man with plow and mule toiling
Chúng ta hãy cùng quay lại với quả táo. "Cái cây cho tôi quả của nó và tôi trả lại hạt vào tự nhiên để chúng có thể mọc thành những cây khác." Lần mới đây ăn táo, tôi đã đếm. Có mười cái hạt. Tạm thời bỏ qua thực tế rằng các hạt ấy sẽ không cho ra những quả táo ăn được: ngay cả khi người ăn chay bằng quả có một khu vườn cực kỳ rộng lớn, chẳng bao lâu anh ta cũng sẽ không còn chỗ. Anh ta không có ý định giữ lời khi viết câu đó. Điều đó đơn giản là không thể. Nhưng tôi cứ quay lại câu ấy mãi, bởi vì có cái gì đó trong ấy có ý nghĩa lớn lao với người viết, và đó cũng là điều có ý nghĩa lớn lao với tôi: một mối quan hệ có sự qua lại và tôn trọng lẫn nhau. Tác giả câu ấy rõ ràng đang khát khao một loại thực phẩm - một cách sống - dựa trên sự qua lại chứ không phải sự bóc lột, và anh tin rằng cây cối cũng được tính là một đối tác, một thành viên tham gia. Khi đã đưa "chúng" vào cùng với "chúng ta" trong phân loại về nhận thức và ý thức, anh không thể cứ tự nhiên lấy nữa. Anh cần biết rằng anh đang trả lại, như một phần của vòng tròn trao đổi, thay vì sự khai thác một chiều mà anh đã xác định là đồng nghĩa với cái chết. Câu nói ấy là hiện thân của một trong những thôi thúc tốt lành trong huyền thoại ăn chay: cố gắng đưa con người xuống khỏi vị trí ở trên với tư cách là chúa tể muôn loài, điều chỉ dẫn đến sự hủy diệt, và đưa chúng ta trở lại vị trí thực sự của chúng ta trong vòng tròn của sự sống.

Nhưng nó cũng phản ảnh sự thiếu hiểu biết. Anh ta không biết cây táo ăn gì. Chúng ăn động vật, bao gồm cả chúng ta. Chúng cần chất thải của chúng ta — nitơ, chất khoáng, vi khuẩn — cùng máu thịt và xương của chúng ta. Có một mối quan hệ qua lại giữa động vật và thực vật: một bên săn mồi và một bên là con mồi, cho đến khi con mồi trở thành săn mồi. Chính cố gắng thoát khỏi vòng tròn ấy của chúng ta đã phá hủy nó.

Còn nhiều sự thiếu hiểu biết nữa. Anh ta không biết rằng những cái hạt đang sống. Hoặc anh không cho phép mình biết vậy. Do sát sinh là điều báng bổ trong hệ thống đạo đức này, anh không thể thừa nhận rằng trên thực tế anh đang ăn những thứ đang sống. Đấy là bất chấp thực tế rằng anh coi cây cối như những sinh linh đáng được nhận sự tôn trọng của anh.

Và còn sự thiếu hiểu biết cuối cùng trong sự ngộ nhận của anh về bản chất cây táo. Có một mối quan hệ qua lại trong trao đổi giữa con người và cây táo, nhưng nó không phải là việc con người trồng những cái hạt. Đấy là việc con người chiết cành, trồng, chăm sóc những cái cây và mở rộng lãnh thổ của chúng. Đấy là việc cây táo cám dỗ chúng ta, với đề nghị ngọt ngào của chúng, để chúng ta làm công cực nhọc cho chúng. Đấy là quá trình cùng tiến hóa, và nó được gọi là sự thuần hóa.

Thuần hóa không phải là một khái niệm được những người tuyên bố chống lại nó hiểu rõ. Tôi từng coi sự thuần hóa là việc con người chiếm quyền kiểm soát động vật và thực vật. Và nó thật là kinh khủng đối với tôi, vì chỉ còn một đoạn ngắn nữa để đến với những con gà mái bị tra tấn trong những cái lồng chật như nêm và những con khỉ bị nện vào đầu trong các thí nghiệm chấn thương sọ não. Dĩ nhiên, toàn bộ chế độ ăn của tôi là những thứ được thuần hóa, ngoại trừ một vài lá dương xỉ vào mỗi mùa xuân. Nhưng chúng là thực vật nên tôi đơn giản là không nghĩ về điều đó. Động vật mới là thứ tôi muốn cứu khỏi sự bóc lột của con người, và trong cách nhìn của những người ăn chay, bóc lột bắt đầu với thuần hóa.

