monsanto

Phần 1 - Monsanto: hủy diệt môi trường, đồng phạm chiến tranh...


Ngày 18-4-2017, sau sáu tháng làm việc, Tòa án quốc tế về Monsanto tại La Haye (Hà Lan) đã công bố kiến nghị tham vấn về sáu vấn đề cáo buộc liên quan đến Tập đoàn hóa chất đa quốc gia Monsanto của Mỹ.

Trước đó, trong hai ngày 15 và 16-10-2016, Tòa án quốc tế về Monsanto đã mở phiên tòa tại La Haye. Năm thẩm phán đã lắng nghe khoảng 30 nhân chứng và các chuyên gia cung cấp chứng cứ.

Cơ sở pháp lý

Đây là tòa án công luận được các tổ chức dân sự thành lập theo pháp luật về tố tụng dân sự nhằm ba mục đích: đánh giá các cáo buộc nhằm vào Monsanto và xem xét thiệt hại theo luật quốc tế, đánh giá hoạt động hủy hoại môi trường của Monsanto, xem xét đề nghị sửa đổi Quy chế Rome về thành lập Tòa án hình sự quốc tế.

Kiến nghị tham vấn (avis consultatif) công bố ngày 18-4 vừa qua viện dẫn các cơ sở pháp luật:

Luật quốc tế về quyền con người gồm nghị quyết 25/21 ngày 15-4-2014 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ); nghị quyết 17/4 ngày 16-6-2011 của Hội đồng Nhân quyền LHQ về các nguyên tắc chủ đạo liên quan đến các doanh nghiệp và quyền con người.

Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.

Công ước về quyền trẻ em; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ.

Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.

Quy chế Rome về thành lập Tòa án hình sự quốc tế.

Nhiều vi phạm

Theo tài liệu của Tòa án quốc tế về Monsanto, kiến nghị tham vấn mới công bố xem xét sáu vấn đề.

* Vấn đề 1: Vi phạm quyền có môi trường sống lành mạnh. Các chứng cứ cho rằng hoạt động của Monsanto gây tác hại đến sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe của nông dân và lao động nông nghiệp, đất đai, cây trồng và sinh vật dưới nước, sức khỏe súc vật, tính đa dạng sinh học, hạt giống.

Chứng cứ cũng nêu tác hại đối với các cộng đồng và dân tộc bản địa và tình trạng thiếu thông tin. Kiến nghị tham vấn kết luận: Monsanto đã có hoạt động xâm phạm quyền có môi trường sống lành mạnh.

* Vấn đề 2: Vi phạm quyền về lương thực. Các chứng cứ trình bày cho thấy hoạt động của Monsanto đã gây tác hại đến hệ thống sản xuất, hệ sinh thái, các sinh vật ngoại lai xâm hại. Nhiều nông dân ghi nhận Monsanto đã chi phối thị trường hạt giống.

Kiến nghị tham vấn kết luận: Monsanto đã có hoạt động gây tác hại đến quyền về lương thực. Các cá nhân và cộng đồng bị ảnh hưởng không sẵn sàng tích lũy đủ lương thực, tự nuôi sống hay tự chọn giống.

Mô hình nông - công nghiệp thống trị áp chế nhiều mô hình khác tôn trọng quyền về lương thực như mô hình nông nghiệp sinh thái.

* Vấn đề 3: Tác hại đối với sức khỏe con người. Các chứng cứ ghi nhận các chế phẩm của Monsanto dẫn đến các ca dị tật bẩm sinh nghiêm trọng, ung thư hạch không Hodgkin, các bệnh mãn tính, các ca tử vong do môi trường ô nhiễm.

Kiến nghị tham vấn kết luận: Monsanto đã có hoạt động gây tác hại đến sức khỏe con người.

* Vấn đề 4: Vi phạm quyền tự do nghiên cứu khoa học. Các nhà nông học và sinh học phân tử ghi nhận Monsanto đã xúc tiến các hoạt động như trồng trái phép cây chuyển gen, hạn chế phân tích độc hại của chất glyphosate trong thuốc diệt cỏ Roundup, mở chiến dịch bôi bác kết quả nghiên cứu khoa học độc lập, gây sức ép với các chính phủ.

Kiến nghị tham vấn kết luận: Thái độ ứng xử của Monsanto đã ảnh hưởng tiêu cực đến tự do nghiên cứu khoa học, dẫn đến nguy cơ về môi trường và sức khỏe.

* Vấn đề 5: Đồng phạm tội ác chiến tranh. Monsanto bị cáo buộc đồng phạm tội ác chiến tranh qua hành vi cung cấp chất độc da cam. Kiến nghị tham vấn nêu giữa năm 1962-1973, hơn 70 triệu lít chất độc da cam có dioxin đã được phun trên gần 2,6 triệu hecta tại Việt Nam và gây thiệt hại nặng nề đến sức khỏe người dân Việt Nam.

Các cựu binh Mỹ, New Zealand, Úc, Hàn Quốc bị thiệt hại đã đi kiện và Monsanto đã bị quy trách nhiệm.

Tòa ghi nhận chiếu theo luật quốc tế hiện hành, tòa chưa thể kết luận vấn đề 5 nhưng tòa đánh giá Monsanto đã biết các chế phẩm được sử dụng ra sao và hậu quả đối với sức khỏe và môi trường khi rải chúng.

* Vấn đề 6: Hủy diệt môi trường. Trong các tội thuộc quyền tài phán của Tòa án hình sự quốc tế có các hành vi tước đoạt đất đai và xâm hại môi trường. Dù vậy, tòa ghi nhận giữa thực tế bảo vệ môi trường và luật quốc tế vẫn còn chênh nhau.

Tòa minh định nếu luật quốc tế công nhận tội hủy diệt môi trường, Monsanto có thể vi phạm tội này với các hành vi chủ yếu như sản xuất và cung ứng thuốc diệt cỏ có hóa chất glyphosate; sử dụng trên quy mô lớn các chế phẩm nông hóa độc hại; sản xuất, kinh doanh và phân phối trái phép các giống chuyển gen.

