng một số lượng vừa đủ các ví dụ để minh họa cho quan điểm của tôi, mặc dù tôi có thể trích dẫn nhiều hơn nữa. Thứ ba, vì vị trí "nhạy cảm" của một số người được đề cập trong cuốn sách này, tôi đã không được phép sử dụng tên của họ và đã phải sử dụng hoặc là một tên giả (được chỉ định như vậy) hoặc chỉ đơn giản là gọi họ là một "phụ nữ", một "bác sĩ", v.v... Tuy nhiên những câu chuyện đầy hấp dẫn của tiêm chủng đưa chúng ta đi sâu và xa hơn vào sự thật và những hư cấu của nó và vào lĩnh vực của nhận thức - nơi sản sinh ra chúng. Để nắm bắt câu chuyện thứ hai này, chúng ta phải có khả năng nhìn vào tấm gương mà nó đang dựng lên. Có những gì trong tấm gương đó?

Để mô tả với khán giả về mô hình y tế của quá trình miễn dịch, tôi hay sử dụng một minh hoạ màu lớn từ tạp chí Discover (năm 1987) [3]. Xe tăng, máy bay ném bom, bệ phóng, xe tải, xe cứu thương, và các nhà máy đều trồi lên từ nhà máy trung tâm - tủy xương. Chú thích bên trái nói "hãy hình dung tủy xương là một nhà máy lớn sản xuất tất cả các máy móc thiết bị mà một quốc gia cần có để tự bảo vệ mình, từ xe tăng và máy bay ném bom để chiến đấu với kẻ thù đến các xe tải hậu cần và các xe cứu thương để chữa trị và vận chuyển những người bị thương".

Có phải cái tâm lý chiến trận này đã chuyển chiến trường bên ngoài vào bên trong? Mô hình chiến tranh của quá trình sinh lý đã tiết lộ điều gì về ý thức của chúng ta? Cũng giống như "nhà máy" tủy xương ở trên, tất cả mọi thứ đều xuất hiện từ ý thức: tính chất của các mối quan hệ của chúng ta (bao gồm cả mối quan hệ của chúng ta với thế giới tự nhiên), tính chất của nhà nước chúng ta, và cách chúng ta trải nghiệm thế giới. Đây là câu chuyện đằng sau những câu chuyện và tính thần thoại của tiêm chủng. (Từ thần thoại có hai nghĩa: (1) là không đúng sự thật và (2) là một sự thật sâu sắc và phổ biến).

Khi Einstein được hỏi: ông nghĩ câu hỏi quan trọng nhất mà con người cần trả lời là gì, ông trả lời: "Có phải vũ trụ là một nơi thân thiện hay không?" [4]. Tôi hy vọng rằng sau khi đọc cuốn sách này, bạn sẽ có khả năng trả lời là "thân thiện" và rằng vắc - xin và đặc biệt là việc tiêm chủng bắt buộc, sẽ được xem như là một di tích của một thời, thời kỳ chưa trưởng thành về ý thức - một vị hoàng đế không có quần áo nhưng có sức mạnh hủy diệt.