Cho đến một thời điểm khi cái định nghĩa ấy bị rạn nứt trong tâm trí tôi. Đó là vào 6 giờ sáng một buổi sáng tháng giêng, với nhiệt độ lạnh dưới 0°C.
Tôi cần bê 2 lít nước ấm qua đám tuyết dày 1 mét trơn trượt như băng để những con gà của tôi có cái mà uống. Nước đã nhỏ vào khe cửa trong ngày ấm hôm trước và đóng băng lại khiến cánh cửa bị đóng cứng. Trong khi thực hiện nhiệm vụ mệt nhọc với đám tua-nơ-vít, dao và diêm để mở cánh cửa, từ lòng bàn tay rát bỏng và cái cổ lạnh giá do bị một nắm tuyết rơi vào của tôi nảy ra một ý nghĩ: Tôi đã nhầm hoàn toàn trong suốt những năm này. Tôi không bóc lột chúng. Chúng được hạnh phúc, an toàn, ấm áp và được cho ăn. Tôi là người phải chịu khổ cực. Những con gà thậm chí không chịu đi trên tuyết, chứ đừng nói đến chuyện mang đồ ăn đến cho tôi. Vệt nước lạnh chảy xuống sống lưng tôi giống như tia sáng lạnh lùng của sự thật. Những con gà đã khiến con người làm việc cho chúng. Đổi lại, chúng chăm lo cho chúng ta, nhưng không phải bằng cách mang nước cho chúng ta, mà bằng cách cung cấp thực phẩm — thịt và trứng — và một loạt hoạt động có ích cho nông trại khác. Đó là một quan hệ hợp tác, một quan hệ có ích cho cả hai bên cho đến khi hình thức nuôi gà kiểu nhà máy công nghiệp ra đời. Bộ gen gà rừng đánh cược vào con người và đó là một canh bạc thắng lớn. Chúng ta đã mang con gà đi khắp nơi trên quả địa cầu, mở rộng lãnh thổ của chúng vượt xa cả những giấc mơ táo bạo nhất của một con gà rừng mẹ sẵn sàng làm tất cả vì những cái trứng của nó.

Đấy là luận điểm chính trong cuốn sách tuyệt vời của Michael Pollan, Thực vật học của Sự Ham muốn: Cái nhìn Thế giới từ Con mắt của Cây (The
Botany of Desire: A Plant's-Eye View of the World).
Chúng ta tự động nghĩ rằng thuần hóa là thứ chúng ta làm đối với các loài khác. Nhưng nó cũng có lý như vậy khi nghĩ rằng nó là điều một số loài cây và động vật làm đối với chúng ta, một chiến lược tiến hóa thông minh phục vụ cho lợi ích của chúng. Những loài đã dành khoảng 10.000 năm trở lại đây để nghĩ ra cách cung cấp thực phẩm, chữa lành, cung cấp vải vóc, làm say sưa hay khiến chúng ta vui sướng là những câu chuyện thành công lớn nhất của thiên nhiên.
Ví dụ? Ông chỉ ra 50 triệu con chó nhà ở Hoa Kỳ so với khoảng mười ngàn con sói. Chó hoang đã tìm thấy một cuộc sống tốt hơn bên cạnh con người. Đầu tiên là có rất nhiều thịt để ăn. Và khi chúng càng giúp nhiều cho con người, khi chúng tìm kiếm, rượt đuổi và hạ thủ nhiều con mồi cùng chúng ta thì càng có nhiều thức ăn cho chúng.

Có hai triệu loài động vật đã được phân loại trên hành tinh này và vô số loài đang chờ được phân loại. Chỉ có bốn mươi loài đã gắn tương lai của chúng với chúng ta. Chúng ta đã thay đổi chúng — yêu cầu chúng trở nên to hơn, nhỏ hơn, nhanh hơn, hiền hòa hơn — và chúng đã thay đổi chúng ta. Một nửa nhân loại giờ đây sở hữu gen cho phép tiêu hóa lactose, kết quả sinh học của thí nghiệm loài bò làm đối với con người. Và toàn bộ cách sống của chúng ta đã thay đổi, từ săn bắn - hái lượm chuyển thành làm nông nghiệp và làm vườn. Tất cả là vì chúng ta thích những cái mà một số động vật và thực vật đem lại cho chúng ta.