_____________

2 kiến nghị

Trong phần ba của kiến nghị tham vấn, tòa đề xuất hai kiến nghị:

1 Cần ưu tiên cho Luật quốc tế về quyền con người và môi trường. Pháp luật về đầu tư và thương mại hiện nay bảo vệ nhà đầu tư đến mức nhà nước khó thực thi pháp luật về quyền con người và môi trường.

2 Cần quy trách nhiệm cho các tác nhân phi nhà nước theo Luật quốc tế về quyền con người. Phải xem các công ty đa quốc gia là chủ thể pháp luật để từ đó có thể truy tố pháp nhân nếu có sai phạm.

Ủy ban tổ chức thành lập Tòa án quốc tế về Monsanto gồm nhiều nhân vật có uy tín như nguyên bộ trưởng môi trường Pháp Corinne Lepage; giáo sư Olivier De Schutter (Bỉ), ủy viên Ủy ban Các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của LHQ; giáo sư sinh học phân tử Gilles-Éric Séralini (Pháp); tiến sĩ - nhà bảo vệ môi trường Vandana Shiva (Ấn Độ); tiến sĩ côn trùng học Hans Rudolf Herren (Thụy Sĩ).

Chủ tọa phiên tòa tháng 10-2016 là tiến sĩ luật Françoise Tulkens (Bỉ), nguyên phó chánh án Tòa án nhân quyền châu Âu. Bốn thẩm phán còn lại gồm: bà Dior Fall Sow (Senegal), cố vấn Tòa án hình sự quốc tế; ông Jorge Abraham Fernández Souza (Mexico); tiến sĩ Eleonora Lamm (Argentina) và ông Steven Shrybman (Canada).

Các nguyên đơn có luật sư đại diện. Tập đoàn Monsanto được mời đến để bào chữa nhưng vắng mặt và chỉ gửi thư ngỏ.

Kiến nghị tham vấn công bố ngày 18-4 được xem như kết luận cuối cùng của Tòa án quốc tế về Monsanto tại La Haye. Do đây là phiên tòa công dân nên về mặt pháp lý, kiến nghị tham vấn không có giá trị ràng buộc.

Tuy nhiên, các nạn nhân của Monsanto có thể sử dụng các luận điểm pháp lý trong kiến nghị tham vấn để kiện Monsanto. Kiến nghị tham vấn sẽ được chuyển đến LHQ, Tòa án hình sự quốc tế, Ủy ban Nhân quyền LHQ và Monsanto.

Phần 2 - Monsanto là ai?

Một tháng trước khi Tòa án quốc tế về Monsanto ở La Haye kết luận Monsanto hủy diệt môi trường, tòa án liên bang California, Mỹ đã công bố "hồ sơ Monsanto" gây chấn động dư luận. Hồ sơ chứng minh từ năm 1999, Monsanto đã biết rõ thuốc diệt cỏ Roundup là chất độc hại gây ung thư.

Từ ngày thành lập đến nay, Tập đoàn hóa chất Monsanto đã mang nhiều tai tiếng về sản xuất các chất độc hại.
monsanto und bayer
Từ đường hóa học đến thuốc diệt cỏ

Năm 1901, ông John Francis Queeny đã bỏ tiền túi 1.500 USD và vay thêm 3.500 USD để thành lập công ty tại Saint-Louis (bang Missouri của Mỹ). Công ty mang tên Monsanto để nhớ đến vợ ông tên Olga Mendez Monsanto.

Ban đầu Monsanto chỉ sản xuất đường hóa học và là nhà sản xuất đầu tiên ở Mỹ về sản phẩm này. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, các nhà khoa học làm cho Monsanto đã từng tham gia dự án Manhattan về sản xuất bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới.

Năm 1959, Monsanto thành lập bộ phận nông nghiệp chuyên sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật và bắt đầu sử dụng hoạt chất 2, 4, 5-T (axit trichlorophenoxyacetic) để sản xuất thuốc diệt cỏ Lasso.

Thuốc diệt cỏ của Monsanto nổi danh với tên gọi là "tác nhân da cam", sau này được bán cho quân đội Mỹ sử dụng từ năm 1961-1971 trong chiến tranh Việt Nam.

Năm 1969, Viện Y tế quốc gia Mỹ từng công bố công trình nghiên cứu trên chuột chứng minh hoạt chất 2, 4, 5-T rất độc hại.

Đến năm 1974, Monsanto đưa ra thị trường sản phẩm Roundup, thuốc diệt cỏ đầu tiên có nguồn gốc hoạt chất glyphosate. Năm 1982, Monsanto chuyển sang nghiên cứu cây biến đổi gen và 14 năm sau đã giới thiệu giống biến đổi gen đầu tiên kháng thuốc diệt cỏ Roundup. Đó là giống đậu nành Roundup Ready (RR).

Hiện nay, theo tài liệu của Monsanto, doanh nghiệp này chuyên về hạt giống cây trồng, công nghệ sinh học cây trồng và thuốc bảo vệ thực vật. Monsanto có 21.183 nhân viên với 404 cơ sở trên 66 quốc gia, chỉ riêng tại Mỹ đã có 10.277 nhân viên với 146 cơ sở tại 33 bang.

Vị giáo sư làm bẽ mặt Monsanto

Một tháng trước khi Tòa án quốc tế về Monsanto công bố kiến nghị pháp lý kết luận Monsanto hủy diệt môi trường, ngày 16-3, tòa án liên bang California đã giải mật hơn 250 trang thư từ nội bộ của Monsanto (còn gọi là "hồ sơ Monsanto").

Tài liệu chứng minh từ năm 1999, Monsanto đã lo ngại khả năng chất glyphosate (chất chính trong thuốc diệt cỏ Roundup) có thể đột biến gen. Đây là hoạt chất diệt cỏ được sử dụng nhiều nhất thế giới, có trong hơn 750 sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, đô thị và gia dụng.

Năm 1999, Monsanto quyết định mở chiến dịch nghiên cứu khoa học quy mô nhằm chứng minh với các cơ quan chức năng châu Âu rằng glyphosate không gây độc nhiễm sắc thể. Người mà Monsanto nhờ vả là giáo sư James Parry ở Đại học Swansea (Anh), chuyên gia nghiên cứu các chất độc hại.