Trong số 422.000 loài cây, chỉ một tỷ lệ rất nhỏ được thuần hóa. Nhưng một số trong đó đã chiếm lĩnh cả quả địa cầu theo nghĩa đen. Cây cối sản xuất ra hàng triệu loại hóa chất để thu hút, xua đuổi, làm tê liệt hay giết chết động vật. Đó là cách một số loài thực vật sinh sản. Và đó cũng là cách chúng tự vệ: hoang dã, đầy hóa chất tinh vi. Chúng không di chuyển được không có nghĩa là chúng đứng thụ động. Và thỉnh thoảng trong quá trình tiến hóa, một loài nào đó trong số chúng reo con xúc xắc di truyền và trúng đậm, tạo ra những chất khớp một cách hoàn hảo với các vùng đem lại cảm giác khoái lạc trong bộ não con người. Các loại cỏ một năm đã trúng đậm với những chất gây nghiện của chúng. Chúng ta ăn chúng và không thể dừng lại được. "Ngữ pháp của chúng ta," Michael Pollan viết, "có thể dạy chúng ta chia thế giới thành những vật chủ động (chủ ngữ) và những vật bị động (vị ngữ). Nhưng trong quan hệ cùng tiến hóa, mọi chủ ngữ cũng là một vị ngữ và mọi vị ngữ là một chủ ngữ. Đó là lý do tại sao sẽ là hợp lý nếu nghĩ về nông nghiệp như cách các loài cỏ làm với con người để thông qua đó thống trị những loài cây khác."

Chúng ta là lực lượng đánh thuê. Từ cách nhìn cây ngô, chúng ta chỉ là những con ngựa thồ.

* * * * * *

Chúng ta cần đưa chúng ta khỏi vị trí chủ ngữ. Chúng ta cần nhận ra rằng chúng ta không phải đặc biệt đến vậy. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta làm cái việc chỉ có con người làm này — thay đổi cây cối và động vật để phù hợp với nhu cầu của chúng ta cho đến khi chúng phụ thuộc vào chúng ta. Nhưng tất cả các con thú săn mồi đều thay đổi con mồi của chúng, và tất cả các con mồi đều phụ thuộc vào thú săn mồi. Bạn có nghĩ rằng những con tắc kè hoa chỉ đổi màu cho vui, hay lý do những con nai có đốm và bản năng nằm yên hoàn toàn bất động là gì?

Hiện nay, loài hươu đang tràn ngập các khu rừng phía đông bắc, ăn hết cả các cây non. Trong 50 năm nữa, có lẽ chẳng còn rừng nữa, và điều đó nghĩa là sẽ chẳng còn loài hươu nữa. Đấy là vì, thông qua sự can thiệp của con người, không còn đủ thú săn mồi nữa, và để tồn tại, các con hươu cần thú săn mồi. Pollan giải thích, "Cho dù những người sống tách biệt khỏi thế giới tự nhiên nhìn nhận nó thế nào đi nữa, hành động săn mồi không phải là một vấn đề về đạo đức hay chính trị; nó là một vấn đề cộng sinh... Săn mồi gắn liền với cỗ máy của tự nhiên, và cỗ máy ấy sẽ tan rã nếu hành động săn mồi bị chấm dứt bằng một cách nào đó, nếu con người 'làm một cái gì đó chẳng hạn.'" Trong trường hợp vùng đông bắc Hoa Kỳ, con người đã làm một cái gì đó, và khi không có chó sói cùng sư tử núi, khi không có sự săn mồi, kết quả mỗi năm ngày càng tồi tệ hơn. Số lượng loài hươu đã bùng nổ vượt quá mọi ranh giới của sự bền vững. Ted Williams viết:
Trong một thí nghiệm kéo dài 10 năm, Cơ quan Kiểm lâm Hoa Kỳ đã phát hiện ra rằng với hơn 20 con hươu trên một dặm vuông, rừng sẽ mất đi chim gõ kiến, chim cha, chim đớp ruồi, chim cu cu mỏ vàng và chim họa mi châu Mỹ .... Với 38 con hươu trên một dặm vuông, rừng sẽ mất đi chim phoebe và thậm chí cả chim két. Những loài làm tổ dưới đất như chim lò, gà gô, chim dẽ, chim đớp muỗi và gà tây có thể làm tổ trong bụi dương xỉ, thứ mà loài hươu không thích, nhưng cả những con chim này cũng sẽ bị suy giảm nghiêm trọng do chúng cần những bụi dày.
Ông mô tả Crane Estate, một vùng bờ biển phía bắc Boston, hoàn toàn mất trắng các loài cây địa phương, những đồi cát trọc của nó bay theo gió, và hệ động vật bay cùng với nó. Bản thân những con hươu cũng đang chết đói do đã vượt quá khả năng duy trì của mảnh đất từ lâu. Chúng đang trong quá trình làm thoái hóa vĩnh viễn mảnh đất. Không có những con thú ăn thịt, đất chết. Trong trường hợp này, những con thú ăn thịt đó, chủ yếu là báo sư tử và sói, bị giết sạch bởi người châu Âu định cư từ ngày xưa. "Hành vi này làm người da đỏ kinh ngạc," Williams viết. "Sau khi tranh luận và đưa ra nhiều suy đoán, họ quyết định coi đó là một triệu chứng của bệnh điên."