Lúc bấy giờ ông Mark Martens, giám đốc về độc chất học của Monsanto ở châu Âu và châu Phi, được giao nhiệm vụ o bế giáo sư James Parry để làm sao có được một báo cáo bùi tai. Nào dè vị giáo sư nọ lại bày tỏ lo ngại về glyphosate và đề nghị tiếp tục thử nghiệm thêm.

Trong quá trình nghiên cứu các tế bào máu của bò và người, giáo sư James Parry kết luận: glyphosate có hoạt tính bất thường nhiễm sắc thể về cấu trúc trong ống nghiệm. Chất có hoạt tính bất thường này là tác nhân đột biến có thể phá vỡ ADN, gây độc nhiễm sắc thể và như vậy có thể dẫn đến đột biến gây ung thư.

Trong nội bộ Monsanto đã có nhiều ý kiến bài bác kết luận của giáo sư James Parry. Tháng 9-1999, một nhà khoa học về độc chất làm việc trong Monsanto viết cho đồng nghiệp: "Parry không phải là người như ta nghĩ, đừng mất thời gian, đôla và nghiên cứu dành cho ông ấy nữa".

Thư khác của một cán bộ công ty viết: "Chúng ta mong muốn người nào đó rành về vấn đề gây độc nhiễm sắc thể của glyphosate/Roundup và có ảnh hưởng đến các nhà điều phối, hoặc dẫn dắt các chiến dịch truyền thông khoa học đối với công chúng để dỡ bỏ vấn đề gây độc nhiễm sắc thể của glyphosate". Rốt cuộc báo cáo của giáo sư James Parry gửi cho Monsanto đã bị ém nhẹm.

WHO cũng sợ glyphosate

Kết luận của giáo sư James Parry chính là kết quả nghiên cứu của Trung tâm Quốc tế nghiên cứu ung thư thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được công bố 16 năm sau. Tháng 3-2015, trung tâm thông báo đã xếp ba loại hóa chất trừ sâu vào hạng 2A, tức hạng "có khả năng gây ung thư", bước cuối cùng trước khi xếp vào hạng "chắc chắn gây ung thư". Đó là diazinon, malathion và glyphosate.

Sau khi biết thông báo này, hàng trăm công nhân nông nghiệp đã kiện Monsanto ra tòa án liên bang ở bang California. Họ cho rằng họ mắc bệnh ung thư hạch bạch huyết là do tiếp xúc với thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto. Từ đó tòa mới giải mật "hồ sơ Monsanto".

Trong khi đó, Monsanto tiếp tục bác bỏ nghiên cứu của Trung tâm Quốc tế nghiên cứu ung thư, đồng thời khẳng định các cơ quan chức năng đều đánh giá glyphosate an toàn. Ví dụ giữa tháng trước, Cơ quan Hóa chất châu Âu (ECHA) đã phát thông báo khẳng định glyphosate không gây ung thư. Khoảng 60 tổ chức bảo vệ môi trường phẫn nộ chỉ ra rằng nhiều chuyên gia trong Ủy ban Thẩm định nguy cơ của ECHA hưởng hai đầu lương, vừa làm việc cho ECHA vừa làm cho các doanh nghiệp hóa chất.

Giáo sư James Parry đã qua đời năm 2010 nên không thể cho ý kiến gì nữa. Tòa án quốc tế về Monsanto ghi nhận hiện nay không có công cụ pháp lý nào để có thể truy tố hình sự một doanh nghiệp như Monsanto hay các nhà lãnh đạo Monsanto. Vì thế chỉ có áp dụng quy trình tố tụng dân sự mới có thể yêu cầu Monsanto bồi thường cho các nạn nhân.

Ngày 21-4, hai nghị sĩ châu Âu Eric Andrieu người Pháp và Marc Tarabella người Bỉ, thành viên Ủy ban Nông nghiệp nghị viện châu Âu, thông báo sẽ đưa đề nghị thành lập ủy ban điều tra đối với Monsanto ra bàn trong cuộc họp của Ủy ban Nông nghiệp vào ngày 2 và 3-5.

Sau khi "hồ sơ Monsanto" được công bố vào giữa tháng 3-2017, 29 nghị sĩ châu Âu đã cùng ký tên trong thư gửi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đề nghị không tiếp tục cấp phép lưu hành đối với hoạt chất glyphosate trong phạm vi Liên minh châu Âu.

Thư chưa nhận được hồi đáp nên mới có ý kiến đề nghị thành lập ủy ban điều tra.

Phần 3 - Nửa thế kỷ Monsanto buôn thần chết

Từ ngày thành lập năm 1901 đến nay, Tập đoàn hóa chất Monsanto của Mỹ đã mang nhiều tai tiếng, từ chất độc da cam, hóa chất PCB, thuốc diệt cỏ Roundup cho đến chất tạo ngọt aspartame. Truyền thông, cùng với các phiên tòa liên quan đến Monsanto, đã khắc họa rõ nét gương mặt của tập đoàn gieo rắc thần chết này.
monsanto
Monsanto đang đầu độc bạn
Nông dân thắng kiện Monsanto

Câu chuyện của người nông dân Paul François 53 tuổi ở thị trấn Bernac (tỉnh Charente, thuộc vùng tây nam nước Pháp) lan truyền khắp thế giới bởi ông là nông dân đầu tiên ở Pháp thắng kiện Monsanto.

Ông Paul François canh tác 200ha ngũ cốc. Ngày 27-4-2004, ông rửa bình xịt thuốc và hít phải hơi độc từ dư lượng thuốc diệt cỏ Lasso trong bình.

Sau đó ông khạc ra máu, đau đầu, ngất xỉu và hôn mê nhiều lần. Các bác sĩ chẩn đoán hệ thần kinh trung ương của ông đã bị nhiễm độc. Ông phải lui tới bệnh viện như cơm bữa.

Nhờ gia đình giúp đỡ, ông bắt đầu điều tra, từ đó biết được thủ phạm khiến ông bị nhiễm độc chính là chất dung môi monochlorobenzene chiếm 50% trong thành phần thuốc diệt cỏ Lasso. Thuốc Lasso đã bị cấm tại Canada năm 1985, tại Bỉ và Anh năm 1992.

Tháng 2-2007, ông đi kiện Monsanto với lý do Monsanto biết thuốc Lasso độc hại nhưng vẫn cho lưu hành ở Pháp. Đến tháng 11-2007, đến lượt thuốc Lasso bị cấm lưu hành ở Pháp.

Tháng 2-2012, tòa sơ thẩm ở Lyon phán quyết Monsanto phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và phải bồi thường hoàn toàn cho nông dân Paul François. Ba năm sau, tòa phúc thẩm ở Lyon tuyên y án sơ thẩm.

Luật sư của nguyên đơn tuyên bố: "Lần đầu tiên một nhà sản xuất thuốc trừ sâu bị kết án bồi thường cho một nông dân đã nhiễm độc thuốc. Bản án này là điểm khởi đầu cho làn sóng đòi bồi thường, mở ra cánh cửa quy trách nhiệm cho nhà sản xuất".

Báo chí Pháp đã gọi ông Paul François là người đầu tiên phá tan im lặng về mối nguy hại từ thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu bệnh và thuốc trừ nấm trên cây trồng.

Mang tử thần đi khắp thế giới

Ngay sau khi tòa sơ thẩm xử cho nông dân Paul François thắng kiện, báo Le Monde của Pháp số ra ngày 16-2-2012 đã đăng bài viết với đầu đề "Monsanto - Nửa thế kỷ tai tiếng về sức khỏe". Bài báo này cùng với tài liệu của Tòa án quốc tế về Monsanto tại La Haye (Hà Lan) đã điểm mặt chỉ tên một số sản phẩm độc hại của Monsanto như sau:

* Chất da cam: Đây là tên một loại chất diệt cỏ và rụng lá được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Chất da cam gồm hỗn hợp hai thành phần 2,4-dichlorophenoxyacetic acid (2,4-D) và 2,4,5-trichlorophenoxyacetic acid (2,4,5-T).

Thùng phuy chứa hỗn hợp 2,4-D và 2,4,5-T được sơn vạch màu da cam nên có tên gọi là chất da cam. Dioxin là từ chung để chỉ một nhóm chất. Dioxin có trong chất da cam. Trong các chất dioxin, chất 2,3,7,8-tetraclorodibenzo-p-dioxin (TCDD) là chất độc nhất.

Monsanto từng trưng kết quả các công trình nghiên cứu khoa học để chứng minh không có mối liên hệ giữa phơi nhiễm dioxin với bệnh ung thư. Màn kịch dối trá này đã bị Hội đồng nghiên cứu quốc gia Mỹ (trực thuộc chính phủ) lật tẩy vào đầu thập niên 1990.

* Thuốc diệt cỏ: Năm 1975, Monsanto đưa ra thị trường thuốc diệt cỏ cực mạnh Roundup (sử dụng hoạt chất glyphosate) và giới thiệu Roundup tốt cho môi trường, có thể phân hủy sinh học.

Tuy nhiên, nhiều công trình nghiên cứu khẳng định glyphosate là tác nhân gây ung thư cho người. Monsanto đã phản bác các nghiên cứu này. Về phần thuốc diệt cỏ Lasso, sản phẩm này đã bị cấm lưu hành từ năm 2007.

* PCB: PCB thuộc nhóm chất hữu cơ gây ô nhiễm khó phân hủy đã được Monsanto bán độc quyền từ năm 1935-1979.

Báo Washington Post tường thuật hàng ngàn trang tài liệu của Monsanto đóng dấu "Mật: Đọc và hủy" đã chứng minh từ nhiều thập niên qua, Monsanto biết PCB độc hại nhưng vẫn che giấu sự thật.

Năm 1975, Monsanto từng nghiên cứu và nhận thấy PCB gây ra khối u nơi chuột thí nghiệm nhưng sau đó thay đổi kết quả từ "gây khối u nhẹ" thành "không gây bệnh ung thư".

Năm 2001, 3.600 cư dân Anniston (bang Alabama, Mỹ) kiện Monsanto. Theo báo cáo của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ, trong gần 40 năm Monsanto đã đổ hàng ngàn tấn chất thải nhiễm PCB ra suối và thiên nhiên ở Anniston.

Năm 2002, tòa tuyên Monsanto phải trả 700 triệu USD bồi thường thiệt hại. PCB đã bị cấm sử dụng theo Công ước Stockholm về các chất hữu cơ khó phân hủy năm 2001. PCB gây ung thư, ảnh hưởng khả năng sinh sản, quá trình phát triển của trẻ và hệ miễn dịch.

* Hormone tăng trưởng: Đầu thập niên 1990, Monsanto đã bán sản phẩm công nghệ sinh học đầu tiên mang tên Posilac. Loại hormone tăng trưởng ở bò (rBGH) này là hormone biến đổi gen, giúp kích thích bò cho lượng sữa tăng gần 20%. Thực ra hormone tăng trưởng rBGH gây viêm vú bò, buộc người chăn nuôi phải dùng thuốc kháng sinh trị, dẫn đến dư lượng kháng sinh còn tồn trong sữa.

Hiện nay sản phẩm này đã bị hầu hết các nước cấm sử dụng. Năm 1997, Monsanto từng gây sức ép với Đài truyền hình Fox News để ngừng phát phóng sự điều tra về nguy hiểm của Posilac.

* Chất tạo ngọt aspartame: Trong hai thập niên 1980 và 1990, Monsanto là một trong những nhà sản xuất chất tạo ngọt aspartame chủ yếu.

Từ năm 2000, Monsanto tuyên bố dừng sản xuất aspartame nhưng lại minh định chất tạo ngọt này không gây ra bất kỳ bệnh gì. Dù vậy, các công trình nghiên cứu cho thấy sản phụ dùng chất tạo ngọt này có nguy cơ sinh sớm.

Theo tài liệu từ văn phòng Ban chỉ đạo 33 (Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam), chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả nặng nề nhất.

Từ năm 1961-1971, quân đội Mỹ đã phun rải gần 80 triệu lít chất độc hóa học xuống miền Nam Việt Nam. 61% trong đó là chất độc da cam, chứa 366kg dioxin.

Môi trường và sinh thái đã bị hủy hoại nặng nề. Khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm. Gần 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Hàng trăm nghìn người đã chết, những nạn nhân còn sống phải vật lộn với các căn bệnh hiểm nghèo.