Thú săn mồi - con mồi suy cho cùng là một quan hệ qua lại: mỗi bên đều cần bên kia, và thay đổi bên kia. Pollan viết, "Việc săn bắn của con người ... làm thay đổi loài bò thảo nguyên châu Mỹ, ... chúng thay đổi cả về thể chất lẫn hành vi sau sự có mặt của người da đỏ." Và các loài động vật nhai lại đã thay đổi con người cũng như chúng ta đã thay đổi chúng Protein và mỡ chất lượng cao, đặc biệt là từ các cơ quan nội tạng chứa đầy chất dinh dưỡng, cho phép hệ thống tiêu hóa của chúng ta thu nhỏ lại và bộ não của chúng ta lớn lên. Những con thú lớn thời tiền sử, những con bò rừng, linh dương và voi ma mút, thực sự đã cho phép chúng ta trở thành con người như ngày nay. Có lý do để chúng là chủ đề trong những bức vẽ đầu tiên của chúng ta.

Còn về cây cối, chúng đã sử dụng động vật như một chiến lược nhân giống trong 100 triệu năm nay, kể từ khi các cây hạt kín xuất hiện trên sân khấu tiến hóa. Khi đó một số loài cây sinh sản bằng cách tạo ra hoa. Những bông hoa ấy cần động vật để thụ phấn cho chúng. Một khi được thụ phấn, những bông hoa sẽ chuyển thành hạt, và đến lượt những cái hạt cần động vật mang chúng đi xa. Một số loài cây sử dụng sức gió để thụ phấn và mang hạt đi xa, những cái dù tí hon của cây kế sữa là ví dụ. Những loài khác học cách thu hút động vật bằng màu sắc, mùi và vị: màu đỏ rực rỡ cho chim ruồi, mật ngọt cho ong. Những loài cây ấy tiến hóa cùng với các động vật của chúng. Chúng phụ thuộc vào côn trùng, chim chóc và chuột bọ cũng như cây ngô phụ thuộc vào con người vậy. Ví dụ:
Nhiều loài cây keo, được gọi là cây keo kiến, có mối quan hệ rất phát triển với một số loài kiến nhất định. Trong trường hợp cây keo Acacia ornigera và loài kiến Pseudomyrmex ferruginea, mỗi bên phụ thuộc hoàn toàn vào mối quan hệ của chúng với bên kia.... Cái cây có những cái gai phồng to mà các con kiến có thể đục ra làm tổ. Ở cuống lá của nó sinh ra một thứ mật cung cấp cho những con kiến carbohydrate chúng cần; vùng màu cam sáng ở đầu các lá non... cung cấp cho những con kiến protein và chất béo.... Con kiến chúa của một tổ kiến keo đi tìm một cây keo kiến bỏ trống, khoét sâu vào một cái gai và đẻ trứng ở đó .... Chỉ trong vòng 9 tháng sau khi con kiến chúa đến, những con kiến thợ đã tuần tra trên khắp cái cây, đi lên đi xuống các cành và lá suốt ngày đêm. Chúng tấn công — cắn và đốt — bất cứ con côn trùng nào chúng thấy, và chúng giết chết bất cứ cây nào mọc trong bán kính 75 cm từ cái cây của chúng.... Những cây keo kiến non chưa có tổ kiến bị thiệt hại nặng nề từ các loài côn trùng khác.... Trên thực tế, cây keo kiến sống được là nhờ những con kiến của nó.
Thuần hóa không phải là sự thống trị của con người. Vâng, bây giờ chúng ta hiểu cơ chế di truyền và nhân giống, và chúng ta muốn tin rằng chúng ta là chủ. Bạn có thể khẳng định rằng con người là đứng đầu, làm chủ — nhưng lúa mì và ngô, từ 350 triệu hecta trên khắp địa cầu, sẽ nói khác. Và chúng có công sức nhọc nhằn và những bộ xương thoái hóa của chúng ta làm bằng chứng.