Di chứng chất độc da cam đã truyền qua các thế hệ con, cháu, chắt. Không chỉ người Việt Nam mà cả binh lính Mỹ và đồng minh của Mỹ tham chiến ở Việt Nam cũng là nạn nhân.

Phần 4 - Cuộc chiến vì công lý

68 năm về trước đã xảy ra vụ phơi nhiễm chất độc dioxin tại thành phố Nitro (Mỹ). Sau đó, Monsanto vẫn khăng khăng cho rằng dioxin không gây bệnh ung thư.

Monsanto bắt đầu sản xuất thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Năm 1948, Monsanto xây dựng một nhà máy chuyên sản xuất hóa chất diệt cỏ 2,4,5-T tại thành phố nhỏ Nitro dọc sông Kanawha (bang Tây Virginia). 2,4,5-T là chất chiếm 50% thành phần chất độc da cam sau này được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Korean veterans Monsanto agent orange protest
© UPINgày 31-8-2006, các cựu binh Hàn Quốc đến trước Nhà Trắng biểu tình đánh động dư luận về chất độc dioxin
Vụ kiện hơn 60 năm

Ngày 8-3-1949, một vụ nổ xảy ra tại nhà máy của Monsanto ở Nitro. Sau đó, hàng trăm công nhân nhà máy mắc bệnh trứng cá vì clor (chloracne) do phơi nhiễm chất dioxin (tạp chất phát sinh trong quá trình sản xuất 2,4,5-T). Cư dân Nitro đã khởi kiện tập thể đối với Monsanto.

Theo báo Le Monde của Pháp, đến tháng 10-2014 Tòa án tối cao ở bang Tây Virginia mới phán quyết buộc Monsanto bồi thường 93 triệu USD cho thành phố Nitro vì đã làm cư dân phơi nhiễm chất độc da cam.

Tiền bồi thường gồm 9 triệu USD tẩy rửa bụi nhiễm dioxin cho 4.500 hộ gia đình, 21 triệu USD chi xét nghiệm và 63 triệu USD chi cho các xét nghiệm bổ sung khi cần thiết.

Cư dân đã cư trú tại Nitro từ ngày 1-1-1948 đến ngày 3-9-2010 sẽ được kiểm tra nhiễm dioxin trong suốt 30 năm. Họ có quyền khởi kiện cá nhân đối với Monsanto nếu kết quả xét nghiệm cho thấy đã bị thiệt hại vật chất do phơi nhiễm dioxin.

Một văn phòng được lập ra để tổ chức công tác xét nghiệm. Một luật sư được tòa chỉ định phụ trách giám sát.

Trong bài viết đăng ngày 2-12-2013, ông André Bouny người Pháp, chủ tịch Ủy ban quốc tế ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, cho biết Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đã khuyến cáo người dân có thể kiện Monsanto về hành vi gian lận do che giấu tình trạng nhiễm dioxin trong chất 2,4,5-T.

Ngoài ra, EPA cũng đề nghị có thể kiện Monsanto về hành vi gian lận nghiên cứu y tế.

Monsanto đã sử dụng kết quả nghiên cứu ngụy tạo để cho rằng dioxin không gây ung thư và nhiều bệnh khác, trừ bệnh trứng cá do clor, đồng thời đã gửi mẫu giả không có dioxin cho cơ quan chức năng của chính phủ.

Sự thật bị ém nhẹm

Chất da cam được nhiều công ty Mỹ sản xuất, trong đó có Công ty đa quốc gia Dow Chemicals.

Một tài liệu nội bộ đã giải mật của Dow Chemicals ghi lại nội dung một cuộc họp bí mật của các nhà sản xuất chất da cam ngày 22-2-1965, trong đó có đại diện của Monsanto. Mục đích họp nhằm thảo luận các vấn đề nhiễm độc gây ra do một số độc chất có hàm lượng cao trong các mẫu hóa chất 2,4,5-T do quân đội Mỹ cung cấp.

Đại diện Dow Chemicals báo cáo một công trình nghiên cứu nội bộ đã chứng minh thỏ phơi nhiễm với dioxin đã bị tổn thương gan trầm trọng.

Vấn đề đặt ra là có nên báo cáo với chính phủ tính chất độc hại của dioxin hay không. Lúc bấy giờ đại diện Monsanto đã chỉ trích Dow Chemicals muốn "vạch áo cho người xem lưng".

Bí mật này đã bị ém nhẹm tối thiểu bốn năm sau đó vào thời điểm cao trào của chiến dịch rải chất độc da cam của quân đội Mỹ ở Việt Nam.

Đến năm 1969, một công trình nghiên cứu của Viện Y tế quốc gia (trực thuộc Bộ Y tế và dịch vụ con người Mỹ) đã chứng minh tính chất độc hại của chất diệt cỏ 2,4,5-T. Chuột thí nghiệm phơi nhiễm với lượng 2,4,5-T cao đã bị dị tật bào thai và chết non.

Ngày 15-4-1970, Bộ Nông nghiệp Mỹ cấm sử dụng 2,4,5-T vì gây nguy hiểm cho sức khỏe. Sang năm sau, quân đội Mỹ chấm dứt chiến dịch rải chất độc da cam tại Việt Nam.

Cựu binh Mỹ đi kiện

Năm 1978, cựu binh Mỹ Paul Reutershan mắc bệnh ung thư ruột đã đi kiện Monsanto và sáu nhà sản xuất chất độc da cam để đòi bồi thường.

Sau đó, hàng ngàn cựu binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam bị phơi nhiễm dioxin cùng tham gia. Đây là phong trào kiện tập thể đầu tiên tại Mỹ đối với Monsanto cùng các nhà sản xuất chất độc da cam khác.

Các cựu binh chứng minh họ bị nhiễm dioxin trong chất độc da cam ở chiến tranh Việt Nam và dioxin đã gây đủ thứ bệnh. Nhiều công trình khoa học đã được trình bày để khẳng định dioxin là tác nhân gây bệnh ung thư.

Để phản tố, Monsanto cũng trưng ra các công trình nghiên cứu đối với các công nhân trong vụ nổ nhà máy ở Nitro năm 1949 để kết luận không có liên hệ giữa phơi nhiễm 2,4,5-T trong chất da cam với bệnh ung thư.

Cuối cùng các cựu binh Mỹ chấp nhận giải pháp thương lượng với Monsanto. Ngày 7-5-1984, bảy nhà sản xuất chất độc da cam đồng ý bồi thường 180 triệu USD, trong đó Monsanto chi 45,5% theo lệnh của tòa. 40.000 cựu binh nhận được trợ cấp từ 256-12.800 USD tùy trường hợp.

Vụ kiện khép lại trong cay đắng bởi các cựu binh Mỹ chỉ nhận được khoản tiền nhỏ nhoi so với tiền bạc họ bỏ ra lo điều trị bệnh tật.

Sau đó, đến đầu thập niên 1990 mới lộ ra chuyện Monsanto sử dụng công trình nghiên cứu ngụy tạo để chứng minh dioxin không gây ung thư.

Ngày 12-7-2013, Tòa án tối cao Hàn Quốc công bố phán quyết yêu cầu Monsanto và Dow Chemicals bồi thường cho 39 nguyên đơn là cựu binh tham chiến ở Việt Nam với số tiền tổng cộng 466 triệu won (338.000 USD). Tòa đánh giá có bằng chứng khẳng định mối quan hệ dịch tễ học giữa chất độc da cam và các bệnh về da mà các nguyên đơn mắc phải.

Theo số liệu của Chính phủ Hàn Quốc, Hàn Quốc đã đưa 320.000 binh lính tham chiến bên cạnh binh lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. 50% trong số này mắc các bệnh liên quan đến chất độc da cam. Từ năm 1999 đến phiên tòa nêu trên đã có 16.000 cựu binh Hàn Quốc kiện các công ty Mỹ đòi bồi thường.

Năm 1966, sau khi quân đội Mỹ sử dụng chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam, Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã bắt đầu thảo luận về tội ác hủy diệt sinh thái.

Quy chế Rome về Tòa án hình sự quốc tế năm 1998 thừa nhận bốn tội gồm tội ác chống loài người, tội ác diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác xâm lược.

Nếu muốn Tòa án hình sự quốc tế xem tội ác hủy diệt sinh thái là tội ác thứ năm, một quốc gia phải đề nghị tổng thư ký LHQ xem xét sửa đổi Quy chế Rome, sau đó quy chế sửa đổi phải được LHQ thông qua.

Phần 5 - Khi chiến tranh đi qua

Năm 2013, tòa án Hàn Quốc đã buộc Monsanto và Dow Chemical phải bồi thường cho 39 cựu binh nạn nhân chất độc da cam. Còn các nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam vẫn đang nhọc nhằn trong hành trình đi kiện.

Theo tài liệu của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, ngày 30-1-2004, các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã đưa đơn kiện đòi bồi thường ra tòa sơ thẩm ở Mỹ (khu Đông New York).
Operation Ranch Hand, spraying Agent Orange over Vietnam
Chiến dịch Ranch Hand: Rải chất độc màu da cam lên Việt Nam
Hành trình đi kiện

Nguyên đơn chính liên quan đến 11 gia đình và 27 nạn nhân Việt Nam cùng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đại diện cho đông đảo nạn nhân. Như vậy đây là vụ kiện dân sự tập thể (class action). Bị đơn gồm 36 công ty, trong đó có Monsanto.

12 tội liên quan đến bị đơn theo luật Mỹ gồm: tội ác chiến tranh, diệt chủng, tội chống nhân loại, tra tấn, hành hung, cố ý gây tổn thương tinh thần, gây tổn thương tinh thần do tắc trách, tắc trách, gây chết oan uổng, trách nhiệm sản phẩm, gây phiền toái công cộng, làm giàu bất chính.

Bất chấp công lý và đạo lý, tòa án Mỹ đã phán quyết dựa vào hai cơ sở chính: một là chưa có bằng chứng khoa học "đầy đủ" cho thấy chất diệt cỏ gây bệnh tật, hai là nếu chất diệt cỏ có độc thì đó là do tình cờ chứ không phải "cố ý".

Ngoài vụ kiện ở Mỹ còn có vụ kiện tại Pháp của Việt kiều Pháp Trần Tố Nga (nạn nhân chất độc da cam) đối với 26 công ty hóa chất Mỹ. Vụ kiện đã được tòa án thành phố Évry (vùng Paris của Pháp) thụ lý. 19/26 công ty hóa chất Mỹ, trong đó có Monsanto, buộc phải xuất hiện tại tòa với tư cách bị đơn.

Sau khi xem xét những đòi hỏi vô lý của các công ty hóa chất Mỹ qua tám phiên tòa trong gần hai năm (từ tháng 4-2015 đến tháng 2-2017), chánh án quyết định phiên tranh tụng đầu tiên vào ngày 22-6-2017.

"Câu giờ"

Trong bài "Chất độc da cam, Monsanto bị tố cáo" đăng trên báo Le Monde Diplomatique tháng 2-2017, ông Francis Gendreau, nguyên chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp - Việt từ năm 2002-2007, viết về bà Trần Tố Nga: "Vào cuối đời, người phụ nữ sông Mékong đã bắt đầu cuộc chiến thứ ba - đấu tranh vì công lý sau hai cuộc chiến chống Pháp và Mỹ".

Ông nhận xét qua các phiên tòa, các công ty Mỹ đã áp dụng chiến thuật cổ điển là đòi đủ thứ giấy tờ để kéo dài thời gian. Phải đến phiên tòa ngày 15-12-2016, hồ sơ vụ kiện mới được xem xét phần nội dung về trách nhiệm của các công ty Mỹ.

Ông ghi nhận chất độc da cam không chỉ gây tác hại ở Việt Nam mà còn được sử dụng tại Campuchia và Lào, dọc khu phi quân sự hai miền Triều Tiên. Chất độc da cam đã được thử nghiệm tại Gagetown (Canada) và gần Pranburi (Thái Lan).

Ngoài ra, chất độc da cam còn được lưu kho trong các căn cứ quân sự Mỹ ở Mỹ (đảo Johnston) và ở Hàn Quốc (căn cứ Carroll), Nhật.