* * * * * *

Liệu sự sống trên Trái Đất này có phải là một sinh vật duy nhất không, và liệu tất cả chúng có phải có tri giác không là những câu hỏi tâm linh tối thượng. Tôi không cho rằng câu trả lời có thể có được thông qua lý luận, chỉ có thể được trải nghiệm. Và tôi đã có những trải nghiệm của tôi. Tôi biết tôi tin vào điều gì. Tôi không yêu cầu bạn đồng ý với tôi, chỉ yêu cầu bạn quan sát. Những con sóc chôn quả thông. Cây thông cho con sóc ăn. Bướm vua cần cây bông tai, và không phải chỉ để lấy đường. Cây bông tai sản xuất một loại hóa chất đặc biệt trong mật hoa của nó khiến bướm vua trở thành chất độc đối với những con vốn ăn nó. Ai làm việc cho ai? Mối quan hệ của con người đối với gà và lợn, cây lúa và lúa mạch, cũng không có gì khác.

Yêu cầu đầu tiên của quá trình thuần hóa là một loài cây sẵn sàng biến đổi bộ gen của nó để phù hợp với nhu cầu của con người. Con người thu hoạch, thông qua đó vô tình phát tán và bảo vệ loài cây đó. Những hoạt động như vậy phổ biến đối với người săn bắn - hái lượm và nó gây ra những thay đổi về gen đối với những loài cây dễ tính, dễ thay đổi, như là cho hạt to hơn và cuống ít bị gãy. Những loài cây ấy trở nên hấp dẫn với con người hơn, nhưng cũng phụ thuộc vào con người hơn. David Rindos gọi giai đoạn này là thuần hóa ngẫu nhiên. Giai đoạn tiếp theo xảy ra khi cái cây cần con người phát tán nó và con người thực hiện những hành động có chủ ý để phát triển cái cây. Rindos gọi đây là thuần hóa chuyên môn. Tài liệu khảo cổ học cho thấy những thay đổi tương ứng trong kích thước hạt, vỏ và cơ chế phát tán. Cảnh quan trên mặt đất cũng thay đổi do hoạt động con người, mặc dù những hoạt động đó vẫn nằm trong phạm vi săn bắn - hái lượm (thường là đốt và dọn quang rừng). Các loài cây dại đa dạng vẫn còn tồn tại do các cây thuần hóa chưa cung cấp đủ để nuôi sống con người và con người vẫn phải phụ thuộc vào các nguồn khác.
Ở giai đoạn cuối cùng, thuần hóa nông nghiệp, các loài cây thuần hóa vượt quá cây hoang dã và con người tiến hành thay đổi môi trường một cách toàn diện để phục vụ cây thuần hóa. Vào thời điểm này, sự đa dạng loài suy giảm nghiêm trọng và con người trở nên phụ thuộc vào các loài cây và động vật đã được thuần hóa hoàn toàn.

Để nông nghiệp toàn diện có thể xảy ra, ba điều kiện cần được đáp ứng. Thứ nhất, phải có một tập hợp những loài cây và động vật phù hợp, dễ thay đổi. Tập hợp này về cơ bản là yếu tố hạn chế. Đây là lý do tại sao con người ở Bắc Mỹ chỉ có thể làm nông nghiệp trong những khu vực nhỏ. Không có loài tiềm năng có thể thuần hóa được trong số các loài thú lớn thời tiền sử ở Bắc Mỹ. Khi không có động vật được thuần hóa, con người ít vận động phải dựa vào sông, cửa sông và biển để có được mỡ và protein động vật. Bên ngoài các đồng bằng sông và khu vực ven biển, nông nghiệp không thể thực hiện được. Ở Trung Mỹ và Nam Mỹ, lạc đà không bướu cùng chuột lang và gà tây được thuần chủng, và thế là nông nghiệp tiến triển theo chu trình hủy hoại thông thường của nó.

Thứ hai, môi trường ban đầu phải đủ giàu có về tài nguyên để dân số con người bắt đầu phát triển. Đây là điều quan trọng vì nó dẫn đến yếu tố thứ ba: sự xáo động con người gây ra đối với môi trường. Khi con người tập trung trong các lán trại khi du cư theo mùa, họ sẽ đốt vùng đất xung quanh để dựng trại, rồi dẫm đạp một vùng rộng hơn xung quanh đó, đốt thêm nữa để săn bắt thú, và thải ra một đống chất thải. Các hạt được thuần hóa, đặc biệt là những giống cỏ một năm, được thải xung quanh một cách vô tình, gieo một cách có mục đích, hoặc cả hai, và chúng rất phù hợp với môi trường bị xáo động ấy. Những người làm vườn cũng trồng cây cho quả và những cây có ích khác trước khi rời khỏi một khu trại. Ví dụ, trong các khu rừng nhiệt đới ẩm Nam Mỹ, hơn 300 loài cây đã được thuần hóa theo chu trình này trong nhiều thế kỷ. Rừng nhiệt đới ẩm tồn tại ngày nay là kết quả chung của tương tác giữa người và cây.

Chìa khóa của một nền nông nghiệp toàn diện là các loài cỏ mọc một năm. Nếu bạn muốn hiểu quá trình hủy diệt kéo dài 10.000 năm gây bởi con người, bạn phải hiểu bản chất của những cây mọc một năm. Tuyệt đại đa số thực vật trên hành tinh chúng ta là cây lâu năm. Một khi bám chắc rễ, chúng sẽ sống hàng năm trời, đôi khi hàng thế kỷ, tích tụ ánh nắng mặt trời thành cellulose. Do chúng có rất nhiều thời gian để sinh sản, chúng sử dụng nhiều chiến lược sinh sản: thân leo, củ, thân đốt, hạt. Chức năng của chúng trong hệ sinh thái là cực kỳ quan trọng: rễ chúng giữ cho đất khỏi bị mất đi. Nếu không có đất màu thì sẽ không có sự sống, hay ít nhất là không có sự sống trên mặt đất.

Bây giờ đối lập với những thứ đó là cây một năm. Chúng chỉ sống trong một hai mùa ngắn ngủi, và trong thời gian đó, chúng phải hoàn thành mục đích sống của chúng: sinh sản. Vậy nên chúng chỉ tập trung vào một chiến lược: những cái hạt to, béo mập. Những cái hạt đó rất kiên nhẫn, bởi vì chúng phải như vậy. Không có ích gì trong việc nảy mầm khi đối thủ cạnh tranh là những cây lâu năm đã bám rễ chắc. Những cái rễ con tí hon của chúng không có cơ hội nào chống lại được mạng lưới chặt chẽ của rễ cây lâu năm. Chúng đợi cho đến khi điều gì đó xảy ra, hủy diệt những cây lâu năm và để lộ đất trống — lửa, lũ lụt, động dất, đàn bò di cư, con người. Khi những cây lâu năm tạm thời bị dẹp sang một bên, các cây một năm chỉ còn lại mình chúng với nhau. Những cái hạt nảy mầm, rễ đi xuống, mầm cây nhú lên, và những cái cây bắt đầu bắt tay vào làm việc để trở nên hấp dẫn. Chúng không có nhiều thời gian để gửi ra những bức thư tình mang đủ hình dạng, màu sắc, vị ngọt và hương thơm trước khi các cây lâu năm bắt đầu tiến vào và, trong vùng khí hậu ôn đới, mùa đông đến. Vậy là những cây một năm nhanh chóng tìm cách được thụ phấn, những cái đài hạt phồng lên và vỡ ra, và một thế hệ hạt mới lại nằm trong lớp đất đợi thảm họa giáng xuống lần tiếp theo. Chúng là bằng chứng sống rằng thiên nhiên yêu thích những kẻ cơ hội.

Từ quan điểm của đất, không gì có thể tốt hơn thế. Đất trống là một tình trạng khẩn cấp và cây một năm là những người lính cứu hộ. Chúng giữ và bảo vệ đất bằng cơ thể rễ và lá của chúng. Cây một năm giống như kiểu lớp băng phủ ngoài vết thương, trong khi cây lâu năm là da thịt cuối cùng mọc trở lại.

Điểm khởi đầu của nông nghiệp là các loài cỏ một năm — tổ tiên hoang dã của cây ngô, lúa, lúa mì, lúa mạch (chỉ có cây khoai tây của vùng Andes là cây củ ngoại lệ) — bởi vì chúng sản sinh ra những cái hạt đủ lớn để bõ công thu hoạch. Chúng sống ở các vùng đồng bằng sông dễ bị ngập lụt nơi chúng có điều kiện thuận lợi từ những xáo động môi trường thường xuyên. Thế rồi con người đến, đốt lửa, ăn uống, thải ra và đó chính là điều các cây cỏ một năm cần. Chúng đi theo các lán trại của con người. Chúng thích mọc trên những vùng đất bị xáo động mà con người tạo ra.