Cho dù Mỹ chối bỏ nhưng bằng chứng chất độc da cam hiện diện tại căn cứ không quân Mỹ Kadena ở Okinawa đã được xác nhận. Căn cứ này đã được dùng làm nơi huấn luyện cho nhân viên sử dụng thuốc diệt cỏ (chủ yếu là phun rải), tẩy rửa và bảo trì các máy bay đã sử dụng tại Việt Nam.

Theo ông Francis Gendreau, các công ty Mỹ còn sản xuất chất độc da cam ở Pháp. Trong nhà máy hóa chất của Công ty Progil (hiện mang tên Vencorex) ở Pont-de-Claix có một xưởng chuyên sản xuất 2,4-D và 2,4,5-T (hai thành phần của chất độc da cam).

Các chất diệt cỏ này được chuyển trực tiếp đến Sài Gòn, sau đó được trung chuyển qua Rotterdam (Hà Lan) khi phong trào phản chiến bùng nổ. Thông tin nêu trên do tổ chức công đoàn Mặt trận Công nhân dân chủ ở Pháp cung cấp năm 2004.

Né trách nhiệm

Trong bài viết với đầu đề "Chất da cam: Nhìn lại mối liên quan của Monsanto" đăng trên trang web của Monsanto (phiên bản tiếng Pháp), Monsanto thừa nhận chất da cam là một trong những di chứng của chiến tranh Việt Nam.

Monsanto cho biết vào thời điểm chiến tranh Việt Nam bắt đầu lan rộng, Chính phủ Mỹ đã áp dụng Luật sản xuất quốc phòng (Defense Production Act) để ký hợp đồng với bảy nhà sản xuất hóa chất nhằm cung cấp chất da cam và nhiều chất diệt cỏ khác sử dụng tại Việt Nam.

Các công ty sản xuất gồm Diamond Shamrock, Dow Chemical, Hercules, T-H Agricultural & Nutrition, Thompson Chemicals, Uniroyal và Monsanto.

Tổng cộng có 15 chất diệt cỏ được sử dụng vì mục đích quân sự, trong đó chất da cam được sử dụng nhiều nhất.

Monsanto đổ lỗi cho Chính phủ Mỹ đã chỉ định thành phần hóa học của chất da cam cũng như phương thức sử dụng gồm thời gian, địa điểm, cách thức, liều lượng. Monsanto đã sản xuất chất da cam từ năm 1965-1969. Chất diệt cỏ này gồm hai hỗn hợp đều nhau 2,4-D và 2,4,5-T.

Monsanto xác nhận sau chiến tranh Việt Nam, giới khoa học cũng như công luận quan ngại về chất dioxin 2,3,7,8-TCDD là chất phát sinh trong quá trình sản xuất 2,4,5-T.

Cuối cùng Monsanto cho rằng các nhà sản xuất đáp ứng thị trường công thì chỉ làm theo Chính phủ Mỹ và hậu quả thiệt hại xảy ra trong chiến tranh Việt Nam, kể cả việc sử dụng chất da cam, phải do các chính phủ có liên quan giải quyết.

Diễn biến vụ kiện chất độc da cam ở Mỹ

* Tòa sơ thẩm: Ngày 18-3-2004, tòa tổ chức phiên điều trần đầu tiên. Đến ngày 10-3-2005, thẩm phán Jack Weinstein ra phán quyết dày 233 trang bác bỏ vụ kiện vì cho rằng việc sử dụng chất hóa học da cam dù độc hại nhưng không áp dụng với khái niệm chất độc, do đó không vi phạm luật quốc tế.

* Tòa phúc thẩm: Ngày 8-4-2005, nguyên đơn Việt Nam đã trình yêu cầu kháng cáo lên tòa án phúc thẩm số 2 ở Manhattan (New York).

Đến ngày 22-2-2008, tòa ra phán quyết bác kháng cáo với lập luận: "Nguyên đơn không thể chứng minh chất diệt cỏ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam là vi phạm điều cấm sử dụng chất độc trong chiến tranh, chất da cam được sử dụng để bảo vệ binh sĩ Mỹ khỏi bị phục kích chứ không phải vũ khí chống con người".

* Tòa án tối cao: Ngày 6-10-2008, nguyên đơn Việt Nam nộp đơn lên tòa án tối cao Mỹ. Ngày 2-3-2009, tòa thông báo từ chối xem xét lại vụ kiện chất độc da cam của Việt Nam vì thẩm phán John Paul Stevens được giao nhiệm vụ xét xử đã tuyên bố thoái thác vì lý do cá nhân nhưng không nêu rõ thoái thác vì lý do gì.

Phần 6 - Monsanto đang làm gì ở Việt Nam?

Sau hơn 50 năm chất độc da cam do Monsanto sản xuất được rải xuống Việt Nam, Monsanto đưa vào Việt Nam một sản phẩm khác là hạt giống biến đổi gen (GMO), kèm với đó là chất trừ cỏ glyphosate.

Đại diện của Monsanto tại Việt Nam cho biết Monsanto hiện nay không liên quan gì đến Monsanto trong quá khứ, còn hạt giống GMO là một tiến bộ công nghệ sinh học đem lại lợi ích cho nông dân.

Không liên quan?

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 26-4, bà Aruna Rachakonda, tổng giám đốc Công ty TNHH Dekalb Việt Nam (chi nhánh Monsanto tại Việt Nam), cho biết Tòa án quốc tế về Monsanto (Monsanto Tribunal) là một tổ chức tự phát, không có tính pháp lý do các cá nhân tự thành lập, vừa là người tổ chức, vừa là người đánh giá, vừa là "thẩm phán". Phiên tòa trên là hành động của các tổ chức cạnh tranh không lành mạnh với Monsanto và với các công ty nông nghiệp công nghệ cao.