Nông nghiệp bắt đầu từ sáu trung tâm riêng biệt với những loài cây khác nhau: ngô từ vùng Trung Mỹ; lúa gạo từ vùng sông Hoàng Hà và Dương Tử ở Trung Quốc và sống Hằng ở Ấn Độ; một giống lúa gạo khác ở Tây Phi; lúa mì từ vùng Trung Đông; những loài cỏ mọc vùng nước lũ (bầu, hoa hướng dương và cây chenopod họ rau muống) từ vùng nam Hoa Kỳ; và khoai tây từ vùng núi Andes. Những vùng đất trên sinh ra nông nghiệp và rồi, không lâu sau, nền văn minh đô thị. Điều này xảy ra không chỉ vì mỗi hành động của con người, mà còn vì các cây một năm bị thu hút bởi hành vi của con người.

Đó là cách nông nghiệp hình thành. Nhưng nó không giải thích tại sao. Tại sao con người từ bỏ cuộc sống nhàn rỗi với sức khỏe gần như hoàn hảo để đổi lấy sự lao động cực nhọc và dinh dưỡng tồi?

Sự chuyển đổi sang nông nghiệp "từ lâu đã được ca ngợi ... như một tiến bộ lớn trong nền văn minh nhân loại, nhưng ... sức khỏe suy giảm trong quá trình chuyển đổi." Sự bắt đầu của nông nghiệp để lại những dấu vết rõ ràng trong xương và chất thải còn lại đến ngày nay, bằng chứng của tội ác chống lại nòi giống con người: "suy dinh dưỡng, viêm tủy xương và sưng cốt mô (nhiễm trùng xương), ký sinh trùng đường ruột, bệnh ghẻ hờm, giang mai, bệnh phong, bệnh lao, chứng thiếu máu (do chế độ ăn kém hoặc giun móc), bệnh còi xương ở trẻ em, loãng xương ở người lớn." Các nhà nhân chủng học y tế có thể nhìn vào một mảnh xương và nói ngay được nó là từ người sống trong xã hội săn bắn hái lượm hay xã hội nông nghiệp. Những người thợ săn có sức khỏe tuyệt vời. Những người nông dân thì tơi tả.

Và rồi đến lao động cực nhọc không bao giờ chấm dứt. Một người săn bắn hái lượm trung bình làm việc 17 giờ một tuần, và do đó có rất nhiều thời gian cho các hoạt động sáng tạo, suy ngẫm về tâm linh, hay chỉ đơn giản nói chuyện phiếm hay ngả lưng làm một giấc. Những người nông dân làm việc từ sáng sớm đến tối mịt và rồi còn làm thêm nữa. Ngay cả tại nước Mỹ hiện đại, với tất cả những công nghệ kỳ diệu của chúng ta, một người Mỹ trung bình làm việc hơn 40 giờ một tuần. Đấy là chưa kể các công việc không tên (thường giao cho phụ nữ) như nấu ăn, dọn dẹp và nuôi dạy con cái. Thực sự là làm như trâu. Tại sao con người lại làm vậy?

Nhiều lý thuyết đã được đưa ra, nhưng chưa có cái nào vượt qua được hết các thử thách của dữ liệu thực tế. Lý thuyết tôi học ở trường là áp lực gia tăng dân số buộc con người phải tìm cách làm cho đất đai cho nhiều thực phẩm hơn. Nghe cũng có vẻ có lý. Giá mà nó đúng như vậy. Nếu áp lực gia tăng dân số là nguyên nhân thì các nhà khảo cổ học phải tìm thấy những bộ xương giòn, còi cọc và thoái hóa của người cổ đại bị suy dinh dưỡng trước khi nông nghiệp ra đời. Nhưng họ không tìm thấy. Thay vào đó, họ tìm thấy những bộ xương to, dài, khỏe mạnh, không có chút dấu hiệu bệnh tật nào của người săn bắt hái lượm cổ đại. Chỉ sau khi có nông nghiệp thì dân số con người mới bùng nổ quá khả năng nuôi dưỡng của đất đai. "Áp lực dân số có vẻ không có vai trò trực tiếp nào trong giai đoạn đầu của quá trình thuần hóa," Douglas T. Price và Anne Birgitte Gebauer kết luận.

Các nhà khảo cổ học cần nói chuyện với các nhà dược học. Cừu hoang sẽ cố gặm đến khi mòn cụt hết răng để ăn giống địa y gây nghiện mọc trên đá. Gia súc sẽ quay lại ăn cây đậu ván dại cho đến chết. Chim ăn hạt cần sa đến cứng đờ ra, và báo đốm ăn vỏ cây leo yaje để được trải nghiệm ảo giác. Voi làm rượu vang từ nhựa cây cọ. Chim ăn các quả dâu lên men đến mức chúng say bí tỉ, mất phương hướng và rơi xuống chết trong khi bay. Vịt sẽ tìm đến các loại cây có chất ma túy. Khỉ và chó mê mẩn với khói thuốc phiện. Vượn sẽ vượt qua nỗi sợ lửa của chúng để hút thuốc lá, và thuốc lá gây nghiện cho một số loài động vật, bao gồm vẹt, khỉ đầu chó và chuột đồng. Tuần lộc sẽ bỏ qua thức ăn để đi tìm nấm gây ảo giác nếu chúng ngửi thấy mùi từ các pháp sư Lapp. Bây giờ lưu ý rằng cây anh túc là một trong những giống cây được thuần hóa đầu tiên - và không ai thu hoạch những cái hạt tí hon ấy để ăn cho bữa ăn cả.

Có những dược chất trong các loài cây một năm được thuần hóa gọi là exorphin. Chúng là những chất gây nghiện, ảnh hưởng lên não bộ con người giống như thuốc phiện. Vâng, chúng gây nghiện. Sữa, một thực phẩm nông nghiệp khác, cũng chứa exorphin, mặc dù với lượng ít hơn nhiều. G. Wadley và A. Martin, hai nhà nghiên cứu phát triển lý thuyết này, tuyên bố rằng,
việc tiêu thụ các loại ngũ cốc và sữa, ở mức độ như trong chế độ ăn bình thường thời nay, kích hoạt các vùng mang lại cảm giác khoái lạc trong bộ não. Những loại thực phẩm phổ biến trong chế độ ăn trước khi nông nghiệp ra đời ... không có dược tính này. Ảnh hưởng của các chất exorphin này cũng tương tự như ảnh hưởng gây ra bởi các chất gây nghiện ... ma túy khác, bao gồm cảm giác khoái lạc, có động lực, giảm lo âu, hạnh phúc, và có lẽ thậm chí cả gây nghiện. Mặc dù ảnh hưởng của một bữa ăn bình thường về lượng là ít hơn một liều ma túy, hầu hết con người hiện đại trải nghiệm nó nhiều lần mỗi ngày, ngày này qua ngày khác trong suốt cuộc đời họ.
Theo lời hai tiến sĩ Michael và Mary Dan Eades, "Không có ai ăn bít tết hay trứng hay thịt lợn đến mức không dừng lại được; họ chỉ làm vậy với bánh quy, kẹo và các loại thực phẩm rác rưởi đầy tinh bột khác ... Ngũ cốc và các sản phẩm từ ngũ cốc có sức hấp dẫn vượt quá vị giác mà chúng kích hoạt."

Chúng ta làm vậy vì chúng ta bị nghiện, bởi vì những thứ ngũ cốc một năm ấy mang lại cho chúng ta chất làm thỏa mãn cơn nghiện. Thực vật đã thực hành với hóa chất 100 triệu năm nay, thử nghiệm mọi cách để đẩy lui những sinh vật làm hại chúng và thu hút những sinh vật có lợi. Chúng tạo ra những chất như caffeine làm giảm vị giác, những chất gây ảo giác có thể tạo ra sự rối loạn, mất phương hướng, những chất hormone phá hoại hệ thống sinh sản và cả những chất độc thực sự để giết đối thủ, tất cả đều chuẩn xác đến đáng kinh ngạc. Chúng cũng thử nghiệm với những hóa chất để thu hút, tạo ra cảm giác hạnh phúc, cực khoái, trải nghiệm tâm linh, và kích thích các vùng khoái lạc trong bộ não. Quá nhiều sẽ khiến động vật có lợi trở thành một kẻ nghiện ngập vô dụng. Nhưng chỉ vừa đủ thì kẻ nghiện có thể làm rất nhiều thứ cho cái cây đó và sẽ làm mọi điều để có thể được thêm nữa.

Như là xâm chiếm cả thế giới.

Dịch bởi Sott.net