Khi được hỏi về mối liên hệ giữa Monsanto hiện nay và Monsanto trong quá khứ, cụ thể là việc chất độc da cam được quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam những năm 1960-1970 của thế kỷ trước, bà Aruna Rachakonda cho biết: "Tôi mới đến Việt Nam được khoảng 8 tháng nên không thực sự biết rõ về những gì mà Monsanto đã làm ở chiến tranh Việt Nam". Cũng theo bà Aruna Rachakonda, kể từ khi thành lập năm 1901 đến nay, Monsanto đã có rất nhiều cuộc thay đổi lớn về cấu trúc và đường lối phát triển của công ty, từ một công ty chuyên sản xuất thuốc bảo vệ thực vật đến nghiên cứu giống, công nghệ sinh học. Năm 1993, văn phòng đại diện đầu tiên của Monsanto có mặt tại Việt Nam. Tới năm 2010, Monsanto thành lập Công ty TNHH Dekalb Việt Nam. Trong giai đoạn 1993-2014, Monsanto chủ yếu bán hạt giống bắp lai và các hóa chất bảo vệ thực vật. "Vì vậy, Monsanto ngày nay hoàn toàn không liên quan gì đến tổ chức trước đây. Cá nhân tôi không thấy Tập đoàn Monsanto trong quá khứ và Monsanto bây giờ có liên quan gì đến nhau cả" - bà Aruna Rachakonda khẳng định.

Trong khi đó, TS Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, cho biết Monsanto không thể phủ nhận những gì họ đã làm trong quá khứ. Một công ty dù đã thay đổi sản phẩm hay mô hình kinh doanh thì cũng không thể rũ bỏ được hết những gì họ đã từng làm, nhất là với những tác động kinh khủng mà chất độc da cam đối với tính mạng con người và môi trường Việt Nam. "Không chỉ có chất độc da cam, Monsanto cũng là nhà sản xuất và đưa nhiều thuốc trừ cỏ độc hại như Glyphosate, Paraquat vào Việt Nam. Gần nhất là hạt giống biến đổi gen là vấn đề đang tranh cãi rất lớn trên thế giới" - TS Nguyễn Đăng Nghĩa nói.

Monsanto hiện là một trong ba công ty được cấp phép thương mại hóa hạt giống biến đổi gen tại Việt Nam (hai công ty còn lại là Syngenta và CP). Cùng với quá trình Việt Nam cho phép trồng đại trà giống bắp GMO, những tranh cãi về tính an toàn của GMO và hóa chất trừ cỏ glyphosate bùng lên mạnh mẽ trên toàn thế giới. Glyphosate là thành phần chính trong thuốc diệt cỏ dành cho bắp GMO do Monsanto sản xuất với tên thương mại Roundup, còn ở Việt Nam là Maxer.

Diện tích bắp GMO tăng 10 lần
monsanto
Dù Công ty Monsanto khẳng định hạt giống GMO là những giải pháp tiên tiến đem lại lợi ích cho nông dân, các nhà khoa học vẫn tranh cãi và cảnh báo về ảnh hưởng của GMO cũng như tác hại của glyphosate đến môi trường và sức khỏe con người.

Một chuyên gia nông nghiệp đề nghị giấu tên cho hay để được cấp phép cho cây trồng biến đổi gen, các công ty công nghệ sinh học đã có nhiều hình thức để vận động các nhóm ủng hộ từ các cơ quan chức năng đến các viện nghiên cứu của Việt Nam. Đó là các chương trình tài trợ, hợp tác nghiên cứu, hội thảo khoa học về cây trồng biến đổi gen... với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các chương trình tài trợ học bổng cho sinh viên, đào tạo chuyên gia dinh dưỡng.

PGS.TS Vũ Trọng Khải, nguyên hiệu trưởng Trường cán bộ Quản lý nông nghiệp, cho biết ngay từ khi có thông tin các tập đoàn lớn đưa giống GMO vào Việt Nam, nhiều nhà khoa học trong nước đã phản đối. "Đây là một quyết định sai lầm, đi ngược lại với xu hướng phát triển chung của nông nghiệp" - ông Khải nói. Theo ông Khải, đến nay tính an toàn của cây trồng và thực phẩm GMO vẫn là đề tài tranh cãi trên thế giới vì các nhà khoa học chia ra hai phe ủng hộ và phản đối. Nhưng cái nguy hiểm của cây trồng GMO là khi dùng thì phải kèm với thuốc trừ cỏ độc hại. "Đã dùng thuốc trừ cỏ tức là hủy hoại môi trường. Trong khi đó thế giới đang chuyển về với nông nghiệp tự nhiên, nông nghiệp hữu cơ không dùng hóa chất và không dùng giống GMO" - ông Khải nhận định.

GS Nguyễn Quốc Vọng, Đại học RMIT (Úc), cũng cảnh báo phong trào phản đối thực phẩm biến đổi gen trên thế giới, nhất là ở những thị trường cao cấp và khó tính. Đây cũng là những thị trường chủ lực cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Việc cho phép trồng đại trà cây bắp GMO làm thức ăn chăn nuôi sẽ dẫn đến nguy cơ các sản phẩm chăn nuôi sử dụng thành phần này tại Việt Nam như cá tra, tôm bị ngưng xuất khẩu nếu xảy ra vấn đề về an toàn với sản phẩm GMO.

Bất chấp những lo ngại của các nhà khoa học, đã có 21 giống biến đổi gen (bắp và đậu nành) được Việt Nam cấp phép đủ điều kiện làm thực phẩm và khảo nghiệm hoặc thương mại hóa. Giống bắp đầu tiên của Monsanto được cấp phép thương mại hóa (bán và trồng rộng rãi) tại Việt Nam từ tháng 10-2014. Theo Monsanto, trong năm đầu tiên, hạt giống bắp GMO của công ty đã được trồng khoảng 10.000-15.000ha tại Việt Nam. Kế hoạch của Monsanto là nâng diện tích lên khoảng 10 lần, tức là khoảng 100.000-150.000ha trồng bắp GMO trong năm 2017.

Mới đây, Monsanto và Công ty chăn nuôi CP đã liên kết với nhau để sản xuất bắp giống GMO tại Việt Nam với tham vọng biến Việt Nam thành nơi xuất khẩu giống GMO của khu vực.

Khi được hỏi về trách nhiệm của Monsanto đối với quá khứ, nhất là việc gần đây tòa án Hàn Quốc đã buộc Monsanto phải bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam, Monsanto có nghĩ tới việc bồi thường cho các nạn nhân Việt Nam không, bà Aruna Rachakonda nói "xin không bình luận" và sẽ chuyển vấn đề này tới Monsanto toàn cầu, nơi có riêng một bộ phận giải quyết các vấn đề liên quan tới chất độc da cam trong chiến tranh.